(Toquoc)- Với hai tiểu thuyết "Trùng tu" và "Họ cùng thời với những ai", nhà văn Thái Bá Lợi đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn trình Thủ tướng Chính phủ, xét trình Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012. Chia vui với nhà văn, báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với tác giả "Minh sư" - tác phẩm vừa được vinh danh ở Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
PV: Được biết nhà vănThái Bá Lợi có tên trong danh sách đề cử giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với hai tác phẩm đều cùng là tiểu thuyết - "Họ cùng thời với những ai" và "Trùng tu". Xin được hỏi nhà văn, đây có phải là hai tác phẩm mà nhà văn tâm đắc nhất không?
Nhà
văn Thái Bá Lợi: "Họ cùng thời với những
ai" và "Trùng tu" là hai tiểu thuyết tôi viết vào những năm 80
thế kỷ trước. Có chút khác biệt là "Họ cùng thời với những ai” in ngay năm
1981 và được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1983, còn "Trùng tu"
thì hai mươi năm sau mới in (2003). Đây là cuốn sách tâm đắc nên tôi muốn tự
mình đánh giá qua thời gian. Ngâm 20 năm nhưng khi đưa in chẳng phải sửa chữa
gì nhiều ngoài những lỗi chính tả. Tiểu thuyết viết về sự kiện Tết Mậu Thân ở
Huế. Một tiểu đoàn hơn 700 người quân ta nhận lệnh xuống phía đông Huế nghi
binh để đại quân rút an toàn lên rừng. Tiểu đoàn này bị quân Mỹ
bao vây và hy sinh phần lớn. Những người sống sót ít ỏi sau này cùng các bạn bè
quốc tế đã trùng tu lại Huế. Câu chuyện đượm màu bi tráng như bao điều
chiến tranh thường để lại cho con người.
PV:
Nhà văn có thể chia sẻ sự tâm đắc của mình, hoặc hoàn cảnh sáng tác, chi tiết
đặc biệt liên quan đến hai tác phẩm kể trên với độc giả?
Nhà
văn Thái Bá Lợi: Những năm 80 ấy tôi quen thân với
Kiến trúc sư Ba Lan Kazimier Kwiatkowski mà chúng tôi thường gọi là Kazic. Ông
lăn lộn cùng các đồng nghiệp Việt Nam vừa bước ra khỏi chiến tranh trùng tu các
di tích ở Mỹ Sơn và Huế. Công việc của họ là cảm hứng để tôi viết "Trùng
tu".
Có lẽ điều tôi muốn gửi gắm đến bạn
đọc qua lời tâm sự của một nhân vật: "...Rằng dù khó khăn đến đâu việc
trùng tu Huế trước sau cũng sẽ làm được, nhưng việc ấy làm sao quan trọng bằng
việc trùng tu những điều năm tháng đi qua đã để lại, những con người bước từ
trong đó ra, đang hiện hữu trên đất nước này”...
PV:
Ông có cho rằng tác phẩm mà mình tâm đắc nhất là tác phẩm mà độc giả nhớ nhất
và gắn với tên tuổi của nhà văn Thái Bá Lợi?
Nhà
văn Thái Bá Lợi: "Trùng tu'' là cuốn sách tôi
phải đổ nhiều công sức và thời gian. Nhưng tác phẩm mà người đọc biết đến tôi
có lẽ là truyện "Hai người trở lại trung đoàn''.
PV:
Việc tự nhà văn làm hồ sơ xét tặng giải thưởng đã gây tâm lý “ngại” cho nhiều
nhà văn. Thế nhưng lại có những nhà văn sau khi được đề cử lại xin rút… Cá nhân
nhà văn nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Nhà
văn Thái Bá Lợi: Tự làm hồ sơ thì ngại thật. Nhưng
tôi vẫn làm vì nghĩ mình hơn gì các nhà văn khác mà "chảnh". Có thể
cần cách làm khác hay hơn như các tổ chức văn học nghệ thuật đề cử, lấy ý kiến
rộng rãi trong xã hội, chủ yếu là tìm được các giám khảo sáng suốt và công tâm.
Còn có người không nhận giải là chuyện bình thường.
PV:
So với những tác phẩm cùng thời, nhà văn còn thấy những tác phẩm nào xứng đáng
mà chưa có tên trong đề cử đợt này?
Nhà
văn Thái Bá Lợi: Trong thế hệ chúng tôi, nghe nói
tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng không có trong
danh sách đề cử. Nếu đúng như vậy thì thật là đáng tiếc.
PV:
Thế còn Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, bản thân nhà văn có nghĩ
đến không?
Nhà
văn Thái Bá Lợi: Giải thưởng Hồ Chí Minh là một giải
thưởng cao quí dành cho các nhà văn, đem văn chương của mình phục vụ sự nghiệp
cách mạng của Dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu,
Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc... cùng nhiều nhà văn, nhà thơ thật xứng với giải
thưởng đó. Còn bản thân tôi là chuyện còn phải phấn đấu lâu dài.
PV:
Vậy nhà văn có “để dành” tác phẩm nào của mình cho giải thưởng cao nhất này
không?
Nhà
văn Thái Bá Lợi: Đã là nhà văn thì chẳng có gì phải
để dành cả. Điều gì hay nhất, tốt nhất phải cống hiến cho người đọc.
PV:
Nghĩa là tác phẩm hay nhất của nhà văn vẫn còn ở phía trước…
Nhà
văn Thái Bá Lợi: Theo tôi biết nhiều nhà văn vẫn coi
tác phẩm hay nhất đang ở phía trước. Tôi cũng không phải là ngoại lệ.
*
Cảm ơn nhà văn!
HIỀN NGUYỄN
Nguồn: VHQN
No comments:
Post a Comment