.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 12, 2012

CHUYỆN HỮU LOAN NĂM 1991-1992


NTT: Thời nhà văn Đặng Ái làm Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, có nhiều chuyện vui đến với nhà thơ Hữu Loan, nhưng rồi cũng có những trục tặc từ trên xuống. Số tiền tỉnh cho để in tập thơ cho Hữu Loan, cuối cùng cũng đã được chuyển sang làm “nhà tình nghĩa” cho thi sĩ. Dưới đây là 2 bài viết của nhà văn Đặng Ái: 
ĐẶNG ÁI
1. Hữu Loan, vui và vui
Người ta bảo thơ và đời Hữu Loan buồn, buồn đến độ “tím chiều hoang biền biệt”. Quả có vậy, nhưng đó là câu chuyện của một thời.
Mấy năm nay Hữu Loan có rất chuyện vui. Ông luôn nói cười và thổ lộ những dự định sáng tác, hồn nhiên như một cây bút trẻ đang nhấp nhổm vào nghề. Những dòng thơ mới viết của Hữu Loan cứ phập phồng một sức sống thanh xuân. Kỳ lạ xem bài “Thánh mẫn hài đồng” ở báo Văn Nghệ chắc nhiều cây bút trẻ cũng chào thua luôn sự trẻ trung táo tợn của ông già đã ung dung ngồi ở chiếu “cổ lai hy”.
Một số bài thơ khác của Hữu Loan được đăng trên các báo, suốt từ Bắc ChíNam. Đã có không ít người yêu thơ hồi hộp chờ đón ông. Bài thơ “ruột” của ông được một NXB có uy tín chọn vào cái mục những bài thơ tình hay nhất mọi thời đại. NXB Hội nhà văn cho in tập thơ đầu tay của nhà thơ già với nhan đề “Màu tìm hoa sim” gồm mười bài cộng với một số bài giới thiêu, giai thoại… In tập thơ này Hữu Loan được NXB cho nhuận bút. Tuy rằng số tiền rất ít ỏi, chỉ 80 ngàn đồng (hơn 3 yến gạo, hoặc 7 cân thịt, hoặc 15 lon bia). Nhưng đó là sự ưu ái đặc biệt, khi mà các tác giả khác (nghe nói có cả Huy Cận) đều phải bỏ tiền túi mà in thơ để rồi chịu “lõm vốn”.
Hữu Loan đã trở lại sinh hoạt với đại gia đình các nhà văn Việt Nam, sau 30 năm gián đoạn. Vừa rồi Hội Nhà văn đã trợ cấp cho Hữu Loan số tiền gần một chỉ vàng. Nhưng quý giá hơn nữa là cái thẻ Hội viên mà ông luôn ấp iu ở túi áo ngực, thỉnh thoảng lại đưa cho mọi người xem.
Còn ở Thanh Hóa quê hương ông thì sao? Vừa rồi, UBND tỉnh quyết định xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm lần thứ nhất (1986 – 1990). Tập “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan ra đúng dịp, đã được đưa vào xét thưởng. Chắc chắn ông sẽ nhận được tặng thưởng xứng đáng. Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã mời ông làm Hội viên danh dự – trường hợp duy nhất từ trước đến nay. Các vị lãnh đạo tỉnh đã nhận được từ Hội Văn nghệ một lá thư tâm huyết, yêu cầu giúp đỡ nhà thơ đang sống khá vất vả ở quê nhà. Tiếp đó Hội làm công văn, đi vào việc cụ thể, xin tỉnh cấp đặc biệt cho một khoản tiền 3,5 triệu để in chủ yếu là thơ kháng chiến chống Pháp của Hữu Loan. Việc lấy bản thảo tưởng khó khăn nhưng hóa ra rất đơn giản. Giữa trưa nắng chói chang, nhà thơ đạp xe từ quê lên tỉnh. Chưa kịp ngồi cho ráo mồ hôi, ông đã rút từ trong cái bao bì xác rắn ra một… bọc thơ, trao cho ông Chủ tịch hội mà rằng: “Anh đọc đi, nếu thấy cần thì… cứ… cứ…!” Cầm tập bản thảo khá nặng, bằng thứ giấy đen gồm những câu thơ “xuống thang” rất chi là gập ghềnh, ông Chủ tịch đáp lại: “Cháu không dám có ý nghĩ cắt sửa thơ cụ, nhưng cụ đã cho phép thì… vâng… vâng…!”.
24 bài thơ Hữu Loan đã được biên tập xong. Tập thơ áng chừng 150 trang, vì mỗi bài thơ ngắn của Hữu Loan xơi tái 5 – 6 trang giấy là thường. Hữu Loan sẽ nhận được một khoản nhuận bút chừng 1,5 triệu. Thêm vào đó, toàn bộ số tiền bán sách cũng sẽ được trao cho ông, cộng với các tặng thưởng của tỉnh, chắc chắn Hữu Loan sẽ có một ngôi nhà với đúng nghĩa của nó – xây cất ở khu vườn mà XNB Hội nhà văn gọi một cách thơ mộng là “trang trại”. (1)
Anh em văn nghệ Thanh Hóa đều nhất trí cho rằng Trung ương và đặc biệt là tỉnh, ưu ái với Hữu Loan như vậy là rất xứng đáng, bởi những cống hiến của ông cho thơ ca và bởi nhiều lẽ khác. Còn các vị lão thành Cách mạng, cùng thế hệ với Hữu Loan, có người đã sát cánh với Hữu Loan cướp chính quyền năm khởi nghĩa thì đánh giá: “Những việc làm như vậy của tỉnh đối với Hữu Loan thật là quý giá. Nó chứng tỏ Đảng ta rất trân trọng anh em văn nghệ, và không hề có thành kiến với bất cứ ai”
Mới liệt kê một số việc vui của Hữu Loan sao đã thấy nó dồn dập thật đáng vui. Sông có khúc, người có lúc. Nay đang là lúc Hữu Loan vui “hát trong màu hoa” đó.
1.6.1991
Nhà thơ Hữu Loan và nhà thơ Đỗ Xuân Thanh trước ngôi nhà mới (Ảnh: Hoàng Thị Lý)
2. Hỏi chuyện Hữu Loan
Căn nhà ở thôn Vân Hoàn đã mục nát, Hữu Loan lên đầu cầu Báo Văn ở nhờ con. Bảy mươi sáu tuổi, râu tóc bạc phơ, khuôn mặt quắc thước, cặp mắt tinh anh. Ông mặc chiếc quần đùi lính, chiếc áo cánh màu xanh lá chuối thật rợ. Hữu Loan đưa chúng tôi vào căn nhà thấp lè tè, mái thủng từng mảng lớn. Chủ khách thượng lên cái giường ọp ẹp, kê chật gian nhà. Qua cửa sổ, mùi phân rác, mùi bột chua bốc lên khăn khẳn. Nhà thơ rót ra mấy chén rượu nặng, và câu chuyện văn chương ngắn ngủi bắt đầu.
PV: Tôi đã đọc nhiều thơ của bác. Toàn là thơ bậc thang gập ghềnh. Vì sao thế?
HL: Thơ là người (cười) Tôi muốn câu thơ có một hình thức thể hiện thật đắt ý định của mình. “Đèo cả” là bài thơ tôi viết đầu tiên, từ năm 1946. Nó vốn là lục bát. Khi đọc lại tôi thấy không sướng. Nó chậm rãi, đều đều, không đúng với những cảm xúc dữ dội, mãnh liệt tôi tiếp nhận được từ cuộc sống chiến tranh ác liệt. Thế là tôi viết lại, như mọi người đã thấy. Không nên để câu thơ trôi tuột đi. Cần nhấn và cần buông từng chữ. Tôi luôn nghĩ đến các góc cạnh của hình học, thơ cần tôn những hình ảnh, ngôn từ thật dứt khoát để nó đập vào trực giác, trực cảm của người đọc. Có người nói tôi bắt chước Mai-a-cốp-xki. Nhưng năm 1946 tôi đâu có biết ông ta. Mãi đến hòa bình lậi lại, về Thủ đô tôi mới nghe nói tới ông.
PV: Có người nói bác quá lạm dụng hình thức bậc thang. Ví như câu này:
Em gái quê hương
                        mang
                            hình
                              ảnh
                                quê hương
Có thể chỉ cần một đồng, hoặc hai đồng. Quá lắm thì ba. Nhưng bác làm tới sáu! Đọc thấy ngang ngang làm sao.
HL: – Tiếp nhận thế nào là quyền của mọi người, còn đó là ý định của tôi. Viết thế mới sướng. Nhịp điệu thời nay không xuôi, không êm ái. Tôi không mua danh, không cần phải chiều lụy ai. Tôi làm thơ phục vụ cách mạng theo cái cách tôi cho là tốt nhất.
PV: – Như vậy bác không thích ai sửa thơ mình?
HL: – Khi được sửa thơ tôi rất vui. Nhà thơ phải biết phải trái, biết có lý và vô lý chứ. Sửa đúng tôi chấp nhận, sửa không đúng tôi góp ý lại. Anh đang cầm tập thơ của tôi, đợi có tiền tỉnh cho là in. Tôi đã nhờ anh sửa giúp đấy thôi. Vả lại thơ tôi nhiều bậc thang quá, tốn giấy.  Anh dồn lại một chút cũng được (cười).
PV: – Sau gần nửa thế kỷ làm thơ, bác nghĩ thế nào về tài năng?
HL: – Tài năng trước hết phải có tâm. Lại phải có chí để thể hiện cái tâm ấy. (Ông lật ra mấy trang vở chép thơ và đọc):
Sáng tạo là một hiện tượng tâm – sinh
Ác liệt
Nhưng
Không mù quáng
Mà có lửa thần đưa đường
Chói sáng
Thiên tài không vì khen mà phổng mũi
Không vì chê mà văng tục
Thiên tài tồn tại và tự tại
Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nho sĩ
Đã phạm tội với lịch sử và đã phải
Đền tội ngay đang sinh thời
Đến giờ và muôn đời sau còn nguyền rủa
Nếu Tư Mã Thiên không viết sử ký
Không ai bắt tội ông, nhưng chính ông
Thấy mình có tội – tội nặng – trước lịch sử
Chỗ bạo chúa và thiên tài giống nhau
Ở đây lại là chỗ khác nhau đến đối cực.
PV: Hiện nay bác đang viết gì?
HL: Tôi đang sửa lại một số trường ca đã viết từ lâu, cũng đang viết bài thơ dài “Thanh Hóa chúng mình”, bài “Định nghĩa trí thức”. Theo tôi trí thức không phải là bằng cấp mà là người có giải pháp đúng.
PV: Hiện nay bác sống bằng gì?
HL: Tôi xay bột cho vợ đi chợ bán bánh cuốn, bánh đúc, bánh lá. Ngày trước xay được 50 bò (gạo), nay có bữa xay 10 bò bán không hết. Thỉnh thoảng cũng có tí tẹo nhuận bút. (1)
Thanh Hóa 1992
___________________________
(1) – Sau này ý định in tập thơ không thành. Bởi sau tập “Màu tím hoa sim” chúng tôi cho rằng tập thơ khác còn nhiều cơ hội để in. Mà thi sĩ đã già, nhà ở thì đã nát quá rồi. Chuyển hướng tìm thêm kinh phí xây dựng tặng Hữu Loan ngôi nhà thì tốt hơn nhiều.
Chánh văn phòng Hội Văn nghệ Nguyễn Văn Túy đã chạy đến bạc mặt để lo xây dựng ngôi nhà. Đến tháng 7- 1993 công việc hoàn tất, bàn giao cho gia đình thi sĩ. Ngày ấy đã được dự liệu sẽ là một ngày Thơ Thanh Hóa trang trọng với sự có mặt của nhiều thành phần… nhưng vì lý do “tế nhị” đã phải dẹp bỏ, cuối cùng chỉ có mấy anh em ở Hội Văn nghệ với chai rượu do Hữu Loan đóng góp và rổ bánh của bà Nhu “Hoa lúa”.
Đây là một trong những ngôi nhà đầu tiên… (vô tình) dẫn đầu phong trào “nhà tình nghĩa” nở rộ sau này. Có người góp ý là nên làm tấm biển đóng vào tường: “Ngôi nhà do Hội Văn nghệ Thanh Hóa…” Nhưng chúng tôi thấy không cần biển báo gì. Tấm biển đẹp nhất là sự thật.
Hữu Loan đã ở trong ngôi nhà này suốt 17 năm cuối đời, đã gặp gỡ, giao lưu, tậm sự với hàng ngàn người yêu thơ, hàng trăm nhà văn, nhà báo, và đã trút hơi thở cuối cùng tại đây.
Hai bài báo này đã đăng ở vài tờ báo nào đó, với một bút danh khác, tôi không lưu được.
Sau này, bài “Hỏi chuyện Hữu Loan” được cắt xén bớt, đăng báo Lao Động ngày 17/12/1996, với tiêu đề do tòa báo đặt: “Nhà thơ Hữu Loan đang chờ sổ hưu”. Trước lúc xây dựng nhà, Nguyễn văn Túy cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn… khó tin (!), để ghi bằng được lý lịch của Hữu Loan, đặt cơ sở làm “chế độ” cho ông.

No comments:

Post a Comment