.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 7, 2012

NGUYỄN HÒA VÀ ĐÔI LỜI GỬI ÔNG HÀ VĂN THÙY: GẶP PHẢI “ÔNG KẸ”, TÔI CHỈ CÒN BIẾT… NHƯỜNG ĐƯỜNG!

(Đôi lời gửi ông Hà Văn Thùy)

Thưa ông Hà Văn Thùy, sau khi đọc bài “Văn hóa là định mệnh” của ông, tôi chẳng dám viết gì nhiều, chỉ mạo muội xin gửi ông mấy dòng mà thôi. Và trong khi kính mong được ông thể tất, tôi cũng khẳng định với ông rằng, đây là văn bản duy nhất và cuối cùng tôi gửi tới ông:

1. Tôi lấy làm vinh hạnh khi được ông để mắt tới bài "Đông và Tây - từ khác nhau trong văn hóa đến khác biệt tư duy" (đăng trên Nghệ Thuật Mới số 1 và số 2; nhưng tôi không biết tại sao khi đăng bài này, website phunutoday lại đổi nhan đề thành Đông và Tây - khác biệt về văn hóa và tư duy?). Tôi còn thấy vinh hạnh hơn khi được ông hạ cố dạy bảo về điều ông cho rằng “dường như văn hóa học không phải sở trường” của tôi, vì thế tôi “hơi bị lạng quạng”! Tuy nhiên, vì coi việc khảo sát, suy ngẫm, viết, công bố, trao đổi (thậm chí tranh luận) để từ đó đi tới sự thống nhất hay bác bỏ một vấn đề lý luận - thực tiễn nào đó vốn là điều bình thường trong hoạt động khoa học, nên tôi không tự tin đến mức coi những gì mình viết ra đều là chân lý cuối cùng; cũng vì thế, tôi sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng bàn bạc, sẵn sàng thừa nhận nếu ý kiến của tôi là sai lầm. Nhưng đọc bài Văn hóa là định mệnh của ông thì tôi không thể “ba sẵn sàng” nữa, khi Hà Văn Thùy đã thủ đắc chân lý trong túi thì tôi có “ba sẵn sàng” cũng là thừa!

2
. Khi công bố bài Đông và Tây - từ khác nhau trong văn hóa đến khác biệt tư duy, tôi đã dự liệu về tình huống sẽ nhận được ý kiến trao đổi, đặc biệt rất chú ý tới các tác giả vốn trung thành với xu hướng coi “Việt Nam là trung tâm”. Nên tôi đã giới thuyết, chỉ rõ phạm vi khảo sát của mình. Vậy mà tôi vẫn được ông Hà Văn Thùy lên lớp đến nơi đến chốn qua một bài viết với phong thái tự tin của một “ông kẹ”, bằng các “tri thức” và luận chứng mà đến nay, dù đọc bài vở của ông đã nhiều, tôi vẫn chưa thấy bị thuyết phục; nên đối với tôi, trao đổi với ông là việc không cần thiết. Bên cạnh đó, trong phạm vi khảo sát của mình, tôi thấy hình như các “tri thức” và luận chứng mà ông trình tấu lâu nay, vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của giới nghiên cứu; thực tế này buộc tôi phải nghĩ tới câu hỏi: “Tại sao rất nhiều lần Hà Văn Thùy cố rao giảng các “tri thức” và luận chứng của ông, mà giới nghiên cứu vẫn chẳng mấy quan tâm, không nhẽ vì chúng vô bổ?”!
  
3
. Dẫu tự biết, thảo luận với một ông Hà Văn Thùy đã rành rẽ cả chuyện từ 15.000 năm trước tổ tiên ta “đã thuần hóa con gà, con chó sớm nhất trong lịch sử nhân loại và sau đó thuần hóa con heo” sẽ là một việc làm bất khả, nhưng tôi vẫn thành thật khuyên ông Hà Văn Thùy rằng, dù tự tin và thông thái đến đâu cũng nên lưu ý đến điều tôi đã viết để giới hạn phạm vi khảo cứu của mình: “bài viết này chỉ đề cập tới một số quan niệm vũ trụ, nhân sinh của người Việt (như quan hệ âm - dương chẳng hạn) có thể thực chứng qua hàng nghìn năm lịch sử và ít nhiều vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay”. Bỏ qua giới hạn phạm vi khảo cứu của tôi, ông Hà Văn Thùy săm sắn “một mình một ngựa” tỷ thí với những điều không có trong văn bản; tỷ như: ông có lục tung cả bài Đông và Tây - từ khác nhau trong văn hóa đến khác biệt tư duy cũng không thể tìm thấy khái niệm “du mục”, ấy thế mà ông vẫn hì hục sử dụng khái niệm này để bắt bẻ tôi! Lẽ nào ông Hà Văn Thùy lại không có khả năng phân biệt được sự khác nhau: du mục thì đích thị làm công việc chăn nuôi, nhưng làm công việc chăn nuôi thì chưa chắc đã là du mục. Tôi viết là “chăn nuôi”, ông lại mang “du mục” ra vặn vẹo, làm như thế là “dựng hiện trường giả”, không xứng đáng với tư cách người làm khoa học. Và cứ từ Hà Văn Thùy mà suy, thì chẳng hóa ra những cơ sở nuôi trâu, nuôi bò, nuôi gà ở Việt Nam hiện nay là… du mục!

Như đã nói ở trên, qua bài Văn hóa là định mệnh tôi đã gặp một “ông kẹ”, và khi “ông kẹ” ấy khẳng định tôi đã “sai lầm trong tri thức vỡ lòng về văn hóa học” thì tốt nhất là tôi tránh sang một bên, nhường đường cho ông. Hy vọng mai hậu, các “tri thức” và luận chứng của ông Hà Văn Thùy sẽ có chỗ đứng (dù bấp bênh!) trong khoa học, đừng để vài chục năm nữa, chúng lại trở thành trò cười cho con cháu!

Xin được có lời kính chào ông!
NGUYỄN HÒA

No comments:

Post a Comment