Đọc BUỔI TRƯA TRONG QUÁN CÀ PHÊ – TẢN VĂN
của NGUYỄN THỊ HẬU, Nxb Văn hóa - Văn nghệ,
TpHCM, 2012
Đọc hết cuốn tản văn, tự nhiên trong tôi bật ra cái “tít”
nghe ngồ ngộ HẬU TÂM KHẢO.
Thực ra, tôi mới quen biết tác giả này chừng hai năm nay,
chưa có mối quan hệ thân thiết. Nguyên là tôi cũng hay tham gia, nhưng không
thường xuyên, những câu chuyện, những đề tài liên quan tới đa ngành văn hóa ở
quán Cafe Thứ Bẩy.Tôi gặp chị tại buổi chị giới thiệu cuốn sách mới phát hành
về khảo cổ của chị. Tôi mài mại nhớ buổi đó, chị, với sự nhiệt thành, tâm
huyết, đã nêu những vấn đề khoa học và thế sự nóng, nhạy cảm, bức thiết của đất
nước thông qua chuyên nghành khảo cổ học của chị.
…..
Qua tập tản văn Buổi trưa trong quán cà phê,
như tôi nghiệm ra, trong chị có hai con người: một con người khoa học “Khảo” cổ
sắc sảo, Tâm huyết, tỉ mỉ, chính xác, hệ thống và quy luật,
một con người làm văn tinh tế, Tâm thiện, tinh tế, mộng mơ,
bao dung và khái quát. Cả hai con người này cùng có TÂM: tâm huyết, tâm thiện,
còn có Tâm KHẢO (khảo sát, khảo cứu, khảo nghiệm, khảo thí, cả tra khảo... ) là
phương thang giải cái nghiệpTâm, duy kết sao cho mọi việc đều cho có HẬU, như ý
hướng của gia đình khi đặt tên Hậu, chắc chắn muốn con cái sống phúc hậu, có
trước có sau. Sống phúc hậu cũng là hậu, có trước (tiền) có sau (hậu) cũng là
hậu. Gì thì gì, mọi sự, mọi việc, ở con người này, đều xuất tự một hệ TÂM, mà
muốn có Tâm thì tất phải có Trí (có Trí để “khảo”dị)! Thế là cái tít HẬU TÂM
KHẢO trình làng.
Tập tản văn hiện rõ cái Tâm trong khoa học, cái Tâm trong
việc văn ở chỗ, các bài viết khảo tả kỹ lưỡng tất cả hiện tượng trong vòng quan
sát, đều thấy “giầu chất văn hóa dưới một dáng vẻ lùi xùi” (147), sự “đồng quy
văn hóa” (186) thể hiện sự tính cội nguồn. Chị đã dùng phương cách so sánh đối
chiếu của khoa học để làm bật lên cái mâu thuẫn thời đại trong bài “Tản mạn về
chợ” (62) mang dấu ấn của “văn hóa mẫu hệ” với nét đặc trưng “thuận mua vừa
bán”... cho nhận xét xác đáng “Tên gọi các chợ hiện đại – phần nhiều là tên
nước ngoài – nghe nhạt hoét... không mang chút ký ức văn hóa nào cả” (66), từ
một thực tế rất đời “Mà bây giờ, ăn nói “kiểu chợ búa”, “hàng tôm hàng cá” đâu cần
phải ra đến chớ mới có”, còn nội dung chức năng của chợ vẫn nguyên là “Chợ – ký
ức của những con người được di truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ ...mong mẹ đi chợ
về...” (67).
Phương cách so sánh chị thường dùng, như vừa dẫn ở
trên, tựa hồ nhẹ tênh, nhưng tâm tư thì nặng trĩu...Chị hành nghề khảo cổ với
cái đích của khoa học khảo cổ là khảo tìm cội rễ, nguồn gốc. Khúc tản văn
“Chuyện về những vòi nước cổ” (117) chứng minh việc trên đường khảo tìm nguồn
cội, khi ngửa cổ uống ngụm nước nguồn mạch trong lành, mát ngọt từ những vòi
nước cổ thì cùng lúc bật ra những thắc thỏm, ngẩn ngơ tiếc...“nhiều người lơ
đãng không biết rằng mình vừa đi qua một chứng tích của cuộc sống từ vài trăm
năm trước. Những vòi nước ấy là những “di sản văn hóa phải có đời sống của chính
nó, nhờ con người và vì con người”. Nhờ nghề khảo cổ chị có được cái nhìn xuyên
suốt, thấu triệt, khẳng định đầy tự hào có một nền văn hóa Đông Nam Á cổ:
“Trong lịch sử, vùng Hoa Nam từ phía nam sông Trường Giang nằm trong khu vực
văn hóa Đông Nam Á cổ với kỹ nghệ đúc đồng và nông nghiệp trồng trọt hình thành
và phát triển từ rất sớm. Nhưng từ thời Hán vùng này xa dần văn hóa truyền
thống Đông Nam Á”. Chị còn xác định tính cách Lạc Việt trong Bách Việt,
như một sự cảnh tỉnh cộng đồng. Nhưng hiện thực thì, thật tiếc, vì cái thói
quen an phận “nước nhỏ” đến mức tự ti, đẻ ra cách ứng xử hiện thời là, hình
như, thường xuyên cam chịu ở thế dưới, cam phận nhận cái nhìn từ trên cao nhìn
xuống, cái nhìn “hạ cố”, ban ơn của ngoại bang và cũng của chính người bản địa
với nhau, còn ta - chủ thể thì cứ yên phận, cam chịu mà “ngước nhìn”. Và một
câu hỏi buột ra, nhẹ thểnh ...“Có ai nhận ra điều đó không?!” (82)
Tôi không biết gì về khoa học, trót dặm lời, lỡ viết nhăng
đoạn văn lủng củng này,.. Thôi thì, dù sao cũng trót lỡ!...
Tiếp đến chuyện cái bìa sách. Bìa cuốn tản văn vẽ một tách
cà phê. Nước cà phê màu nâu sánh. Một phần nước cà phê sủi bọt màu nâu nhạt
chiếm non nửa vành miệng tách, hình cong cong, ôm lấy phần nước cà phê màu nâu
đậm, tạo hình cũng cong cong. Ở giữa lòng tách cà phê, điểm một “tim” son đỏ
chót, rõ ràng là có chủ ý, dẫn tôi liên tưởng ngay tới đồ hình “thái cực” ở
phần lý thuyết của Dịch Lý (là cái lý của sự chuyển dịch, xê dịch!). Tách
cà phê được cố ý đặt lên một viên sỏi. Bìa sách này tự nó đã gợi lên tâm
và tính của không chỉ một con người, có tấm lòng son, hóa hiện
lên trong dòng thời gian miên viễn chảy, đã biết theo quy luật “thuận thời sinh
sinh”, và do vậy lại làm bật trong tôi sự liện tưởng tới khái niệm không - thời
gian hợp nhất của Đông phương...
Về chuyện chữ nghĩa và nội dung.
Nét đầu tiên, tôi chú ý, ấy là những chữ mang tính
tổng kết ở cuối mỗi đoản văn, kiểu như: “Giá mà,.. Thôi cứ là,..Bất
giác,..lúc nào đấy Bỗng nhiên,.. Chừng nào,..Hình như,.. Chỉ thấy,..Chắc rằng,
..Nguy cơ...Tất cả những con chữ viện dẫn ở trên, với tôi, rất gợi, dễ luận
rằng con người này có vẻ dễ cam phận trước thực trạng nhoáng nhoàng (63, 194),
bát nháo, mất gốc, mất bản sắc, đang tàn lụi,..nhưng, thực ra, trong những con
chữ nhẹ tênh ấy lại đang găm giữ sự khắc khoải nặng nề, ý thức và tự ý thức về
cuộc đời, về con người ở trong những con người còn có lương tâm, có trách
nhiệm, suy nghiệm nhiều đến mức những kiến thức và hiểu biết thu nhận biến
thành một phần máu thịt, theo kiểu ý thức biến thành vô thức thông qua các phản
ứng tức thì, chẳng cần suy nghĩ . Cách dùng chữ dụng công ấy làm bật ra hàm
ngôn sâu, rộng và ngữ nghĩa lan tỏa của tản văn.
Nét thứ hai, tôi chú ý cách dùng biện pháp “tâm khảo” để so
sánh cái “đương đại” – thói hãnh tiến trong “Phụ nữ thành đạt” (208), đối chiếu
với cái thường hằng theo truyền thống “văn hóa nông nghiệp” để tự ý thức về
“sống chậm” (161), tự rút bài học, tự nhủ “Thôi cứ là một người phụ nữ bình
thường cho lành. Có một nghề tử tế để làm...Và khi cáu giận bực bội có thể
“dang tay giữa trời mà...hét” ...với tôi (nhà văn), thế là “thành đạt” lắm rồi,
chẳng cần gì hơn”. (211).
Suốt cả cuốn tản văn tác giả luôn tự rút ra bài học, nhưng
không để cho riêng mình...Bài học bắt đầu từ hoài niệm, qua các trải nghiệm từ
thời chiến tranh tới buổi hòa bình, tạo cho tôi – người viết bài này có điều
kiện để tự thấy “cuộc đời những túi bụi quên/ quên bị bỏ rơi vì túi bụi/
quên tiếng súng trong giấc ngủ vùi/quên tương lai hiện nguyên hình trong quá
khứ/ vẫn nguyên những chớp lửa ùng oàng/ hiện vẫn đang nghi ngút khói/ gặp
những huyền dị ở cõi người...”
Tâm hồn Tản văn trong sáng, cực nhậy.
Trên bước “Đường mùa thu” (121), Tản văn cộng cảm với chú
Vàng của người khiếm thị, thảng thốt, trầm tình “Chú Vàng ơi, nếu
ông chủ không bị khiếm thị thì đôi mắt chú có buồn đến thế..?”. Sự cộng cảm này
đang vang động trong tôi – người đọc, cũng...“đến thế”.
Rồi “Tiếng Phong cầm trên đường phố Potsdam”: “Bỗng đâu
tiếng phong cầm rộn vang cả một đoạn đường. Giai điệu của những bài hành khúc
Liên xô không lẫn vào đâu được. (117)... “phối bè đặc Nga như thế”. Tiếng phong
cầm mà tác giả đã nghe, đã cảm ấy lại gởi mở, lại lay động trong tôi… Tôi cộng
cảm cùng bức tranh minh họa ở trang 117, tôi đã săm soi nhìn.. tôi chợt hình
dung thấy một đàn Sếu đã bay qua, để lại một khoảng không hoang vắng, trên cái
nền đó hiển hiện “Người lính Xô viết tay bồng bé gái, tay kia cầm thanh
kiếm mũi chúc xuống đất. ...” và phía trời xa hiện lên bóng cây
thập ác chiến tranh. Có lẽ, không chỉ riêng người lính, chỉ bằng duy cảm thôi
cũng thấy chiến tranh. Duy cảm một cách tự nhiên như tự nó, trái ngược với thói
đời nay thời thượng, vô cảm, vô cảm bắt đầu từ sự dửng dưng, bất lực, tạo ra
“chủ nghĩa MAKENO” “Ý thức cộng đồng đang băng hoại từ sự dửng dưng như
thế”(42) Bởi quá nhiêu lời hứa, quá nhiều du di, quá nhiều ban khen và quá
nhiều lệ làng hội hè, đình đám...song tất cả chỉ chuyên trị bằng lời hứa, lạm
dụng Ngôi LỜI, thừa mứa, bất lực! “Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực lên ngôi”
(43), dĩ nhiên!
“Mơ ghe” là hoài niệm về một thời chưa xa mà đã xa tít tắp,
thể tính hiện trong trạng thái “giờ này không muốn làm gì, chỉ muốn làm biếng,
trôi đi đâu thì trôi, mà mắc vào đâu thì mắc...”(50) vì cảnh thực “rừng đã cháy
và rừng đã hết.” Không còn rừng thì không còn nguồn nước, cuộc sống không nước
tất sẽ tiêu vong, như cái ghe nằm chết khô, đang chình ình trên cạn! Tất cả
hiện đang, hình như đảo lộn: sông không còn nước, còn “phố bỗng là dòng sông
uốn quanh”. Bởi vì, có lẽ, do cạn kiệt tài nguyên, do đời người đang bị
quăng quật vì miếng cơm manh áo, mà nguyên cớ lớn nhất là do thói cao ngạo,
hãnh tiến, hám quyền, hám tiền, như Tản văn đã dẫn ra một thực tế là “Khu tưởng
niệm Hồng quân Liên xô...một nơi rất it khi có khách Việt đến tham quan (91),
rất ít các tour du lịch của người Việt đến đó (105) cũng tại một phần do cái sự
nghèo, phần khác là do xa dần cái bản sắc văn hóa, đánh mất dần cái gốc văn hóa
ở trong mỗi thực thể người, dẫn tới sự dửng dưng, vô cảm! Trước cảnh người như
thế nên: “Ly cà phê chợt đắng!” (132)! Mà như tôi thấy thì không chỉ đắng mà,
lúc này đắng ngắt! tuy vẫn biết “hương vị cà phê mỗi mùa mỗi khác đấy” (130)...
đang thấy những ki ốt sách cũ đìu hiu thì vẫn thế...thấy những cuốn sách
vàng mặt đang ghìm giữ thời gian, vẫn mốc thếch hiu hiu, vẫn buồn tênh cô
quạnh, những cuốn sách vẫn gói hồn thiên thu, vẫn mở lòng trải nghiệm, vẫn vừa
cũ và vừa mới tinh tươm, vẫn lặng thinh trải nghiệm, và một câu hỏi lại bật lên
trải lòng cùng trang sách cũ biết còn có những ai, những ai đang còn dấm lửa và
thổi lửa trong những trang sách ấy?
Qua Tản mạn, qua ký ức và hoài niệm tác giả vốn quê nội ở
Chợ Mới An giang, ao ước, trở về nơi sống thời thơ ấu là Hà nội với bao nhiêu
tâm cảm, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu bồn chồn, thắc thỏm, nhớ một thời sơ
tán, nhớ một thời chiến tranh:.. “đã cắt lìa tuổi thơ tôi với ba má(55) với cảm
cái giác “bị bỏ rơi”, “sự tổn thương không ai muốn” (56) và bài học của muôn
đời là : “sự hy sinh to lớn của các thế hệ chính là để bảo vệ sự sống, sự hồn
nhiên của trẻ thơ ở bất cứ nơi nào trên trái đất (109) với: “Cái tôi cần là anh
làm thế nào cho người ta ghê sợ chiến tranh,để sống tử tế hơn...cho trẻ con
được lớn lên dưới bầu trời xanh”... và bây giờ, trong buổi hòa bình, Hà nội
đang thay đổi, nhà cao tầng đang choán chật, những gì là hồn vía thì đang phách
tán hồn xiêu...và còn, vẫn còn đang sự hám lợi danh và giầu nghèo quay quắt!
Cuộc sống vẫn tiếp tục trôi xuôi. Con người vẫn tiếp tục
sống, chấp nhận thực tại như vốn nó là thế... Và tác giả tự bằng lòng với thực
tại, tự khẳng định tiếp tục cuộc sống như đã sống “Thôi mình về đi làm đây.”
(53)... Và rồi lại cũng sẽ cùng bè bạn, có những buổi chiều ở một nơi nào đó,
ngẫm nghĩ bâng quơ, tay lơ đễnh, nhè nhẹ nâng ly rượu rỗng không, để hồn
mình chìm vào hoang vắng,cho đôi mắt nhìn không đâu, xem dòng đời trôi lờ lững
...Và thế rồi thực tại lại trở về là ‘đi ngủ, và mơ.”(31) lại những cà phê,
những buổi trưa và những quán...tưởng, thư thái trong bận rộn ngập đầu!
Thứ tư, ngày 4 tháng 4, 2012,
MẠC TUẤN ĐINH TRẦN TOÁN
No comments:
Post a Comment