.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 16, 2012

"LAO VÀO MỌI DÒNG XOÁY... BIỂN ĐỜI" - PHAN HOÀNG "CHẤT VẤN THÓI QUEN"


Cuộc sống luôn mở ra nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, có những thứ không còn là bí ẩn mà trở thành những thói quen thường nhật của con người. Nhất là, sự tê liệt về tình cảm giữa con người với con người. Con người chấp nhận những trớ trêu, những trò chơi vô lối của cuộc sống. Con người chấp nhận và thậm chí xem đó là sự hiện hữu thường tình. Những hệ lụy của thói vô tâm, vô cảm của con người trở thành cơn dư địa chấn trong tâm khảm nhiều nhà thơ.

Và khi nhà thơ chuyển tải các vấn đề về nhân sinh, về đối nhân xử thế như thế, sức mạnh của thơ là vô biên. Thơ trở thành một thứ thuốc linh diệu để cải tạo, hoán đổi tâm thức của con người. Trong tập thơ “Chất vấn thói quen”(*), Phan Hoàng muốn vứt bỏ những thói quen tưởng chừng như đã hóa đá, đóng băng trong tâm thức của con người.
Sự thờ ơ, đồng lõa ấy khiến Phan Hoàng bất bình "chất vấn thói quen". Theo anh, cần phải vươn mình về phía trước, cần vứt bỏ những thói quen cũ, những sự lặp lại chán chường để bùng cháy những vùng mỹ cảm mới, dâng đời những vị ngọt, mặn, chát, đắng... lạ. Đó là tương lai của cuộc sống và con đường đi tới của sáng tạo nghệ thuật. Đây chính là cách mã hóa cái mới, tìm đến những giá trị thẩm mỹ mới của tập thơ:

Đời người chỉ một gang tay
sao tự trói mình xích xiềng lê dài giá trị bia đá?

Làm sao bùng lên nhiều cơn hồng thuỷ
dâng sóng tín hiệu đỉnh khoái
cuốn phăng những kho văn bản mộng mị ngủ muộn
những kho văn bản ấu trĩ già cỗi
những kho văn bản hư danh giả dối
khủng bố dòng chảy tự do ngôn từ
ám sát khát khao chồi xanh ý tưởng
đe doạ cánh rừng nguyên sinh rực hương thiếu nữ căng tràn văn bản nhựa sống tương lai
(Văn bản dở dang)

"Chất vấn thói quen" ít kĩ xảo về mặt ngôn từ, nhưng không vì thế mà giảm đi chất lượng của tập thơ. Phan Hoàng sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật và có được những hiệu quả nhất định. Các dạng từ láy tượng hình, tượng thanh, từ láy thể hiện trạng thái, tình cảm được đan xen một cách tinh tế. Thực tế, việc sử dụng nhiều từ láy trong thơ tự do đôi khi gây phản ứng trái chiều, dễ mang cảm giác nhàm mòn, ấy vậy mà Phan Hoàng vẫn đưa vào một cách tự nhiên, không khiên cưỡng:

Thao thức từng cơn vượt cạn cùng tiếng sóng đêm nay
gió trải nghiệm an ủi vỗ về
bầu trời nhấp nha nhấp nháy sao đổi ngôi
dàn giao hưởng gà trống làng chài phiêu bồng hơn trước
tiếng oa oa con thơ cất lên
tôi biết mặt trời đang mọc trong ngôi nhà thân thuộc của mình
(Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc)
hoá con sáo sậu bước thấp bước cao bập bẹ nói cười… cậc cậc cậc
hoá con mèo mun tủng tẳng tùng tăng tung tẩy khắp vườn
hoá con cóc hiền triết bó gối im ỉm ìm im lắng nghe
trên những gò hoang hoàng hôn hoa dại khẽ hương
trong mỗi ngôi nhà nửa đêm chõng tre kẽo kà kẽo kẹt
mặt trời khát khao mỏi mắt căng mình
rình
ngượng ngịu
cười
toả năng lượng giới tính
bình minh
(Thèm làm ngọn gió tự do)

Trong các ví dụ trên, kiểu láy đôi, láy ba, láy tư đều được sử dụng. Để linh hoạt cách sử dụng từ láy, Phan Hoàng tổ chức cặp láy đi kèm nhau, tăng hiệu ứng cho ý thơ, giai điệu thơ: "gió trải nghiệm an ủi vỗ về". Cặp láy này thiên về miêu tả tâm trạng, sắc thái biểu cảm của con người nhưng được dùng để nói về "gió". Ngôi nhà thân thuộc ấy, ngay cả gió cũng có thể cảm nhận được tình yêu thương, chia sẻ. Hoặc ở đoạn thơ "Thèm làm ngọn gió tự do", Phan Hoàng rất sáng tạo khi sử dụng liên tiếp các từ láy "tủng tẳng tùng tăng tung tẩy". Chỉ cần thay đổi thanh điệu, anh vừa tạo được từ láy 6 thành tố (láy tăng) cho riêng mình vừa thay thế được nhiều thuận lợi trong diễn đạt (không cần nhiều hình ảnh) động tác của chú mèo mun theo cấp độ tăng dần.

Tập thơ "Chất vấn thói quen" sử dụng nhiều cụm từ tách xen (một số sáng tạo, một số vận dụng thành ngữ 4 tiếng) như "lướt giông đội bão", "xuống chó lên voi", "phong tướng phong vương", "cắc bụp cắc đùng", "nửa nước nửa đất"... làm cho câu thơ giàu sắc thái biểu đạt hơn. Bên cạnh đó, nhà thơ còn khắc họa được những hình ảnh thơ đầy ấn tượng. Ví như khi viết về mẹ, hình ảnh "bàn chân trần rễ tre toé máu" đã trở thành biểu tượng của sự gian khổ, hi sinh thầm lặng của người mẹ Việt Nam. Câu thơ hay, đầy sức gợi và ám ảnh. Nếu cách vận dụng thủ pháp so sánh ngầm mang đến nhiều lợi thế cho hình ảnh thơ anh thì bên cạnh đó, thủ pháp so sánh kiểu A như B , A là B cũng góp phần bổ sung thêm cho sự tinh tế, sự biểu cảm của hình ảnh thơ và khẳng định được tính liên tưởng (so sánh lệch) khá tinh tế trong thơ Phan Hoàng: "những bí mật lóng lánh xót xa như nước mắt mẹ tôi lặng lẽ gầy", "tiếng khóc trẻ thơ thơm như tiếng chích choè tinh mơ mẹ lên rẫy", "những con chữ như chiến binh chuyển dịch văn bản thơ mãi mãi dở dang"... Cũng viết về mẹ, trong bài thơ "Níu lòng Sông Đáy", nhà thơ so sánh: "mẹ như cánh chim đêm/ mãi mãi hoá thân vào châu thổ". Yếu tố chuẩn (cánh chim đêm) không mới nhưng khi liên hệ với yếu tố được so sánh (mẹ) và sự vắt dòng của vế thứ hai lại tạo được thi ảnh sống động về sự tảo tần, bươn chải của mẹ. Như vậy, giá trị so sánh đã ít nhiều phát huy được hiệu quả cho ý thơ.

Các nhà thơ đau nỗi đau đời thường tự chất vấn mình, đối thoại với chính mình. Trong khoảnh khắc cô đơn, nhà thơ chiêm nghiệm, nâng ý thơ thành những triết luận về cuộc sống nhân sinh. Nhà thơ Phan Hoàng cũng sử dụng kiểu tự chất vấn, đối thoại với chính mình để thăng hoa tư tưởng thơ. Anh ngồi uống bóng mình mà ngẫm đến chiều dài thăng trầm của lịch sử, giới hạn của đời người và những sự thật trơ trọi, tê tái trên cõi đời. Anh kí thác nỗi niềm ấy bằng những con chữ trực diện, thẳng băng. Anh biết, nếu đánh bóng con chữ, PR chính mình, ngay tức khắc, tên tuổi sẽ "hot", nhưng hệ lụy của nó là sự nhanh chóng tàn lụi và sẽ bị vùi lấp: "những kho văn bản ấu trĩ già cỗi/ những kho văn bản hư danh giả dối" (Văn bản dở dang). Những con chữ lộc cộc găm vào cuộc sống, bật lên các góc cạnh của sự tỉa tót, ngụy trang, tuy không thu hút tức thời nhưng nó phản ánh chân thực và có sức bền. Ở kiểu thơ này, nhà thơ đã vượt qua được chính mình, đánh đổ những con chữ bóng bẩy, khẳng định dấu ấn của mình trên cái nền kí tự giàu chất thế sự: "Vượt lên đau đớn và thăng hoa/ tôi tự tại giấc mơ tôi/ mưa ban mai lặng lẽ gióng chuông gọi hồn tận thế/ những con chữ như chiến binh chuyển dịch văn bản thơ mãi mãi dở dang" (Văn bản dở dang). Nhờ vậy, Phan Hoàng “chất vấn thói quen” một cách tự nhiên, lật trái được nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Thói quen lặp đi lặp lại đôi khi làm chết mòn sự sáng tạo của con người. Bởi thế, nếu chúng ta chỉ đứng yên và bằng lòng với những gì ta có, thì rốt cuộc, cuộc sống này chẳng có gì đáng giá. Thậm chí nó còn làm tê liệt sợi dây tình cảm giữa con người với con người. Nhà thơ viết về những thân phận, những kiếp người đang rên rỉ, đớn đau. Từ những em bé Châu Phi, người dân Nhật Bản, Pakistan đến những cảnh đời trái ngang,... sự sống của họ đang bị thiêu hủy bởi những thảm họa của trái đất. Tất cả thảm họa đó đều do con người gây nên. Nhất là thảm họa băng hoại về nhân cách: chuyện tiến sĩ giấy, chuyện mua quan bán tước, chuyện thầy giáo quấy rối tình dục học sinh, chuyện quan tham ăn đất, chuyện những cô gái thôn nữ đánh đổi nhan sắc bằng những đồng đô la, chuyện lạm phát, chuyện hờ hững, lạnh nhạt giữa những láng giềng, chuyện những cây bút vô cảm… Thông qua những hình ảnh thơ đầy ám dụ, Phan Hoàng chỉ ra sự thờ ơ, lạnh lùng đang trở thành nếp sống, thói quen của rất nhiều người.

Trái đất không thể tự bảo vệ mình trước lỗ đen những nguy cơ
Bao em bé châu Phi chết đói chết khát chết đạn chết đen trên những ngả đường không ánh sáng
Bao cụ già Nhật Bản chìm trong sóng thần đen sạm phóng xạ hạt nhân
Bao người dân Pakistan như hòn than bở tung toé trong cơn khát máu giận dữ sau… Bin Laden
Cái chết đen treo lơ lửng cả trên đầu những tên khủng bố, độc tài trốn chạy như lũ chuột
Và con giết cha, vợ đốt chồng, thầy cưỡng bức trò, trò hại thầy cùng bao cái chết đen nhe răng rình rập hàm cá sấu
Tiếng khóc sơ sinh như bông hoa chớm nở cũng có nguy cơ chết đen trên bầu vú nhiễm độc sữa mẹ
Người nghèo chết đứng trước cơn bão giá leo thang tối tăm đen đúa mỗi bữa ăn
(Cái chết đen & vũ khúc trắng)

Cuộc sống đang tuột dốc nhanh khủng khiếp. Cái má phanh để ghìm lại không thể ngăn cản được vòng quay của nó. Thảm họa đó kéo theo những con người mất hết tình người. Xem phim, chỉ một đoạn, một tiểu tiết mẹ bị gã mặt người đánh thôi nhưng cũng đủ để nhà thơ bức xúc và nêu ra những giá trị rởm của cuộc sống:
Đoạn phim buồn hơn cơn địa chấn
xô nghiêng những bảng vàng thành tích giáo dục hư danh
đóng băng những cái lưỡi robot giáo điều đạo đức giả
còn bao nhiêu gương mặt lẩn khuất tối tăm khuyết tật tâm hồn?
(Về một đoạn phim buồn)
Những kẻ mang lốt văn hóa nhưng héo hon, èo uột, tê liệt tình người. Trước những lằn roi mà chúng gây nên cho bậc sinh thành, cơn uất ức của nhà thơ như dồn hết vào câu chữ:

Lại thêm những gã mặt người vung tay đánh đuổi mẹ
một lũ chó điên hùa nhau cắn xé thân thể
               đưa chúng chui ra và nuôi chúng trưởng thành
(Bao giờ con lớn?)
Khi gia chủ giới thiệu về những giá trị của đồ gỗ được làm trong nhà, Phan Hoàng không mừng cho gia chủ mà ngược lại, anh miên man nghĩ đến những hậu quả của nó:

Ở đâu đó có cánh rừng già đang hấp hối
ở đâu đó có người kiểm lâm mới bị trả thù
ở đâu đó có ngọn núi trọc xói mòn vừa ngã sập
ở đâu đó có cơn lũ quét thất thanh tiếng thú tiếng người
(Mắt gỗ)

Phan Hoàng đi vào mảnh đất thế sự, đó vừa là phong cách nhưng cũng vừa khẳng định bản lĩnh của anh. Thấy những gì trái mắt xung quanh ta nhưng chỉ ra và viết ra như thế đâu phải ai cũng có thể làm được. Cái chính là Phan Hoàng đã biến những giọt nước mắt của thế cuộc thành những giọt nước mắt của riêng mình. Có lúc, anh tự xem mình là "nhà thơ quèn", mà có được tấc lòng của "nhà thơ quèn" ấy thật quý biết bao. Phan Hoàng đi vào tận cùng nỗi đau của mẹ, của biết bao số phận trên trái đất này… nhưng với anh vẫn chưa đủ, bởi còn biết bao nhiêu nỗi đau mà nhà thơ không thể chạm tới được. Bởi lẽ, nỗi đau đớn bao trùm cả thể xác và tâm hồn, nó không bao giờ chấm dứt mà chuyển thể thành nhiều dạng, nhiều ẩn số:

và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được
dưới tầng sâu cánh rừng thiêng ngập mặn
có bữa ăn cầm hơi chiến thuyền mang thơ mở cõi
có chỗ nằm nửa nước nửa đất ngư dân hò bả trạo khẩn hoang
có bình gốm nuôi đứa trẻ mãi mãi không chào đời

và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được
nỗi đau đau đến lặng im
(Cần Giờ lặng im)

Phan Hoàng đâu chỉ chất vấn thói quen của con người trước thế cuộc mà anh còn chất vấn cả những người cầm bút sáng tạo. Người sáng tạo không thể chấp thuận sự đơn điệu của cuộc sống như sự tự bằng lòng với những gì mà mình đã có. Bởi, con đường sáng tạo không bao giờ có giới hạn. Hơn nữa, cái tâm của người nghệ sĩ là yếu tố cần thiết để chuyển lửa vào trong tác phẩm của mình. Nghệ sĩ sáng tạo không thể đứng yên, chấp nhận những giáo điều cũ kỷ mà phải vươn về phía trước, sẵn sàng lao mình giữa những giông tố để kiếm tìm những vùng trời sáng tạo mới.

Chạy giữa gầm gừ dã thú đói khát hoả hoạn
chạy giữa ầm ào sóng thần vây bủa vũ khí hạt nhân
chạy giữa là đà văn bản mới viết đã cũ
chạy giữa nhập nhoạng mặt người mới mở mắt đã gian manh
(Bóng tối đang nuốt chúng ta)
Có những thói quen tốt nhưng cũng không ít những thói quen xấu. Cái cơ bản là chúng ta nhận ra được chân giá trị của nó để xoay chiều và hướng đến đích thánh thiện nhất có thể. Cuộc sống còn quá nhiều bất cập, nhiều vấn đề nhức nhối, xót đắng, cần phải có những tầm nhìn mới, những tấm lòng nhân ái để cuộc sống này mãi mãi xanh tươi, ươm mầm cho mọi thành công.

Có thể nói, "Chất vấn thói quen" không phô trương, mĩ từ. Tính chân thực, khách quan vẫn bao trùm cả tập thơ. Đó là "những câu thơ không phấn son ngạo nghễ chào đời". Nhưng đổi lại, tập thơ có sức mạnh về tư tưởng. Sức mạnh đó còn mạnh hơn khi Phan Hoàng đặt ra những câu hỏi về những vấn đề đang tồn tại, đang nổi cộm trong xã hội. Câu hỏi nóng bỏng gieo từ đầu bài thơ đến cuối bài thơ. Ở đây, Phan Hoàng không mượn thi ảnh để làm nền mà mượn cấu trúc nghi vấn để những vết nứt nẻ của cuộc sống tự phô ra hết thảy.

Tôi đang ở đâu mảnh vườn trĩu nặng lời ru của mẹ?
Tiếng hát nhép người đẹp cởi truồng đuổi mất cánh cò cánh vạc!

Tôi đang ở đâu dòng sông thẳm xanh tắm gội tuổi thơ?
Dòng sông bị bắn trọng thương bởi những viên đạn bọc đường lén lút!

Tôi đang ở đâu trái tim thôn nữ rụt rè bước khỏi cổng làng?
Trái tim lạc nhịp đánh vật xứ người trả lãi từng đồng đô la nhan sắc!

Tôi đang ở đâu trong lòng bạn bè xuống biển lên rừng?
Bè bạn chạy đua cơn khát sữa con thơ giữa phiên chợ đời lạm phát!

Tôi đang ở đâu phố phường lưu dấu tổ tiên mở đất dựng đình?
Láng giềng không nhớ nổi mặt nhau giữa siêu thị mặt người chen chúc!

Tôi đang ở đâu đất nước sinh từ hồn thiêng nghĩa sĩ vô danh?
Đất nước dãi dầu hạt gạo anh hùng, xảo quyệt đám rầy nâu chưa bị hành quyết!

Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?
Cây bút vô cảm trước thân phận dân nghèo, im lặng trước lãnh thổ đe doạ ngoại xâm, bất lực trước cái ác trá hình nhũng nhiễu!

Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?
Tôi đang ở đâu?
Ở đâu?
(Tôi đang ở đâu)

Tôi đang ở đâu? Đây là một câu hỏi nhức nhói thân phận. Bởi nó không chỉ có ý nghĩa bây giờ mà nó còn có ý nghĩa thời sự cho tương lai. Câu hỏi ấy xuất phát từ trái tim của người nghệ sĩ biết trăn trở, thao thức với những vấn đề nan giải, bức xúc của thế cuộc. Một câu hỏi không chỉ để lật lại vấn đề mà còn để chất vấn tất thảy chúng ta về sự sống, về tình cảm, lương tâm và trách nhiệm trước cuộc đời này:

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?
(Chất vấn thói quen)

Đồng Hới, ngày 7-2-2012
HOÀNG THỤY ANH

No comments:

Post a Comment