Ta
thật nhớ những thơ nhạc thời hoàn toàn thanh bình hay thời hết sức khốc liệt
chiến tranh, vì thơ nhạc ấy in đậm nét vào tâm tưởng của ta. Thơ nhạc lúc hoà bình: Ta làm sao quên
được những bài hát như “Trăng Thanh Bình- Trăng về Thôn Dã” trong thời mới chia
cắt Việt Nam ở vỹ tuyến 17. Lúc đó vừa chấm dứt “Chiến tranh 9 năm chống Pháp”.
Riêng Miền Nam, mặc dù mang gánh nặng tiếp nhận một triệu người Miền Bắc di cư
vào sau năm 1954, nhưng mọi người đều nhìn thấy viễn tượng trù phú ở một Miền
Nam hết khói lửa sẽ được ấm no do kinh tế phát triển, chấm dứt hoạn nạn đất đai
nông nghiệp bị bỏ phế gần một nửa vì chiến tranh.
Còn Miền Bắc thời ấy thì ta ít biết
vì đã bắt đầu có tấm màn che thông tin giữa hai miền theo hai khối kình địch
quốc tế, mặc dù cả hai cũng hoàn toàn thanh bình, cả hai đều đang dốc lòng về
kinh tế. Do đó ta chỉ nhớ vài bài thơ ngợi ca kinh tế ở Miền Bắc, như “Đoàn
Thuyền Đánh Cá” của Huy Cận hay “Nông Trường Cà Phê” của Tế Hanh; còn về nhạc
ta không có dịp nghe vì phương tiện truyền thông của cả hai miền lúc ấy, vừa
chưa có kỹ thuật cao như bây giờ, vừa có sự can thiệp của chính quyền hai phía
không muốn để người dân nghe tuyên truyền thịnh vượng của mỗi phía đối phương.
Ở miền Nam thì ta nghe hoài những
khúc hát ngợi ca thịnh vượng như “Tiếng Hò Miền Nam – Nắng Đẹp Miền Nam”, phần
lớn là những bài hô hào phát triển nông nghiệp… Thơ nhạc lúc tao loạn:
Nhất là từ năm 1965 đến 1972 với sự tham chiến của năm trăm ngàn quân Mỹ đến
Việt Nam, sự ngăn trở thông tin càng thêm chặt chẽ, nên ta chỉ biết những thơ
nhạc Miền Nam viết về thống khổ do chiến tranh. Vả lại Miền Bắc với Văn Nghệ Xã
Hội Chủ Nghĩa thì thơ văn nhạc kịch do chính trị chỉ đạo phải thể hiện “Tính
Chiến Đấu”, không được tiêu cực than thở. Do đó, hồn ta cũng chỉ in ấn đậm nét
những thơ nhạc bi thương chiến tranh ở Miền Nam mà thôi. Ta khó quên những bài
hát như “Giọt Mưa Trên Lá - Trả Lại Em Yêu ” của Phạm Duy; “Bảy Ngàn Đêm Góp
Lại – Bài Hương Ca Vô Tận” của Trầm Tử Thiêng”; hoặc “Một Mai Giã Từ Vũ Khí”
của Duy Khánh; hoặc “Kẻ Ở Miền Xa” của Trúc Phương; hoặc “Khúc Tình Ca Hàng
Hàng Lớp Lớp” của Nguyễn Văn Đông, hoặc “Người Chết Trở Về” của Trần Thiện
Thanh. Nhất là thật nhiều các bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, cùng thi
phẩm “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” của Nguyễn Bắc Sơn. Nếu kể ra hết thì còn
rất nhiều bản nhạc nói lên những khốc liệt của chiến tranh, riêng thơ văn thì
sự phổ biến không bằng âm nhạc nên chỉ in đậm nét vào hồn ta một số bài phổ
nhạc như “Người Tình Không Chân Dung” của Hoàng Vĩnh Lộc (do Hoàng Trọng phổ
nhạc); như “Kỷ Vật Cho Em” của Linh Phương (do Phạm Duy phổ nhạc)…
Tóm lại, hoà bình thịnh vượng hoặc
chiến tranh thảm khốc thể hiện vào thơ nhạc khiến ta dễ nhớ, vì chúng gây ấn
tượng khó quên. Vì vậy mấy ai nhớ thơ nhạc lúc giao thời giữa hòa bình và chiến
tranh, lúc bớt dần những rộn rịp phát triển kinh tế như đã có ở thời gian từ 1954
đến 1958, hoặc chưa ở vào tình thế chiến tranh không lối thoát cho đất nước ở
thời gian từ 1962 đến 1975. Bốn năm (1958 đến 1961) kể như thời gian chỉ mới
manh nha báo trước cuộc chiến tranh lớn. Chỉ mới là những ghi danh để luân
phiên đi quân dịch ở các trại huấn luyện Suối Dầu Nha Trang, hoặc đồn trú có kỳ
hạn ở Sông Mao Phan Thiết. Tuy nhiên cũng có thơ nhạc ghi lại thời kỳ này, và
vì chúng không để lại những ấn tượng đậm nét nên đến nay ít ai nhớ, kể cả những
người đã từng tham gia trong khoảng thời gian ấy, huống chi là những lớp trẻ
sau này hầu như lọt hẳn vào giai đoạn khốc liệt chiến tranh, vậy nên giai đoạn
trên hoàn toàn ở ngoài trí nhớ của họ. Giai đoạn đó có thể họ chỉ là học sinh
trung học lớp bảy hay lớp tám, còn học sinh lớp 12 chuẩn bị thi Tú Tài Phần II
nếu thi rớt cũng chưa phải đi vào quân trường Thủ Đức, có thể còn được tiếp tục
để sang năm thi lại. Quân dịch để xây dựng quân đội trong thời kỳ này, nếu
không là tình nguyện vào quy chế hiện dịch, thì sau một thời gian phục vụ ngắn
trong quân ngũ đều được trở về, danh sách chỉ nằm trong hồ sơ chuẩn bị khi có
chiến tranh. Và nếu tình nguyện ở trong quân ngũ thì đời sống rày đây mai đó
trong các đoàn xe công-voa của người lính cũng khá thơ mộng, chỉ là công tác
vận chuyển quân trang quân cụ từ duyên hải lên Tây nguyên, từ Sài Gòn đi Miền
Tây Miền Đông. Có vài trường hợp thanh niên mới lớn ở tuổi 19 hay 20, chưa đủ
sức ra đời tự lập một mình để khỏi phải sống trong cảnh nhờ vả gia đình không
mấy sung túc, mà học hành thì mới ở lớp 11 trung học, trong khi ý hướng thì lại
muốn thoát ly… làm sao vài người thanh niên ấy không thấy thơ mộng của đời lính
di chuyển đó đây với công-voa. Cứ chiều đến thấy công-voa ngừng xe hàng đoàn,
dưới lòng xe qua hai bánh lớn người thì giăng võng dã-chiến nằm khảy đàn, vài
người thì tụ tập nấu cơm hay pha cà-phê bên vệ đường, thật là bình yên đời lính
tráng thời ấy. Có một bài thơ khá thơ mộng của Mạc Ly Châu nói về khí vị giang
hồ của người trai vào quân đội, theo đoàn xe quân vận lên Tây Nguyên. Bài thơ
này nhớ mơ hồ đã được đăng trong báo quân đội “Chiến Hữu” ấn hành ở Pleiku,
thật hay mà tiếc rằng không còn sách báo nào sưu tầm ghi lại nên trí ta cũng
lãng quên dần.
Và một bài thơ khác của Huyền Giang
nói về những ngày đồn trú ở Sông Mao, địa điểm lúc ấy nghe như chỉ dành cho
lính Nùng từ ngoài Bắc di cư vào; và bài thơ viết về đêm gác đầy sương mù rất
có nhiều chất thơ của thi sĩ đến nay cũng chỉ còn nhớ nhan đề “Màu Đêm”. Huyền
Giang là ai, thơ thuộc giai đoạn nửa hoà bình nửa chiến tranh ít ấn tượng ấy
làm cho thi sĩ bị lãng quên không một dấu tích trong sách báo…. Thơ đã vậy thì
nhạc cũng cùng chung hoàn cảnh dễ lạt phai trong lòng người thưởng thức: mấy ai
còn hát bài “Ngoại Ô Đèn Vàng” của Y Vân, hay “Tàu Đêm Năm cũ” của Trúc Phương.
So sánh để thấy: Tại sao người ta nhớ mãi, còn hát hoài bản nhạc “Nửa Đêm Ngoài
Phố” của Trúc Phương; bởi vì hoàn cảnh một người cô đơn không tình yêu trên
đường phố khuya hoa đèn sẽ còn tiếp diễn cho nhân thế, không có giới hạn thuộc
về một giai đọan nào; nên bài hát dễ trở thành bất hủ với lời ca: “Buồn vào
hồn không tên/ Thức giấc nửa đêm/ Nhớ chuyện xưa vào đời/ Đường phố vắng đêm
nao quen một người/ Mà yêu thương trót trao nhau trọn đời/ Để rồi làm sao quên/
Nửa đêm lạnh qua tim/ Giữa đường phố hoa đèn/ Có người mãi đi tìm/ Một người
không hẹn đến/ Mà tiếng bước buồn thêm/ Tiếc thay hoài công thôi/ Phố đã vắng
thưa rồi/ Biết rằng chẳng duyên thề/ Để người không gặp nữa/ Về nối giấc mơ
xưa…” Nhưng “Tàu Đêm Năm Cũ” thì có quy định một giai đoạn mà thôi, giai
đoạn những người đi quân dịch đến trại Suối Dầu ở Nha Trang. Phương tiện di
chuyển bằng đường xe lửa từ Sài Gòn đến Nha Trang hàm chứa sự thông tri cho
biết ấy là thời mới khởi phát chiến tranh mà thôi, đường xá còn đi lại dễ dàng
bằng hỏa xa.
Sau này, chiến tranh khốc liệt, thì
quân vận bằng đường xe lửa không còn sử dụng. Người ta đã quên thời có những
người thân đưa tiễn người đi trên sân ga Sài Gòn, trong khi khu chợ Bến Thành
và đại lộ Lê Lai ở sát bên nhộn nhịp xôn xao, và người đi kẻ ở cũng chỉ ngậm
ngùi chút ít vì thời gian thụ huấn quân sự ở Suối Dầu chỉ ngắn thôi; một ngày
đoàn tụ không quá xa trắc trở như giai đoạn đi quân dịch sau Tết Mậu Thân 1968.
Bài hát có lẽ chỉ sâu đậm đối với những người ngày ấy ở gần đường xe lửa, hoặc
ngày nay ở vào lứa tuổi trên 60, hằng đêm họ nghe tiếng hú còi làm vang vọng kỷ
niệm một giai đoạn cũng rộn rịp cảnh lên đường đi thụ huấn quân sự, và đưa tiễn
chỉ là tạm biệt không hẳn là nhiều nước mắt…. Cùng sinh ra trong bối cảnh hoà
bình chưa hẳn hòa bình và chiến tranh chưa hẳn chiến tranh ấy, là bản nhạc
“Ngoại Ô Đèn Vàng” của Y Vân. So sánh để thấy: Sở dĩ người ta còn hát mãi bản
nhạc “Lòng Mẹ” của ông, vì “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”
mãi còn hiện diện trên quả đất này với tình mẫu tử không những ở loài người mà
còn ở muông thú, tình cảm ấy muôn đời, không bao giờ quy định chỉ hiện hữu
trong một giai đoạn nào. Có chăng chỉ riêng biệt với nhạc sĩ Y Vân là giai
thoại mẹ nhạc sĩ cặm cụi giữa khuya để giặt cái áo duy nhất cho kịp ngày mai
nhạc sĩ đi dự một cuộc thi tuyển, khiến nhạc sĩ ngay đêm ấy hoàn thành bản nhạc
“Lòng Mẹ” bất hủ. Bản nhạc không có thời gian, người ta còn nhiều dịp để nghe,
ca sĩ sẽ còn nhiều dịp hát lên đáp ứng tấm lòng đối với mẹ hiền của nhân thế.
Còn bản nhạc “Ngoại Ô Đèn Vàng” đúng là bị quy định trong một giai đoạn, mà
giai đoạn đó lại không gây những ấn tượng khó quên như thời khói lửa khốc liệt.
Khốc liệt thời thế, đã có những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn thể hiện
làm ta nhớ mãi. Còn chỉ phơn phớt buồn là ở giai đoạn đi huấn thụ quân sự trong
một thời gian ngắn thì về với gia đình; có muốn tình nguyện ở lại quân ngũ thì
đây là ước vọng lấy binh nghiệp làm nên tương lai của mình. Cũng giống như nhạc
sĩ Nguyễn Văn Đông có một bài hát nói về ước vọng sống bằng đời binh nghiệp như
vậy, đó là bài “Chiều Mưa Biên Giới” với những câu: “… Thương màu áo gửi ra
sa trường/ Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/ Thì đường trần mưa bay gió cuốn/
Còn nhiều anh ơi.”.
Ta không còn nhớ nhiều về giai đoạn
không hẳn hòa bình không hẳn chiến tranh đó. Chẳng có những đổ vỡ tang tóc,
không có tàn phá bom đạn, không có chạy loạn… cho nên không có ấn tượng mạnh mẽ
biểu hiện vào nghệ thuật. Tâm trí không có những khắc sâu bi thương như giai
đoạn về sau, chỉ là những cảm xúc nhẹ nhàng dễ quên dành cho giai đoạn mới khởi
phát chiến tranh. Biệt ly chỉ là tạm biệt, vào quân đội chỉ là một dịp tạo sự
nghiệp: “Non sông chờ viết được tên”. Ý tưởng và cảm xúc như vậy chỉ thơ
mộng. Ta mường tượng một người ra đi lặng lẽ, một mình trên đường khuya dưới
bóng đèn vàng của những cột điện ở ngoại ô, qua những khu nhà im lìm giấc ngủ,
buồn phải xa cách người yêu trong một thời gian. Tình ý chỉ có vậy, thể hiện ở
giai đoạn khá yên ổn, nó dễ quên mặc dù nhạc điệu thật hay. Thấy nên nhắc nhở,
nên người viết xin trích trọn bài như sau:
Một người vừa đi lặng lẽ
Trên con đường vắng ngoại ô
Lạnh lùng nhà tranh ngủ sớm
Nên bóng đêm càng mơ hồ.
Ngọn đèn vàng không vừa sáng
Cây cao vụt ngã màu đêm
Bâng khuâng đôi gót phong trần
Từ biệt kinh thành đầy nhớ thương.
Đêm nay ai tiễn ai đưa
Ai vui hát say sưa
Để mình anh thương nhớ
Ôi bao câu nói, không hơn gì một màu
buồn, sầu từ đôi mắt.
Nên tim yêu vốn hay mơ
Bâng khuâng vấn tâm tư
Hẳn rằng bông hoa đó
Ai trông mong lúc anh quay về
Dù rằng ngày về, rất xa.
Rồi một mình trên đường vắng
Đi qua cầu xóm ngoại ô
Nhìn ngọn đèn đêm lẻ bóng
Như mắt ai buồn đêm trường.
Đường dài còn đi nhiều lắm
Non sông chờ viết được tên
Không hay ai mất ai còn
Mà hình anh còn trong mắt em.
(Ngoại Ô Đèn Vàng – Y Vân)
Giai đoạn viết nên bản nhạc này
không quá khốc liệt, chỉ thỉnh thoảng có những phục kích, vài chết chóc hiếm
khi. Cuộc tham chiến của Mỹ chưa xảy ra, lác đác những cố vấn đến huấn luyện
cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc sĩ viết “không hay ai mất ai còn”,
theo thiển nghĩ thì hơi cường điệu, không phản ánh thực trạng ổn định. Chiến
tranh trên quy mô rộng chỉ có sau này. Sáng tác ở giai đoạn khá bình yên ấy, và
ý tưởng mơ làm “khanh tướng” hay “viết được tên cho non sông” có vẻ khuôn sáo
từ sách vở nhà trường. Tuy nhiên bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới” được nhắc nhở
hoài, có lẽ do những yếu tố nối kết vào thời ác liệt. Lời hát “chiều mưa biên
giới” thuộc giai đoạn mới khởi phát chiến tranh như được đồng hóa vào thời
chiến tranh chuyển trọng điểm khói lửa lên vùng ba biên giới ở Tây Nguyên, nơi
có “đường mòn Hồ Chí Minh” và có các sư đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến Hoa
Kỳ trấn đóng làm rào cản xâm nhập. Một loạt thơ nhạc theo lên Tây Nguyên như
“Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy, “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” của Vũ Hữu Định”, “Một
Mai Về Lại Tam Biên Đó” của Lâm Hảo Dũng, “Đồn Sơn Yểm” của Phù Hư… Phải chăng
nhờ “yếu tố biên giới” ấy mà bản nhạc với ca-từ của Nguyễn Văn Đông chịu
ảnh hưởng lời thơ “Chinh Phụ Ngâm” của bà Đoàn Thị Điểm… trở nên hợp thời hợp
cảnh với giai đoạn tàn khốc 1965 đến 1972 ? Trong khi đó thì “Ngoại Ô Đèn Vàng”
của nhạc sĩ Y Vân cứ mãi đóng khung vào một thời điểm: thời mới khởi phát chiến
tranh, chưa có gì lo âu lắm khi ra đi nhập ngũ, và vì vậy xúc cảm không sâu lắng.
Người ta quên nó khi chiến tranh ác liệt, chết chóc, tàn phá. Người ta thường
hát nhiều hơn những “Tình Ca Người Mất Trí – Đại Bác Ru Đêm – Gia Tài Của Mẹ –
Xin Mặt Trời Ngủ Yên” (của Trịnh Công Sơn); hoặc những bài hát nơi tiền đồn
biên giới ở đó có những thân nhân đi quân dịch không biết ngày nào mới xuất
ngũ. Xúc cảm sâu đậm đến với những ai liên hệ có người yêu hay có con cháu đang
ở trong quân ngũ; hoặc với chính những quân nhân đang xa nhà, nhất là những
người lính biên trấn, khi họ nghe những “Phiên Gác Đêm Xuân” (Nguyễn Văn Đông)
– “Đồn Vắng Chiều Xuân” (Trần Thiện Thanh) – “Xuân Này Con Không Về” (Trịnh Lâm
Ngân) – “Chiều Trên Phá Tam Giang” (Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên) – “Những Đóm
Mắt Hỏa Châu” (Hàn Châu)… Từ thực tế chiến địa hay tiền đồn cô lẻ mà có những
bài hát chiến tranh. Nhưng cũng xuất hiện một số bài hát chiến tranh mang màu
sắc triết lý, dĩ nhiên không được sáng tác do những người trong cuộc đang tham
dự mà từ những người ở thành thị, hoặc từ những nhà tư tưởng đồng thời là nhạc
sĩ, như “Tám Điệp Khúc” (Anh Việt Thu); “Đêm Nguyện Cầu” (Anh Bằng); một số bài
hát của Trịnh Công Sơn (Nước Mắt Cho Quê Hương – Ca Dao Mẹ – Người Già Em Bé –
Phúc Âm Buồn –Xin Mặt Trời Ngủ Yên… ); của Trầm Tử Thiêng (Bảy Ngàn Đêm Góp Lại
– Bài Hương Ca Vô Tận… ). Nếu nói có vào thực tế chiến trường mới sáng tác được
tính khốc liệt của chiến tranh, vậy tại sao ta ít gặp, gần như là không hề có,
các bài hát sáng tác do những người lính thuộc binh chủng trừ bị cơ động như
binh chủng Nhảy Dù hay Thủy Quân Lục Chiến của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước
đây? Bởi vì lực lượng trừ bị thường trú đóng nơi hậu cứ, thường ở các quân trại
trong thành phố lớn. Vì vậy tuy là lực lượng nhiều va chạm đụng trận ngoài
chiến trường, nhưng đời sống của họ khi không đi tiếp cứu giải vây thì thường ở
thành phố. Vì vậy họ ít có nỗi buồn biên trấn như các binh chủng pháo binh hay
lính của sư đoàn trách nhiệm vùng được chỉ định. Cho nên lực lượng trừ bị không
có hứng cảm sáng tác thơ nhạc thể hiện nỗi buồn của lính xa nhà… Có lẽ văn xuôi
ký sự thích hợp hơn, ví dụ ở các truyện ngắn của Cao Xuân Huy; trong đó có hoạt
cảnh sống động nhất ở đoạn quân hai bên đang đụng trận tại Cửa-Việt: họ đợi đến
giờ ngưng bắn thì trồi lên hào lũy hầm hố để tay bắt mặt mừng chào hỏi; ngồi ăn
uống trò chuyện cùng nhau trên bãi cát; rồi không bao lâu lại trở về vị trí để
tiếp tục đánh nhau nữa khi có lệnh hết ngưng chiến. Thật giống một cuộc giáp
chiến trên sân khâu; xem chết chóc như cuộc giỡn mặt với tử thần… Thật ra cũng
có thơ nhạc xuất phát từ các người lính thuộc lực lượng trừ bị Nhảy Dù và Thủy
Quân Lục Chiến, nhưng thường là những tình ca thuộc về hậu cứ thành phố, như
thơ của Hà Huyền Chi và Nhất Tuấn. Họ thuộc về các binh chủng chuyên nghiệp
nghề lính mà thời ấy gọi là quân hiện-dịch, nên thiển nghĩ nếu có sáng tác thơ
nhạc thì đều không quy định ở trong hay ở ngoài thời điểm lúc mới khởi phát
chiến tranh.
Cái gì minh bạch phân giới rạch ròi
thì dễ nhớ: đen trắng, tối sáng, khốc liệt hay an lành… còn làng-nhàng hay nằm
giữa hai thái cực thì dễ quên. Như ở tình hình tại Miền Nam từ 1954 đen 1975,
ta không nhớ mấy khoảng thời gian từ 1958 đến 1961, hình như không có biến cố
gì quan trọng. Đó là lúc Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam mới bắt đầu hoạt động ở các vùng nông thôn, về phía Việt Nam
Cộng Hòa thì mới có các cố vấn Hoa Kỳ sang, và thanh niên đăng bạ vào danh sách
đợi chờ đến phiên đi quân dịch; chưa phải lúc tổng-động-viên. Bất chợt hồi
tưởng thì nhớ có những địa danh huấn luyện quân sự Suối Dầu và nơi tập cho lính
quen đồn trú ở Sông Mao. Cả hai địa điểm này đều nằm trên tuyến đường sắt Sài
Gòn-Nha Trang làm chứng tích cho nỗi buồn tuy ly biệt mà dịu nhẹ, không quá lo
âu như sắp lên đường ra trận mạc tàn khốc.
Các chứng tích ấy thể hiện trong các
bài hát bây giờ không mấy người hát; thậm chí bị lãng quên đối với giới có độ
tuổi 40 trở về sau, vì họ chẳng có kỷ niệm nào liên hệ. Đến đây, đôi người sẽ
hỏi tại sao có những bài hát thời chiến khốc liệt, tuy tuổi trẻ không liên hệ,
vậy mà họ vẫn xúc cảm khi nghe, và cũng thích hát?
Đó là vì thảm kịch quốc gia đã nâng
lên thành thảm kịch nhân loại, điều có thể xảy ra cho khắp mọi nơi và mọi thời;
không phải chỉ đóng khung vào một giai đoạn và riêng cho tình hình một khu vực,
như thời kỳ chưa hẳn hoà bình an lạc và chưa hẳn chiến tranh ở Miền Nam Việt
Nam. Thời kỳ chưa thực sự khốn khổ chiến tranh, chưa thực sự yên vui hạnh phúc,
thể hiện ngậm ngùi trong “Ngoại Ô đèn Vàng” và “Tàu Đêm Năm Cũ”. Có lẽ đến nay
chỉ lác đác một số người còn nhớ và còn tiếc điệu hát lời thơ hay, nhưng sự tồn
tại của chúng bấp-bênh vì thiếu vắng những dấu ấn sắc nét để làm người ta dễ
nhớ./.
Walnut, California, tháng 12 năm
2010
(Trích Tạp chí “Văn Nghệ” của Trung
Tâm Thúy Nga Paris)
TRẦN VĂN NAM
No comments:
Post a Comment