Ngoài hạnh phúc là nhà văn có nhiều
tác phẩm để lại cho hậu thế, Nguyên Hồng còn là một bậc lão trượng được nhiều
nhà văn Việt Nam lớp sau yêu mến, kính trọng ông. Hình như các nhà văn cùng
sống làm việc gần gũi với Nguyên Hồng chưa ai nỡ ghét hoặc nói xấu, nghĩ xấu về
ông. Ông có một nết sống khiêm nhường, tận tâm với tất thảy mọi người. Dường
như điều đó tạo được cái uy, cái tín của riêng ông.
Nhà văn Nguyên Hồng đã vĩnh biệt
dương gian trở về cõi bồng lai cực lạc ba mươi năm nay rồi. Ông mất ngày mồng
02 tháng 5 năm 1982 ở ấp Cầu Đen, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, hưởng thọ mới
chỉ 64 tuổi.
Vậy là nhà văn đành lỗi hẹn, bỏ lại
những dự định công việc ông đang và sẽ làm trong thời gian còn lại của đời
mình.
Bộ tiểu thuyết "Núi rừng Yên
Thế" ông hằng ấp ủ mấy chục năm cũng mới chỉ kịp hoàn thành một ít trang,
ông cho in tập một "Thù nhà nợ nước" năm 1981. Hơn mười năm sau ngày
Nguyên Hồng mất (1993) "Núi rừng Yên Thế" được in tiếp tập hai và lấy
chính tên của bộ tiểu thuyết mà sinh thời Nguyên Hồng dự định là ông sẽ không
chỉ viết hai tập
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ nếu nhà văn
Nguyên Hồng còn sống đến bây giờ chắc bạn bè, đồng nghiệp và độc giả yêu quý sẽ
còn được đọc nhiều, thậm chí rất nhiều trang viết nữa của ông. Bởi ông là một
nhà văn luôn chăm chỉ cần mẫn viết; ông yêu mê, say đắm đến cực độ lao động nhà
văn, điều ấy được minh chứng, được ghi nhận, được khẳng định qua gần ba mươi
cuốn sách thơ văn với vài chục ngàn trang in mà ông đã cống hiến, để lại cho
đời và văn học nước nhà.
Nhớ lại ngày tôi là một chú lính vừa
hết thời trận mạc được giải ngũ về lại quê nhà Hải Phòng, một chiều đi qua phố
Trần Hưng Đạo, tình cờ nhìn tấm biển "Hội văn nghệ" gắn trước cổng
ngôi biệt thự cũ, tôi đã dừng xe, chần chừ một khắc rồi đánh bạo bước vào ngôi
biệt thự ấy. Niềm mê đắm say khát văn chương từ hồi còn ngồi ghế trường phổ
thông, hồi còn cầm súng nằm hầm ngủ rừng, khuyến khích, hối thúc tôi làm khách
không mời, không hẹn đến nơi này.
Người đầu tiên tôi gặp là nhà văn
Nguyên Quang Thân lúc đó là trưởng ban Văn của Tập Sáng tác Cửa biển. Sau khi
nghe tôi bày tỏ ngỏ ý định liều lĩnh với nghiệp viết lách, anh Thân nhìn tôi
cười, khuyến khích: "Cậu cứ về viết đi rồi gửi bài lại cho mình".
Ít ngày sau tôi đến Hội Văn nghệ
gửi bài cho anh Nguyễn Quang Thân, may mắn sao bữa đó tôi được gặp cả nhà văn
Nguyên Hồng. Tôi mừng quýnh khi được gặp một nhà văn lớn mà tôi hằng ngưỡng mộ.
Tôi như người đang mơ trong cõi thực. Tôi say sưa ngắm khuôn mặt rám nắng, chòm
râu đen lẫn đôi sợi bạc, đôi mắt sáng và khuôn miệng luôn đậu một nụ cười bao
dung, chân thiện của Nguyên Hồng. Thời gian sau đó cứ một vài tháng Nguyên Hồng
lại từ Bắc Giang xuôi tàu thuỷ về Hội văn nghệ Hải Phòng làm việc thì thi
thoảng tôi lại được gặp ông. Những lần gần gũi nhà văn Nguyên Hồng, được nghe
ông nói, ông chỉ bảo, khen chê góp ý với tôi về công việc viết văn từ dạo ấy
đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Nhà văn có một cách nói giản dị, dễ hiểu, gần như nôm
na nhưng hết sức thiết thực quý giá với những người mon men bước vào nghiệp
viết như tôi. Một lần Nguyên Hồng đọc thẩm định một truyện vừa của một tác
giả có thâm niên, trước đó anh nói với nhà văn rằng anh sẽ viết tác phẩm
đó khoảng 70 trang. Nhưng khi Nguyên Hồng đọc thẩm định cái truyện của
tác giả kia đã hơn 40 trang mà vẫn chưa thấy hình hài nhân vật đâu cả thì
ông than và bảo tác giả rằng: “Cứ đà này có lẽ anh sẽ viết đến 700 trang mất
thôi”. Rồi ông ngừng nói, trìu mến nhìn tác giả truyện vừa và bọn viết trẻ
chúng tôi giọng nhẹ nhàng thủ thỉ: “Các anh đọc cái truyện “Đôi móng giò” của
ông Nam Cao rồi phải không? Mào đầu thiên truyện đó ông ấy chỉ viết có
mấy dòng mà cái nhân dạng, tính cách của cái thằng Trạch Văn Đoành nó đã rõ
hiện mồn một ra rồi”. Nghĩa là khi các anh viết thì hãy đừng có dông dài
vòng vo mà truyện nó tãi ra, nhạt lắm. Một lần khác Nguyên Hồng khuyên chúng
tôi phải tự biết mình. Ông nói: “Các cụ ta xưa có câu “liệu cơm gắp mắm” nghĩa
thùng thạp nhà anh chỉ vết được có hai lẻ gạo nếu anh bỏ vào cái nồi tèo
hương (niêu đất nung loại nhỏ xíu) mà nấu may còn thành cơm được. Chứ hai lẻ
gạo mà anh bỏ vào cái nồi 12 mà nấu thì chắc chắn cơm chẳng thành cơm, cháo
chẳng thành cháo mà hồ cũng chẳng thành hồ được đâu. Ý Nguyên Hồng muốn nhủ
chúng tôi muốn viết văn thì hãy lượng xem cái vốn sống của anh nó
dày mỏng, có ngần nào. Vốn sống còn nghèo mà tài lại hẻo mọn thì
vội ham bốc giời là không ổn. Một lần khác, nói về nghệ thuật viết truyện,
nhà văn Nguyên Hồng nói đại ý rằng: Viết truyện nó cũng giông giống cái
người đan rổ. Anh biết đẵn tre, biết ra nan, chuốt nan, biết gầy, biết đan,
biết lát. Nhưng anh lại không biết đánh cạp, không biết “ lên”khuôn hình
thù cái rổ thì nó vẫn chỉ là cái mê chứ sao có thể gọi là cái rổ được.
Viết văn cần phải có năng khiếu. Nhưng không phải anh có năng khiếu rồi là
làm chơi ăn thật được đâu, mà phải lao tâm khổ trí lao động cật lực
nữa may ra mới gặt hái được cái gì, không đùa được.
Tôi yêu quý kính trọng Nguyên Hồng
bởi ông là người hiền lành thánh thiện. Tấm lòng ông vị tha nhân hậu. Ông là
một nhà văn gắn bó chí cốt và luôn bênh vực chia sẻ với những lớp người cùng
khổ. Nói như ai đó, ông là nhà văn của những lớp người "dưới đáy".
Mười sáu, mười bảy tuổi đời Nguyên Hồng đã viết thành công "Bỉ vỏ".
Thiên tiểu thuyết đầu tay này mang đến cho đời viết văn của ông không chỉ là
một giải thưởng văn chương danh giá của "Tự lực văn đoàn, 1937" mà nó
còn xác lập vị trí, uy tín, danh tiếng của Nguyên Hồng trong lịch sử văn học
hiện đại nước nhà.
Nguyên Hồng sinh ra ở Nam Định,
nhưng ông sớm lăn lộn gắn bó với Hải Phòng. Có thể nói từng con đường, hẻm phố,
ga tàu, bến sông, xóm thợ nghèo ở thành phố cửa biển này đều in dấu chân ông.
Nguyên Hồng "thuộc" từng gương mặt, thân phận con người nơi đây. Có
lẽ vì thế và hẳn là thế ông mới viết được hàng loạt truyện ngắn và bộ tiểu
thuyết "Cửa biển" bốn tập: "Sóng gầm" (1961); "Cơn bão
đã đến" (1963); "Thời kỳ đen tối" (1973); "Khi đứa con ra
đời" (1976); dài đến hai chục ngàn trang in, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống
lao động, đấu tranh ở miền đất đầy sóng và gió này. Đây cũng là bộ tiểu thuyết
đồ sộ nhất, dài nhất của đời văn Nguyên Hồng. Và, có lẽ cũng là một trong những
tiểu thuyết dài nhất của văn học hiện đại Việt Nam.
Bây giờ là thời đại của máy tính thì
số chữ, số trang của bộ tiểu thuyết Nguyên Hồng từng viết kia với nhiều nhà văn
có năng lực sáng tạo chắc chẳng mấy ngại ngần gì. Nhưng với những người vẫn
không bỏ được thói quen cầm bút máy, bút bi viết văn thì bộ sách "Cửa
biển" không thể không đáng kính nể thời gian, mồ hôi, sức lực của Nguyên
Hồng đã bỏ ra trên cánh đồng chữ mênh mông ấy.
Nhà văn Nguyên Hồng từng nhiều lần
nói với những người viết trẻ chúng tôi, rằng: "Nghề văn là nghề nhọc nhằn,
nghiệt ngã sòng phẳng lắm, nó không kể là già hay trẻ, viết lâu năm rồi hay mới
viết. Nó cũng không có sự phân biệt "chiếu dưới", "chiếu
trên" mà nó đòi hỏi người viết phải lao động cật lực. Những con chữ anh
viết phải được chắt ra từ cảm xúc thực, từ tim, óc, máu thịt anh chứ không thể
"giả khượt" - (chữ của Nguyên Hồng hay dùng). "Văn của anh nó là
con anh, không thể con của anh lại giống con người khác, như thế là hủ hóa đấy.
Văn chương nó không chấp nhận sự hủ hóa, sự giống nhau đâu". Và tôi nhận
thấy nhà văn Nguyên Hồng là người kiên trì thủy chung một nguyên tắc là trung
thực, ông luôn tôn thờ sự thành thực trong văn chương.
Những gì mà đời văn ông để lại là
một đại diện tiêu biểu của nghị lực, của tài năng. Ông có những tác phẩm để đời
từ rất sớm. Hôm nay và mai sau tôi dám chắc các thế hệ người Việt Nam mỗi khi
nhắc đến Nguyên Hồng sẽ không thể không nhắc đến các tác phẩm "Bỉ
vỏ", "Những ngày thơ ấu" - một tác phẩm tự truyện thuộc hàng đặc
sắc không có nhiều ở nước ta cùng nhiều tác phẩm khác nữa của ông.
Ngoài hạnh phúc là nhà văn có nhiều
tác phẩm để lại cho hậu thế, Nguyên Hồng còn là một bậc lão trượng được nhiều
nhà văn Việt Nam lớp sau yêu mến, kính trọng ông. Hình như các nhà văn cùng
sống làm việc gần gũi với Nguyên Hồng chưa ai nỡ ghét hoặc nói xấu, nghĩ xấu về
ông. Ông có một nết sống khiêm nhường, tận tâm với tất thảy mọi người. Dường
như điều đó tạo được cái uy, cái tín của riêng ông.
Trong hai cuộc kháng chiến chống
Pháp và chống Mỹ, nhà văn Nguyên Hồng đều được tín nhiệm giao nhiệm vụ bồi
dưỡng lực lượng viết văn trẻ. Ông được các lớp nhà văn từng là môn sinh thân
thương gọi là "Ông đốc Hồng".
Tôi không có may mắn được là môn
sinh của Nhà văn Nguyên Hồng mà chỉ được ông chỉ bảo, khai tâm trong một vài
trại viết do ông thẩm định tác phẩm. Nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi ông già có vóc
người thấp đậm, nhanh nhẹn, vui vẻ thường mặc chiếc áo nâu may kiểu nửa ta
nửa tây. Cái quần Nguyên Hồng mặc là loại quần âu rộng thùng thình và bao
giờ ống quần cũng được gấp lên hai ba gấu. Chân ông thường đi đôi dép da có
quai hậu là hàng xuất khẩu bị lỗi mốt hay phế phẩm vừa to vừa dài vẫn
bày bán phá giá ở các cửa hàng bách hóa.
Nhà văn Nguyên Hồng là người có
tác phong giản dị, ăn mặc xuề xòa, nhưng rất đa cảm và rất hay khóc. Ông
đọc hoặc kể câu chuyện gì đó có tình tiết thương tâm là nước mắt ứa
ra không cầm được. Những giọt nước mắt chắt ra từ tim óc, lòng dạ,
máu thịt ông chứ không bao giờ có chuyện diễn kịch hay giả vờ cả.
Ông là người có sức, mỗi bước
đi cứ phăm phăm. Suốt ngày ông cặm cụi đọc, cặm cụi viết không biết mệt. Tưởng
không có thứ sương gió bệnh tật nào có thể bén mảng đánh gục được con người
như cây lim cây sến ấy được.
Nhưng than ôi! Số phận vẫn cứ là số
phận. Ông già Nguyên Hồng - nhà văn Nguyên Hồng sức vóc thế mà bỗng đột
ngột ra đi ở tuổi 64. Đi mãi mãi. Nếu còn sống thì đến ngày 5 tháng 11 năm
Thìn này ông thọ tuổi 95. (Nguyên Hồng sinh ngày 5/11/1918).
Ngày ông tạ thế (02/5/1982), tôi -
một người yêu văn chương ông không về đưa tiễn ông được. Nhưng từ bấy đến nay
đã mấy lần tôi về thăm viếng nơi ông yên nghỉ. Đó là một phần mộ khiêm
tốn nằm trên sườn đồi bên cạnh con suối nhỏ. Và, mỗi lần đứng trước di
ảnh ông tôi lại nhớ ơn những lần ông răn dạy về nghiệp và nghề của
người cầm bút.
Nếu mỗi người được ước một điều gì
đó cho người mình yêu mến, kính trọng thì tôi sẽ ước: Giá như Nhà văn Nguyên
Hồng có được một ngôi nhà tưởng niệm dù là nhỏ thôi để lưu giữ những tác
phẩm, những kỷ vật của đời ông thì quý biết bao nhiêu./.
Vũ Quốc Văn
Nguồn: Văn
học quê nhà
No comments:
Post a Comment