Đọc, tìm hiểu Nguyễn Công Trứ khó mà không gợi nghĩ và liên tưởng tới Cao Bá Quát, dẫu với rất nhiều khác biệt giữa họ. Bởi cả hai là sản phẩm của một thời đại, và là tiếng nói tiêu biểu cho giới trí thức Nho học trọn nửa đầu thế kỉ XIX, với những thử thách và bi kịch đặt ra không còn giống với thế kỉ XVIII trước đó; và cũng không giống nửa sau thế kỉ XIX khi đất nước phải trực tiếp đối đầu rồi mất vào tay chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Thuộc thế hệ tiền bối, Nguyễn hơn Cao 30 tuổi. Khi Cao
ra đời, dẫu đã có sớ Thái bình thập sách dâng Gia Long trước đó 4 năm
(1804) Nguyễn vẫn còn là hàn sĩ. Khi Cao mất ở tuổi 47 và bị bêu đầu, Nguyễn
vẫn còn tiếp 3 năm tuổi già ở chốn quê nhà. Không biết thái độ của Nguyễn đối
với Cao ra sao; còn về Cao thì ít nhất 2 lần có quan hệ với Nguyễn. Lần đầu,
Cao có thơ họa tặng Nguyễn ở tuổi 70 cáo lão về hưu, khi cả hai cùng ở Kinh.
Lần hai, khi Nguyễn ở quê được dân khẩn hoang Tiền Hải - Kim Sơn nồng nhiệt đón
rước trong một dịp ra thăm, khiến triều đình lo lắng, dị nghị...
Hãy thử lược kể một số điểm giống và khác giữa hai
người.
Cả hai đều ngông, tất nhiên sắc thái ngông là có khác
nhau, bởi cả hai đều là người có tài, và thị tài.
Cả hai đã để lại 2 bài phú Nôm về cái nghèo, cái bần
cùng chung cho các bậc hàn sĩ thuộc loại hay nhất trong thể phú ở thế kỉ XIX và
rộng ra là nền phú Nôm trung đại. Một là Hàn nho phong vị phú của Nguyễn
Công Trứ vào đầu đời, khi đang còn là một trang công tử xác gắng thu xếp “cung
kiếm cầm thư vào
một gánh”... Một là Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát cũng vào đầu đời,
trong cảnh “đa cùng”, “tóc xanh” đang nuôi chí “gánh vác giang sơn, quyết
ném thanh khâm sang cẩm tú”.
Cả hai đều hăm hở trên con đường công danh, qua con
đường cử nghiệp, nhưng đều lận đận. Nguyễn, đến 1819 mới giành được cái Giải
nguyên; năm sau - ở tuổi 42 mới được nhận Hành tẩu bộ Lễ.
Cao giành được Cử nhân năm 1831, ở tuổi 23, suýt được Á
nguyên, nhưng bị soi mói nên phải rơi xuống áp chót. Ba lần trẩy kinh thi Hội
đều hỏng; nhưng văn tài thì lẫy lừng sớm, giới trí thức và quan trường không ai
không biết - để có các truyền ngôn và giai thoại: “Thần Siêu - Thánh Quát”.
“Thiên hạ có ba bồ chữ thì ông chiếm một”... Có lẽ vì thế nên vào đầu triều
Thiệu Trị, Cao được gọi vào Kinh, ở tuổi 33, cũng được nhận chức Hành tẩu bộ
Lễ.
Nguyễn - quan lộ tuy muộn, với rất nhiều trồi sụt,
thăng giáng, “lên voi xuống chó”, nhưng trong ngót 30 năm Nguyễn cũng có nhiều
lúc hanh thông; ở đỉnh cao danh vọng - đó là lúc nhận ấn Binh bộ Thượng thư kiêm
Thự Tổng đốc Quảng An năm 1836, ở tuổi 58...
Cao 12 năm quan lộ, tủi cực đủ điều; ở nha môn thì ít,
bị đầy đọa thì nhiều, vì nạn nọ đến nạn kia. Vừa mới nhận Hành tẩu bộ Lễ, được
cử giám khảo thi Hương, do cùng Phan Nhạ chữa bài cho 24 học trò mà bị hạ ngục,
tra tấn, bị ghép vào tội tử hình, được hạ xuống trảm giam hậu, rồi phải lên tàu
thuyền đi công vụ “hiệu lực” ở mấy nước láng giềng thuộc Biển Đông trong mấy
tháng, cuối cùng bị thải hồi về quê ở tuổi 35. Mùi lộc quan nha chưa hề được
nếm đã phải nếm đòn roi. Năm 1847 lại được vời về Kinh, lo việc giấy tờ, biên
tập thơ ca ở Viện Hàn lâm. Chán nghề - nhưng giao du rộng với giới trí thức,
trong đó có những người nổi tiếng như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Nguyễn Văn
Siêu, Nguyễn Hàm Ninh... Lại trở về quê, rồi được cử Giáo thụ phủ Quốc Oai năm
1850. Những chức quan mọn, cái tài tuyệt không được sử dụng, luôn sống trong
nghèo túng, dằn vặt vì trách nhiệm với gia đình, vì nghĩa vụ với đất nước, với
nhân dân. Ở chức quan cuối cùng này, chính Cao đã ghi lại cảnh sống của mình:
Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng
Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng
Nhà trống ba gian - một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa - nửa người, nửa ngợm, nửa đười
ươi.
Nguyễn, đời quan cũng nhiều bầm dập, thăng giáng liên
tục; thăng là do công lớn, như dẹp Phan Bá Vành, như làm Dinh điền sứ; nhưng
giáng thì rất chóng, bởi những nguyên cớ không có gì to - chẳng hạn một tên tù
sổng mà hạ 4 bậc; có lúc bị vu cáo có thuộc hạ buôn lậu mà bị hạ xuống làm lính
thú - biên phòng. Từ Tổng đốc, Binh Bộ Thượng thư đến lính thú - đó là hai cực vinh-nhục của
đời người; ứng phó với tình cảnh ấy, Nguyễn an nhiên trong một thái độ: Nếu
chức Tổng đốc không xem là vinh, thì làm lính thú không có gì là nhục. Một đời
tận hiến cho vua - trọn vẹn cả hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị, rút lại chỉ
còn được cái hàm Thừa Thiên Phủ doãn để về hưu, dẫu mấy lần dâng sớ xin hưu
nhưng Thiệu Trị không cho.
Còn Cao, tài không những không được dụng mà còn bị rẻ
rúng, lăng nhục. Bị tra tấn, bị đày ải, bị bỏ rơi... Nhưng rút lại Cao không
chịu làm một hạt bụi vô danh, mà dấn thân vào một lối khác, để làm một cuộc
bùng nổ, ở tuổi 47 và để lại cho hậu thế bao giai thoại, thơ văn gắn với hành
trạng, tính cách một con người nổi loạn:
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương
...
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.
Trong khi Nguyễn lui về cảnh yên hàn với những lạc thú
trong bầu rượu, túi thơ, đàn sáo, ca kĩ... ở quê nhà.
Nguyễn dẫu có bị những đối xử bất công, nhưng cũng đã
có lúc được gần vua. Khi đang ở chức Bố chánh Hải Dương (1832) Minh Mạng đã sai
người gửi cho ông 20 gói trà, trong mỗi gói giấu 1 nén bạc; bởi Minh Mạng biết
Nguyễn thanh liêm, nên có dặn lúc nào túng thiếu thì mật báo cho vua. Như thế
là thân tình lắm! Còn Cao, làm gì có được cái ơn ấy ở Tự Đức - người rất biết
văn tài Cao, trong câu đối: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy
thất Thịnh Đường”, nhưng quyết không dùng, vì có lần bị Cao chơi xược.
Cả hai giống nhau ở ý thức dấn thân, nhưng một người
đến cuối đời vẫn là trung thần, còn một người là nghịch tử.
Hai thái độ sống của người trí thức trong nửa đầu thế
kỉ XIX nằm trọn vẹn trong phần đầu thời Nguyễn - từ Gia Long đến Tự Đức. Hai
thái độ cần tìm đến sự giải thích trong bối cảnh thời đại và tư chất cá nhân
của Kẻ Sỹ.
*
* *
* *
Cần mở rộng cái nhìn ra khung cảnh thời đại, gắn với
các triều đại phong kiến các thế kỉ trước để hiểu cách hành xử và thân phận của
Kẻ Sỹ, qua hai đại diện tiêu biểu trong số ít các trí thức có nhân cách lớn vào
nửa đầu thế kỉ XIX là Nguyễn và Cao.
Các vương triều phong kiến lên ngôi bao giờ cũng bằng
những thủ đoạn tàn bạo, để thanh toán triều đại trước. Nhà Trần thay nhà Lí,
bởi kế sách của quân sư Trần Thủ Độ, cho Trần Cảnh lấy Lí Chiêu Hoàng, và lời
khuyên Lí Huệ Tông, ông vua cuối cùng của triều Lí đang nhổ cỏ ở sân chùa: “Nhổ
cỏ thì phải nhổ hết cả rễ”. Nhưng Trần có được uy tín nhờ vào ba cuộc chiến
thắng Mông Cổ, ghi một dấu son đỏ trong lịch sử trị vì 175 năm. Nhà Lê tiếp
quản một cơ đồ Trần suy thoái, đưa tới sự thoán đạt của Hồ Quý Li, rồi nạn mất
nước trong 20 năm. Cuộc chiến chống Minh vĩ đại của Lê Lợi trong 10 năm, đem
lại vinh quang rực rỡ cho dân tộc. Nhà Lê, tính từ thời Lê Sơ, với người khởi
nghiệp là Lê Lợi cho đến thời Lê Trung hưng với kết thúc là Lê Chiêu Thống là
361 năm, trong đó mất vào tay nhà Mạc 65 năm, và cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn
kéo dài 162 năm.
Tây Sơn là một cuộc khởi nghĩa nông dân, rất hiếm hoi,
và có lẽ là duy nhất trong lịch sử, nhờ cơ hội và nhờ tài ba thao lược của
Nguyễn Huệ mà thực hiện được một sứ mệnh lịch sử lớn là đánh tan 29 vạn quân
Thanh, trong một cuộc tiến quân thần tốc ra Bắc, sau khi tiêu diệt tất cả các
tập đoàn phong kiến Lê Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, mà tạo lập nên
một vương triều chỉ trong 14 năm, trong đó Quang Trung chỉ ở ngôi được 4 năm
(1788-1792) rồi mất ở tuổi 40. Sự qua đời quá sớm của Quang Trung với những
người kế nghiệp sức yểu tài hèn đã khiến cho cơ đồ của Tây Sơn dễ dàng rơi vào
tay Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1802, kết thúc tình trạng rời rã, phân tranh suốt
gần ba thế kỉ - kể từ khi Mạc Đăng Dung tiếm quyền nhà Lê vào năm 1527. Ba thế
kỉ tao loạn, đến bây giờ mới có cơ yên bình, nhất thống. Một nhất thống được ao
ước từ Ngô gia văn phái trong Hoàng Lê nhất thống chí, nhưng phải đến
nhà Nguyễn mới thực hiện được, với một lãnh thổ rộng nhất, từ Lạng Sơn đến Hà
Tiên, với số thần dân đông nhất so với tất cả mọi vương triều trước đó.
Nhà Nguyễn bắt đầu từ ngôi Gia Long (1802-1820) và kéo
dài sự trị vì của vương triều suốt 143 năm, qua 13 đời vua, cho đến 1945. Ngược
về trước, nếu tính từ thời Nguyễn Hoàng nghe lời Trạng Trình xin vào lập nghiệp
ở Thuận Hóa từ năm 1558 để tránh mưu mô trừ diệt của người anh rể Trịnh Kiểm,
qua 10 đời chúa, thì lịch sử trị vì của vua-chúa Nguyễn ở Đằng Trong - bên kia
“Hoành Sơn nhất đái...” là 387 năm, dài hơn thời Lê. Thế nhưng công tích mà nó
đóng góp cho đời lại không phải là một vinh quang mở nước, hoặc dẹp ngoại xâm
mà nên. Công tích của nó cũng không phải ở những chiến công dẹp tập đoàn
Lê-Trịnh; việc đó phong trào Tây Sơn đã làm gọn, sau 2 lần Nguyễn Huệ hành quân
ra Bắc. Công tích của triều Nguyễn chỉ là ở việc tiêu diệt phong trào Tây Sơn,
khi những người kế nghiệp Nguyễn Huệ, non yểu và bất lực, đã hết cả vượng khí
và chẳng còn được lòng dân...
Cần nhớ: sau khi lên ngôi, việc đầu tiên của Gia Long
là tận diệt Tây Sơn - “vì 9 đời mà trả thù”, bằng tất cả các thủ đoạn tàn bạo
trung cổ. Diệt cho không còn rễ; diệt tất cả đám quần thần, bề tôi, bất kể là
phụ nữ hoặc trẻ con... Và thường trực trong lo lắng nhằm tập trung mọi
quyền lực để giữ ngôi. Là việc lập bộ luật Gia Long để củng cố chính quyền,
ngăn chặn mọi hiểm họa đến từ nhiều phía. Là thần phục nhà Thanh, để có một mô
hình chuyên chính, nhằm bảo vệ ngai vàng cho dòng họ và cho mỗi ngôi vị. Chống
nông dân khởi nghĩa, hàng trăm cuộc. Thời Gia Long là 50 cuộc, Minh Mệnh là 200
cuộc, Thiệu Trị là 50 cuộc... Thời Tự Đức, đó là giặc Chìa Vôi và khởi nghĩa
Đoàn Trưng - “Vạn niên là Vạn niên nào. Thành xây xương lính, hào đào máu
dân”... Nếu không có nạn Tây dương xâm lược thì hẳn chắc làn sóng khởi
nghĩa nông dân còn tiếp tục dâng cao và chưa chừng sẽ đưa đất nước vào một thời
kì mới. Gây ra những vụ án lớn để trấn áp mọi sự phản kháng như vụ án các công
thần Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt. Nghị kỵ, không tin cậy người tài trong các
giới trí thức - nhất là Bắc Hà. Nghi kỵ ngay cả người trong dòng họ, đưa tới
những vụ giết hại bi thảm giữa anh em ruột thịt. Sợ giặc Tây dương, nhưng lại
tự kiêu vô lối, không chấp nhận bất cứ ánh sáng văn minh nào, trong chủ trương
bế quan tỏa cảng và khẩu hiệu: Bình Tây sát tả...
Đến hết đời Tự Đức, với Hiệp ước Patenôtre năm Giáp
Thân 1884 thì Việt Nam hết quyền tự chủ, chuyển dần sự cai trị sang chính quyền
thực dân, theo hai phương thức: trực trị ở Nam Kì, và bảo hộ ở Bắc Kì, Trung
Kì. 35 năm triều Tự Đức đó là tình thế lùi bước và thất bại từng phần, rồi toàn
bộ trước sức ép của Tây dương; là mất 3 tỉnh miền Đông, rồi 3 tỉnh miền Tây Nam
Bộ; là 2 lần Hà Nội thất thủ; là 2 phe chủ chiến và chủ hòa đánh nhau ở trong
triều; là cả nước trong phong trào Văn thân nổi lên ở khắp nơi, cuộc này gọi
cuộc kia, nhưng “súng hỏa mai” và “rơm con cúi” thì làm sao mà địch được với
thuốc súng và chiến thuyền. Kể từ Dục Đức, Hiệp Hòa, rồi Hàm Nghi, Đồng
Khánh... vua chỉ còn là con rối, là bù nhìn, chịu sự cai quản của Phủ Toàn
quyền, chịu sự giám sát của Tòa Khâm sứ. Triều thần năm bè bảy mối, đục nước
béo cò, tranh nhau trục lợi và giết hại lẫn nhau. Ai còn chút lòng yêu nước thì
đến với dân trong các cuộc khởi nghĩa, và ái quốc lúc này là ngược nghĩa với
trung quân. Sau 82 năm ở ngôi, nhà Nguyễn đã chấm hết vai trò lịch sử từ 1884.
Cuối cùng, sau thất bại của phong trào Cần vương Phan Đình Phùng, năm 1887,
thực dân Pháp căn bản đặt được ách thống trị của chúng lên toàn cõi Đông Dương,
và Việt Nam chuyển từ xã hội phong kiến sang bán phong kiến - thuộc địa...
Một trang sử bi thảm của đất nước, sau ngót 900 năm giữ
được quyền tự chủ, và không khuất phục trước họa xâm lược phía Bắc. Ai chịu
trách nhiệm trước thảm họa này? Về phía chủ quan không thể không thấy trách
nhiệm chính là vương triều Nguyễn với những tội lỗi mà nó gây ra cho khối đoàn
kết toàn dân; với sự thiển cận chính trị, và sự phản động trong phép trị nước
của nó.
Xét cả công và tội, thì theo tôi, tội là nặng hơn. Tất
nhiên đó là điều vẫn nên tiếp tục bàn luận; bởi nhà Nguyễn ở giai đoạn đầu, từ
Gia Long đến Tự Đức, dẫu có chịu ơn thực dân Pháp, cả 4 triều vua đều có ý thức
rứt ra khỏi những hệ lụy với chúng, để có tinh thần phản kháng ít nhiều. Và
giai đoạn sau khi nước mất, còn có được 3 ông vua yêu nước - là Hàm Nghi 13
tuổi, ở ngôi 2 năm (1884-1885), Thành Thái 8 tuổi, ở ngôi 8 năm (1889-1907) và
Duy Tân 8 tuổi, ở ngôi 9 năm (1907-1916), tất cả đều chỉ mới trưởng thành ở
tuổi 15 đến 17; cả ba rồi bị thực dân bắt đày biệt xứ. Nhưng đây là tình yêu
nước gắn với lợi ích của một vương triều, và trong dẫy dụa của những con chim
trong lồng. Nhìn tổng thể, sự trị vì của nhà Nguyễn trong 143 năm, kể cả trước
và sau Tự Đức, là không tránh được cái tội làm mất nước, nếu xét trong bối cảnh
phương Đông đương thời, Nhật Bản đã có cách thức tự cường mà đuổi kịp phương
Tây. Và nhiều nước ở Đông Á và Đông Nam Á có số phận khác ta.
Điều đáng lưu ý là mặc dầu sự bối rối, bạc nhược của
vua quan triều Nguyễn, nhân dân ta đã nổi dậy, với vai trò lãnh đạo của các Nho
sĩ yêu nước, mà tiến hành một cuộc chiến dài gần nửa thế kỉ; một cuộc chiến dẫu
thất bại là khó tránh, nhưng trong hào khí và danh dự.
Thế kỉ XIX trong “nhất thống” của vương triều Nguyễn
như vậy là được chia ra hai phần, trước và sau 1858, cho đến 1884, khi triều Tự
Đức kết thúc vào năm 1883, để chuyển sang triều Dục Đức chỉ ở ngôi 3 ngày rồi
bị giết, và chuyển sang Hiệp Hòa, chỉ ở ngôi trong 6 tháng, lại bị giết...
Nhưng đó là chuyện của nửa sau thế kỉ XIX khi nước đã mất, chứ không còn là
chuyện của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát - người của nửa đầu thế kỉ XIX, khi
vương triều Nguyễn mới lên ngôi.
*
* *
* *
Cả Nguyễn và Cao đều vào đường cử nghiệp và lập công
danh trong khởi đầu của triều Nguyễn. Những rối loạn thời Lê-Mạc và Lê-Trịnh,
cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn, rồi phong trào Tây Sơn với cuộc chiến lừng lẫy
đánh tan đại quân Thanh, rồi sự truy diệt tàn bạo của Gia Long đối với Quang
Toản và đám quần thần của Quang Trung đã trở thành quá khứ. Bây giờ là một sự
“nhất thống” mới với một chính quyền khôi phục triệt để mô hình phong kiến
Trung Hoa; với bộ luật Gia Long và sự thần phục nhà Thanh; với sự xóa bỏ các
trấn-thành để thay bằng tỉnh, phủ, huyện; với việc tổ chức và khôi phục lại hệ
thống thi cử, để cứ 3 năm một kì thi Hương, chọn Giải nguyên; rồi có tiếp thi
Hội, thi Đình nhằm xây dựng bộ máy nhà nước quan liêu...
Đất nước sau bao rối ren, tao loạn đang mong một cuộc
sống yên bình, khỏi nạn binh đao. Một triều đại mới, tuy giành được thế thắng
tuyệt đối, nhưng luôn lo lắng vì sự bất an của nó, sự đe dọa của rất nhiều hiểm
họa. Đó là các cuộc nông dân khởi nghĩa lớn nhỏ đến hàng trăm, vì đời sống nông
dân quá khổ do nạn mất đất, thuế khóa, cường hào; do thiên tai, đê vỡ, dịch
bệnh. Là không thu phục được nhân tâm nên nuôi lòng nghi kị Kẻ Sĩ. Là xây dựng quyền
uy tuyệt đối cho nhà vua bằng chủ trương 4 không: không Tể tướng, không Trạng
nguyên, không Hoàng hậu, không tước Vương cho người ngoại tộc... Là sự đối phó
với ngay cả trong hoàng tộc, không cần nghĩ gì đến tình anh em máu mủ. Là lo sợ
nạn Tây dương...
Nhưng dẫu sao thì đất nước cũng đã có hòa bình, các thế
hệ Kẻ Sĩ đã có thể nuôi hi vọng lập thân. Và con đường lập thân - chỉ có một,
như độc đạo - đó là việc dùi mài kinh sử, qua cho được các kì thi, để có thể
lọt vào thế giới quan trường, để “tiến vi quan”; và nếu không được, hoặc chưa
được, thì “thối vi sư”. “Quan” hoặc “sư” - là để thoát kiếp nông dân, là để
vượt lên một đẳng cấp khác, được gọi chung là Kẻ Sĩ. Mà muốn lọt vào thế giới
quan trường là phải dấn vào con đường văn chương - cử nghiệp; là phải khởi
nghiệp bằng văn chương. Ở đây văn chương không phải là một trong nhiều nghề như
cách hiểu của chúng ta bây giờ, có khởi đầu từ Tản Đà, và vẫn còn xa lạ với Tú
Xương. Bởi văn chương là tất cả. Nó là kinh điển Nho gia(2). Nó là cái dạy người ta tu thân, tề gia,
trị quốc, bình thiên hạ. Nó là đạo - đạo làm người, đạo làm quan. Nó là chí -
chí lập thân, lập nghiệp. Văn chương không chỉ là học vấn, thậm chí không phải
là học vấn; bởi nó là một thứ cẩm nang để chỉ dẫn mọi suy nghĩ, ứng xử, hành
động của con người. “Tích chứa lại thì thành đạo đức, phát huy ra thành văn
chương, đạo đạt lên thì thành chính sự”.
Trở lại với Nguyễn và Cao, cả hai đều có một khởi nghiệp
là chức Hành tẩu bộ Lễ; Nguyễn thì ngay sau khi giành được cái Giải nguyên; còn
Cao thì phải chờ 10 năm sau kết quả thi Hương rồi mới được nhậm, sau 3 lần hỏng
Hội thí.
Nhưng từ khởi nghiệp đó - một người phải vào tù, bị tra
tấn, bị án trảm giam hậu, bị đi “hiệu lực”, rồi thải về quê... Một người trầy
trật trong thăng giáng, nhưng cho đến tuổi 70 chưa bao giờ phải rời bỏ chốn nha
môn.
Từ là Hành tẩu bộ Lễ bị thải hồi, trở lại Viện Hàn lâm
làm việc biên soạn, ghi chép thơ văn, rồi nhận chức Giáo thụ Quốc Oai, trong
các chức quan bé mọn đó, Cao luôn có hoàn cảnh sống gần dân, chịu cùng nỗi túng
đói, hiểu và thông cảm những ước ao, tâm nguyện của nông dân. Thơ ông do vậy là
bức tranh đời, với “những điều trông thấy”, như về người vác hòm (Phụ tương
tử), về người ăn xin (Cái tử), về người đói gặp trên đường (Đạo
phùng ngạ phu), về ông già ở Phúc Lâm (Phúc Lâm lão), về xem phát
chẩn (Quan chẩn)... Cao là người rất nặng tình với gia đình, quê hương.
Ông từng viết về tuổi già của bố mẹ, về tình cảnh vợ con, về đứa con gái không
may mất sớm. Và quê hương, qua hình ảnh cây gạo đầu làng trở đi trở lại nhiều
lần trong thơ... Đây là khu vực tình cảm ít thấy ở những người khác, kể cả
Nguyễn Công Trứ. Ông còn viết về cái roi, sau những lần bị tra tấn (Đăng
tiên ca); và ao ước một cuộc bùng nổ, qua một lời hỏi ễnh ương (Văn hà
mô)... Gần với Đỗ Phủ, thơ Cao là tiếng thơ của hiện thực; và ta càng hiểu
thêm điều này khi được đọc lời bình của Cao trong một bài viết Tựa cho
truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự trong đối chiếu với Truyện Kiều:
“Kim Vân Kiều là tiếng nói hiểu đời. Hoa tiên là tiếng nói răn đời”...
Với Cao, cho thấy sự phân biệt giữa hiểu và răn, giữa yêu cầu nhận thức và giáo
dục luân lí, Cao đã là người gần với chúng ta hơn. Cao còn có thêm mấy tháng
xuất dương, để có cơ hội nhìn về đất nước trong đối sánh với những gì được thấy
ở xứ người mà ngán cho cảnh “nhai văn nhá chữ”. Thói quen suy nghĩ, tâm hồn
giàu xúc cảm ở Cao đều được dồn hết vào thơ, như một phương tiện giải thoát,
khiến cho - so với tất cả mọi người cùng thời, có lẽ Cao là người có vốn thơ
dồi dào nhất - đến 1350 bài thơ và 21 bài văn xuôi chữ Hán(3), cùng một số thơ và phú Nôm còn giữ lại
được trong một cuộc đời quá ngắn ngủi và sau nạn tru di tam tộc. Đây quả là một
điều lạ, đến kì diệu. Bởi sau một cuộc tru di, dẫu đến ba họ, mà người đời vẫn
giữ gìn được di sản của Cao; một di sản không phải chỉ bằng truyền miệng, với
thơ hoặc ca trù Nôm dễ thuộc, mà bằng các văn bản chữ Hán không dễ giữ và dễ
nhớ chút nào. Với số lượng thơ văn như thế, Cao quả là một tài thơ đương thời
ít ai mà không nể phục, không chỉ trong giới các bạn đồng liêu, mà còn đến cả
các bậc đại thần và đức vua. Nếu cuộc đời quan chức của Cao là ngắn ngủi và
thấp bé thì hành trang thơ của Cao là cả một kho đồ sộ, chỉ có điều cái tài thơ
ấy lúc sinh thời thường làm hại ông, chứ không giúp được ông
trong việc tiến thân để lập nghiệp với đời. Một tài thơ mà thể chế nhà Nguyễn,
qua hai triều Thiệu Trị và Tự Đức đã không thể dung, bởi nó ngược với sự vô
cảm, vô luân, vô đạo lí thống ngự trong mọi phương thức xử sự của giới đương
quyền, từ thấp lên cao. Một sự nghiệp thơ, chỉ sau khi Cao lĩnh trọn bi kịch và
đi hết cuộc đời mình, mới được người đời chấp nhận, để từ đó rút ra những mâu
thuẫn, đối nghịch giữa cá nhân và hoàn cảnh trong một xã hội ở vào thời tận
cuối - tàn cuộc, đang chờ một đổi thay, lột xác để chuyển sang một hình thái
mới, nếu không phải là do một giai cấp mới đại diện cho một lực lượng sản xuất
mới, thì cũng phải là một áp lực từ bên ngoài - đó là chủ nghĩa thực dân phương
Tây, không sao tránh được, không sao khác được.
Một nhà Nho thuộc thế hệ hậu sinh như Phan Khôi
(1887-1960), người thường vạch những chỗ chưa hay trong thơ văn
chữ Hán của cha ông, kể cả các bậc đại gia, thế nhưng vẫn phải có sự cân nhắc
khi nói về Cao Bá Quát, nhân 2 câu thơ của Tự Đức khen các bề tôi: “Tôi thì tôi
tin quyết rằng Hán Đường là kẻ sáng tạo, Siêu Quát Tùng Tuy là kẻ học đòi,
không bao giờ kẻ học đòi lại vượt qua kẻ sáng tạo cho được. Nói cho công bằng
ra thì trong ngần ấy tác giả, duy có Cao Bá Quát là cả thi lẫn văn đều đáng sắp
ngang hàng với đệ nhất lưu tác giả ở Trung Quốc mà không hổ mà thôi. Rủi cho
ông, vì mang tội “đại nghịch” nên tập không được in, tên họ bị vùi dập đi hơn nửa
thế kỉ đến gần nay mới có người nhắc tới”(4).
Một sự nghiệp thơ ở một con người luôn muốn dấn thân,
nhập cuộc để có ích cho đời, nhưng không được đời chấp nhận; chính cái bi kịch
đó đã là nguyên cớ cho Cao dồn hết mọi nỗi niềm, tâm sự vào thơ; và nhờ vào đó
mà hậu thế là chúng ta đã có thể qua thơ Cao mà hiểu được chân dung tinh thần
một thế hệ Kẻ Sỹ bất đắc chí, trong số đó người phải chịu một số phận bi thảm
nhất là Cao Bá Quát. Và đó là bằng chứng cho ta nhận ra tính phản động của một
triều đại đã hết vai trò lịch sử, và giúp ta phân biệt nó với các vương triều
trước như Trần, Lê sơ, dẫu không triều nào tránh được những âm mưu thoán đoạt,
trừ diệt người có công và có tài, nhưng vẫn là thời nhờ vào sự nghiệp cứu nước
mà tạo được một hào khí lớn, cho một cuộc chấn hưng dân khí dân tộc ngay sau
đó.
So với Cao, Nguyễn là một số phận khác. Lọt được vào
cửa quan trường, Nguyễn có điều kiện thi thố chí kinh bang tế thế của mình, qua
các chức trách được đảm nhiệm. Chưa cần hoặc không cần khẳng định vị thế bằng
văn chương, Nguyễn có hoàn cảnh thực thi tài thao lược của mình qua các vụ
chống đánh và tiêu diệt hai phong trào khởi nghĩa nông dân lớn là Phan Bá Vành
(1827), ở tuổi 49, Nùng Văn Vân (1833), ở tuổi 55, rồi đánh dẹp thành Trấn Tây
(1840) ở tuổi 62... Và khả năng kinh bang tế thế của mình ở chức Doanh điền sứ
từ năm 1829, nhờ đó mà được nhân dân Tiền Hải, Kim Sơn lập miếu thờ với đôi câu
đối chữ Hán, qua lời dịch:
Trên đất dựng sinh từ, làng Đông ấp trăm năm kỉ niệm
Giữa trời trơ cột đá, ngọn Hồng Sơn muôn thuở
sáng cao.
Đã 6 lần dâng sớ, mong củng cố uy thế triều đình bằng
phép nghiêm trừ giặc cướp; nghiêm trị tệ cường hào; tổ chức chính sự ở Tiền
Hải; lập chế độ quân dịch; hợp nhất Thái Nguyên, Tuyên Quang; rút quân khỏi
Trấn Tây. “Trời đất cho ta một cái tài” - cái tài đó ở Nguyễn ít nhiều
đã được sử dụng, chứ không phải là để “giắt lưng”. Nguyễn cũng đã có lúc nhận
ơn riêng Minh Mệnh. Vậy là cái khao khát dấn thân và cái chí nam nhi của Nguyễn
đã có hoàn cảnh thi thố. Và tất nhiên đã là người tiêu diệt Phan Bá Vành và
Nùng Văn Vân; là người ở tuổi 80 vẫn có ý nguyện dâng sớ xin đi đánh Tây: “Dù
tôi như cái màn, cái lọng rách cũng không nỡ tự nản chí. Còn chút hơi thở nào
xin lên đường ngay” thì cuộc nổi loạn của giặc Châu chấu mà lãnh tụ họ Cao của
nó đã hai lần có thơ cho Nguyễn hẳn chắc khó được Nguyễn đồng tình. Đáng tiếc
là ở sự kiện này không có gì ghi lại thái độ của Nguyễn.
Nguyễn - người đã khẳng định chí nam nhi của mình ở một
sự nghiệp không nhỏ, và được lòng triều đình ở cả hai phương diện xem ra là
không cùng chiều: đánh dẹp khởi nghĩa nông dân và khai khẩn đất hoang cho dân.
Ở hai sự trạng đó, cố nhiên Nguyễn không thể thấy là trái ngược, bởi “nghĩa
quân thân”... Bởi cái ý chí đã được nuôi từ rất sớm: “Ba vạn anh hùng đè
xuống dưới. Chín lần thiên tử đội lên trên”. Bởi cái quan niệm như đinh
đóng cột: “Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người”(5).
Một người đa tài, một đời dấn thân, bị kìm nén, lên
xuống mà đã làm được thế! Vậy nếu không bị ức chế, nếu tất cả đều hanh thông,
thì sự nghiệp Nguyễn còn cao tới đâu? Nguyễn sẽ là con người như thế nào trong
con mắt hậu thế? Tấm gương Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt - những đại công thần
triều Nguyễn còn treo đấy. Có lẽ cứ lận đận như thế lại là hay, là may cho
Nguyễn. Bởi cuối cùng, nhìn vào những thăng giáng liên tục mà ông vẫn còn là
ông, chứ không thành một con người khác. Để không bị đẩy vào tình cảnh của Nguyễn
Văn Thành, Lê Văn Duyệt. Cũng không phải ở một cực khác là Cao Bá Quát.
Để cuối cùng Nguyễn được trở về với chính bản thân
trong một tổng kết bùi ngùi:
Ôi! Nhân sinh là thế ấy
Như bóng đèn, như mây nổi,
như gió thổi, như chiêm bao
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín.
hoặc chua chát:
Ra trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc lộn cười.
Để vào những năm cuối đời mới thật sự tìm thấy chính
hạnh phúc đích thực của mình:
Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc, tùng, phong, nguyệt mới vui sao!
...
Ngoài vòng cương toả chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say.
với mơ ước, nếu được chọn kiếp sau, đó sẽ là:
... xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Ngày về hưu, chia tay với những người đưa tiễn, ông
cưỡi một con bò vàng, và cho treo vào đuôi nó một chiếc mo cau, ghi 4 câu thơ:
Ngựa ngựa xe xe đã tưởng nhàn
Lợm mùi giáng chức với thăng quan
Điền viên dạo chiếc xe bò cái
Sẵn tấm mo che miệng thế gian.
Giai thoại này có thể là sáng tạo của dân, nhưng đúng
là phù hợp với tính cách Nguyễn Công Trứ.
Khác với Cao, Nguyễn không có một sự nghiệp thơ chữ Hán
với chỉ 1 bài được lưu lại(6). Tất cả, gồm vài chục bài thơ Nôm Đường
luật, và trên 60 bài là hát nói, là ca trù. Với thơ Nôm, thỉnh thoảng Nguyễn có
giọng bất bình, bi phẫn: “Đéo mẹ, nhân tình - đã biết rồi. Nhạt như nước ốc,
bạc như vôi”. “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược. Nhân nghĩa đôi đường
nước chảy xuôi”. “Nghe như chọc giận tai làm điếc. Giận đã căm gan mỉm
miệng cười”... Nhưng đó chỉ là một tỉ lệ nhỏ, so với thơ nói về chí trai và
khát vọng lập công danh. Có chán đời, nhưng vẫn bám mà không bỏ đời. Bởi với
chí lập thân dẻo dai ở tuổi tráng niên, và ngót 30 năm dấn thân, Nguyễn đã có
cơ hội hành động, và dồn hết tâm, sinh lực vào hành động, trong khi Cao đã phải
rời cuộc sống buồn chán, vô vị của mình ở tuổi 47. Một sự nghiệp văn chương, đó
là điều không thể không có, đối với bất cứ ai là Kẻ Sĩ; nhưng với Nguyễn Công
Trứ, sự nghiệp đó lại đi theo một ngả rẽ khác với Cao Bá Quát, chủ yếu thuộc
vào những năm cuối đời sau một hành trình ngót 30 năm hăm hở bỗng bất chợt nhận
ra cái vô nghĩa, hư vô của một cuộc dấn thân. Vậy là còn lại được những gì cho
Nguyễn, khi đã hết hoặc đã chán con đường công danh, “như bóng đèn, như mây
nổi”? Một mẫu hình mới của nhà Nho - hành lạc, hưởng lạc đã xuất hiện qua
chân dung Nguyễn Công Trứ, ứng với một thời rạn vỡ các quan niệm chính danh,
chính thống của Nho giáo lấy tu thân, tề gia... làm căn bản. Con người với
những lạc thú cá nhân đã xuất hiện, và tìm đến sự thể hiện mình trong thơ,
không phải thơ Đường luật Trung Hoa, mà là thơ Nôm dân tộc; và không chỉ là Nôm
để ngâm mà còn là ca, là ca trù, là hát nói, như là một thú chơi, với rượu, với
thơ, với đàn sáo, với thanh và sắc, với ca kĩ, người hầu. “Chơi cho lịch mới
là chơi. Chơi cho đài các, cho người biết tay...”. Cái thú chơi từ thuở
thiếu niên đã từng là niềm đam mê của Nguyễn, chơi nhưng vẫn không ngừng theo
đuổi ráo riết mộng công hầu, lẽ tự nhiên đến tuổi già, ngoài 70 nó mới biểu lộ
như một thăng hoa, trong cái cảnh:
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Cả trong sự hoan lạc thật là dẻo dai, nồng nàn ở tuổi
73 trong chốn buồng the:
Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh mảnh
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh
Nhất toạ lê hoa áp hải đường
...
Tân nhân lục vấn lang niên kỉ
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.
(Vợ hỏi chồng (năm nay) bao nhiêu tuổi
- Năm mươi năm trước đây ta hai mươi ba).
Nó làm rạng rỡ một chân dung Nguyễn, như một biểu trưng
cực kì đột xuất và độc đáo cho một thái độ sống, rồi sẽ làm nên một khuynh
hướng tư tưởng và nghệ thuật trong văn chương dân tộc, vốn đã hình thành từ cuối
thế kỉ trước với Phạm Thái, và nối về sau với Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, rồi
tiếp đó Tản Đà - người mở đường cho văn học hiện đại.
Ở tuổi 70 vẫn còn có thời gian gần 10 năm cho Nguyễn
làm một cuộc đổi mới mình thật là ngoạn mục, ở tư cách con người hành lạc, con
người hưởng thụ, thay cho con người dấn thân vì một vương triều mà ông rất mơ
hồ trong đánh giá vai trò đại diện của nó: “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi
đấy. Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”. “Nhân sinh bất hành lạc. Thiên tuế
diệc vi thương”
(Đời người không hành lạc, sống hàng ngàn năm cũng như chết non). “Ba vạn
sáu nghìn ngày là mấy. Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười. Thôi công đâu
chuốc lấy sự đời. Tiêu khiển một vài chung lếu láo”...
Bộ phận thơ viết về con người hành lạc và các thú chơi
này ở Nguyễn Công Trứ tôi nghĩ số lớn là được viết vào phần cuối đời. Đoán vậy
bởi thơ văn Nguyễn không để lại năm tháng viết. Đương nhiên là thời hàn vi và
làm quan cũng không thiếu, đối với một người ham chơi như Nguyễn. Nhưng hẳn
phải vào cuối đời, khi đã chấm hết mọi phận sự và công danh, khi đã ngấm mọi
vinh nhục “khóc lộn cười”, trong cõi “trần ai”, Nguyễn mới có dịp tổng kết để
đến với một triết lí mang ý vị thế giới quan và nhân sinh quan nghiêm chỉnh:
Đời rút lại chỉ là một cuộc chơi lớn; một cuộc chơi trong cõi nhân sinh “ba vạn
sáu nghìn ngày”, như một “miếng da lừa” bị co kéo giữa hai phía của bậc thầy
chủ nghĩa hiện thực phương Tây Balzac - người cùng thời với Nguyễn, khiến con
người chớ dại mà “tiêu nhăng” (“Nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày. Vạn sáu
tiêu nhăng hết cả rồi”), con người phải khôn ngoan mở “rộng đất chơi” (“Nhắn
con Tạo hóa xoay thời lại. Để khách tang bồng rộng đất chơi”). Triết lí ấy
ứng vào cái thời ấy, cái thời đất nước đang âm thầm tích tụ cho một cuộc thay
đổi, khi cái cũ đã không còn lí do để tồn tại, và cái mới chỉ vừa hé lộ trong
các nền móng vật chất và tinh thần của xã hội.
Nếu Cao Bá Quát - người từng nuôi ý nghĩ: đã là hoa thì
phải là sen, đã là cây thì phải là lan - với cái chết của mình làm một kết thúc
bi kịch của cá nhân và đánh dấu sự tàn ngược của một thể chế chính trị đã hết
tư cách đại diện cho dân tộc, thì Nguyễn Công Trứ với cái sống “ngoài vòng
cương toả” của mình lại là sự khai mở cho một nhân sinh quan mới, cũng đã có
mầm mống khai sinh trong chính thời đại.
Cái thời hình thành nền kinh tế hàng hoá; mở rộng sự
giao lưu, buôn bán; xuất hiện những trung tâm kinh tế mới như Hội An, Kinh Kì,
Phố Hiến... Cái thời đồng tiền đã có thể làm lung lay mọi nền tảng đạo lí cũ và
cái cá nhân với yêu cầu giải phóng đã hiện diện với sức công phá tiềm tàng của
nó.
Một người sống gần gũi với dân, rồi làm lãnh tụ của
nông dân trong một cuộc khởi nghĩa với độ chênh lực lượng rất lớn, hẳn biết
chắc là thất bại mà vẫn dấn vào. Ông đã chọn một bế tắc để giải quyết một bế
tắc. Nói theo Phan Khôi: “Con người ấy (CBQ) mà ở vào thời đại ấy trong đất
nước này, nếu chẳng phải thi đỗ làm quan cho tột bậc đi thì còn làm gì nữa mà
không làm giặc!”(7).
Một người đi với triều đình, tưởng là trọn vẹn “nghĩa
quân thân”, cuối cùng ở tuổi ngoài 70, bỗng thức nhận ra sự vô nghĩa của những
gì mình theo đuổi.
Vậy là tuổi trẻ của Nguyễn và Cao đều có chí, và đều có
tài. Tài trên nhiều phương diện đã được Nguyễn thi thố, dẫu còn lâu mới hết
công suất. Tài của Cao chưa có cơ hội thực hiện, vì bị bóp chết từ trong ý
nguyện, bởi những va vấp, xung đột do tính cách bất tuân hoàn cảnh và người
trên. Tài của Nguyễn dồn vào chí kinh bang tế thế, có cái là vì vua, có cái là
vì dân, mà sự đối nghịch của nó ông chưa từng phân biệt; cho đến cuối đời, hoặc
những lúc ở “ngoài vòng cương tỏa” mới tìm đến thơ văn như một giải thoát; và
với khối thơ văn đó, ông tạo được cho mình một gương mặt mới. Còn Cao, thiếu
hoàn cảnh dấn thân, Cao dồn nội lực tâm nguyện vào văn chương; và nhờ thế kho
tàng văn học dân tộc có được một di sản quý giá; còn cuộc đời riêng của ông thì
bị ngắt cụt giữa chừng.
Tài và tình. Nguyễn đã là người góp phần khơi rộng rồi
đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì và khẳng định một thể văn mới trong
sinh hoạt văn chương và nghệ thuật dân tộc. Nguyễn đã tạo một lối rẽ cho con
người được trở về với chính cá nhân mình, chính cái tôi riêng của mình trong
khát vọng hưởng thụ mà hệ tư tưởng chính thống Nho giáo đã bóp nghẹt và vắt
kiệt trong một xã hội phong kiến kéo quá dài trong lịch sử. Cao - hậu sinh,
nhưng vẫn là người cùng thời với Nguyễn, lại hướng theo một con đường khác - đó
là cái tình trong khuôn khổ thế giới nhân sinh quen thuộc: gia đình, đất nước,
quê hương, bè bạn, đồng liêu và thế giới những người nghèo khổ luôn là môi
trường sống quen thuộc vây bọc quanh ông. Còn nữa. Khác và hơn Nguyễn, ông còn
có được mấy tháng đi “Dương trình hiệu lực”, nhờ vậy mà tầm mắt được mở rộng,
qua những gì được thấy trong chuyến viễn dương mà có dịp đối sánh với quê nhà,
và nhận ra cái vô vị của văn chương cử tử. Chính vì chống lại nó mà ông đã
không vào được chốn công môn; rồi còn bị hại vì nó. Nhưng văn chương vẫn cứ
phải là phương tiện cho ông giãi bày con người mình, bởi ông là Kẻ Sĩ. Và sự
bất lực của nó rồi sẽ được ông cho thay bằng gươm khi ông quyết liệt làm giặc.
Tìm nguyên nhân dồn ông vào tình thế ấy đã có vài ba giả thuyết; nay vẫn cần
tiếp tục đi tìm. Nhưng dẫu nguyên nhân là gì thì cuộc đời Cao Bá Quát cũng đã được
khẳng định từ hai phương diện: đứng cùng nhân dân trong một cuộc khởi nghĩa
thất bại với cái chết bi thảm ba họ của mình. Và một sự nghiệp thơ sáng rõ con
người tư tưởng, con người đạo đức, con người nhân cách của ông trong bi kịch
một kẻ sinh bất phùng thời.
Còn Nguyễn Công Trứ là sự dấn thân trong những được -
mất của một đời hành động, có được có mất; và cái được lớn là những bài học
nhân sinh rút ra từ bối cảnh một thời đại đối nghịch và thù địch triệt để đối
với tài năng, phẩm giá và lương tâm con người. Một thời đại khó sống. Cuối
cùng, cả hai - hai gương mặt Kẻ Sỹ, dẫu với tất cả mọi khác biệt, vẫn cứ là hai
khối bi kịch, hai nạn nhân của một thời tối tăm, bế tắc. Cái thời giả định nếu
không có sự xâm lược của phương Tây thì cũng đã chín muồi cho một nhu cầu khẩn
thiết phải thay đổi, đang nung nấu một giải pháp hẳn chắc không khác mấy với
phong trào Tây Sơn mà nó đã tận diệt. Lịch sử nếu đã có một bất ngờ kì diệu với
Quang Trung cuối thế kỉ XVIII, thì biết đâu lại không có một bất ngờ còn lớn
hơn vào cuối thế kỉ XIX nếu không có cuộc xâm lược chóng vánh của chủ nghĩa
thực dân phương Tây!
*
* *
* *
Văn học trung đại Việt Nam đã đến được đỉnh cao vào nửa
sau thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX. Lịch sử văn học thường ghép
hai nửa thế kỉ này vào cùng một thời kì. Đó là một cách chia. Cũng có thể có
những cách chia khác, bởi hai nửa thế kỉ vừa là sự tiếp tục nhau, vừa có những
đặc điểm riêng do quy định của lịch sử. Năm 1820 khi Nguyễn Du mất là khi
Nguyễn Công Trứ nhận chức quan đầu tiên để vào triều. Cả hai là đồng hương và
có cùng một thời để sống với nhau. Nguyễn Du (1766-1820), người sống trọn vẹn
và đến tận cùng bi kịch lịch sử nửa sau thế kỉ XVIII hỗn loạn, rối ren, thay
vua đổi chúa, khiến cho mọi tầng lớp trí thức Nho học không biết chọn ai để mà thờ,
kể cả chọn nhầm hoặc chọn đúng đều ngầm chứa biết bao tai họa. Thế kỉ XIX trong
hai thập niên mở đầu của nó, với Nguyễn Du, xem ra cũng không phải là những năm
thanh thản mà chứa đầy tâm sự. Và như vậy, với thơ chữ Hán gồm 3 tập, với Truyện
Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du đã là người có sứ
mệnh kết thúc thế kỉ XVIII và mở đầu thế kỉ XIX trong sự nhất quán của một thế
giới nghệ thuật mà “những điều trông thấy” là kết đọng trăm nghìn kiếp sống
nhân sinh qua một tấm lòng nghĩ suốt và xuyên thấu nghìn đời. Với Nguyễn Du văn
học Việt Nam thời trung đại đã đạt đến trình độ cổ điển, mà trước ông, kể từ
thế kỉ XVIII trở về trước còn chưa ai vươn tới, và sau ông vẫn không ai sánh
bằng.
Cũng ở tư cách là những người mở đầu thế kỉ XIX, hậu
sinh và tiếp bước Nguyễn Du, cả Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát sẽ có một lối
khác, gần như là độc đạo cho sự lập thân, trong đối diện với một chính quyền
chuyên chế, có khác với Nguyễn Du là những chìm nổi, trôi dạt, bấp bênh, trong
tan rã của một thời đại, mà không một triều đại nào khiến cho ông tin cậy, gửi
gắm, gồm Lê - Trịnh (quá rối ren trong vận mạt của nó), Nguyễn Tây Sơn (quá
ngắn ngủi mà ông chưa kịp hiểu) và Nguyễn Gia Long (dường như chưa báo hiệu một
triển vọng gì tốt lành). Còn với Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát, cả hai sống
trọn trong mở đầu một vương triều, nên chỉ một lựa chọn, hoặc thuận theo nó,
hoặc bị nó bóp chết. Những dằn vặt, đấu tranh trong tư tưởng, tình cảm của
Nguyễn và Cao, do thế là đơn giản hơn. Cả hai sẽ là đại diện cho thân phận trí
thức Nho sĩ, nung nấu bộc lộ chí hướng của mình trong một bối cảnh tưởng có thể
xem là phút lóe sáng cuối cùng của thời đại phong kiến trước khi chuyển sang xã
hội thuộc địa. Cả hai, trong bối cảnh ấy, và với chí hướng ấy, khó đủ điều kiện
cho họ vươn đến tầm một nghệ sĩ lớn như bậc tiền bối Nguyễn Du - để nói lên
tiếng nói lớn, khẩn thiết, thẳm sâu của thời đại, chứ không phải một triều đại.
Nửa sau thế kỉ XIX, kể từ 1858 đến 1884, và sau 1884,
khi đất nước mất dần vào tay chủ nghĩa thực dân, văn học trở lại chủ đề yêu
nước quen thuộc, có lịch sử hàng nghìn năm, trên những lập trường khác nhau,
hoặc đứng về phía triều đình, hoặc đứng về phía nhân dân, hoặc phân vân giữa
hai phía, trong đó không thiếu những tấm gương khẳng khái tìm đến cái chết như
Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Cao, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình
Phùng... Trong tăm tối và bi thương của lịch sử, một số ít Nho sĩ đã có
hoàn cảnh nhận rõ tình thế bất lợi của cuộc chiến, mà khao khát đi tìm một con
đường khác, con đường mở mang công nghệ và buôn bán, tiếp nhận văn minh phương
Tây, tránh đối đầu về sức mạnh quân sự với thực dân như Phan Thanh Giản
(1796-1867), Phạm Phú Thứ (1821-1882), Đặng Huy Trứ (1825-1874), Nguyễn Lộ
Trạch (1853-1898)... Đặc biệt là sự xuất hiện Nguyễn Trường Tộ (1828-1871),
người do có hoàn cảnh tiếp xúc sớm mà có sự trải biết, “thực mục sở thị” văn
minh phương Tây nên đã trở thành gương mặt tiêu biểu nhất cho sự thức nhận tình
trạng lạc hậu, thấp kém và bất lực của xã hội phong kiến phương Đông, trong một
thế giới đã chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa đế quốc. Ánh sáng được
Nguyễn Trường Tộ tiếp cận và tiếp nhận rồi sẽ tỏa sáng vào 30 năm sau, qua một
thế hệ các nhà Nho - chí sĩ trong phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục
như Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926), Lương Văn Can
(1854-1927)..., những người tuy vẫn với gốc gác và cốt cách nhà Nho nhưng lại
có sứ mệnh kết thúc lịch sử và lịch sử văn học trung đại, và mở đầu thời kì
hiện đại. Bên cạnh những tên tuổi không quay lưng mà dấn thân với thời cuộc là
một phân số rời bỏ quan trường, sớm hoặc muộn, về ở ẩn, tìm thú vui trong văn
thơ thoát tục, hưởng lạc, học theo cách sống cuối đời của Nguyễn Công Trứ như
Dương Khuê (1839-1902), Chu Mạnh Trinh (1862-1905); hoặc chọn thái độ trào
phúng làm vũ khí trong tâm thế bất lực, không chấp nhận thực trạng Á Âu xáo
trộn, như Nguyễn Khuyến (1835-1909), Tú Xương (1871-1907).
Năm 1802 - năm Gia Long lên ngôi đến 1902 - năm Toàn
quyền Paul Doumer khánh thành chiếc cầu mang tên mình bắc qua sông Nhị Hà (nay
là cầu Long Biên) như một biểu trưng, để quảng cáo cho Văn minh Đại Pháp - chẵn
một thế kỉ với mở đầu là sự ra đi của Nguyễn Du, cùng con đường vào đời của
Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, và với sự tiếp tục trong nối dài của mấy thế hệ
Kẻ Sĩ đứng trước họa mất nước, đó là chặng cuối cùng đầy giông bão chất chứa
một cuộc chuyển mình, để có một sinh thể khác, sau chín trăm năm trong cùng một
mô hình ổn định của văn hóa - văn minh Đại Việt.
PHONG LÊ
Nguồn: VHNA
(*) Phong Lê: sinh 1937, quê Hương Sơn,
Hà Tĩnh, Giáo sư, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, hiện sống tại
Hà Nội.
(1) Nguyễn Công Trứ sinh ngày 19-12-1778; mất
ngày 7-12-1858.
Cao Bá Quát không rõ ngày sinh ngày mất. Theo bài Thiên
cư thuyết (Câu chuyện dời nhà), Cao ghi ở cuối bài: Nhâm Thìn (tức 1832)
mạnh thu tháng 10 âm lịch, lúc tuổi mới ngoài 2 kỉ (tức 24 năm) thì năm sinh là
1808, như trong Từ điển văn học bộ mới, in 2004; nhưng có người lại cho
là 1809.
(2) Kinh điển Nho gia, để cho Kẻ Sĩ dùi mài, đó
là Tứ Thư,
Ngũ Kinh. Hãy nghe Nguyễn Đức Đạt (1823-1887) - nhà Nho xứ Nghệ, bậc thầy của
Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Cao Xuân Dục, Ngô Đức Kế... nói về Ngũ Kinh như
sau: “Tóm hết sự biến trong thiên hạ, thông suốt tình hình trong thiên hạ,
không sách nào rõ bằng Kinh Dịch. Nêu lên chế độ cho thiên hạ, bồi thực
cội gốc cho thiên hạ không sách nào bằng Kinh Thư. Thu
thập trí tuệ của thiên hạ, giúp đỡ việc trị an cho thiên hạ không sách nào rõ
bằng Kinh Thi. Chấn chỉnh quyền bính trong thiên hạ, không sách nào rõ
bằng Kinh Xuân Thu. Châm chước điển tác trong thiên hạ, không sách nào
rõ bằng Kinh Lễ” (Dẫn theo Phan Trọng Báu: Giáo dục Việt Nam thời Cận
đại; Nxb. Giáo dục; H; 2006; tr.28).
(3) Dẫn theo Thơ chữ Hán Cao Bá Quát;
Nxb. Văn học, H., 1977, tr.48.
(4) Khảo luận về văn học chữ Hán ở nước ta;
Tạp chí Tao đàn số 2; 1-4-1939.
(5) Để đối với câu của một nhà sư: “Đọc ba trăm
sáu chục quyển kinh, chẳng thần thánh, phật tiên nhưng thoát tục”.
(6) Theo Nguyễn Đức Mậu: Từ điển văn học
(bộ mới); Nxb. Thế giới; 2004.
(7) Bài và Tạp chí đã dẫn.
No comments:
Post a Comment