.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 19, 2012

NGUYỄN THÚY HẠNH - THƠ VIỆT NAM CẦN LẮM NHỮNG NGUỒN TÀI TRỢ

Ai cũng biết thơ ca là hoạt động tinh thần của con người, là nơi truyền tải tâm hồn của người viết về con người, đời sống và xã hội. Thi sĩ mọi thời đại vẫn không ngừng sáng tạo nên những vần thơ mới để kiếm tìm sự đồng cảm trong tâm hồn người đọc. Thơ ca cũng như bất kỳ hình thức nghệ thuật nào gắn liền với đời sống con người như  cơm ăn, nước uống, như khí thở thì không bao giờ bị con người chối bỏ.  Thơ chỉ tồn tại khi xã hội còn người đọc thơ, cảm thụ thơ. Thơ là một loại hình nghệ thuật kén bạn đọc, nếu không suy ngẫm kỹ lưỡng, cảm nhận sâu lắng thì thơ cũng chỉ là một mớ hỗn độn những kí tự vô tri vô giác mà thôi. Thơ được sinh ra để nuôi dưỡng những niềm hy vọng của con người. Do đó dù cho xã hội có biến đổi thế nào đi chăng nữa thì người ta vẫn luôn chờ mong một sự hồi sinh mới mẻ của thơ ca. 

Một số quan điểm gần đây cho rẳng do sự  bùng nổ về thông tin trong thời kinh tế mở cửa, nhiều loại báo đọc, báo nói, báo hình, bao nhiêu trang web phát triển mạnh nên thơ đã bảo hòa. Họ cũng đã phân tích và cho rằng thơ bây giờ kém chất lượng hơn xưa, công tác phê bình còn yêu kém nên độc giả đã quay lưng lại với thơ. Nhiều người còn cho rằng thơ ngày nay không sâu sắc thậm chí còn nhạt nhẽo, vô vị. Theo một nghĩa nào đấy, thơ vẫn chưa đi vào lòng người đọc. Khi đọc xong, có người vội thở dài và thốt lên: không biết “thơ hay thẩn”...

Theo tôi thì không hẳn như vậy. Dễ nhận thấy rằng thơ Việt Nam vài năm gần đây đã được đông đảo bạn đọc quan tâm, nhất là bạn đọc trẻ. Thơ tràn lan trên các trang báo mạng. Tự do đăng bài, tự do đọc, tự do cảm nhận giao lưu. Dù rằng nhiểu tác phẩm thơ còn chưa thực sự hay, thơ chất lượng cao chưa nhiều, thời gian dành cho thơ của mọi người có phần ít hơn so với những loại hình nghệ thuật khác, nhưng như thế cũng là một điều đáng mừng. Dạo quanh các blog, các trang web văn chương mạng cũng nhận ra hiện nay có rất nhiều nhà thơ đã đi tiên phong trong việc cách tân thơ. Nhiều gương mặt trẻ như Nguyễn Đức Phú Thọ, Vi Thùy Linh, Lương Thế Khoa…cũng hào hứng đi tìm tiếng nói mới hơn cho thơ. Điều này phần nào đã tạo cho thơ những phong cách mới lạ. Nhiểu thể loại thơ vẫn được duy trì như thơ tự do, thơ lục bát, thơ đường, thơ Hai Ku, thơ bút tre, thơ trào phúng, thơ vui tặng vợ, tăng bạn…Tuy nhiên những đột phá nổi bật về thơ vẫn còn chưa nhiều.
Nhiều đêm giao lưu thơ nhạc vẫn được tổ chức thường xuyên, các cuộc thi viết thơ đã được tổ chức để tìm kiếm những tài năng thơ như: Cuộc thi lục bát Ngàn năm hồn việt Tân Mão 2011, cuộc thi viết Việt Nam đất nước tôi, cuộc thi thơ ca và nguồn cội, cuộc thi Đây biển Việt Nam...Các website, blog cũng lần lượt cho ra những tác phẩm là tập hợp những sáng tác in chung của nhiều tác giả như Vanthoviet, Lucbat.com, Vanangiang, Đất đứng…Đây cũng là một việc làm khuyến khích các tác giả và độc giả. Chưa cần nói đến chất lượng, chỉ nhìn vào số lượng bài dự thi của các cuộc thi viết đó thôi cũng có thể thấy đây là một điều đáng mừng vì đội ngũ sáng tác hiện nay thật hùng hậu. Điều đó cho thấy dù ít dù nhiều bạn đọc vẫn còn quan tâm gần gũi với thơ.

Tuy nhiên, việc đưa thơ đến với công chúng mới là điều đáng nói. thời đại của công nghệ tin học này, hầu như người viết nào cũng có cho mình một trang blog riêng để giới thiệu tác phẩm của mình. Song công việc giới thiệu thơ cũng chỉ dừng lại ở các web site, blog hoặc  trên một số báo giấy mà thôi... Nhiều tác giả đã tự bỏ tiền xuất bản thơ chỉ để đánh dấu, ghi lại một chặng đường gắn bó cùng thơ của bản thân, để có một món quà hiện hữu gửi tặng người thân bạn bè hoàn toàn không phải để thu lợi nhuận. Hay tìm cách tham gia cộng tác với các website văn học, sinh hoạt với các Hội văn học nghệ thuật hay Trại sáng tác để có thêm cơ hội giới thiệu rộng rãi các tác phẩm của mình. Một số các cây bút trẻ cũng đã mạnh dạn chủ động tìm đến các công ty sách Nhà nước hoặc Tư nhân, giới thiệu bản thảo và nhận được thỏa thuận phát hành các tập thơ của mình. Đó cũng là những nỗ lực để đưa thơ đến với công chúng. Dù vậy cho đến nay, nhiều người làm thơ nhưng chẳng ai dám coi thơ là “nghề” và với những nhà thơ không chuyên nhưng tâm huyết gắn bó với thơ thì họ vẫn cần lắm những nguồn tài trợ cho thơ. Kết quả điều tra phân tích cho rằng, ngày càng có thêm nhiều lý do khiến việc xuất bản thơ gặp trở ngại. Kinh tế khó khăn, chi tiêu bị thắt chặt, các ấn phẩm văn hóa giải trí đa dạng phong phú tới mức bão hòa, sự phát triển của internet đã khiến đầu ra của thơ in dần bị thu hẹp.

Cuộc giao lưu “bóng dáng nàng Thơ trong cuộc sống hiện đại” trên Vietnamnet đầu năm 2012 cũng đã đem được tiếng nói riêng của thơ đến với đông đảo bạn đọc. Ngày thơ Việt Nam 2012 đã thành công tốt đẹp với sự góp mặt của các câu lạc bộ, vùng miền…là đại diện cho nhiều tiếng nói khác nhau. Sân chơi dành cho thơ trẻ và Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vẫn tập hợp được đông đảo độc giả. Điều đó cho thấy thơ vẫn tồn tại bên cạnh chúng ta. Tuy nhiên giữa những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của “phiên chợ” thơ 2012 ấy, vẫn có những bức thư pháp được treo lên với lời kêu gọi thiết tha: “Tìm nguồn tài trợ thơ”. Đây cũng là một việc khiến chúng ta phải suy ngẫm. Vì có không ít những nhà thơ vì “cơm áo gạo tiền” đã muốn dứt nợ thơ, nhưng thơ vốn trở đã là một dòng chảy trong huyết quản của mình rồi thì sao đành chối bỏ.

“Trời thì xanh như rút ruột mà xanh
Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc”

Xuất phát cùng thơ không khó nhưng về đích cùng thơ lại không dễ. Thơ luôn là cần thiết vì nó là điểm tựa cho mọi người. Thơ có thể vượt qua mọi rào cản, thơ chỉ tồn tại khi con người tồn tại. Dù ở thời đại nào đi chăng nữa, vẫn rất cần một vị trí để thơ mãi vững bền theo năm tháng.

Nguyễn Thúy Hạnh
(Vietseri)

No comments:

Post a Comment