.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 19, 2012

CHẤT DÂN GIAN TRONG TUYỂN “THƠ NGHỆ AN THẾ KỶ XX”


Tuyển tập “Thơ Nghệ An thế kỉ XX”, 2000, Võ Văn Trực (chủ biên), Nxb Nghệ An, giới thiệu một cách đầy đủ bộ mặt thơ ca mảnh đất “non xanh nước biếc” này. Tập thơ toát lên chất dân gian đậm đà, từ chất liệu, nội dung, đề tài, cảm hứng đến ngôn từ bình dân chân, mộc như lời ăn tiếng nói của dân gian, đến cả thể thơ truyền thống của dân tộc. Qua đó, một phần văn hóa Nghệ được phản chiếu qua lăng kính thơ ca và góp phần làm phong phú nền thơ vốn có từ lâu đời của dân tộc. Tính cách của con người nơi vùng quê “chân lấm tay bùn” này cũng phảng phất qua lời thơ mộc mạc mà bay bổng, ý thơ giản dị mà chân thành, tình thơ có khi khắc nghiệt mà vẫn trữ tình như chính thiên nhiên nơi đây vậy.

Chất dân gian là những yếu tố truyền thống vốn có từ lâu đời trong văn học, văn hóa dân gian như hình ảnh, quan niệm, cách nói, cách hiểu, cách cảm và cách tính... Chất dân gian biểu hiện ở nhiều thuộc tính, trong đó có những yếu tố như: vận dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, sử dụng thành ngữ dân gian, các kết cấu đối đáp… Trong thơ Nghệ An thế kỉ XX, chất dân gian biểu hiện như thế nào?.

Nghệ An là tỉnh phía ở Bắc miền trung, trong quá khứ vùng đất này đã gánh chịu bao biến cố lịch sử. Sang thế kỉ XX cùng với những biến động của lịch sử nước nhà, như nhà thơ Huy Cận viết:

                                                     Thế kỉ hai mươi
Người mang trong lòng
Bao nhiêu mầm ung độc
Bao nhiêu nụ hoa đời
(Giữa lòng thế kỉ)

thì Nghệ An đã gánh chịu và vượt qua những “ung độc” ấy cũng như “bao nhiêu nụ hoa đời” đã đi vào thơ ca xứ này như một sự khẳng định; khẳng định sức sống lạc quan, bền bỉ và yêu đời của con người xứ gió Lào cát trắng ấy. Chất dân gian thẫm đẫm ấy cũng cóp phần tô điểm thêm cho vườn hoa thơ ca Việt Nam thêm màu sắc và ngát hương
.
Các nhà thơ Nghệ An cũng như mọi thi sĩ trên mọi miền quê khác, mạch nguồn dân gian là bầu sữa ngọt ngào, say đắm, là “linh hồn” nuôi dưỡng suối thơ làm cho nó vừa mang vẻ đẹp bình dị lại vừa cổ điển mà vẫn không kém phần nhuần nhuyễn, thuần thục đến kỹ xảo, “cũ” đến hiện đại. Đọc thơ Nghệ An chất “cổ điển” ấy lại soi sáng những tâm tư, tình cảm mới, có khi là tầm cao mới về nhận thức với lịch sử, quan niệm nhân sinh cùng các quy luật của nó. Thơ ca là tâm tư tình cảm, từ tâm hồn đến tâm hồn nên thơ Nghệ chính là một mạch nguồn trữ tình khẳng định được một phần tâm hồn, tính cách Nghệ.

Chất dân gian trong “Thơ Nghệ An thế kỉ XX” trước hết ở cảm hứng về cội nguồn dân tộc, là văn hóa tâm linh về nguồn gốc con Lạc cháu Hồng từ trong truyền thuyết dân gian:

Nước non Hồng Lạc còn đây mãi
Mặt mũi anh hùng há chịu ri!
(Phan Bội Châu)

Theo truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” trong dân gian thì tổ tiên người Việt thuộc “họ hồng Bàng” (có nghĩa là một loài chim nước), thuộc giống “Rồng Tiên”. Từ niềm tin ấy, nhà chí sĩ cách mạng – nhà thơ Phan Bội Châu đã giãi bày niềm uất ức thời thế và khát vọng của mình: “mặt mũi anh hùng há chịu ri”, qua đó là ý chí đấu tranh vì mục tiêu cao đẹp – là quê hương, đất nước, nhân dân tự do tự chủ để đáng mặt anh hùng của một quê hương, đất nước có truyền thống anh hùng từ lâu đời. Không chỉ coi trọng nguồn gốc tộc người, dân gian còn đặc biệt đề cao nghĩa tình dòng giống, ca dao dạy: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”.  Như vậy, nhà thơ đã có ý thức tôn vinh văn hóa lâu đời của dân tộc chính là biểu hiện của chất dân gian trong thơ Nghệ An nói chung, thơ Nghệ thế kỉ XX nói riêng. Việc tôn vinh nguồn gốc giống nòi này cũng là một cách để bảo tồn, tôn vinh nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc của dân tộc; suy cho cùng đó là một nét đẹp văn hóa Đại Việt cổ cần phát huy trong ý thức, tinh thần Việt Nam mới.

Cũng trong nguồn cảm hứng này, còn có khuynh hướng nhằm ca ngợi công đức và vai trò của các anh hùng, liệt nghĩa, là thể tài thơ vịnh sử: vịnh Hai Bà Trưng, vịnh chàng Gióng, vịnh Lê Lợi, Vịnh Triệu Trinh nương, vịnh Trần Hưng Đạo, vịnh Lê Lợi, vịnh Nguyễn Trãi… qua đó ca ngợi anh hùng cứu quốc, các bậc liệt nghĩa như niềm tự hào của quê hương, xứ sở:

Muôn thu già trẻ còn ao ước
Ước được đời nay có một ông
(Vịnh chàng Gióng – khuyết danh)

Vịnh Hai Bà Trưng:

Cũng tai cũng mắt cũng hình dung,
Chi để ai khinh khách má hồng.
Trưng, Triệu gươm xưa còn chói lọi
Tú, lan nếp mới quyết tang gông”
(Chi để ai khinh khách má hồng – Khuyết danh)
Hay:

Chiều nay, qua bến Hát môn
Nhìn dòng sông Hát, sóng cồn như xưa
Nghe trong tiếng nước đò đưa
Đâu đây trưng Nhị, quân hò quân reo…
Trời cao nổi áng mây điều
Phải hồn trưng trắc, sớm chiều bay quanh”
(Qua dòng sông Hát – Phan Xuân Hạt)

Khuynh hướng thơ vịnh sử mang tính hoài cổ, ca ngợi các anh hùng qua đó cổ vũ thế hệ trẻ về ý thức trách nhiệm của thế hệ mình ở vai trò là chủ nhân mới của đất nước. Ý thức ấy có từ thời “Thánh Gióng nhổ tre mà đánh giặc” nên qua chiều dài lịch sử, ý chí, niềm tin ấy càng được hun đúc lên thành một bề dày có chiều sâu. Đó là tinh thần cách mạng, niềm tin vào sức mạnh của các bậc anh tài, gộp vào nhân dân trong đời sống thường ngày. Chẳng thế mà Phan Xuân Hạt, chiều qua sông Hát đã nghe lời vang vọng hồn thiêng ấy: “Nghe trong tiếng nước đò đưa/ Đâu đây trưng Nhị quân hò quân reo”?. Để thấy tinh thần dân tộc là cội rễ tạo nên hồn thiêng của non nước này, cứ thế mà nương náu và phát huy.

Tiếp đến, chất dân gian biểu hiện ở cách tính dân gian:

Xòe bàn tay bấm đốt
Tính đã bốn năm ròng
Người ta bảo không trông
Ai cũng bảo đừng nhớ
Riêng em thì em nhớ
Chuối đầu vườn đã trổ
Cam đầu ngõ đã vàng
Em nhớ ruộng nhớ vườn
Không nhớ anh răng được”
(Thăm lúa – Trần Hữu Thung)

Nhân dân lao động quen nhìn mùa màng, cây trái trong vườn mà tính thời gian, năm tháng; cũng như “xòe bàn tay bấm đốt” là thời gian mang tính ước lệ. Em cũng làm như vậy và biết đã xa, đã chờ, đã đợi anh “bốn năm ròng”. Nghĩa tình thủy chung của em dành cho anh, cũng là lòng son sắt, nghĩa tình của nhân dân lao động ở phẩm chất son sắt, kiên định, bền bỉ ấy. Tương tự, sau này Nguyễn Bính – thi sĩ của chân quê đã diễn tả thời gian ước lệ ấy một cách tinh tế và khóe léo: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu/ Chờ em chừng dập miếng trầu em sang” (Chờ nhau), khoảng thời gian ước lệ “chừng giập miếng trầu” rất dân gian. Thời gian trong thơ mang tính ước lệ như vậy càng làm cho hình ảnh thơ thêm chiều sâu, dường như đó là thời gian của tâm tưởng, của nỗi nhớ và thủy chung, của lòng son sắt và kiên định. Phải chăng đó cũng chính là phẩm chất kiên cường bất khuất trong tâm hồn người Việt?.

Hơn nữa, sử dụng thành ngữ dân gian cũng là một biểu hiện của tính dân gian. Các thành ngữ “Tai qua nạn khỏi”, “Năm nắng mười mưa” (vận dụng có sáng tạo: năm nắng mười thương), “Thắt đáy lưng ong”… đi vào thơ ca Nghệ An như một cách đến với lòng người bằng sự gần gũi, thân thuộc. Các thành ngữ này vốn rất quen thuộc, như lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động, từ đó làm nên sức sống mới cho thơ ca hiện đại. Mà như đã biết, cái gì gần gũi thân thuộc với đời người thì dễ đi vào lòng người. Một bài vè dân gian lưu hành ở huyện Diễn Châu như sau:

                                               Thắp hương múc nước mà thờ
Tai qua nạn khỏi, con nhờ ơn quan.

Có khi:
                                         Dẫu không năm nắng mười thương
Vẫn còn kịp ghé con đường năm nao
Hỏi thăm đúng ngõ anh vào
Mẹ thầy ra đón xiết bao nỗi mừng”.
(Hương cau – Huy Huyền)
Lại nữa:
                                                  Miền trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong…
(Miền trung – Hoàng Trần Cương)



Một biểu hiện nữa của chất dân gian trong thơ Nghệ là nhiều bài thơ nói về đạo Phật, Nho giáo, tâm linh tín ngưỡng dân gian như: tục thờ cúng tổ tiên, niềm tin vào kiếp luân hồi, linh hồn…
xuất phát từ tục dân gian thờ cúng tổ tiên, vốn có từ bao đời thành nguyên tắc sống: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn sáng mắt cha ông không thờ” (Nguyễn Đình Chiểu),  thơ Nghệ An cũng có tâm linh ấy, nhiều bài thơ nói về thờ cúng gia tiên. Bên cạnh đó, tin vào nhân đức cũng chính là thuận theo quan niệm “Ở hiền gặp lành” từ ngàn xưa của cha ông, bài vè lưu truyền ở huyện Diễn Châu đã nói trên lại nói:

Ngẫm trong thế sự trần ai
Ở cho nhân đức mới dài về sau.

Có khi tín ngưỡng ấy biểu hiện ở niềm tin vào Trời theo quan niệm “vạn vật hữu linh” trong dân gian, điều mà cụ Nguyễn Du đã khái quát: “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Truyện Kiều).

Dẫu rằng thành bại bởi trời, tiếng xướng nghĩa
trước tiên, còn truyền vùng Nghệ Tĩnh;
Than bấy anh hùng không đất, tiết phò vua cao cả,
lưu mãi đất Hồng Lam.
(Phan Đình Phùng – điếu Lê Ninh).

Nguyễn Trọng Oánh, qua bài “Chuyện cũ dân lèn” với nhiều cái chết oan uổng đã nói về niềm tin vào linh hồn:

Ở đây bao nhiêu người
Sập hang mất hài cốt
ở đây cố qua đời
ở đây cha mồ côi
Thắp hương con cháu khóc…
Đòi mạng oan hồn cười
(…)
Con đói cha phải xoay
Mẹ ngồi khấn trời phật
Gió bấc đèn lắt lay
Con giật mình kêu khóc

Hay:

Làng ta cúng tế bỏ cho rồi
Nỏ trọng chi thần, trọng thịt xôi
(Bỏ cho rồi – Phan Tế Mỹ)

Có khi nói đến tục thờ cúng để thức tỉnh vai trò của nhân dân, khuyến khích đấu tranh cứu nước bằng công sức chứ không phải ở niềm tin vào thần thánh:

Mất nước không lo lo cúng tế
Xôi rền, thịt béo bỏ đi thôi
( Bỏ cho rồi – Phan Tế Mỹ)

Văn hóa tâm linh theo quan niệm dân gian đi vào thơ như đời thực giữa đời thường. Nó là một phần bộ mặt nông thôn Việt Nam nói chung, miềm quê Nghệ An nói riêng phản chiếu văn hóa phong phú của dân tộc. Bài thơ “Ba nén hương của Hoàng Cát thể hiện sự cảm thông với cảnh đời, nỗi đau và mất mát của con người, sau đó lại chính là tâm linh của nhân dân không tuyệt vọng trước mọi mất mát. Niềm tin ấy cũng chính là nơi trú ngụ của những mất mát, nguồn an ủi đối với những quy luật vô thường của kiếp sống. Lại có khi nhà thơ tin vào sức mạnh vô hình của những anh hùng chết vì nghiệp lớn như cái chết gan dạ của cảm tử Phạm Hồng Thái, câu thơ dưới đây của Đặng Tử Kính thể hiện rõ điều đó:

Hồn liệt sĩ ù ù gió quạt
Dạ anh hùng tím ngắt lá gan.
( Kính dâng hương hồn liệt sĩ Phạm Hồng Thái)

Bên cạnh chất dân gian ở thể tài tài, cảm hứng, cách tính mang tính ước lệ… còn có cái đẹp chân quê qua hình ảnh con sông, bãi lúa nương dâu, dậu mồng tơi, người mẹ quê, người em thôn nữ, mùa cau… Tất cả đều gần gũi chân chất như chính cuộc sống thường nhật của miềm quê này và mọi miền quê hương nông thôn Việt Nam khác vậy. Cái đậm đà của chất dân gian trong thơ Nghệ An là ở đó.  

Hình thức nghệ thuật cũng là một mặt của nội dung, có khi hình thức lại chứa nội dung. Nói đến hình thức thơ nói chung, thơ Nghệ An nói riêng làm nên đặc trưng của chất dân gian thì trước hết phải nói tới thể thơ truyền thống của dân tộc: Lục bát và song thất lục bát. Bên cạnh đó là hình thức thơ năm chữ sau này của thể tự do được các thi sĩ hiện đại sử dụng như một thủ pháp. Các bài thơ theo thể lục bát tiêu biểu như “Hương cau”, “Ca dao đọc ở phía nam”, “Về làng”, “Trọn tình”…; thơ năm chữ như  “Đêm nay bác không ngủ”, “Thăm lúa”, “Trúc xinh”… làm rõ đặc trưng đó. Vẫn là cách ngắt nhịp truyền thống nhưng thơ Nghệ An thế kỉ XX cũng không ít những cách tân làm nên sức sống riêng cho những bài thơ lục bát, song thất lục bát, để thơ ca trên mảnh đất thơ này có hương lạ giữa muôn hương. Đọc “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo ta thấy rõ “hương lạ” đó.

Bên cạnh đó, lối tập ca dao cũng là một kiểu ứng tác rất khóe léo của các nhà thơ Nghệ tĩnh xưa:

Anh về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em
Trên đường mở cõi vào Nam
Tay gươm, tay bút Người làm ca dao…
(Ca dao đọc ở phía Nam – Ngô Xuân Hội)

Cảm hứng từ một câu ca dao, đó là lời đề từ “Bước xuống vườn cà há nụ tầm xuân” để “khai sinh” cho bài thơ “Hoa tầm xuân”, tác giả Tuyết Nga đã rất khóe léo và tinh tế trong cảm tác về cái đẹp của cuộc đời từ những cảm xúc bình dị, đời thường nhất: “Cau chưa nứt bẹ, trầu thời đương xanh… Ruột bầu chưa nấu làm canh/ Gừng cay muối mặc chưa thành ca dao/ Mận chưa đến tuổi hỏi Đào/ Cành dào chưa gãy, lối vào còn sương/ Lòng tôi tơ nhẹn chưa vương”.

Tóm lại, chất dân gian trong thơ ca dân tộc nói chung, thơ Nghệ An thế kỉ XX nói riêng không những làm nên hồn thơ đậm đà tính dân tộc, mà còn làm nổi bật nét đẹp riêng của văn hóa nông thôn xứ Nghệ. Thơ ca Nghệ An góp phần xứng đáng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn học truyền thống của cha ông. Đó là thành công của thơ ca đất Hồng Lam này nằm trong dòng chảy của nền thơ dân tộc vốn có từ lâu đời và không ngừng sáng tạo qua mọi thời kì lịch sử. Sẽ là một thiếu sót nếu tìm hiểu mảnh đất này mà không đi vào thơ ca; càng thiếu sót hơn nếu tìm hiểu thơ ca xứ Nghệ mà không đặc biệt chú ý đến chất dân gian. Gợi mở vấn đề như vậy để tiếp tục tìm hiểu thơ ca của mảnh đất thơ này một cách có hiệu quả nhất.

Trần Thị Thanh
Bưu cục Bùi Thị Xuân, Đà Lạt.

No comments:

Post a Comment