.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, March 14, 2012

VĂN CHƯƠNG BÊN LỀ CUỘC CHIẾN VÀ THƠ LÚC TỪ BỎ CUỘC CHIẾN


I. Có ai ở bên lề cuộc chiến?

Cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây dài và rộng như một cái lưới lồng lộng, không có gì thoát ra ngoài vòng ảnh hưởng của nó, suốt ba mươi năm ròng rã (1945-1975). Các thiếu niên ở vào thời điểm của cuộc chiến 1945-1954, đều trở thành những phần tử trong tuổi động viên vào cuộc chiến 1954-1975. Có ai ở bên lề cuộc chiến?

Cái gì cũng là sản phẩm từ chiến tranh. Ngoài những nhà văn nhà thơ trực tiếp tác chiến, có những văn nghệ sĩ chưa từng trực tiếp ra trận dù là quân nhân, và có những nhà văn dân sự. Điều gì gọi là thực sự đứng bên ngoài thời kỳ ấy? Đứng bên ngoài là một nhắc nhở đang ở bên trong, một phản diện của khói lửa. Viết về chiến tranh, văn học thế giới không thiếu những nhà văn đã từng ở trong trận địa như R.M. Remarque (Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết), như Ernest Hemmingway (Chuông Chiêu Hồn Ai – Giã Từ Vũ Khí).

Ở ngoài cuộc cũng có những tác phẩm đồ sộ như của Margaret Michell (Cuốn Theo Chiều Gió). Leon Tolstoi sống nhiều trong chiến tranh hay đời ông là một miệt mài tìm kiếm tài liệu lịch sử để hoàn thành tác phẩm “Chiến Tranh Và Hòa Bình”? Pierre Boulle là chiến sĩ hay nhà báo khi viết tác phẩm “Chiếc Cầu Trên Sông Kwai”? Văn học Việt Nam hải ngoại mới đây cũng đã có những tập truyện tầm cỡ về cuộc chiến vừa qua của ta, từ các ngòi bút cựu quân nhân cũng như từ những người trước đây làm việc dân sự.

Những gì gọi là thuần túy nhất thì cũng đều xuất phát từ chiến tranh, từ ý-thức-hệ chính trị. Thí dụ những cuốn sách có vẻ thuần túy giáo dục như tập truyện “Ngôi Trường Đi Xuống” của Vũ Hạnh, hoặc thuần túy biên khảo về địa phương như Văn Minh Đồng Bằng Sông Cửu Long (Văn Minh Miệt Vườn) của Sơn Nam, vẫn có sợi giây chính trị điều động từ bên trong (để đả phá cái gọi là sự đồi trụy do chủ nghĩa thực dân mới đem lại, và đề cao “dân tộc tính” phù hợp với chủ trương của Mặt trận dân tộc giải phóng). Và quả nhiên sau này ta mới biết Vũ hạnh và Sơn Nam là những cán bộ nằm vùng. Còn nói gì đến chủ nghĩa hiện sinh do Giáo sư Nguyễn Văn Trung đầu tiên phổ biến vào văn học miền Nam Việt Nam, một mục tiêu bị đả kích là thứ triết lý đầu độc của văn hóa đế quốc Mỹ (thực sự là văn hóa Tây phương, nhất là Pháp). Còn nói gì đến chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật của nhà văn Vũ Khắc Khoan (tuyên ngôn tiềm tàng trong tập truyện “Thần tháp Rùa”, một mục tiêu bị đả kích là thứ văn nghệ phản động chống lại quan điểm văn nghệ xã hội chủ nghĩa).

Trong thời điểm này, có những bài viết lẻ tẻ, cá nhân, tùy hứng, như bài “Văn chương Tươi Mát đã Đi Vào Thời Đại” (đăng trong tuần báo Khởi Hành, Sài Gòn, trước năm 1975), như”Văn Chương Tìm Về Viễn Mơ Hay Hiện Thực” (Tạp chí Vấn Đề), như “Văn Chương Là Văn Chương” (Góp Phần Luận Về Văn Chương Viễn Mơ) đăng trong Tạp chí Trình Bầy… những bài như vậy chỉ là vài đám mưa nhỏ rải chút sương khói mờ nhạt xuống sa mạc chiến tranh. Vì tính chất mông lung của chữ nghĩa, bất định của ngôn từ, một chủ trương lẻ tẻ tùy hứng như trên dễ bị đưa đẩy qua nhiều nhận định, có khi là loại văn nghệ thoát ly ước mơ về thiên thai, có khi là loại văn nghệ nội tâm Đông phương Đạo giáo, có khi là loại văn chương thuần túy kiểu phản-tiểu-thuyết (Anti-Roman) chịu ảnh hưởng của văn học Pháp, và có khi lại là loại văn chương khoa học giả tưởng kiểu Nguyễn Mạnh Côn… (Xin đọc bản xếp loại thành năm hạng văn nghệ của Hội Văn Nghệ Sĩ Giải Phóng tại Sài Gòn*, qua bài hồi ký văn nghệ của nhà văn Hồ Trường An: “Tiếp Xúc Với Chữ Nghĩa Sau Cuộc Đổi Đời 1975”, đăng trong Tạp chí Làng Văn ở Canada, số  140, ấn hành vào tháng 4 năm 1996).

Còn nữa, khuynh hướng tôn giáo, khuynh hướng yêu chuộng hòa bình, khuynh hướng tình ái cá nhân, có bị đả kích hay đề cao theo quan điểm chính trị nào không? Chắc chắn là có. Cho nên không có văn chương nào ở bên lề cuộc chiến.

(Phần I: đăng trong Tạp chí Khởi Hành, California, số 9, tháng 7.1997. Bản gửi từ tác giả)

* Ghi chú: Năm xếp loại văn nghệ Miền Nam trước 1975 như sau, ghi lại đúng như trong hồi ký của nhà văn Hồ Trường An: - Hạng A gồm những tác phẩm bị gọi là phản động – Hạng B gồm những tác phẩm bị gọi là đồi trụy – Hạng C gồm các tác phẩm lãng mạn than mây khóc gió – Hạng D  gồm các tác phẩm thuộc loại “viễn mơ”, loại nghiêng về Đạo giáo – Hạng E gồm các tác phẩm được đánh giá “tiến bộ” – Hạng F gồm các tác phẩm thuộc loại tốt nhứt, đứng về hàng ngũ Cách Mạng rõ rệt, công khai hay úp mở ngắt véo chính quyền Miền Nam.

II- Thơ Lúc Từ Bỏ Cuộc Chiến

Từ bỏ cuộc chiến khác với phản chiến. Phản chiến là thái độ ở phía chống đối chiến tranh. Còn đây là thái độ trước ở phía chủ chiến, nhưng sau từ bỏ vì một lý do nào đó.
Lý tưởng chống đối chiến tranh vì chủ trương nhân bản, chiến tranh là tàn bạo, lập trường ở ngoài mọi phe phái. Điều này chẳng có gì lạ, trong Đường Thi cách nay hàng ngàn năm đã nói đến qua bài “Thạch Hào Lại’ của Đỗ Phủ. Bài thơ kể chuyện bắt lính trong đêm khuya: nhà có hai anh em đi lính đều tử trận, thiếu lính đến nỗi bà già cũng bị sung công vào đội hỏa đầu quân, chỉ có ông già trèo tường trốn là thoát quân dịch.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phong trào phản chiến ở Mỹ lúc đó là thứ phản chiến thực sự, vì sự tuyên truyền của khối Cộng Sản gồm cả Liên Xô và Trung Quốc làm cho thế giới và nhân dân Mỹ thấy Hoa Kỳ như một cường quốc đổ quân vào một nước nhỏ, tiến hành chiến tranh thô bạo. Nổi bật trong phong trào phản chiến ở Mỹ là nữ tài tử Jane Fonda. Nhưng cách thức Jane Fonda đến miền Bắc Việt Nam trong lúc chiến tranh, và hát những bài ca phản chiến bên các ổ súng phòng không gần Hà Nội, hình ảnh đó không thể nhìn như ở ngoài mọi phe phái mà như là đứng về phía bị gây hấn. Điều ấy đắc dụng cho phản chiến địch vận, làm cho nhân dân Mỹ thấy chiến tranh là vô chính nghĩa, là hy sinh vô ích, là tiêu hao nhân vật lực.

Còn từ bỏ cuộc chiến hoàn toàn khác hẳn, trong đó bao hàm ý tưởng đã có một thời tham dự một cách chủ động theo đường lối của chính quyền, bây giờ cũng theo chủ trương của chính phủ mà rút chân ra. Chủ trương từ bỏ cuộc chiến có thể vì đã kinh nghiệm qua chiến tranh Việt Nam là một bãi lầy, hay có thể vì thế cờ Domino không còn đáng quan ngại (nếu tiền đồn miền Nam Việt Nam sụp đổ thì khu vực Đông Nam Á cũng không lâm nguy). Bãi lầy hay thế cờ đã hóa giải, chỉ ở cấp thật cao mới biết điều nào là đúng.  Nhưng việc từ bỏ cuộc chiến đi xuống cấp dưới, cấp quân sĩ tác chiến, vào văn chương, thì chỉ còn là những ẩn dụ, càng không có gì xác thực thuộc lãnh vực thi ca. Từ bỏ cuộc chiến ở Việt Nam chỉ giản dị như đã chán rồi đặc sản “bamuyba” (bia 33) của “cô đẹp”, như trong bài thơ “Tại Sao” dưới đây:

Tôi đến một quán rượu theo lối quen thuộc
Ở đó có một “cô đẹp”, tóc dài thả lưng
Mắt cô long lanh đáp ứng với những mơn trớn của tôi
Tôi nói yêu nàng, tôi yêu nàng nhiều lắm.
- Chào Anh, vào đây, ngồi xuống và cho biết tên
Anh đã ở Việt Nam bao lâu rồi?
- Tôi đã ở xứ cô một thời gian dài
Vậy hãy ngồi xuống bên tôi và nghe tôi nói.

- Tôi đã ngán uống “bamuyba” rồi
Tôi đã mệt vì cuộc chiến quá lâu rồi
Tôi đang thu xếp hành trang để về nhà
Về với bé Vickie, người con gái tôi mến mộ.

(I went to a bar way down by the track
There stood a Co-dep, long hair down her back
Her eyes, how they sparkled in response to my touch
I told her I loved her, I loved her too much

Hey you!  Come in. Sit down.
What’s your name?
How long have you been in Vietnam?
I’ve been in your country the whole live – long day
So sit right down by me and hear what I say

I’m tired of drinking your old bamuyba
I’m tired of fighting your old war
I’m packing my bags and I’m going back home
To my sweet little Vickie, the girl I adore).
(Sưu tầm của Susan Wallace)

Cô gái bán bar và rượu bia 33 như những biểu tượng về Việt Nam. Đó là những điều anh lính Mỹ thân cận, nhìn qua như một xứ sở anh tới chiến đấu. Dĩ nhiên ẩn dụ này không đại diện gì cho ta. Nó chỉ làm giản dị hóa một cuộc rút chân không giản dị dễ hiểu, vì còn nhiều bí ẩn chưa bạch hóa.

TRẦN VĂN NAM

No comments:

Post a Comment