.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, April 3, 2012

PHẠM KHẢI TIẾC NHỚ DƯƠNG KIỀU MINH

Những năm ấy, Trường Viết văn Nguyễn Du không tuyển sinh hằng năm, mà tuyển theo kiểu xong khóa này tuyển khóa khác. Khi tôi vào học khóa IV, nhà thơ Dương Kiều Minh đã ra trường, song tên tuổi anh vẫn “vang vọng” tới lớp chúng tôi bởi nghe các thầy nói lại thì về phần thơ, anh là thủ khoa. Các nhà thơ mà chúng tôi quan hệ, giao lưu bên ngoài như Vân Long, Trúc Thông cũng rất khen Dương Kiều Minh. Họ cho thơ anh hiện đại, nhiều cách tân. Sau này, theo tôi nhớ thì chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã nhận xét đâu đó trên một tờ báo, rằng nền thơ Việt Nam hiện đại có hai tác giả “đáng đọc nhất” là Dương Kiều Minh và Nguyễn Quyến.

Những điều ấy khiến tôi càng thêm chú ý tới Dương Kiều Minh và thơ anh. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng về cái tên của anh - một cái tên mà theo tôi, hơi lạ, không có vẻ “Việt Nam lắm” (sau này tôi được biết, anh tên thật là Kiều Văn Minh). Mà không phải chỉ chúng tôi - lớp người viết kém anh gần chục tuổi - là nhìn Dương Kiều Minh một cách “vì nể” như vậy. Dương Kiều Minh còn được các bậc tiên chỉ làng văn dành cho một chỗ ngồi xứng đáng. Thời ấy, việc vào Hội Nhà văn vẫn còn khó nhọc, nhiêu khê lắm. Tôi nhớ, năm 1988, nhà văn Hồ Anh Thái - tác giả nổi đình nổi đám với một loạt tập truyện ngắn, tiểu thuyết xuất bản vào giữa những năm 80 - được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trong một bài viết về Hồ Anh Thái in trên Tiền phong cuối tuần, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn (bấy giờ chưa là hội viên) đã phải nói một cách đầy ngụ ý, “nỗi niềm” rằng, đó là “nhà văn quốc doanh” trẻ nhất nước. 
Năm ấy Hồ Anh Thái 28 tuổi. Dương Kiều Minh sinh năm 1960. Năm 1991 anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, ở tuổi 31, anh là trường hợp trẻ thứ… nhì Hội Nhà văn Việt Nam khi ấy. Nói là trẻ vậy, song bấy giờ Dương Kiều Minh đã là “ông chủ” của 3 tập thơ chững chạc: “Củi lửa” (xuất bản năm 1989), “Dâng mẹ” (1990), “Những thời đại thanh xuân” (1991). Con đường văn chương của Dương Kiều Minh như vậy kể cũng hanh thông.

Lần đầu tiên tôi gặp (đúng hơn là được “nhìn thấy”) Dương Kiều Minh là khi các học viên khóa IV chúng tôi chuẩn bị theo xe vào Nghi Xuân - Hà Tĩnh viếng mộ cụ Nguyễn Du. Từ trên xe khách đỗ ở cổng Trường Đại học Văn hóa, 103 Đê La Thành, theo tay nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc chỉ, tôi thấy một anh chàng nhỏ thó đang đứng đủng đỉnh trò chuyện với ông thầy của chúng tôi - Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Đến nay, tôi vẫn nhớ tới tiếng cười khùng khục kèm câu bình luận của Nguyễn Lương Ngọc: “Trông Dương Kiều Minh oai chưa kìa”. Quả là, với chúng tôi, không bao giờ chúng tôi có thể “dám” đứng nói chuyện với thầy Hiến ở tư thế như Dương Kiều Minh: Anh vừa khoanh hai tay trước ngực vừa gật gù với thầy Hiến, tư thế rất chi “hiên ngang”. Thầy Hiến cũng hoàn toàn thoải mái, thậm chí có vẻ phấn khích nữa khi nói chuyện với Dương Kiều Minh. Khi ấy tôi nghĩ, hình như Dương Kiều Minh có gì đó hơi kiêu căng? Có thể là do anh được giới văn học “nghênh đón” xăng xái quá chăng?
Từ bấy trở đi, một thời gian dài tôi không gặp Dương Kiều Minh, chỉ nghe nói anh về công tác tại Hội Văn nghệ Hà Tây, là Phó chủ tịch, rồi tiếp đó, là Chủ tịch Hội. Thấy bảo cũng vất vả lắm, chẳng suôn sẻ gì, vì anh quê Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội) chứ không phải người Hà Tây.

Ấn tượng về vẻ “kiêu kiêu” ngày nào của Dương Kiều Minh trong tôi đã thay đổi hoàn toàn khi tôi nhận được lá thư anh gửi, bày tỏ cảm xúc khi anh đọc bài bình của tôi về bài thơ “Củi lửa” của anh. Trong thư, giọng anh thể hiện một sự xởi lởi, nồng nhiệt. Anh mời tôi vào cơ quan anh chơi. Tuy bấy giờ tôi chưa gặp và trực tiếp trò chuyện với Dương Kiều Minh, nhưng qua những thông tin mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người bạn chí thiết của anh - cung cấp (bấy giờ tôi được Tổng biên tập Hữu Ước bố trí ngồi chung phòng với Nguyễn Quang Thiều tại tòa soạn An ninh thế giới), tôi nhận thấy việc Dương Kiều Minh làm Chủ tịch Hội rất vất vả, phải che chắn đủ đường. Một lần, Nguyễn Quang Thiều bức xúc kể với tôi, rằng anh vừa “trấn áp” một hội viên của Hội Văn nghệ Hà Tây để bênh vực ông bạn Chủ tịch của mình. Chẳng là, khi Nguyễn Quang Thiều đến phòng làm việc của Dương Kiều Minh, chứng kiến cảnh một hội viên đập bàn đập ghế quát mắng nhà thơ Chủ tịch Hội, trong khi nhà thơ Chủ tịch Hội chỉ biết gãi đầu gãi tai, lắp bắp giải thích điều gì đó (Dương Kiều Minh có tật nói cà lắp), Nguyễn Quang Thiều bực quá, vùng dậy ngắt lời vị kia, bảo thái độ của vị như vậy là hỗn, là “không có thứ hội viên nào lại xử sự với Chủ tịch Hội của mình như vậy”. Nói rồi anh quay sang quở trách Dương Kiều Minh: “Ông hiền quá, để thế không được…”.

Sau này, gặp Dương Kiều Minh tôi mới thấy nhận xét của Nguyễn Quang Thiều là hoàn toàn chính xác. Dương Kiều Minh hiền quá, thậm chí có cảm giác là anh… nhu nhược nữa. Cộng với vóc dáng gầy gò, nhỏ thó, trông anh lại càng xo rụi, để lại cho người đối thoại một ấn tượng “khổ khổ” thế nào ấy. Chẳng thế mà, khi Hội Văn nghệ Hà Tây sáp nhập với Hội Văn nghệ Hà Nội, khi có người nêu ý kiến Dương Kiều Minh trẻ thế, phải làm…Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội mới đúng, nhiều người đã bác ngay: “Trông cóm róm thế, Chủ tịch Hội Thủ đô thế nào được. Làm Phó Chủ tịch thế, là oách rồi”. Bản thân Dương Kiều Minh rất biết “thân phận” mình, nên khi nghe ai đó đặt vấn đề kiểu này, anh rất ngại, thậm chí rất…hãi! Nhìn cách xua tay, chối từ của anh khi ấy, không hiểu sao tôi lại cứ hình dung ra cảnh chú dế choắt trong truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của cụ Tô Hoài. Khi dế mèn xui dế choắt lên tiếng chọc ghẹo chị cốc, dế choắt đã rên lên: “Thôi thôi… hừ hừ…Em xin vái cả sáu tay. Anh đừng trêu vào, anh phải sợ…”. Là tôi cứ hình dung vậy, còn sự thật, như tôi đã nói, Dương Kiều Minh biết tài mình đến đâu, sức mình đến đâu. Hẳn anh nghĩ, với anh, được thế này là ổn rồi? Tính anh không thích bon chen, muốn yên phận. Trong bài “Củi lửa”, anh chẳng từng có câu “Mơ được về bên mẹ/ Ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa/ Bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối”, nghĩa là muốn được thanh thản với những ký ức tuổi thơ bên người thân đó sao?

Những ai từng công tác tại các Hội văn nghệ, nhất là Hội Văn nghệ địa phương mới thấm thía, làm lãnh đạo Hội cũng chẳng phải sung sướng gì. Đúng là quyền rơm vạ đá. Riêng chuyện phải “chiều” cho hết các vị hội viên - trong đó có những người sáng tác thì ít, thích đấu đá, kiện cáo, đòi hỏi quyền lợi thì nhiều - đã là việc làm hao tổn bao thời gian, tâm sức. Chưa nói về mặt quyền lợi cũng không phải là hấp dẫn gì cho lắm. Vừa rồi, tôi đọc thấy thông tin liên quan tới Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ - ông Trương Thanh Liêm. Ông này vừa làm đơn xin từ chức vì bị phát giác có hành vi… đạo báo. Lý do đưa ra nghe thật não lòng: Đó là do hoàn cảnh gia đình ông khó khăn, ông muốn kiếm thêm chút nhuận bút để cải thiện cuộc sống! Thật là vừa đáng giận, vừa đáng thương. Nhắc lại chuyện ông Liêm, tôi bỗng nhớ tới một lần, cách đây chừng 7 năm, Dương Kiều Minh đến chỗ tôi chơi. Đang say sưa chuyện văn chương, bất chợt Dương Kiều Minh hỏi tôi: “Tiên sinh (Dương Kiều Minh thường gọi bạn bè là tiên sinh) xem có chỗ nào lương tươm tươm một tí, giới thiệu tôi về làm. Chứ làm ở đây cực quá!”. Tôi tròn mắt, ngỡ Dương Kiều Minh nói đùa. Song người bạn đi cùng Dương Kiều Minh hôm ấy gật đầu chứng thực điều Dương Kiều Minh nói là thật. Tôi hỏi: “Tươm tươm là bao nhiêu?”. Dương Kiều Minh khẽ đáp: “Khoảng 4 triệu gì đó”. Tôi lại một phen tròn mắt: “Chẳng lẽ làm Chủ tịch Hội mà thu nhập không được như vậy?”. Dương Kiều Minh nhăn nhó: “Ở Hội Hà Tây trông thế thôi chứ khó khăn lắm. Thu nhập của tôi chỉ tầm hai triệu rưởi là hết cỡ”.
Sau đó mấy năm, một lần gặp lại Dương Kiều Minh tại phòng làm việc của nhà thơ, nhà phê bình văn học Đinh Quang Tốn, tôi nhắc lại việc Dương Kiều Minh đặt vấn đề mấy năm trước với một người bạn cùng có mặt hôm ấy: “Này, bác xem có chỗ nào giới thiệu để bác Minh bác ấy chuyển cơ quan. Chỉ cần lương 4 triệu thôi”. Nghe tôi nói vậy, Dương Kiều Minh lắp bắp: “Bây giờ phải … phải… 6 triệu. Đồng tiền trượt giá… trượt giá”.
Đây không hề là chuyện đùa, các nhà thơ Đinh Quang Tốn, Quang Hoài có thể chứng thực cho tôi. Kể ra đây, tôi càng thấy thương xót cho một kiếp người, một kiếp thi sĩ. Thương lắm - Dương Kiều Minh!

Phút tiễn đưa Dương Kiều Minh về cõi vĩnh hằng, tôi không thể không nhớ tới mấy câu thơ anh viết trong bài “Củi lửa”: “Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi/ Mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ/ Con về yêu mái rạ cuộc đời”. Cầu cho linh hồn anh được thanh thản ở chốn thiên thu!
Hà Nội ngày 29-3-2012
PHẠM KHẢI

No comments:

Post a Comment