.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 19, 2012

THƠ VIỆT PHẢI ĐI ĐẾN TẬN CÙNG CỦA NGÔN NGỮ VIỆT

Mấy chục năm đồng hành cùng nhau trên con đường thi ca, nhà thơ Phạm Hồ Thu đã nhận xét rằng: thơ Nguyễn Thụy Kha là những vần thơ kiêu hãnh và cay đắng. Nhà thơ nguyễn Thụy Kha có vẻ tâm đắc về tổng kết đó, nhưng tôi thì muốn bổ sung thêm tính từ mạnh mẽ. Kiêu hãnh và mạnh mẽ - đó cũng là bản tính của anh và vì thế, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thật cởi mở về thi ca.


Hãy giữ gìn thơ Việt, đừng giết chết thơ Việt


@ Năm 2011, Hội Nhà văn Việt Nam (VN) trao giải về thơ cho tác phẩm “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương và “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy. Có ý kiến cho rằng đây là cuộc bứt phá của thơ ca Việt hiện đại, nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng đây là hai tập thơ vô lối, một sự cách tân theo hướng tắc tị. Đánh giá của anh như thế nào?

Nguyễn Thụy Kha: Tôi cho rằng việc mạnh bạo trao giải thưởng cho những tác phẩm mới có bứt phá là rất đúng. Nhưng tôi có một cách nhìn khác, từ khi bắt đầu làm thơ cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn nghĩ là phải nâng niu những câu thơ tiếng Việt vì dân tộc ta có truyền thống thơ ca từ rất lâu rồi. Việc phát hiện và nhìn nhận ra thơ trẻ cũng là một trong những điều thế hệ chúng tôi đặt ra mình phải làm và chúng tôi cũng đã phát hiện ra nhiều gương mặt: Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh… Trong tiến trình đó, việc làm mới thơ Việt là rất cần thiết, nhưng quan trọng nó phải là thơ Việt. Khi tôi viết Những giọt mưa đồng hành, tôi dùng thủ pháp đồng hiện của châu Mỹ Latinh áp dụng vào thơ Việt Nam.
Khi bài thơ được giải thưởng, nhà thơ Trinh Đường gặp tôi bảo, thơ Kha hơi bị Tây! Nhưng tôi nói lại với nhà thơ Trinh Đường rằng, tôi ví người con gái nhập vào giọt mưa là thiên nhiên thì như vậy, thơ tôi mang chất phương Đông chứ. Con người hòa nhập thiên nhiên là chủ thuyết của phương Đông, con người mà chống lại thiên nhiên mới là phương Tây. Hay khi viết Hà Nội ngũ hành, tôi làm bằng nhịp ngũ hành, sắc sắc không không của kinh dịch: Ra năm cửa ô ngoái về thương nhớ/Nhìn sang Đông Âu bao điều sụp đổ/Thương thời chiến tranh thời áo bông xanh/Thời gạo sổ găm mười ba cân rưỡi – rất hiện đại nhưng nhịp lại rất cổ điển. Đó là sự kết hợp của từng nhà thơ, quan niệm của tôi là như vậy.
Còn với những tác phẩm của ngày hôm nay, tôi nghi ngờ rằng, bây giờ có rất nhiều luồng thơ đến từ trên mạng và từ nhiều phía đổ vào, có thể nó làm nhiều nhà thơ bị choáng, thậm chí là mụ mị đi và tự thấy phải làm như thế mới là thơ hiện đại.

@ Cụ thể là…

Nguyễn Thụy Kha: Chẳng hạn có một câu thơ của Đỗ Doãn Phương mà tôi có thể ngồi cãi nhau với Phương cả tỷ lần về điều này. Trong bài Sinh, Phương viết: “Những cái cây cắm sâu xuống đất như bị chôn sống” – câu thơ này không Việt Nam, sự tuyệt vọng này quá non nớt. Người ta phải chấp nhận kể cả chết vẫn phải sống và vẫn phải sống trong cái chết. Thực sự tôi không thấy câu thơ này hay ở chỗ nào. Hay Phương viết: “Thiên Nhiên mở ra vòm tử cung Bà Mẹ” (Sinh). Các cụ ngày xưa gọi là “ăn nằm” với nhau, tránh đi những cái gì không mang chất thơ. Hay anh Đào Trọng Khánh đã viết: “Thành phố ăn nằm với biển/Đẻ ra một lũ cần lao” - hiện đại vô cùng.
Ở đây, anh cứ tưởng nhặt cái gì không thơ vào thì thành thơ. Hình ảnh đó thực ra chỉ là một động tác cơ học hết sức nghèo nàn, không có gì mới, ví sự sinh nở của thiên nhiên. Tôi cho rằng, đây có thể là sự ngộ nhận, cho rằng phải khác đi như thế. Đấy là truyền thống của thơ phương Tây, nhưng các bạn đã bị mụ mẫm và trượt đi. Chúng tôi không đến nỗi cổ hủ để không biết phải chấp nhận tinh hoa. Nhưng thơ cần phải giản dị, thơ không thể khuếch trương được. Thơ chỉ làm những gì văn xuôi không làm được, điều ấy mới quan trọng. Tôi có một lời cầu xin, hết sức thành thực, thậm chí tôi có thể quỳ dưới chân các nhà thơ trẻ: xin hãy giữ gìn thơ Việt, đừng giết chết thơ Việt. Chiến tranh đã giết chết nhiều người Việt Nam rồi, bây giờ lớp trẻ lại tàn sát nốt cả giọng điệu thơ của người Việt thì không thể chấp nhận được. Nếu cần thì phải chống lại đến cùng để giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ Việt.

@ Anh nhìn nhận thế nào về xu hướng thơ hiện đại?

Nguyễn Thụy Kha: Thơ rất cần tiến tới sự hiện đại, nhưng mà phải bình tĩnh. Tôi rất thiện cảm với tập Những kỷ niệm tưởng tượng của anh Trương Đăng Dung mà Hội Nhà văn Hà Nội vừa trao giải, đấy là một sự tìm tòi, một sự cách tân. Chẳng hạn anh Dung đưa ra chuyện phải chiến đấu với bóng đêm để giành lấy người con gái. “Bóng đêm chiếm em nhiều hơn anh” – đấy là một tư tưởng hiện đại, mà lại là vấn đề nhân loại. Chúng ta không thể nhại bằng ngôn ngữ Việt giọng điệu các nhà thơ phương Tây của một thời kỳ rất xa để thành những nhà thơ Việt Nam của thế kỷ bây giờ rồi bảo đấy là thơ Việt hiện đại – đó là một sự nhầm lẫn.

Ðổi mới không phải sự quái dị, không phải sự kỳ dị và càng không phải sự lập dị

@ Thơ của tác giả Trương Đăng Dung là cách tân, của Đỗ Doãn Phương cũng là cách tân. Vậy theo anh, thế nào là thơ cách tân?

Nguyễn Thụy Kha: Cách tân là làm mới một cách làm cũ. Thơ của anh Trương Đăng Dung là cách tân, của Đỗ Doãn Phương là tân kỳ. Hai tác phẩm vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đều có phẩm chất của thơ, nhưng họ đang quá mong manh đi bên bờ vực của cái hết sức cũ. Thơ vô cùng cần sự khôn ngoan và sâu sắc. Mỗi người làm thơ phải tự đổi mới mình. Các bạn trẻ cần sự cách tân, nhưng ngàn lần tôi muốn nói rằng, muốn người ngoại quốc biết cái hay của thơ Việt thì phải bám vào ngôn ngữ Việt.

@ Chẳng ai phản đối sự cách tân cả, nhưng làm gì thì cũng phải có mục đích, nhất là cách tân thơ không phải là việc dễ dàng mà cần bản lĩnh và tài năng. Vậy cách tân thơ theo anh để làm gì?

Nguyễn Thụy Kha: Tôi nghĩ không những cách tân mà còn phải tân kỳ. Thơ mãi mãi cần sự mới mẻ và mỗi người làm thơ luôn phải đổi mới. Nhưng sự đổi mới không phải sự quái dị, không phải sự kỳ dị và càng không phải sự lập dị.

@ Nhưng thơ dù cách tân hay tân kỳ thì cũng phải để công chúng hiểu chứ.

Nguyễn Thụy Kha: Công chúng đối với nhà thơ là vấn đề tôi rất quan tâm. Thực ra thơ để công chúng đọc là một loại thơ, có lẽ tiêu biểu nhất ở Việt Nam là thơ của Tố Hữu. Cho đến nay, những câu thơ của Tố Hữu vẫn không ra khỏi tôi, nhưng nếu bảo tôi làm thơ như Tố Hữu thì tôi không bao giờ làm. Có thể thơ tôi ít công chúng hơn, nhưng mỗi người có một khu vực công chúng, không thể đổ đồng công chúng là một đám đông không có tên tuổi.
Tôi còn nhớ câu chuyện anh Phạm Vĩnh Cư kể rằng, thời kỳ Pasternak làm thơ thì chính Phadeleep lúc đó phụ trách Hội Nhà văn Liên Xô báo cáo với Xtalin rằng, nước ta có một nhà thơ làm thơ không ai hiểu cả. Nhưng Xtalin nói, Liên Xô rất cần những nhà thơ làm thơ không ai hiểu cả. Cao Bá Quát cũng từng nói: Thơ mà cứ cố tình hiểu thì chỉ dại thôi. Theo tôi, không nên quá chú trọng vào vấn đề công chúng, nhưng cũng không vì thế mà làm những bài thơ chẳng ai hiểu nói gì. Cũng có những người đi đến cùng của sự tìm tòi như nhà thơ Dương Tường, nhưng anh có sự từng trải.  Cần phải có sự từng trải khi tổ chức thi ảnh, tổ chức giai điệu thơ. Thơ có thể 99% là tài năng, còn 1% là từng trải... Bây giờ cứ nhìn lại xem, các nhà thơ khi được giải Nobel không ai dưới 70 tuổi, trước đó mọi sự chỉ là tập dượt, khi có sự từng trải mới thành công. Nhiều người bây giờ cứ hay dùng thơ trang trí, thôi thì làm gì cũng được nhưng đừng giết chết thơ. Mà thơ Việt không chết được đâu, dù anh có đổ một đống các thứ gọi là cách tân thì thơ Việt vẫn vươn lên một cách đàng hoàng. Thơ Việt không phải là “những cái cây cắm xuống đất như bị chôn sống”, mà là những cái cây vẫn xanh kiểu Việt Nam.

@ Cứ có cảm giác các nhà thơ trẻ hiện nay đang có xu hướng ngoại lai một cách vội vã, muốn đổi mới, nhưng dường như người ta mới chỉ chủ trương viết như thế nào (hình thức) chứ chưa chú trọng viết cái gì (nội dung)?

Nguyễn Thụy Kha: Tư tưởng làm thơ phải khác người khác là rất chuẩn, có thể có cả tỷ người vội vã, nhưng cứ để họ thi đấu, người nào trụ được thì còn lại. Đôi khi sự công bố cũng chỉ là sự công bố, cái người ta sợ nhất vẫn là cái chưa công bố và người ta vẫn còn chờ đợi. Các nhà thơ hiện nay đang trong hội chứng dở nếp dở tẻ, không hồn nhiên được nữa, mà già dặn thì chưa tới. Thêm vào đó là hội chứng ham nổi tiếng. Cần phải biết theo cách nào. Có những người nổi tiếng chính bằng sự vô danh. Nhưng bây giờ tìm sự bình thường vô cùng khó. Dù vội vàng đến mấy thì cũng không nên vội vàng với thơ. Có một câu châm ngôn rằng: hãy vừa cày ruộng và vừa chờ chết. Có thể anh sẽ đi một chuyến vô tăm tích và không được gì cả, nhưng vẫn thực là anh.

@ Vậy thì theo anh, hành trình của sự đổi mới thơ phải như thế nào?

Nguyễn Thụy Kha: Hành trình đổi mới thơ đối với tôi chỉ gói gọn trong 8 chữ: dân tộc, đích thực, nhân loại tiên phong. Hiện nay, có nhiều nhà thơ Việt làm thơ bằng tiếng Anh, tôi thấy rất thú vị, nhưng như thế không có nghĩa là thay thế được thơ Việt. Thơ Việt phải làm bằng tiếng Việt và phải đi đến tận cùng của tiếng Việt thì mới thấy nhân loại xung quanh.

@ Xin cảm ơn anh!

                          LAN HƯƠNG ( thực hiện)


Nguồn: Sức Khỏe & Đời Sống

No comments:

Post a Comment