.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 19, 2012

QUAN NIỆM CỦA NGUYỄN TRÃI VỀ VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ TRONG SÁNG TÁC VĂN NGHỆ

 
Nguyễn Trãi – vị anh hùng dân tộc, một nhà văn hoá xuất sắc, một nhà chính trị sáng suốt, một nhà quân sự lỗi lạc, một nhà ngoại giao thiên tài, một nhà thơ lớn, một nhà lý luận văn nghệ kiệt xuất. Ông là người trí thức từ tinh hoa của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Ông là một trong những tác giả viết nhiều nhất thời trung đại ViệtNam.

I. Quan niệm về vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc đời

Quan niệm về vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc đời của Nguyễn Trãi, được nhìn trên quan điểm nhân sinh quan của ông. Dưới thời phong kiến tư tưởng trung quân được đặc biệt coi trọng. Không ít người trong giai cấp phong kiến đã đặt ra hai chữ trung quân (tức là trung với vua) lên hàng đầu, thì Nguyễn Trãi đã có thái độ khác. Nguyễn Trãi cũng coi trọng hai chữ trung quân. Ông viết:

Bui có một niềm chăng nỡ trễ
Đạo làm con với đạo làm tôi[1]
(Ngôn chí bài 1)
hoặc:
Quân thân chưa báo lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời áo cha
(Ngôn chí bài 7)
Tuy nhiên, trong quan niệm của Nguyễn Trãi ý nghĩa chủ yếu của chữ trung lại là trung với nước. Xem xét hành trạng của Nguyễn Trãi thì có thể thấy nét đặc sắc ấy trong tư tưởng của ông. Nguyễn Phi Khanh, cha Nguyễn Trãi, là con rể Trần Nguyên Đán, một người thuộc tông thất nhà Trần và Nguyễn Trãi là cháu ngoại họ Trần. Nhiều sỹ phu đời Trần đã vì hai chữ trung quân mà gắn bó đến cùng với nhà Trần và không ra cộng tác với cha con Hồ Quý Ly khi nhà Trần bị nhà Hồ thay thế. Lẽ ra, với tư cách dòng dõi sĩ phu đời Trần, hơn nữa lại là cháu ngoại họ Trần thì Nguyễn Trãi phải quyết liệt chống đối triều đại mới. Nhưng trái lại, ông đã ra ứng thí và đậu thái học sinh ngay trong kỳ thi đầu tiên dưới triều nhà Hồ. Khi giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị bắt làm tù binh đưa về Trung Quốc. Ông có dặn lại con trai là hãy tìm cách đánh đuổi giặc để báo thù cha, trả nợ nước. Nguyễn Trãi ghi nhớ lời dặn dò của cha, nhưng sau đó ông lại không tham gia cuộc kháng chiến của Trần Giản Định và Trần Trùng Quang, tức là cuộc kháng chiến của nhà hậu Trần. Mười năm sau khi nhà Hồ đã mất, và cũng là khi Trần Giản Định và Trần Trùng Quang đã thất bại, Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn giúp Lê Lợi. Nếu Nguyễn Trãi hiểu chữ trung trước hết là quan hệ với vua Trần thì khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần ông đã không ra giúp nhà Hồ. Và nếu như ông hiểu như thế thì con cháu nhà Trần nổi lên chống giặc Minh ông đã ra giúp họ chứ không tìm vào với Lê Lợi. Nguyễn Trãi không gắn bó với nhà Trần vì ông nhận thấy nhà Trần đã suy, vì ông thấy các vua Trần đã trở nên hủ bại. Giúp Hồ Quý Ly ông tưởng rằng đã giúp được một nhà cải cách táo bạo sẽ đưa được đất nước và nhân dân ra khỏi cơn khủng hoàng cuối thế kỷ XIV, mà các vua cuối đời Trần đã gây ra. Giúp Lê Lợi, ông đã giúp được một người cứu nước cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong đầu thế kỷ XV. Trước thì thất bại, sau thì thành công, kết quả tuy có khác nhau, nhưng động cơ của hành động chỉ là một. Nguyễn Trãi giúp vua chủ yếu là để giúp nước, giúp dân. Ông không bị sa lầy trong tư tưởng “trung thần bất sự nhị quân”, tư tưởng thường làm cho không ít người rơi vào các nạn ngu trung, tức là trung với cả những hôn quân bạo chúa, trung với cả những nhà vua bán nước. Nguyễn Trãi có nói đến trung với vua, nhưng chỉ với vua biết thi hành nhân nghĩa, tức là biết lo cho dân, cho nước. Lòng trung quân của ông là có điều kiện. Ông mà có thể giúp Hồ Quý Ly thời trước và lại có thể giúp Lê Lợi thời gian sau thì chính cũng vì muốn giúp những người mà ông hy vọng là có đủ sức đảm đương sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Lòng ưu quốc, ái dân của ông là vô điều kiện.

Tư tưởng nhân nghĩa là một tư tưởng quan trọng của Nguyễn Trãi. Điểm lại các tác phẩm của ông thì thấy có 59 chữ nhân và 81 chữ nghĩa.

Nhân nghĩa vốn là những khái niệm có tính chất chính trị và đạo đức của nho giáo, do Khổng Tử thể hiện ở nhiều tác phẩm, trước hết là ở kinh Xuân thu, Kinh lễ (phần Chu Quan) và ở sách Luận ngữ. Sách Luận ngữ bàn về chữ nhân và chữ nghĩa nhiều hơn cả. Sách Luận ngữ, nêu lên chữ nhân 105 lần và chữ nghĩa 21 lần.
Tư tưởng của Mạnh Tử thể hiện chủ yếu ở sách Mạnh Tử nêu lên chữ nhân 155 lần và chữ nghĩa 101 lần.

Nội dung chủ yếu trong khái niệm nhân nghĩa của Khổng mạnh gắn với mục đích phục vụ giai cấp thống trị. Tư tưởng nhân nghĩa của Khổng mạnh gắn với chính sách lễ trị, tức là trị nước theo lễ, theo một trật tự đẳng cấp khắc nghiệt. Đạo nhân nghĩa chỉ là đạo của bậc tưởng giả, bậc sĩ quân tử. Chính Khổng Tử đã nói trong sách Luận ngữ thiên Hiếu vấn như sau: “Bậc quân tử mà chẳng nhân thì có đấy, chưa có kẻ tiểu nhân mà lại có nhân vậy” (Quân tử nhi bất nhân giả hữu hĩ phù, vị hữu tiểu nhân nhi nhân giả dã). Khổng Tử phàn nàn rằng có những bậc quân tử (ý nói những kẻ thuộc giai cấp thống trị) mà cũng không chịu theo đạo nhân, chứ còn theo ông ta thì những kẻ tiểu nhân (ý nói quần chúng đông đảo thuộc tầng lớp dưới) thì làm sao mà lại có thể theo đạo nhân được. Thật là rõ ràng: đạo nhân nghĩa không phải là cái đạo mà người dân thường có thể vươn tới và thế là cái đạo ấy chẳng liên quan gì đến dân cả. Tư tưởng nhân nghĩa có tính chất giai cấp mà chính Khổng Tử đã xác định một cách dứt khoát là như thế đó. (tuy nhiên, cần nói ngay rằng, về sau này, nội dung của chữ nhân sẽ được hậu nho, mở rộng ra nhiều hơn so với quan điểm của Khổng Tử. Vả lại chữ nhân theo Khổng Tử và chữ nghĩa theo Mạnh Tử cũng không phải chỉ hạn chế trong những nội dung mà chúng tôi vừa nêu ở trên đây. Nhưng những nội dung ấy là lõi cốt trong quan niệm của họ).

Description: http://lyluanvanhoc.com/wp-content/uploads/2012/04/Nguyen-Trai1.jpg
Quan niệm của Nguyễn Trãi về nhân nghĩa có ý nghĩa tích cực. Nguyễn Trãi cũng có khi hiểu chữ nhân và chữ nghĩa không trái với cách hiểu của nho giáo. Nhưng những trường hợp này dẫu sao cũng rất ít và có thể nêu ra như:
Trong “Lệnh dụ các tướng hiệu quân nhân ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá” (Quân trung từ mệnh tập) câu mở đầu là “Ta khởi nghĩa ở đất các ngươi, nay muốn thành công mong các ngươi giữ chung thuỷ một lòng, đá vàng một tiết để toàn cái nghĩa quân thần, phụ tử”.
Trong “chiến cấm các đại thần, tổng quan cùng các quan ở Viện, Sảnh, Cục tham lam lười biếng” (phần văn loại chép phụ vào Quân trung từ mệnh tập) gần cuối có câu: “Vua tôi nghĩa lớn, trọn vẹn trước sau…”

Đó là quan điểm của Nguyễn Trãi về chữ nghĩa, còn quan điểm của ông với chữ nhân thì trong một Bức thư gửi cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt (Quân trung từ mệnh tập) có đoạn viết: “Tôi cũng lấy đạo nhân nghĩa, hết lòng thờ kính triều đình, phàm quan quân của triều đình đều được đưa về hết”. Rõ ràng ở đây thể hiện quan điểm có tính chất phong kiến về đạo nhân nghĩa.

Tóm lại, trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi cũng có những chỗ mà chữ nhân và chữ nghĩa được quan niệm gần giống với Khổng Mạnh. Đó trước hết là vì Nguyễn Trãi được đào tạo trong nhà trường nho học. (Nguyễn Trãi được đào tạo trong nhà trường nho học cuối đời Trần). Lý do thứ hai không kém phần quan trọng là trong nhiều tác phẩm, ông đã nhân danh vua mà viết và là viết cho tướng lĩnh Trung Quốc và vua Trung Quốc.
Tuy nhiên, với Nguyễn Trãi thì chữ nhân và chữ nghĩa trong đại đa số các trường hợp thường có những nội dung không gắn với quan điểm của Khổng Tử và Mạnh Tử.
Trước hết, Nguyễn Trãi đã nhiều lần gắn chặt nhân nghĩa với “an dân”. Mở đầu Đại cáo bình Ngô ông viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”.
Trong bức Thư thứ hai gửi Liễu Thăng, Ông viết: “Ta nghe quân của vương gia chỉ có dẹp yên mà không đánh chém. Việc làm nhân nghĩa cốt để an dân”.
Trong bức Thư dụ hàng các tướng sĩ trong thành Bình Than, Ông viết: “ta nghe đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân”.
Trong bài Biển gửi vua Minh, Ông viết: “Đánh kẻ có tội cứu vớt dân là thánh nhân làm việc đại nghĩa”.

Trong Thư gửi Sơn Thọ, Mây Kỳ ông viết: Làm hại cả tính mệnh của dân trong một thành thì lòng của bậc nhân giả không làm thế.
Rõ ràng là trong tư tưởng của Nguyễn Trãi chữ nhân và chữ nghĩa không những đã gắn chặt với hai chữ an dân mà thường là xoắn xuýt với chữ dân. Nhân nghĩa là chăm lo cho dân vui hay buồn, là gắn bó làm một với dân.
Như thế là Nguyễn Trãi đã đưa vào khái nhiệm nhân nghĩa một nội dung vốn rất mờ nhạt ở Khổng Tử và Mạnh Tử. Ở hai người này, nhân nghĩa trước hết là những mối quan hệ phù hợp với lễ tức là trật tự đẳng cấp. Và đạo nhân nghĩa mà Khổng Tử và Mạnh Tử đề xướng chủ yếu nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị. Còn ở Nguyễn Trãi thì nhân nghĩa trước hết được giải thích bằng, thái độ đối với dân và đạo nhân nghĩa của ông là nhằm phục vụ dân chúng.
Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Trãi luôn luôn tỏ lòng quan tâm sâu sắc đối với dân. Không kể các trường hợp trong đó ông dùng những danh từ quen thuộc của cổ văn để gọi dân như xích tử, manh lệ, sinh linh, bách tính, thương sinh…., thì ông đã dùng đến 156 chữ dân. Ở trên vừa trình bày những trường hợp trong đó ông đã lien hệ dân với nhân nghĩa qua đó có thể thấy ông hiểu nhân nghĩa là bổn phận đối với dân. Thật là khác với Khổng Tử và Mạnh Tử là những người đã cho rằng nhân nghĩa là bổn phận đối với bề trên cao nhất, thiêng liêng nhất là vua.

Tóm lại có thể nói, tư tưởng trung quân và tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi gắn với lòng ưu quốc, ái dân. Tư tưởng đó là dựa vào sức của dân để lo cho vận nước, và lo cho vận nước là vì lợi ích của muôn dân.

Trên nền tảng tư tưởng trung quân và tư tưởng nhân nghĩa đó, Nguyễn Trãi đã có quan niệm tích cực về vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc đời.
Với tư cách người nghệ sĩ, Nguyễn Trãi đã rất có ý thức về trách nhiệm của người cầm bút.
Văn chương chép lấy đòi câu thánh,
Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung.
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược,
Có nhân, có trí, có anh hùng.
(Bảo kính cảnh giới – Bài 5)
Nguyễn Trãi đã nhiều đêm trằn trọc không ngủ “đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung…” với một niềm thao thức khôn nguôi về trách nhiệm của người trí thức, người nghệ sĩ làm sao cho “quốc phú” và “ích chưng dân”.

Quốc phú binh cường chăng có chước,
Bằng tôi nào thửa ích chưng dân.     (Trần tình – Bài)
Nguyễn Trãi đã gắn văn chương với sự nghiệp, gắn nhiệm vụ làm văn với nhân cách làm người. Suốt đời lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, ông mang trong trái tim một hoài bão khẳng định dân tộc Đại Việt, bảo vệ tổ quốc Đại Việt:

Đao bút phải dùng, tài đã vẹn,
Chỉ thư nấy chép, việc càng chuyên.
VệNammãi mãi ra tay thước,
Điện Bắc đà đà yên phận tiên.
(Bảo kính cảnh giới – Bài 56)
Nguyễn Trãi đã dùng “Đao bút” để luận chiến với kẻ thù xâm lăng. Ông đã dùng ngòi bút để chiến đấu cho tổ quốc, cho nhân dân.
Những bức chỉ thư (tức là lệnh chỉ của Lê Lợi), những bài luận chiến với kẻ địch đã được người đời sau tập hợp thành cuối Quân trung từ mệnh tập. Đó là một tác phẩm văn học chính luận kiệt xuất. Quân trung từ mệnh tập đã làm suy yếu kẻ địch về nhiều mặt, trước hết là phân hoá hàng ngũ giặc Minh.

Về thể loại văn chính luận, trước Nguyễn Trãi (trước thế kỷ XV), nền văn học viết nước ta đã có nhiều bài văn chính luận nổi tiếng như: Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Văn lộ bố của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo, Thất trảm sở của Chu Văn An…. Những tác phẩm văn học chính luận này thường đã đặt ra và giải quyết đúng những vấn đề trọng đại của đất nước, của dân tộc. Có thể nói là văn chính luận đã có truyền thống vững chắc từ trước Nguyễn Trãi. Nhưng đến Nguyễn Trãi, ông là người đã đưa văn chính luận lên một trình độ cao hơn. Trong Quân trung từ mệnh tập. Nguyễn Trãi đã giương cao ngọn cờ nhân nghĩa đối lập với giặc Minh tàn bạo “dối trời hại người”. Nguyễn Trãi đã viết văn để đánh giặc. Qua tác phẩm Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi đã khẳng định vai trò của người nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến vệ quốc, trong tiến trình lịch sử, văn hoá của dân tộc. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Trãi đã thể hiện ý chí và trí tuệ, cũng như phản ánh ý thức chính trị cao của nhân dân ta.

Rõ ràng là ở Nguyễn Trãi, ngòi bút của người nghệ sĩ trước hết phải là một vũ khí chiến đấu vì tổ quốc, vì dân tộc, vì nhân dân.
Nguyễn Trãi là người nhận thức được sức mạnh to lớn của nhân dân.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ
(Quan Hải)
(Lật thuyền mới tin rằng dân như nước)

Vì vậy, Nguyễn Trãi luôn tâm niệm “an dân”, để quốc gia thái bình thịnh trị và điều đó cũng thể hiện trong quan niệm văn học mang đậm tư tưởng nhân nghĩa của ông. Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã viết:
Việc nhân nghĩa cốt ở an dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Theo Nguyễn Trãi, người nghệ sĩ phải mang nỗi niềm yêu thương nhân dân và văn nghệ phải gắn bó với cuộc sống của quảng đại quần chúng nhân dân. Văn nghệ phải có gốc ở cuộc sống và không tách rời những yêu cầu, những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Có một lần Nguyễn Trãi đã trình bày với vua Lê Thái Tông những quan điểm của văn nghệ như sau: “Thời loạn thì dụng võ, thời bình thì dụng văn. Ngày nay định ra lễ nhạc chính là phải thời lắm. Song không có gốc không thể đứng vững, không có văn không thể lưu hành. Hoà bình là gốc của nhạc, âm thanh là văn của nhạc. Dám mong bệ hả rủ lòng yêu thương và chăm sóc muôn dân, khiến cho chốn thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận, oán sầu đó là giữ được cái gốc của nhạc vậy” (2).

Nguyễn Trãi đã nhận việc bàn về âm nhạc mà nhắc nhở vua Lê Thái Tông hãy chú trọng đến việc thi hành các chính sách thân dân, huệ dân. Và ở một cấp độ lý luận khác có thể coi quan điểm trên của Nguyễn Trãi là sự khẳng định, văn nghệ có gốc ở cuộc sống và trước hết là cuộc sống của dân chúng. Theo ông, thì phải chăm lo cho cái gốc thì cái văn mới tươi đẹp được. Và muốn cho văn nghệ có thể đơm hoa kết trái thì phải chăm lo đến cuộc sống của quảng đại quần chúng nhân dân.

Con người nghệ sĩ trong Nguyễn Trãi luôn canh cánh nỗi niềm thương yêu lo lắng vì con người, vì cuộc sống. Ôm ấp lý tưởng xây dựng quốc gia dân tộc, Nguyễn Trãi muốn dùng “văn trị” tức là dùng nền văn hiến, văn hoá (trong đó có văn nghệ) để xây dựng nền thái bình thịnh trị, Ông viết:

Thánh tâm dục dữ dân hưu tức,
Văn trị chung tu trí thái bình.
(Quan diệt thuỷ trận)
(Lòng vua muốn để dân nghỉ ngơi,
Văn trị nên xây dựng thái bình)
Ý thức về vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc đời, Nguyễn Trãi đã dùng thơ để nói lên cái chí của mình.
Cao trai độc toạ hồn vô mỵ,
Hảo bả tân thi hướng chí luân.
(Thu dạ dữ Hoàng Giang – Nguyễn Nhược thuỷ đồng phú)
(Một mình ngồi chốn thư phòng không sao ngủ được,
Đem bài thơ mới hướng vào chí mình mà nói).
Chính vì tấm lòng ưu quốc ái dân suốt đời “cuồn cuộn như nước triều Đông”, mà Nguyễn Trãi đã luôn ôm ấp mối tiên ưu.
Nuỵ ốc, thê than, kham đô lão,
Thương sinh tại niệm độc tiên ưu.
(Mạn hứng II)
(Nhà nhỏ, nương thân, có thể qua tuổi già,
Lúc nào cũng nghĩ đến dân, riêng ôm mối tiên ưu)

Con người nghệ sĩ trong Nguyễn Trãi luôn đau đáu nỗi niềm “Trung mấy hiếu”, nỗi niềm “âu việc nước”, bởi vậy ông thường nguội lạnh với danh lợi:
Danh lợi lòng nào ước chác cầu
(Trần tình – Bài 5)
hoặc:                                                            
Giàu chẳng kịp, khó còn bằng,
Danh lợi lòng đà ắt dửng dưng.
(Tự thán  – Bài 7)
Không cầu danh lợi, Nguyễn Trãi chủ trương “thanh tĩnh vô vi”, lánh xa những đua chen trần thế:
 Hễ kẻ làm khôn thời phải khó
 Chẳng bằng vô sự ngáy ..o..o..
(Bảo kính cảnh giới  – Bài 49)
Mâu thuẫn với bọn người gian tham, bè cánh, chỉ biết củng cố quyền lợi riêng Nguyễn Trãi đã kiên trì đấu tranh để thực hiện lý tưởng cao cả, giữ vững chí khí của người nghệ sĩ:
Chớ cậy sang mà ép nể,
Lời chăng phải vuỗn khôn nghe.
(Trần tình  – Bài 8 )
Nguyễn Trãi luôn giữ vững tấm lòng son, hừng hực như ngọn lựa thuỷ ngân trong lò:
Nhất phiến đơn tâm chân cống hoả
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng.
(Mạn ứng  – Bài 2)
(Một tấm lòng son, như lửa luyện đan bằng thuỷ ngân
Mười năm thanh chức vẫn như băng trong bình ngọc)
Nguyễn Trãi là người nghệ sĩ có trái tim yêu tổ quốc, yêu nhân dân. Đạo lý của ông là khi đất nước có giặc ngoại xâm thì dùng “đao bút” để chiến đấu bảo vệ tổ quốc, khi đất nước đã độc lập thì dùng “văn trị” để tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả “quốc thái, an dân” xây dựng đất nước.

II. Quan niệm về tài năng và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật

Trong văn học trung đại Việt Namđề tài thiên nhiên là một đề tài quen thuộc. Trong Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi, quá nửa số bài thơ là viết về đề tài thiên nhiên. Thơ thiên nhiên của Nguyễn Trãi thể hiện những tư tưởng của văn hoá ViệtNam thời phong kiến như: Nhãn quan xuất thế của phật giáo, tư tưởng nhập thế của nho giáo hoặc tâm trạng thoát ly của các nhà nho truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc….

Trong thơ Nôm và cả thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi đã sử dụng nghệ thuật nhân cách hoá các cảnh vật thiên nhiên. Cảnh vật thiên nhiên dưới ngòi bút tài tình của Nguyễn Trãi đã sinh động lên, sống lên bằng sức sống riêng, có hồn, chứa chan tình ý, thông cảm với người, thiên nhiên và con người dựa vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Theo Nguyễn Trãi, cảnh vật thiên nhiên qua tâm hồn và ngòi bút của người nghệ sĩ, sẽ trở nên có tình, có ý, có cá tính, có tâm tư, khi kín đáo, khi sôi nổi, lúc trìu mến, lúc mỉa mai… Nhạy cảm trước thiên nhiên, nhạy cảm với cuộc đời người nghệ sĩ với cái nhìn sâu sắc và tầm nhìn cao rộng, đã phản ánh ngoại cảnh vào tác phẩm văn nghệ. Và tác phẩm văn nghệ với sức mạnh tự thân của nó hình như đã tác động trở lại vào ngoại cảnh.
Trong thơ Nôm Thuật hứng Bài 7 Nguyễn Trãi đã viết:
Khách lạ đến ngàn hoa chửa rụng,
Câu mầu ngâm, dạ nguyệt càng cao.
Như vậy, là câu thơ mầu nhiệm vừa ngâm lên, thì mặt trăng trong bầu trời ban đêm như cao vút lên.
Hoặc trong thơ Nôm Mạn thuật Bài 13, Nguyễn Trãi cũng đã viết:
Khách đến, vườn còn hoa lác,
Thơ nên, cửa thấy nguyệt vào.
Khi tứ thơ đến, câu thơ đã thành rồi, và tự nhiên ở cửa thấy trăng đi vào. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi mang nhiều hình tượng sinh động đến kinh ngạc. Nguyễn Trãi là một thi nhân, một nghệ sĩ với tâm hồn yêu thương tha thiết, vẻ đẹp yêu kiều và hùng vĩ của thiên nhiên. Với Nguyễn Trãi, thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá, núi rừng, biển, song hồ, chim muông… đều là nghệ thuật, là biểu tượng của chân, thiện, mỹ.
Nguyễn Trãi cho rằng, người nghệ sĩ trước hết phải biết hành động vì cuộc sống, vì nhân sinh, phải phản ánh cuộc sống và họ sẽ luôn luôn tìm thấy những đề tài và cảm hứng trong cuộc sống. Trong bài thơ Nôm Tự thán (Bài 5), ông đã viết:
Qua đòi cảnh chép câu đòi cảnh
Nhàn một ngày, nên quyển một ngày
Theo Nguyễn Trãi, người nghệ sĩ không những phải biết thu lượm lấy những đề tài ở khắp nơi, ở mọi hoàn cảnh mà phải biết dồn hết tinh lực, tâm huyết, trí não để xây dựng nên tác phẩm văn nghệ. Trong bài thơ Nôm tự thán Bài 19 ông đã viết:
Tài tuy chăng ngộ, trí chăng cao,
 Quyền đến trong tay chí mới hào.
 Miệng khiến tửu bình phá luỹ khúc,
 Mình làm thi tướng đánh Đàn Tao.
Cầm khua hết ngựa, cờ khua tượng,
Chim bắt trong rừng, cá bắt ao.
Còn có anh hùng bao nả nữa,
Đòi thì đòi vậy, dễ hơn nào.

Nguyễn Trãi đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tính năng động trong sáng tạo nghệ thuật phải có nguồn cảm hứng dồi dào, phải có tâm hồn căng đầy sức sống, phải có khí phách hào hùng. Nguyễn Trãi cho rằng, người nghệ sĩ, phải có khả năng và nhận thức không giống mọi người. Thiên nhiên dưới con mắt người đời thì nhiều khi cũng chỉ là bình thường. Người nghệ sĩ, thì lại phải thấy đó là nguồn cảm hứng phong phú, phải biết dùng ngòi bút của mình làm cho cảnh vật thiên nhiên sinh động lên sống bằng sức sống riêng, bằng đủ đường nét, màu sắc, âm thanh, hương vị với những nét độc đáo. Người nghệ sĩ phải biết cung cấp cho người đời bằng cách nhìn cao hơn rộng hơn, mỹ lệ hơn đối với thiên nhiên. Đó là cái tài của người nghệ sĩ. Hay nói một cách khác, văn nghệ luôn đòi hỏi những năng khiếu, những tài năng. Trong bài thơ chữ hán Hý đề, ông viết:

Nhàn lai vô sự bất thanh nga,
Trần ngoại phong lưu tự nhất gia.
Khuê bích thiên trùng khai điệp hiến
Pha lê vạn khoảng dạng tình ba.
Quản huyền hào tạp lâm biên điểu,
La ỷ phương phân ổ lý hoa.
Nhãn để nhất thì thi liệu phú,
Ngâm ông thuỳ dữ thế nhân đa?
(Hý đề)

(Khi nhàn thì không gặp việc gì là không ngâm nga,
Phong lưu ở ngoài cõi tục, ta tự thành một nhà.
Núi lớp lớp dăng nghìn trùng là ngọc khuê ngọc bích,
Mặc nước phẳng bày muôn khoảnh trong như pha lê.
Đàn sáo rộn rịp, là chim hót bên rừng,
Gấm vóc rực rỡ, là hoa nở trong khóm.
Trong đáy mắt, một lúc, nguồn thi liệu dồi dào,
Nhà thơ và người đời, ai có nhiều hơn ai).
Hoặc trong bài thơ chữ Hán Tức hứng, ông viết:
Lãm thuý đình đông trúc mãn lâm,
Sài môn trú tảo tĩnh âm âm.
Vũ dư sơn sắc thanh thi nhãn,
Lạo thoái giang quang tính tục tâm.
(Tức hứng)
(Ở phí đông đình Lãm Thuý trúc mọc đầy rừng,
Cửa nè ban ngày quét sạch bong bong.
Sau cơn mưa sắc núi trong trẻo trước mắt thơ,
Hết lụt ánh sáng trên sông rửa sạch lòng tục).

Sau một cơn mưa “con mắt thơ” của người nghệ sĩ đã chợt long lanh trước sắc màu quyến rũ của núi sông, tấm lòng người nghệ sĩ được gột rửa sạch hơn. Chỉ với một cơn mưa, Nguyễn Trãi đã nói lên cảm hứng tinh tế của người nghệ sĩ với thiên nhiên, với hiện thực khách quan.

Hoặc trong bài Giang lành, ông viết:
Tây tân sơ nghị trạo
Phong cảnh tiện giang hồ
Vũ quá sơn dung sấu
Thiên trường nhạn ảnh cô
                                                                                                                                                (Giang hành)
(Bến tây thuyền mới ghé mái,
Phong cảnh đã là giang hồ rồi.
Mưa qua rồi trông dáng núi gầy,
Trời rộng bóng nhạn như đơn trước.)
Cảm xúc mỹ học chợt bừng sáng lên trước thiên nhiên mỹ lệ và hoàng tráng. Sau cơn mưa sắc núi như gầy đi với những mảng màu sắc xanh ngắt, xanh đậm trên nền trời “quang bóng nhạn”.

Với Nguyễn Trãi, người nghệ sĩ phải biết ngạc nhiên và khám phá, hiểu biết cái đẹp, cái lung linh, huyền diệu của hiện thực. Và hiện thực đã lôi kéo, kích thích người nghệ sĩ sáng tác nên những tác phẩm văn nghệ hay. Nguyễn Trãi đã từng viết:

Vọng doanh đầu mộ hệ ngâm thuyền,
Thi cảnh liêu nhân vãn hứng khiên.
(Vọng doanh)
(Chiều hôm đến vọng doanh buộc thuyền thơ,
Cảnh thơ ghẹo người, hứng buổi chiều lôi kéo)
“Hứng buổi chiều lôi kéo”, như vậy là hiện thực đã lôi kéo, kích thích người nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật.

Mặt khác, những tác phẩm văn nghệ lại tác động trực tiếp vào con người và xã hội, trước hết là vào công chứng văn nghệ. Người nghệ sĩ có tài là người nghệ sĩ phải sáng tác được những tác phẩm văn nghệ mang tính nghệ thuật độc đáo giúp cảm hứng của công chúng có thể vươn lên cao hơn, nhận thức của công chúng có thể mở rộng thêm. Trong bài Chu trung ngẫu thành, Nguyễn Trãi đã viết:

Ngư ca tam xướng, yên hồ khoát,
Mục địch nhất thanh, thiên nguyệt cao.
(Chu trung ngẫu thành)
(Ông chài hát lên ba lần thì mặt hồ phủ khói lại mở rộng thêm ra, Chú chăn trâu thổi lên một tiếng sáo thì mặt trăng trong bầu trời được đẩy lên cao hơn).
Nguyễn Trãi đã chứng tỏ rằng, những tác phẩm văn nghệ có giá trị đã giúp cho người ta nhìn hiện thực ở một tầm cao hơn mức bình thường. Bởi vì tâm hồn người nghệ sĩ với cảm xúc mỹ học đã truyền cho người đọc những giá trị nghệ thuật cao đẹp. Đó là quan niệm rất sâu sắc về tác dụng của văn nghệ đối với công chúng và đối với cả bản thân người nghệ sĩ. Đó cũng là quan niệm về tài năng trong sáng tạo nghệ thuật.
Quan điểm và ý kiến của Nguyễn Trãi về vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc đời, về tài năng và cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật, là những đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận văn nghệ của dân tộc ta. Quan điểm và ý kiến của Nguyễn Trãi về vấn đề này, tất nhiên là được nhìn qua lăng kính của điều kiện xã hội và văn hoá của thế kỷ XV. Nhưng khi Nguyễn Trãi nhấn mạnh rằng, cái gốc của văn nghệ là đời sống của dân tộc, của nhân dân và khi ông đề ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ là phải dồn hết tâm huyết và tinh lực vào lao động sáng tạo nghệ thuật, khi ông đề cập đến vấn đề tài năng của người nghệ sĩ, thì quan điểm và những ý kiến của ông vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày nay. Nguyễn Trãi đã đề cập đến những vấn đề có giá trị trường tồn và ý nghĩa hiện đại của vấn đề vẫn luôn là những luận điểm khoa học để chúng ta nghiên cứu.
Nguyễn Trãi, người tạo ra đà cho bước phát triển lớn của văn học Đại Việt thế kỷ XV. Ông là ngôi sao khuê rực sáng trên bầu trời văn hoá ViệtNam.

ĐINH THỊ MINH HẰNG
______________________
Chú thích:
1. Những dẫn chứng trong tác phẩm Quân trung từ mệnh tập, thơ văn chữ Nôm và chữ Hán của Nguyễn Trãi ở trong bài này đều trích từ Nguyễn Trãi toàn tập (1969), NXB Khoa học xã hội.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, quyển XI tờ 35a – 36b.
Nguồn: Tạp chí khoa học – Khoa học và xã hội nhân văn – Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh Số 1 – 2004.

No comments:

Post a Comment