.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 7, 2012

DẤU ẤN PHẠM TIẾN DUẬT, ĐỖ CHU, MA VĂN KHÁNG.


T
rong thế hệ nhà văn thời chống Mỹ, ba tác giả: Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng,đã để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tôi. Tôi đọc và mê Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu thời đang còn là học sinh cấp 2, cấp 3. Với Ma Văn Kháng thì đến sau năm 1975 tôi mới được tiếp cận nhiều tác phẩm của ông và rất hâm mộ nhà văn tài hoa này.

Các ông là ba bậc tài danh của làng văn nước mình, từ lâu tôi đã nghĩ thế. Những tác phẩm thơ viết về Trường Sơn thời Thế đấy ở chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ của Phạm Tiến Duật; truyện ngắn, tùy bút của Đỗ Chu và tiểu thuyết của Ma Văn Kháng thực sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Chính những tác phẩm ấy đã “bầu chọn” họ trở thành những nhà thơ, nhà văn xuất sắc của nước nhà.
Những trang viết của các ông có sức mạnh lan tỏa sâu rộng trong công chúng và không thể nói khác đó chính là thành quả lao động nghiêm túc, nhọc nhằn của những người cầm bút vừa có tâm vừa có tài. Mạch đời của họ ngắn dài khác nhau, có ông đã thành người thiên cổ song dòng chảy văn chương của Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng thì khá giống nhau; đó là sự thông suốt bền bỉ, miệt mài và lấp lánh. Trên dòng sông văn chương mang tên mình những con thuyền tác phẩm của Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng vẫn chở nặng chất liệu cuộc sống, bừng sáng lên nét đẹp của quá khứ và hiện tại cùng những dự cảm thấm đẫm từng trải chiêm nghiệm của mỗi người. Tuy nhiên, như thế cũng chưa đủ nếu họ không có những lung linh nghệ thuật, những sáng tạo nổi bật được thể hiện qua trang viết. Tôi tin họ đã hội tụ được những tiêu chí ấy, có thế mới lay động được bạn đọc gần xa với tình yêu và sự ngưỡng mộ chân thành của đông đảo công chúng.
Xin nhắc lại: Phạm Tiến Duật là nhà thơ Trường Sơn thời đánh Mỹ. Sự nổi bật, sáng tỏa của ông trong những năm tháng chiến tranh bi hùng ấy là điều khó phủ nhận, chối cãi. Ông đã đóng góp cho nền văn học cách mạng những tập thơ sống động hiện thực Trường Sơn thời chiến tranh và giàu chất lãng mạn, lạc quan như Vầng trăng, quầng lửa; Thơ một chặng đường và sau hòa bình là trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa. Giáo sư Lê Đình Kỵ đã từng viết về Phạm Tiến Duật, đại ý: Trong thời chống Mỹ có hai trường phái thơ: trường phái Chế Lan Viên và trường phái Phạm Tiến Duật. Trường phái thứ nhất, tìm cái đẹp từ bên trong ngưng đọng, trongtrí; trường phái thứ hai chủ yếu tìm cái đẹp từ trong các diễn biến sôi động của cuộc sống.
Nếu không có cuộc sống chiến đấu đa dạng, bộn bề trôi qua từng phút, từng giờ của những người lính, những thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh nói riêng và cuộc đọ sức nghiệt ngã giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ thì chắc chắn không có những bài thơ về Trường Sơn ấn tượng của Phạm Tiến Duật. Tiếng bom và tiếng chuông chùa tuy không vang vọng được nhiều như Vầng trăng quầng lửa nhưng đó cũng là dư ba và phần tiếp nối của Trường Sơn thời hậu chiến. Một Trường Sơn lắng sâu với những nỗi đau, những điềm tĩnh, những sẻ chia đầy nhân văn.
Hồi chiến tranh, khi còn là chú bé học sinh lớp 7 ở Quảng Bình, tôi đã được gặp Đỗ Chu. Đúng ra, là khi ông đến xóm Nại, tôi và một thằng bạn nữa đã đi tìm để xem mặt ông nhà văn nổi tiếng này. Chúng tôi đã yêu những Hương cỏ mật, Phù sa của Đỗ Chu. Trong hồi ức của tôi vẫn còn lưu lại hình ảnh một ông nhà văn mặc quân phục, chân đi ủng, cao cao, gầy gầy. Tôi và thằng bạn đứng xa xa ngắm ông, lòng đầy cảm phục. Đến bây giờ thì Đỗ Chu đã làm tôi mê đắm với nhiều truyện ngắn và tùy bút man mác chất thơ như Hương cỏ mật; Phù sa; Tản mạn trước đèn, Thăm thẳm bóng người. Từng trải, sâu sắc, nhiều chiêm nghiệm và thanh thoát là cái tôi cảm nhận được rất nhiều từ tùy bút của Đỗ Chu. Tôi yêu cái chất man mác, nhẹ nhàng nhưng không nông cạn hời hợt và càng không bao giờ cao giọng ồn ào trong tùy bút của ông. Ông viết tùy bút như người nhẩn nha trò chuyện; chuyện người, chuyện mình, chuyện đời với những nhân vật, tình tiết, cảnh huống làm cho ta khó quên lắm. Người đọc bị hút vào giọng văn bâng lâng nhiều xúc cảm mang vẻ lịch lãm nhưng rất giản dị chân thành của ông. Một dẫn dụ về điều tôi vừa nói:  Càng sống càng mang nặng cảm giác mắc nợ. Nợ đời, nhìn ra tất cả đều đã lấm láp. Đêm nằm trằn trọc khó ngủ, tôi mong sẽ có một lần được trở lại giấc mơ của tuổi thơ. Bà lão ngồi trong một mái lều dưới bóng cây đa cổ tích, mau mắn xếp những trái thị chín vàng lên mặt chõng, vó ngựa gõ dập dồn và chị Tấm từ sau khung cửa khoan thai bước ra trong xiêm áo ngày hội. Rồi bàn chân con gái ngượng ngùng ướm lên chiếc hài vương giả. Bóng chị đi ẩn hiện sau bờ giậu đầy bướm hoa, mùi thị chín ngào ngạt một vùng non nước. Một nhà văn viết tùy bút như Đỗ Chu, sớm muộn cũng sẽ làm thơ; hình như tôi đã từng nghĩ về ông như thế. Và, điều tôi đoán không sai chút nào.
Ma Văn Kháng là một trong những nhà tiểu thuyết xuất sắc (không nhiều lắm) ở nước ta. Những Đồng bạc trắng hoa xòe, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ và gần đây nhất Một mình một ngựa đã chiếm được nhiều cảm tình của bạn đọc. Ông viết truyện ngắn cũng thật nghề. Có lần, tôi đã thành thật nói với Ma Văn Kháng: “Em thấy, bác viết cái gì cũng hay”. Có thể, lời khen ấy hơi thái quá nhưng kỳ thực là tôi không có ý định khen nịnh ông ấy làm gì mà chỉ bày tỏ sự khâm phục của mình với Ma Văn Kháng mà thôi.
Tôi nghĩ, những tác phẩm của ông là kết quả gặt hái được từ sự lao động nghệ thuật rất nghiêm túc và từ tính khiêm nhường của một nhà văn. Ma Văn Kháng đã từng tâm sự: Viết văn là một công việc quá khó khăn, ở ngoài sự cố gắng; ở trên sức người. Từ truyện ngắn Phố Cụt đầu tiên in 1961 trên tờ Văn học tới nay đã mấy chục năm hành nghề, vậy mà bây giờ hễ cứ bắt đầu viết một cái gì lại thấy bồi hồi, run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu; thật hoang mang và lo sợ. Thôi thì tài sức đến đâu hãy cố đến đó vậy!
Cái sự “cố” không biết mệt mỏi của ông, của các ông đã và sẽ được Tổ quốc đền đáp xứng đáng. Nhưng, có lẽ phần thưởng lớn nhất là trong lòng đông đảo bạn đọc, bạn viết đã ngân lên ba dòng tên: Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng.
Đồng Xa đầu tháng 4 năm 2012
Mai Quý

1 comment:

  1. Hồi tôi đang học lớp 9, mê thơ PTD nên đã viết đơn đi bộ đội. Thơ PTD chép đầy sổ tay mang ra chiến trường đọc chung cho mọi người nghe. Phải nói thơ anh Duật hồi đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước nó mới, lạ vô cùng, như chống lại thứ thơ du dương, trau chuốt từng ngự trị quá lâu trên thi đàn. Tiếc là do độ lùi thời gian nên những nhà nghiên cứu sau này vẫn chưa đánh giá hết giá trị của thơ anh Duật...

    ReplyDelete