.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 7, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN HỮU QUÝ: “TRƯỜNG HỢP ĐỖ DOÃN PHƯƠNG, KHEN QUÁ LỜI!”


T
hú thực, dù có nghe tên, nhưng tôi chưa đọc thơ Đỗ Doãn Phương trước khi anh được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011. Khi giải thưởng thường niên của Hội được thông báo, cái tên Đỗ Doãn Phương đã được nhắc đến khá nhiều.

Đỗ Doãn Phương đọc thơ tại Văn Miếu
Trong lời giới thiệu trang thơ Đỗ Doãn Phương trên báo mình, tờ Nghệ thuật mới khen tụng: Thơ trẻ, sau những năm ồn ào về những dòng thơ ca ngợi thú vui phàm tục, đột nhiên ngưng lại như thể đã kiệt sức, hoặc đã không tìm thấy đề tài nào khác ngoài việc phơi bầy chính những thú vui đó. Giữa dòng chảy náo loạn ấy, một vài nhà thơ trẻ trong đó nổi trội là Đỗ Doãn Phương đã xuất hiện lặng lẽ nhưng sức mạnh mà nhà thơ này biểu lộ trong ngôn ngữ đã mở ra một con đường trong thơ hiện đại (tôi nhấn mạnh-NHQ).
Hai năm trước, một tờ báo mạng cho rằng Đỗ Doãn Phương là “người quét sạch” những bụi bậm của thơ trẻ bằng tập Những ngọn triều nhục cảm. Giờ đây, vẫn với sức mạnh ấy, nhưng đắm sâu hơn, phổ quát hơn và nhân tính hơn, tập thơ Hoan ca tiếp tục làm người đọc rung động bởi vẻ tráng lệ của ngôn từ và cái chiều kích hiện đại trong mỗi hình ảnh(tôi nhấn mạnh-NHQ). Cái tôi trong Hoan ca không than vãn, không kiêu căng, không viên mãn như thể là thế giới do mình tạo ra. Cái tôi ấy, mấp mé ở ranh giới giữa đời thực và Cái Tôi siêu đẳng. Nơi con người, kiên trì sống hết giấc mơ, trí lực của mình, gục ngã trước giới hạn trần thế cuối cùng, được nâng dậy, và hiệp thông với cái tôi tuyệt đối của hoàn vũ.
Ở bài viết Lại phải khởi đầu từ nơi kết thúc, nhà thơ Đặng Huy Giang hào hứng ca ngợi: Không phải ai cũng có tâm trạng mang màu sắc thái độ như Đỗ Doãn Phương: Thân thiết đến mức tôi tưởng tôi không phải từ ai hết/ Rườm rà đến mức làm tôi chán ngắt. Không phải không có lúc, Đỗ Doãn Phương (hoặc nhìn thấy) sự bất an, bất yên của đời sống, nhưng chính ngọn đèn trên khung cửa của tình yêu đã giúp anh đẩy lùi cái chết (có thể là đẩy lùi tất cả) ra ngoài cửa chính đã đóng chặt…Thơ Đỗ Doãn Phương là thơ hướng nội, hanh thông, nhất quán về giọng điệu, khiển ý, dựng tứ và có chiều sâu. Đọc Hoan ca, tôi càng tin thơ chính là sự vượt thoát (theo quan niệm của nhà thơ Mai Văn Phấn) và cũng chính là chứng ngộ của tâm hồn
Tôi bắt đầu đọc Đỗ Doãn Phương, thật chậm rãi và kỹ càng mong nhận ra được cái mới lạ, chiều sâu và sự “vượt thoát” của thơ anh. Bởi, nếu thơ Đỗ Doãn Phương đạt tới tầm đó thì anh chắc chắn là một “hiện tượng thi ca” của Đất Việt, một tài năng trẻ đáng nể. Và, cũng như Đặng Huy Giang, tôi cũng sẽ ngân lên một câu: Lại phải khởi đầu từ nơi kết thúc!
Tuy nhiên, sau khi đọc Phương, tôi có cảm giác anh như con chim vỗ cánh rầm rập, ầm ã trên mặt đất đầm đẫm nắng mưa nhân thế nhưng chưa bay lên được. Bầu trời cao xanh còn xa tít, xa vời với người làm thơ trẻ ấy. Anh vẫn chưa “vượt thoát” được khỏi không gian thơ chật chội và sự quẩn quanh đến ngột ngạt trong đám ngôn từ ít phát sáng. Trước khi đi vào chứng minh điều vừa nói, tôi muốn bày tỏ cảm nhận của mình với bài thơ Ngày cô mất của Đỗ Doãn Phương. Bài thơ đã làm tôi rưng rưng xúc động bởi cái tình của người viết và những hình ảnh vừa thực vừa ảo, tâm linh và nhân văn: Cánh đồng bỗng chật người quá cố/ Bởi ký ức của những người đang sống cùng hồi tưởng/ Những người quá cố đi lại trò chuyện nói cười/ Khi trò chuyện vô tình họ làm sống lại những người đã sống khác/ Trong hồi tưởng của họ-không bao giờ chết.
Thơ Đỗ Doãn Phương đề cập nhiều tới sự sống-chết/ sinh-tử. Vấn đề muôn thuở của nhân loại nên nó không xa lạ gì với con người và thơ. Phương suy nghĩ về nó qua những giấc mơ, những sat-na thảng thốt trong dòng đời trôi nổi. Nhưng theo tôi, xin được nói thật, thơ anh hình như chưa tải được cái “nỗi” ấy một cách tự nhiên và sâu lắng thông qua những hình tượng đắc địa nên còn nhiều lắm những câu chữ gồng gánh ý nghĩ khá trần trụi và lộ liễu của tác giả.
Tôi đọc ra cái sự vội vã, khiên cưỡng của hành trình thơ trong bài “Giác ngộ”: Trong đêm, giữa giấc ngủ sâu, lóe sáng/ Một ý nghĩ khởi xuất/ Kim đồng hồ chết giấc/ Ta thấy rạng sáng cả căn nhà/ Rạng sáng toàn thân/ Từ đỉnh tóc tới móng chân trong suốt/ Ta ngồi dậy trang nghiêm nhìn/ Đứa bé đẹp lạ lùng và người phụ nữ cũng vậy/ Ta điểm lại các việc như trước chuyến đi cuối cùng/ Và chờ khoảnh khắc/ Sang một con người khác. Tứ thơ, ngôn ngữ, hình ảnh không có gì mới lạ ấn tượng. Thơ thủ tiêu tiết tấu, âm điệu thành ra kiểu thơ nói, ngang ngang. Thơ chỉ có ý chứ không nghe được “điệu tâm hồn” đâu cả.
Đại trà dạng “thơ” kể lể gần giống sự sao chép hiện thực:
-Ta lạc trong thành phố này/ Hôm nay, trèo lên tầng nhà cao, nhìn xuống thành phố/ Nhìn rõ tất cả các con đường, tòa nhà, nơi ta sống/ Nhìn rõ dòng người đang nuốt dần từng cá thể (Tầng khác)
-Đột ngột hiện ra cây mận già/ Đột ngột hoa mận trắng nở trắng/ Đột ngột một tấm lưng còng/ Xoay khuôn mặt già dăn deo lại (Thăm vườn nhà cũ).
-Tôi mơ thấy em hôm qua, vào khoảng đêm về sáng/ Rúc đầu vào chăn tôi ngủ nán/ Ngoài trời dần sáng bạch/ Người nhà bảo tôi lười quá/ Chỉ em gái lo tôi ốm (Giấc mơ)
-Bất chợt ngắm các cháu trong gia đình/ Cùng đám trẻ con lâu nhâu hàng xóm/ Chúng đã biết đi, biết nói từ lâu lắm…/ Chúng gọi tôi bằng bác/ bằng chú, bằng anh/ Có đứa ôm cổ bá vai hỏi thăm, có đứa tròn mắt khóc thét (Lũ nhóc con)
Thơ không cần sự chọn lựa, sắp xếp, trau chuốt ngôn từ nữa hay sao mà viết “phô” và lủng củng thế này: Khi nghệ thuật đã bị vật chất sắp đặt/ Mọi người cũng bị xích chân vào vị trí của mình/ Một trường phái mỹ học mới ra đời/ Cái đẹp được sắp xếp lại một cách vững chắc/ Điều đó chỉ chứng tỏ nó chưa bao giờ lộ diện/ Nó bước qua và làm lộn xộn đổ vỡ/ Các căn phòng xếp đặt của chúng ta (Ghi ở triển lãm sắp đặt)
Bài thơ Sinh được người ta chọn để trích dẫn khen tụng cũng chẳng có gì đặc biệt về cả thi tứ, thi ảnh, ngôn từ: Như mặt đất khô nức nở bởi mưa/ Tôi nức nở trên mặt đất/ Bởi Thiên Nhiên bủa vây tứ phía/ Và sự lặng ngắt của nó/ Hóa thân thành vạt rừng, đồi. Trong lặng ngắt, nó tuôn vào tôi như suối/ Và làm tan rã bản thể tôi/ Chỉ còn cảm thấy tim mình đập trên đá sỏi/ Và thoi thóp trên lớp vỏ cây/ Những cái cây cắm xuống đất như bị chôn sống/ Trong tĩnh lặng tột cùng/ Thiên Nhiên mở ra vòm tử cung Bà Mẹ/ Đón tôi trở ngược vào/ Để được phục sinh. Tôi thấy: một dấu phẩy (,) vô duyên đặt giữa hai từ rừng đồi, những từ khái niệm không bị hạn chế: bản thể, phục sinh và cái tứ quá lộ.
Tôi hình dung ra “trường” thơ Đỗ Doãn Phương đang bị bó hẹp quanh quẩn trong một ngôi nhà, một thành phố, những giấc mơ. Hình như, nó đang thiếu năng lượng nội lực để mở ra những không gian lớn, thiếu sự từng trải để ngẫm nghĩ sâu hơn về nhân tình thế thái, thiếu xúc cảm để truyền cho thơ những rung động mạnh mẽ, thiếu sáng tạo để tạo dựng được những bài thơ độc đáo. Cảm giác đọc thơ dịch, giông giống một đôi ai đó cứ hiện rõ dần trong tôi khi đọc thơ Đỗ Doãn Phương.
Theo tôi, Đỗ Doãn Phương chưa phải là người mở ra một con đường trong thơ hiện đại và thơ anh chưa đạt tới vẻ tráng lệ của ngôn từ và cái chiều kích hiện đại trong mỗi hình ảnh như tờ Nghệ thuật mới tụng ca và cũng chưa đến độ vượt thoát, chứng ngộ của tâm hồn như Đặng Huy Giang nhận xét.
Tôi cũng không xếp được thơ anh. Đỗ Doãn Phương không có cái dòng mạch cuồng nhiệt mê đắm của Vi Thùy Linh, không có cái tinh tế kiệm lời của Phan Huyền Thư, không có cái liên tưởng phong phú của Nguyễn Phan Quế Mai, không có cái ngồ ngộ của Du Nguyên, không có những vòng đồng tâm trong thơ như Nguyễn Quang Hưng, không có sự bung mở tươi mới của Lữ Thị Mai…Thơ Đỗ Doãn Phương chất nghĩ nhiều quá, lại khô khan, thiếu sự khám phá tươi tắn của tuổi trẻ.
Xin nhắc lại, tôi thích bài Ngày cô mất của Đỗ Doãn Phương. Một bài thơ tình ý quyện vào nhau, tự nhiên, chân thật, không cao giọng triết luận mà người ta vẫn nhận ra cái đẹp của cuộc sống, của con người qua mối quan hệ sinh-tử…Chỉ thế thôi. Và, tôi hy vọng anh sớm quên đi giải thưởng vừa được nhận của Hội Nhà văn Việt Nam để có những tác phẩm hay.
NGUYỄN HỮU QUÝ

No comments:

Post a Comment