ĐỌC CHUYỆN ĐÔNG – CHUYỆN TÂY (P1)
Trước đây, trên Kiến Thức Ngày Nay (KTNN) có mục Chuyện Đông – Chuyện Tây của tác giả Huệ Thiên (An Chi). Mấy ngày nay, tình cờ vào vnthuquan.net chúng tôi thấy đăng lại một số bài viết trong mục Chuyện Đông - Chuyện Tây năm 1992 -1993. Tò mò chúng tôi đọc rồi giật mình vì nhận ra có những chi tiết “đáng ngờ” trong loạt bài ấy. Chúng tôi trích đăng lại ở đây một số nhận định của ông An Chi và nêu quan điểm của chúng tôi để bạn đọc đối chiếu, ngõ hầu làm sáng tỏ đôi điều về chữ nghĩa. Do trích từ bản sao trên mạng nên có thể một số chi tiết trong loạt bài ấy bị lỗi kỹ thuật, không chính xác như bản gốc trên KTNN. Bạn đọc nào phát hiện ra những sai sót so với bản gốc, xin vui lòng gởi email thông báo để chúng tôi kịp thời chỉnh sửa. Xin chân thành cám ơn.
KTNN 95, ngày 01-11-1992
AC (An Chi): Trước hết xin nói rằng đây là rể Đông sàng, dâu Nam
gián chứ không phải là "Đông sàn" và “Nam giáng".
Sàng là giường: vậy Đông sàng là giường phía Đông. Gián là
khe núi: vậy Nam gián là khe núi phía Nam. Vế rể Đông sàng bắt
nguồn ở tích Đông sàng thản phúc, nghĩa là nằm thẳng bụng trên giường
phía Đông. Chuyện rằng nhà Vương Đạo có nhiều con trai chưa vợ nên Hy Giám mới
cho người sang đọ để kén chồng cho con gái. Đám con trai nhà họ Vương biết thế
nên anh nào cũng lăng xăng tìm cách làm cho khách để ý. Chỉ có Vương Hy Chi là
nằm khểnh trên giường ở phía Đông, coi như không có chuyện gì xảy ra. Nghe
người nhà thuật lại, Hy Giám biết Hy Chi ắt là rể quý, bèn chọn ngày lành tháng
tất mà gả con gái cho. (…) Còn vế dâu Nam gián thì bắt nguồn từ lời của
một bài trong Kinh Thi của Trung Hoa: Vu dĩ thể tần, Nam gián chi tân nghĩa
là đi hái rau tần bên khe núi phía Nam . Chỉ sự tần tảo của người con gái. Dâu
Nam gián là con dâu chịu thương chịu khó. Truyện Lục Vân Tiên có
câu:
Xem đà đẹp đẽ hòa hai:
Này dâu Nam gián, nọ trai Đông sàng.
VTH (Vương Trung Hiếu): Phần giải thích trên có những chi tiết nhầm lẫn sau:
- Trong điển cố Đông sàng thản phúc 東床坦腹, quan Thái Uý Si Giám 郗鑒 là người kén chồng cho con gái chứ không phải là Hy Giám.
Si Giám chọn rể từ những học trò, con cháu của Vương Đạo王導 chứ không phải từ “đám con trai” của Vương Đạo. Bởi vì, cha
của Vương Hi Chi 王羲之
là Vương Khoáng chứ không phải là Vương Đạo. Vương Đạo là bá phụ của Vương Hi
Chi, tức anh của Vương Khoáng.
- Nếu chỉ căn cứ vào chi tiết:
“Vương Hy Chi nằm khểnh trên giường ở phía Đông, coi như không có chuyện gì xảy
ra” thì làm sao có thể biết đó là rể quý? Thật ra, nội dung điển cố cho biết
Vương Hi Chi 王羲之nằm
trên giường, ăn bánh và cầm cọ viết thư pháp, không quan tâm đến chuyện chung
quanh. Đây mới là chi tiết khiến Si Giám cho rằng Vương Hi Chi có tài, xứng
đáng là rể quý. Đúng như dự đoán của Si Giám, Hi Chi là người học giỏi,
có tài viết chữ đẹp, về sau làm đến chức Hữu Quân 右军. Ông còn là nhà thư pháp vĩ đại
nhất thời Đông Tấn (317-420), được người đời sau tôn là Thư Thánh.
- “Vu dĩ thể tần, Nam gián chi
tân” là câu sai, viết đúng phải là Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân,
于以采蘋, 南澗之濱 (trích từ bài thơ Thái Tần 采蘋 trong Kinh Thi 詩經).
- “Thể” không có nghĩa là “hái”.
Những từ Hán có âm Hán Việt là “thể” (婇, 体,
躰, 體, 醍)
đều không có nghĩa là “hái”. Thái 采 mới có nghĩa là “hái”.
- Nam gián là cách viết sai, viết
đúng phải là Nam giản. “Gián” không có nghĩa “khe núi”. Tất cả những chữ Hán có
âm Hán Việt là “gián” (谏, 瞷,
覸, 諫, 僩,
閒) đều không có nghĩa là “khe núi”.
Giản 澗 mới có nghĩa là “khe, suối, dòng
nước giữa hai núi”. Vì thế, câu Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân có
nghĩa là “Đi hái rau tần, ở khe suối phía Nam”.
- Câu “Này dâu Nam gián, nọ trai
Đông sàng” trích trong Lục Vân Tiên bị sai ở chữ “gián”, viết đúng phải là
“giản”.
Lạm bàn: Thoạt nhìn, Đông sàng 東床 có nghĩa “là giường phía Đông”, nhưng nếu biết về nghi thức
xưa của người Trung Hoa thì có thể hiểu khác hơn về hai chữ này. Ngày xưa, nơi
ngủ của hoàng tử sắp kế vị vua thường được xây ở phía Đông (Đông cung), còn nơi
ngủ của giới sĩ phu thường tuân theo nguyên tắc: giường đặt ở phía Bắc, còn đầu
giường thì quay về phía Đông. Vậy, có thể hiểu đông sàng là “giường quay đầu về
phía Đông” được chăng? Điều này có ghi rõ trong thiên Kí tịch lễ 既 夕禮,
trích từ Nghi lễ 儀
禮: “Sĩ xứ thích tẩm,
tẩm đông thủ vu bắc dong hạ 士 處
適 寢, 寢
東 首 于
北 墉 下” (Phòng ngủ của kẻ sĩ, giường được đặt ở phía Bắc, đầu quay
về phía Đông). Câu trả lời xin dành cho những bậc thức giả uyên bác về Hán học.
KTNN 96, ngày 15-11-1992
AC:
Tổ tiên của người Pháp là người Gô-loa (Gaulois). Người Gô-loa, tiếng La
Tinh gọi là Gallus. Danh từ Gallus trong tiếng La Tinh lại có một từ đồng âm
tuyệt đối là gallus, có nghĩa là con gà trống. Thế là cái vỏ ngữ âm gallus của
tiếng La Tinh vừa biểu hiện khái niệm "người Gô-loa" lại vừa biểu
hiện khái niệm con gà trống". Vậy cứ theo ngôn ngữ này, người ta có thể
chơi chữ bằng đẳng thức: Người Gô-loa (Gallus) = con gà trống (gallus). (…) Nếu
ta biết rằng tiếng Pháp hiện đại là do tiếng La Tinh thông tục (latin populaire)
mà ra thì ta cũng sẽ không lấy làm lạ tại sao người Pháp lại căn cứ vào tiếng
La Tinh để chọn biểu tượng cho dân tộc mình như thế.
VTH: Trước hết, cần khẳng định rằng người Pháp không căn cứ vào
tiếng Latin để chọn gà trống làm biểu tượng cho dân tộc mình và người Pháp
không phải là người nghĩ ra cách chơi chữ gallus. Có lẽ người đầu tiên nhận
thấy sự đồng âm của từ gallus là Gaius Suetonius Tranquillus. Vào
thời La Mã cổ đại, trong bộ De Vita Caesarum, Suetonius đã nhận
xét rằng trong tiếng Latin, gà trống (gallus) và người Gaulois (Gallus)
là từ đồng âm. Tuy nhiên, kể cả ông và người Pháp cũng không phải là người nghĩ
ra cách chơi chữ gallus. Cách chơi chữ này do chính kẻ thù của nước Pháp
đặt ra từ thời Trung cổ nhằm để chế giễu người Pháp. Song, việc cho rằng gà
trống là biểu tượng của dân tộc Pháp là điều không chính xác, vì thời đó gà
trống không được xem là sự nhân cách hoá dân tộc của người Pháp và nó cũng
không phải là con vật thiêng của người Gô –loa trong thần thoại của họ. Mặt
khác, không có khái niệm “quốc gia Gô -loa”, chỉ có sự liên kết lỏng lẻo những
quốc gia thuộc vùng Gaule (*). Oái oăm thay, những vị vua của nước Pháp vào
thời kỳ ấy lại chấp nhận cách chơi chữ gallus và phát triển nó để củng cố vững
chắc cho biểu tượng của Cơ Đốc giáo, đó là hình ảnh của con gà trống.
Trước khi bị bắt, Chúa Jésus có nói với thánh tông đồ Peter về tiếng gà
gáy. Tiếng gáy vào mỗi sáng được xem là biểu tượng chiến thắng hàng ngày
của ánh sáng trước bóng tối và sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Ngoài
ra, nó còn là sự biểu trưng cho thái độ thận trọng và sẵn sàng của người Công
giáo đối với sự trở lại đột ngột của Chúa, hiện tượng phục sinh sau khi Chúa
qua đời và sự phán quyết cuối cùng của nhân loại. Đó là lý do tại sao, trong
thời Phục Hưng, gà trống trở thành biểu tượng của nước Pháp, vì nước này chủ
yếu là người Công giáo. Gà trống đã trở thành hình ảnh Công giáo phổ biến trên
những cái chong chóng chỉ hướng gió (weathervanes). Tóm lại, người Pháp chọn
biểu tượng gà trống Gô-loa cho dân tộc mình không phải xuất phát từ tiếng
Latin, mà vì chính họ là người Công giáo.
*
KTNN 96, ngày 15-11-1992
AC:
Sở dĩ sách xưa không có tên Hồng Hà vì đây là một cái tên rất mới do chính
người Việt chúng ta dịch từ tiếng Pháp, gọi nôm na hơn một chút là sông Hồng.
Sông Hồng có đặc điểm nổi bật là nước của nó về mùa lũ thì rất đỏ, nên người
Pháp dựa vào đó mà gọi nó là fleuve Rouge (sông Đỏ). (…) Vậy Hồng Hà hay sông
Hồng chỉ là những "bản dịch" sang tiếng Việt của tiếng Pháp fleuve
Rouge mà thôi. Xin phân biệt với Hồng Giang, một chi lưu xưa của sông Hồng,
chảy qua tỉnh Hải Dương.
VTH: Hồng Hà không phải là cái tên dịch từ tiếng Pháp. Nó là
tên con sông 红河
bắt nguồn từ Trung Quốc, được người Việt gọi theo âm Hán Việt là Hồng Hà. Chính
người Pháp đã dịch cái tên Hồng Hà hoặc 红河 sang tiếng Pháp là fleuve Rouge (sông Đỏ). Theo Wikipedia,
Hồng Hà bắt nguồn từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam rồi đi ra biển Đông. Đoạn
chảy trên lãnh thổ Trung Quốc gọi là Nguyên Giang 元江, đoạn đầu nguồn gọi là Lễ Xã Giang 禮社江. Đoạn trên lãnh thổ Việt Nam còn được người Việt gọi là
sông Hồng hay sông Cái (người Pháp phiên tên gọi này thành Song-Koï). Sử Việt
còn ghi tên Hồng Hà là Phú Lương. Đoạn chảy qua Phú Thọ gọi là Sông Thao, đoạn
qua Hà Nội còn gọi là Nhĩ Hà hoặc Nhị Hà. Xin lưu ý, ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
cũng có một con sông khác với tên gọi là Hồng Hà 洪河, đây là chi lưu của Hoài Hà 淮河 (hay Hoài Thủy 淮水).
KTNN 99, ngày 01-01-1993
Tiếng Anh đã có từ Christmas để chỉ
lễ Giángsinh, lại còn có cả từ Yule nữa. Xin cho biết xuất xứ của từ này.
AC:
Yule là hình thái hiện đại bắt nguồn từ tiếng Anh trung đại yol,
tiếng Anh cổ đại geol, với biến thể geohhol. Đồng nghĩa và cùng
gốc với nó hiện nay là tiếng Thụy Điển, tiếng Na Uy và tiếng Đan Mạch jul mà
tiếng Phần Lan láng giềng đã mượn và phát âm thành joulu. Theo Eric
Partridge, hình thái cổ đại geol bắt nguồn từ một hình thái tiền thân là geol,
một kiểu hoán vị ngữ âm (metathesis) cùng gốc với tiếng La Tinh gelu, có
nghĩa là băng giá. Do đó mà tiếng Anh cổ đại còn có danh từ geola để chỉ
tháng December (tháng Chạp dương lịch), mà nghĩa từ nguyên là tháng băng giá.
Còn geol, nay là Yule, là ngày lễ của tháng geola, tức là
ngày Giáng sinh.
VTH: Theo sử gia người Anh Bede (thế kỷ thứ 8), trong
lịch Anglo-Saxon có tháng geola hay giuli tương ứng với tháng 12
hoặc tháng 12 và tháng giêng trong dương lịch. Vì thế có thể khẳng định rằng
Yule không chỉ là ngày lễ của tháng geola. Mặt khác, ngay từ lúc mới xuất hiện
với tư cách là lễ hội, Yule cũng không phải là từ dùng để chỉ ngày Giáng sinh
của đạo Cơ Đốc.
Theo Wikipedia, Yule hay Yuletide là
từ dùng để chỉ giai đoạn mùa đông và là lễ hội mà người Đức sử dụng ngôn ngữ
thuộc hệ Ấn Âu (Germanic peoples) và vài dân tộc láng giềng khác tổ chức, xem
như một lễ hội tôn giáo, về sau được đánh đồng với lễ Giáng sinh (Christmas, 25
tháng 12) của người Cơ Đốc giáo. Dấu tích xưa nhất cho sự kiện này là dựa theo
lịch địa phương Đức (Germanic calendars). Vào thế kỷ thứ 4, Yule là tên tháng
xuất hiện trong ngôn ngữ của người Goth (Gothic), gọi là fruma jiuleis.
Nhìn chung, Yule là một lễ hội hoạt động kéo dài từ giữa tháng 11 đến đầu tháng
Giêng, giai đoạn tập trung nhất là vào khoảng giữa mùa đông (winter solstice).
Những nhà nghiên cứu đã nối kết lễ này với thần thoại dân gian cổ Wild Hunt và
thần Odin để tăng thêm hoạt động có tính siêu nhiên và sự kiện đêm Modranicht
của người Anglo-Saxon ngoại giáo.
Xét về từ nguyên, Yule trong
tiếng Anh hiện đại có nguồn gốc từ những chữ trong tiếng Anh cổ: ġéol
hay ġéohol và ġéola hay ġéoli, với nghĩa cổ là “lễ hội
Yule 12 ngày”, sau đó có nghĩa là nghĩa “mùa Giáng sinh” (Christmastide, từ
24/12 đến 06/01) và cuối cùng là nghĩa “tháng Yule”. Vì thế ǽrra ġéola
có nghĩa là giai đoạn trước lễ Yule (tháng 12), còn æftera ġéola là giai
đoạn sau lễ Yule (tháng Giêng). Cả hai từ ġéol và ġéola được tin
là có nguồn gốc từ nhóm ngôn ngữ Germanic và có cùng gốc với từ jiuleis
trong ngôn ngữ của người Goth (Gothic), từ jól trong tiếng Đức cổ,
từ jul trong tiếng Đan Mạch và Thụy Sĩ , từ jul hoặc jol
và ýlir trong tiếng Na Uy (1). Tuy nhiên, gốc từ nguyên của Yule không
còn dấu tích đáng tin cậy, mặc dù đã có một số nghiên cứu cố gắng suy đoán về
những từ cùng gốc trong hệ ngôn ngữ Ấn Âu bên ngoài nhóm Germanic (2).
Danh từ Yuletide (mùa giáng sinh, mùa Nô en) được chứng thực lần đầu
tiên vào khoảng năm 1475 (3). Ngày nay, trong những quốc gia nói tiếng Anh,
Yule là từ được dùng trong phạm vi hẹp để nói về mùa Giáng sinh. Thí dụ,
trong mùa Giáng sinh, có những tục lệ như Yule log, Yule goat, Yule boar,
Yule singing…, ngoài ra cũng có những thuật ngữ khác xuất phát từ chữ Yule.
*
(1): Bosworth & Toller
(1898:424); Hoad (1996:550); Orel (2003:205).
(2) Proto-Germanic (thường viết tắt
là PGmc.) hay Common Germanic là tiền ngôn ngữ của tất cả các ngôn ngữ thuộc
nhóm Germanic được tái thiết, thí dụ như tiếng Anh hiện đại, tiếng
Frisian, Hà Lan, Afrikaans, Đức, Luxembourgish, Đan Mạch, Na Uy, Icelandic,
Faroese và Thụy Điển. Proto-Germanic là giai đoạn ngôn ngữ tạo thành hình thức
sơ khai phổ biến nhất gần đây của nhóm ngôn ngữ Germanic. Proto-Germanic có
nguồn gốc từ ngữ hệ tiền Ấn Âu (Proto-Indo-European - PIE).
(3): Barnhart (1995:896).
KTNN 100, ngày 15-01-1993
AC:
tư trong "tư niên” thì lại không liên quan gì đến tư trong
"ngày tư ngày tết" cả. Nó là tư trong tư bề, tư mùa,
nghĩa là một biến thể ngữ âm của tứ là bốn. Tư bề là bốn bề,
nghĩa là mọi phía; tư mùa là suốt bốn mùa, nghĩa là quanh năm. Sự di
chuyển tự nhiên và hợp lý từ bốn sang mọi, sang quanh trong
nghĩa của tư bề, tư mùa đã dẫn đến cách hiểu sai lệch rằng tư có
nghĩa là quanh, là khắp, là cả, v.v.. Với cách hiểu sai lệch này, người ta đã
nói tư niên mà hiểu là quanh năm.
VTH: tư không phải là nghĩa biến âm của tứ (bốn), do đó
nó không liên quan gì với chữ tư trong tư bề và tư mùa. Trong tiếng Hán, tư 茲 thuộc bộ thảo,
có nghĩa là “năm”. Chữ niên 年 thuộc bộ Can ,
cũng có nghĩa là “năm”. Chính từ sự giống nhau giữa tư (năm) với niên
(năm) nên người ta mới ghép chung thành “tư niên” (từ ghép đẳng lập), dùng
để nhấn mạnh khái niệm thời gian nói chung là “năm”. Từ ghép đẳng lập kiểu này
xuất hiện khá nhiều trong tiếng Việt. Thí dụ: bằng 朋 (bạn cùng chí hướng) và hữu友 (bạn quen biết), gọi chung là bạn bè; Hiểm 險 và trở 阻 đều là chỗ trọng yếu hay hiểm yếu, gọi chung là nơi trọng
yếu hay hiểm yếu…
KTTN 103, ngày 01-3-1993
Tại sao người Việt Nam lại gọi người
Trung Hoa là “Tàu”?
AC:
Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “quan”.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân
chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan. (…) Do
quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan – đây là
tuyệt đại đa số - cũng được "vinh dự" gọi là Tàu.
VTH: Phần đầu bài viết, ông An Chi cho biết: “Đã có nhiều người
liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huình-Tịnh
Paulus Của làm dẫn chứng: “Người An Nam thấy tàu bè khách qua lại nhiều, lấy đó
mà gọi là nước Tàu, người Tàu” (Đại Nam quấc âm tự vị, t.II,
Saigon, 1896, tr.346)”. Theo chúng tôi, đây là cách giải thích hợp lý, thế
nhưng ông An Chi lại bác bỏ ý kiến này rồi khẳng định “tàu có nghĩa là
quan” như trên. Chúng tôi không đồng ý cách giải thích của ông An Chi. Thứ
nhất, chúng tôi không nghĩ rằng “tàu là âm cổ Hán Việt” (ông An Chi không có
dẫn chứng về nhận định này); thứ hai, trên thực tế, người Hoa sinh sống tại
Việt Nam không thích bị gọi là “người Tàu” hay “ Ba Tàu”, vì theo họ đó là hai
cách gọi có tính chế giễu, miệt thị. (Nếu “tàu” có nghĩa là “quan” thì tại sao
họ lại không thích chứ?). Ngày xưa người Trung Hoa dùng tàu chở hàng hóa
sang nước ta buôn bán khá nhiều nên dân ta thường gọi họ là “người Tàu” và gọi
hàng hóa của họ là “hàng Tàu, đồ Tàu”. Trong khi đó, quan niệm cũ trước
đây ở nước ta là “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương”. Phải chăng, vì thế
mà người buôn bán “bị” xem là có đẳng cấp thấp trong xã hội? Nếu thật vậy thì
cách gọi “người Tàu”, có thể hiểu là chê người Hoa thuộc thành phần thấp kém
nên họ không thích. Mặt khác, người Hoa là người Việt gốc Hoa, họ không muốn bị
xem là “người lạ”, “người ngoại quốc” trên đất Việt Nam. Còn “Ba Tàu” xuất phát
từ “ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn sinh sống: vùng Cù
Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Tiên, từ
Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng
dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu.” (trích từ
mục Tạp vụ trong Gia Định báo, số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16 tháng 2 năm
1870).
KTTN 105, ngày 01-4-1993
Xin cho biết vắn tắt sự tích của ông
Thần Tài.
AC: Theo truyền thuyết thì thần tài chính là Triệu Công Minh,
người đã sống vào thời nhà Tần. Ông đã lánh đời mà dốc lòng tu tiên ở núi Chung
Nam. Về sau đắc đạo, được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên soái, coi việc
xua ôn đuổi dịch, cứu bệnh trừ tai. Lại nữa, phàm ai bị oan ức đến cầu cứu nơi
ông đều được ông giúp làm cho sáng tỏ. Người buôn bán cúng ông để cầu tài cầu
lộc cũng được ông giúp cho như ý muốn. Người ta thường vẽ ông thành hình một
người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, mình cỡi trên lưng một con cọp đen. Người
ta cũng thường hay vẽ hình ông trên ảnh đăng (một loại đèn cù) và còn gọi ông
là Tài Bạch Tinh Quân hoặc Triệu Công Nguyên Soái.
VTH: Cách giải thích trên có hai điểm chưa chính xác như sau:
thứ nhất, người Việt Nam và Trung Quốc thờ nhiều vị thần tài chứ không phải duy
nhất một thần là Triệu Công Minh. Thứ hai, Triệu Công Minh không phải là “Tài
Bạch Tinh Quân”.
Theo truyền thuyết Trung Hoa, tài
thần (hay thần tài) được chia thành những nhóm sau:
- Văn tài thần文財神: gồm có Tài Bạch Tinh Quân 財帛星君,Tỉ Can 比幹,
Phạm Lãi 範蠡,
Phúc Lộc Thọ Tam Tinh (Tam Đa) và Tài Hòa Hợp nhị tiên (hai nữ tài thần của
người sản xuất đồ gốm sứ, chạm khắc gỗ, thợ nung vôi và người bán quạt).
- Vũ Tài thần 武財神: gồm có Quan Thánh Đế quân 關聖帝君 (tức Quan Vũ - 關羽, Quan Vân Trường 關雲長) và Triệu Công Minh 趙公明.
- Thiên
Tài thần 偏財神:
gồm có Ngũ Hiển Tài thần 五顯財神
và Ngũ Lộ Tài thần 五路財神.
- Chuẩn Tài thần 准財神 : Lưu Hải Thiềm 劉海蟾.
- Các tài thần trong Phật giáo Mật
tông: gồm có Hoàng Tài thần黄财神, Tài Nguyên Thiên Mẫu 財源天母, Ngũ Tính Tài thần 五姓財神 - còn gọi là Ngũ sắc tài thần 五色財神.
Ở đây, chúng tôi xin phép trình bày
về hai vị tài thần có liên quan với bài viết của ông An Chi, đó là Triệu Công
Minh và Tài Bạch Tinh Quân.
-
Triệu Công Minh 趙公明:
là Thần tài âm phủ, có gương mặt đen sạm, bộ râu rậm rạp, tay cầm chiếc roi sắt
cưỡi trên lưng con cọp đen (gọi là Hắc Hổ Huyền Đàn 黑虎玄壇). Vị Thần tài này là một vị võ tướng có khả năng phục yêu
trừ ma, có thể chiêu tài lợi thị. Theo Đạo giáo, Triệu Công Minh là
người Chung Nam Sơn 終南山,
sống vào thời nhà Tần (秦朝).
Ông sinh ngày mùng 5 tháng giêng, được Ngọc Hoàng Đại đế phong là
Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Súy 正一玄壇元帥, do đó ông còn có tên gọi là Triệu Huyền Đàn. Nhưng
theo “Phong Thần bảng”, Triệu Công Minh sinh vào thời Ân Thương 殷商, sống ở động La Phù 羅浮 núi Nga Mi 峨眉, được phong là Kim Long Như Ý Chính Nhất Long Hổ Huyền
Đàn Chân quân 金龍如意正一龍虎玄壇真君, thống lĩnh bốn bộ hạ là Nạp Trân Thiên tôn Tào
Bảo 納珍天尊曹寶, Chiêu Tài Sứ giả Trần Cửu
Công 招財使者陳九公, Chiêu
Bảo Thiên tôn Tiêu Thăng 招寶天尊蕭升
và Lợi Thị Tiên quan Diêu Thiếu Tư 利市仙官姚少司. Bộ năm này có nhiệm vụ coi việc tài phú trong dân gian.
Hiện nay, ở miền bắc Trung Quốc, phần lớn các cửa hàng đều thờ cúng Triệu Công
Minh, còn miền nam thì đa số thờ Quan Công.
- Tài Bạch Tinh Quân 財帛星君: là Thần tài trên trời. Tài Bạch Tinh Quân còn được gọi là
Tăng Phúc Tài thần增福財神,
một vị thần tài phổ biến và tôn quý nhất. Tương truyền ông là sao Thái Bạch 太白, thuộc Kim Thần 金神, có chức vụ trên trời là Đô Thiên Chí Phú Tài Bạch Tinh
Quân, chuyên quản kim ngân, tiền tài. Ông là vị thần có vẻ ngoài phúc hậu, đầu
đội mão Tể Tướng, mặt trắng, có 5 chòm râu dài, mặc áo hồng bào, thắt dây lưng
ngọc đái, tay cầm một cái bồn chứa đầy vàng bạc, trên bồn có bốn
chữ Chiêu Tài Tiến Bảo 招財進寶. (Có tài liệu cho rằng ông cầm thỏi vàng Nguyên Bảo trên
bàn tay trái, bàn tay phải cầm cuộn sớ cũng ghi chữ Chiêu Tài Tiến Bảo hoặc tay
cầm bảng Thiên Quan Tứ Phúc 天官賜福).
VƯƠNG TRUNG HIẾU
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteTôi xin phép nêu một câu hỏi. Nếu ông Vương Hy Chi nằm trên giường, ăn bánh thì có thể hiểu được, sao lại có thể vừa nằm vừa cầm cọ viết thư pháp được ạ?
ReplyDeleteVương Hi Chi vừa ăn bánh vừa cầm cọ viết chữ (kiểu thư pháp)trong không khí vẫn được chứ. Theo tôi, VHC viết tưởng tượng mà thôi.
Delete