.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 5, 2012

NGUYỄN TRỌNG BÌNH - SỰ LÊN NGÔI CỦA PHÊ BÌNH VỊ KỶ?


1. Một cách “gọi tên”

Cách đây không lâu, khi bàn về thực trạng phê bình văn học đương đại nhà thơ, nhà phê bình văn học Inrasara cũng có nêu và “gọi tên” mười căn bệnh của phê bình văn học Việt Nam là: “Phê bình bình và tán”, “Phê bình độn giai thoại”, “Phê bình chung chung”, “Phê bình hũ nút”, “Phê bình núp bóng”, “Phê bình bè phái”, “Phê bình du kích”, “Phê bình quan phương”, “Phê bình hàng hai”, “Phê bình liếc nhìn”…[1]. Tuy nhiên theo thiển ý cá nhân, cách “gọi tên” này của nhà thơ Inrasara có gì đó quá “chi li”. Mà trong trường hợp này vì “chi li” quá nên thành ra “phức tạp” (bởi không dễ gì để nhận ra cái ranh giới nhập nhằng của quá nhiều “căn bệnh phê bình” như cách gọi của Inrasara).
Gần đây, qua theo dõi các bài viết về thực trạng phê bình văn học của ta (trên báo Văn nghệ Trẻ) chúng tôi thấy nổi bật lên cách “gọi tên” và phân phê bình văn học ra thành hai “khu vực” là: “phê bình báo chí” (phê bình giới thiệu sách, điểm sách trên báo chí, truyền thông nói chung) và “phê bình chuyên nghiệp”.

Và theo nhận định của nhiều người thì hiện nay khu vực “phê bình báo chí” đang trên đà “thắng thế” khu vực “phê bình chuyên nghiệp”. Chính thực trạng mạnh ai nấy viết phê bình rồi phát tán trên các phương tiện truyền thông trong khi đó người viết phê bình ở khu vực “phê bình chuyên nghiệp” lại ít khi lên tiếng nên đã vô tình làm cho đời sống văn học xảy ra thảm cảnh “vàng thau lẫn lộn”.

Có thể thấy, những nhận định trên về cơ bản là không sai, tuy nhiên cách “gọi tên” và phân phê bình ra thành hai “khu vực” như thế này theo tôi là không ổn cho lắm vì không cùng tiêu chí và nhất là nói như thế vẫn chưa thấy hết bản chất sâu xa của vấn đề.

Thực ra, ai viết phê bình mà không công bố trên báo chí. Không phải các nhà văn viết phê bình ở khu vực “phê bình chuyên nghiệp” cũng vẫn thường xuyên xuất hiện trên báo chí để “điểm sách” hay “quảng cáo” sách đó sao? Cho nên, ở chỗ này nếu bình tĩnh quan sát sẽ thấy, làm cho đời sống văn học rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn” một phần cũng do sự “đóng góp” không nhỏ của không ít người ở khu vực “phê bình chuyên nghiệp” đấy chứ!
Bên cạnh đó, cách hiểu nhà “phê bình chuyên nghiệp” hiện nay theo nghĩa người chỉ chuyên viết phê bình để kiếm sống là không thỏa đáng. Ai cũng biết rằng ở ta, từ xưa đến nay để có thể sống bằng nghề viết văn nói chung đã là một điều rất khó rồi huống hồ là chỉ sống bằng “nghề” viết phê bình? Vậy nên, nếu đã thừa nhận“hiện nay việc chỉ chuyên tâm làm phê bình, không ai có thể sống được” mà còn đòi hỏi và than vãn chuyện “thiếu nhà phê bình chuyên nghiệp” theo nghĩa này thì thật là vô lý và phi thực tế. Hay nói khác, “phê bình chuyên nghiệp” ở đây cần phải hiểu ở phương diện tính tự giác và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của người là nghề chứ không phải “chuyên nghiệp” theo nghĩa chỉ làm một “nghề” duy nhất là viết phê bình để kiếm sống. Cho nên, trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay có lẽ, cũng không nên bận tâm quá chuyện ai viết phê bình mà vấn đề là “tâm thế” và “động cơ”  của người viết phê bình như thế nào mới là quan trọng. Bởi suy cho cùng trong phê bình, vấn đề anh nói đúng hay không đúng (về một tác giả hay một hiện tượng văn học nào đó) không quan trọng bằng việc anh nói với “tâm thế” và “động cơ” gì; “đẹp” hay “không đẹp”?

Từ thực trạng trên, qua quan sát những gì đã diễn ra, ở đây tôi tạm “gọi tên” và phân phê bình văn học nước ta hiện nay thành hai “loại” như sau:

Một là, “phê bình vị kỷ”: là phê bình chỉ duy nhất vì mục đích cá nhân; người viết “phê bình vị kỷ” là người chủ yếu làm việc với “tâm thế” và “động cơ” không tốt thậm chí là xấu (nhằm “kiếm cơm”, “kiếm chác” hay “kiếm cái danh hão để khoe với thiên hạ” (trên các trang blog, báo mạng…); hoặc vì tư thù cá nhân hay thậm chí vì động cơ chính trị…). Vì phê bình nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân cho nên “phê bình vị kỷ” chủ yếu được viết theo kiểu tự phát (nhất là ở phương diện “phương pháp phê bình”). Nói tóm lại, “phê bình vị kỷ” là thứ phê bình “phản văn học”, “phản nghệ thuật”…

Hai là, “phê bình vị tha”: là phê bình trước hết tìm sự đồng cảm với người sáng tác và công chúng; rộng hơn nữa là nhằm làm “lành mạnh hóa” đời sống văn học; người viết phê bình dù có “khen” hay “chê” cũng giữ nguyên tắc vô tư, khách quan cùng một thái độ chân thành xây dựng, góp ý cũng như động viên, khích lệ người sáng tác; từ đó góp phần vào sự phát triển và tiến bộ chung của văn hóa, văn nghệ nước nhà… Ở chiều ngược lại với “phê bình vị kỷ”, “phê bình vị tha” bao giờ cũng nêu cao tính tự giác và ý trách nhiệm của người làm nghề (dựa trên nền tảng tri thức, khả năng tư duy và phương pháp làm việc).

2. Có nên quá bi quan trước sự “lên ngôi” của mảng “phê bình vị kỷ”?

Đúng là đời sống phê bình văn học hiện nay của chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề rất đáng để bàn. Tuy nhiên, có nên quá bi quan như cách phát biểu của không ít người hiện nay không? Nếu bình tĩnh ngẫm lại sẽ thấy, tuy mảng “phê bình vị kỷ” đang “lên ngôi” nhưng cũng không có nghĩa là mảng “phê bình vị tha” và những cây bút phê bình chân chính không “kiểm soát” được những vấn đề cốt lõi của đời sống văn học hiện nay. Tôi nói điều này hoàn toàn không phải là sự “lạc quan tếu” mà có cơ sở hẳn hoi.

Thứ nhất, tôi muốn nói đến mảng “phê bình vị tha” đang tồn tại trong lực lượng sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh ở các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp cả nước hàng năm làm luận văn, luận án tốt nghiệp... Tuy không tuyệt đối hóa hay cố tình “thổi phồng” những công trình nghiên cứu của các đối tượng này nhưng với quan điểm cá nhân tôi cho rằng, dù sao nhìn ở góc độ nghiên cứu và phê bình văn học thì chất lượng các bài viết (công trình) này vẫn tốt hơn nhiều so với các bài viết nhan nhãn trên báo chí nhằm mục đích “kiếm cơm”, “kiếm danh” ngoài kia nhất là ở phương diện “phương pháp” làm việc. Vấn đề ở đây là do bản thân không ít người đọc thiếu sự sàn lọc hay nói cách khác là đã không đủ tỉnh táo trước sự cám dỗ của những bài “phê bình vị kỷ” được đăng tải, cập nhật ở những trang báo, blog mạng… cá nhân không chuyên về nghiên cứu, học thuật do thói quen tìm kiếm thông tin của mỗi người (thích vào những trang báo, blog… có số lượng độc giả truy cập cao) nên ít nhiều cũng làm cho mảng “phê bình vị tha” này không được phổ biến rộng rãi.  

Thứ hai, bằng trực giác, tôi cảm nhận được rằng hiện nay vẫn còn một lực lượng các nhà nghiên cứu và “phê bình vị tha” có tâm và có tài đang “quy ẩn” ở đâu đó. Vì lý do nào đó, trong nhất thời lực lượng này vẫn chưa lên tiếng hay chưa chịu xuất hiện trước công chúng. Lực lượng này theo tôi tuy không nhiều nhưng quan trọng là họ vẫn theo dõi từng bước đi của đời sống văn học nước nhà. Đặc biệt là không phải họ không “kiểm soát” được sự “thao túng” của các cây bút “phê bình vị kỷ” trên văn đàn hiện nay.

3 Giải pháp nào để hạn chế sự lấn át của “phê bình vị kỷ”?

Thật ra xã hội và cuộc sống nói chung thời nào cũng vậy chúng ta phải chấp nhận một điều là “cái chân”, “cái giả; “cái thiện”, “cái ác”; “cái xấu”, “cái tốt”… bao giờ cũng hiện diện cùng nhau và đôi khi trong nhất thời chúng ta rất khó phân biệt. Đó là sự thật chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta còn có một niềm tin là thời gian sẽ thẩm định tất cả. Cho nên, ở chỗ này tôi tin rằng bất cứ “động cơ”, thái độ “phê bình vị kỷ” hay “phê bình phản văn học” nào cuối cùng rồi cũng bị “lật tẩy” mà thôi. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi “phép màu thời gian”, người viết mạo muội đưa ra một vài giải pháp nhằm hạn chế sự “lên ngôi” của mảng “phê bình vị kỷ” như sau:

Thứ nhất, để hạn chế những bài “phê bình vị kỷ” dưới dạng “điểm sách”, “quảng cáo sách” trước hết vài trò của các nhà xuất bản, các cơ quan phát hành sách cần được phát huy. Tại sao các nhà xuất bản không nghĩ đến chuyện thuê các nhà phê bình có tên tuổi và uy tín để đọc bản thảo về một tập thơ, tập truyện, quyển tiểu thuyết nào đó… trong quá trình thương thảo hợp đồng với các tác giả có nhu cầu xuất bản? Làm được điều này, theo tôi về lâu dài nhà xuất bản lẫn tác giả có sách xuất bản chắc chắn sẽ yên tâm hơn khi ra mắt công chúng vì tác phẩm dù sao trước hết cũng được “bảo chứng” bởi cái nhìn của một cây bút phê bình chuyên nghiệp. Được như vậy không những mục đích PR sách của nhà xuất bản lẫn tác giả được đảm bảo mà tránh được tình trạng cá nhân tác giả có sách xuất bản tự PR sách của mình bằng việc cậy nhờ những cây bút “phê bình vị kỷ” nào đó viết lời giới thiệu. Tuy nhiên, để tránh sự áp đặt chủ quan nhà xuất bản nên xây dựng cho mình một đội ngũ các cây bút phê bình có uy tín ở các lĩnh vực khác nhau để cá nhân tác giả có sách có nhiều sự lựa chọn.

Với các ấn phẩm báo chí chuyên về văn học nghệ thuật cũng vậy, để hạn chế sự “lên ngôi” của “phê bình vị kỷ” nhất định phải nghiêm túc nhìn nhận lại năng lực của đội ngũ biên tập. Và theo tôi điều quan trọng nhất là đội ngũ ban biên tập phải “cương quyết” và “cứng rắn” hơn trong việc nói lời từ chối các bài phê bình gửi qua “đường quan hệ cá nhân”. Phải có đủ bản lĩnh để nhận ra đâu là bài “phê bình vị kỷ” đâu là bài “phê bình vị tha” gửi đến tòa soạn. Ngoài ra, cũng nên linh động và nhạy bén trong việc nắm bắt những sự chuyển động của đời sống văn học nhằm “đặt hàng” một cách kịp thời với các nhà phê bình nghiên cứu có uy tín.

Thứ hai, như đã nói ở phần trên sở dĩ sự lên ngôi mảng “phê bình vị kỷ” hiện nay một phần là do bản thân của khá nhiều người trong quá tìm hiểu đã thiếu sự chọn lựa, chọn lọc một cách nghiêm túc. Trong khi phát biểu trước dư luận ai cũng cho rằng phê bình theo kiểu “điểm sách”, “quảng cáo” sách trên báo chí hiện nay là kém vậy mà vẫn cứ thích “click” chuột vào những trang báo, blog mạng của những cây bút “phê bình vị kỷ” để đọc. Biết rằng các bài phê bình kia là không đáng tin cậy mà vẫn cứ tìm đọc để rồi rước cái họa “nhiễu thông tin” vào mình? Phải chăng chỗ này chính những người đọc do không biết chọn lọc hay không có “khả năng miễn dịch” trước những bài “phê bình lá cải” trên các phương tiện truyền thông đã góp phần làm cho “phê bình vị kỷ” làm mưa làm gió trên văn đàn?

Thứ ba, cần có cái nhìn nghiêm túc về thực trạng có một bộ phận những cây bút “phê bình vị tha” vẫn còn đang “quy ẩn” đâu đó như đã nói ở trên. Phải làm thế nào đó để động viên, khuyến khích lực lượng này xuất hiện nhiều hơn nữa nhằm góp phần làm lạnh mạnh hóa đời sống phê bình văn học.

Cuối cùng, thật ra tất cả những giải pháp trên suy cho cùng cũng chỉ có tính chất nhất thời. Điều quan trọng hay nói khác đi để hạn chế sự “lên ngôi” của “phê bình vị kỷ” về lâu dài theo tôi vẫn phụ thuộc vào “sự lương thiện” của mỗi người khi cầm bút viết văn. Đã chọn cho mình nghề viết văn thanh cao thì nhất định không được có hành vi “bất lương”. Sự bất lương của một tên cướp có thể gây nguy hại cùng lắm cho một hoặc một số ít người nhưng sự bất lương của nhà văn là sự nguy hại cho cả một xã hội hay rộng hơn là cả một dân tộc. Cho nên, người sáng tác phải biết tự xấu hỗ với chính mình trước khi mở miệng cậy nhờ người khác viết bài “lăng xê” tác phẩm của mình. Người viết phê bình cũng vậy, phải biết “đỏ mặt” trước khi gật đầu hứa hẹn viết bài “lăng – xê” cho ai đó. Cũng như phải biết “sám hối” nếu đã lỡ “xuống tay” “dìm hàng” cây bút nào đó.

----------------
Chú thích:
[1]: Inrasara – Thử đặt nền móng cho phê bình văn học Việt Nam đương đại.Wesite http://tonvinhvanhoadoc.vn.

Cần Thơ, 23/3/2012
Nguyễn Trọng Bình

Nguồn: phongdiep.net

No comments:

Post a Comment