Khoa học không có những cuộc tranh luận: khoa học là một con rùa què !
Chính ngay khi nhà khoa học nghĩ ra được điều gì, họ cũng phải thí nghiệm và thí nghiệm điều ngược lại để xác định lý thuyết. Khi thí nghiệm những điều chống lại lý thuyết, nhà khoa học không cầu mong nó sai, nhưng là tìm cái chỗ sai của mình để sửa lại lý thuyết ấy và cũng có thể bỏ đi để đi tìm cái mới. Vì thế họ trình bày lý thuyết của họ và mong có được nhiều phản biện, và qua những cuộc tranh luận, lý thuyết của họ càng sáng ra hơn và càng được khẳng định hơn. Đó không phải là sự tự tin mà là cách đi tìm sự thật. Sự thật không phải là chân lý mà chỉ là được họ đang bảo vệ thành công…chưa bị đánh đổ.
“ Vào năm 1997, Adam Riess từng
chắc rằng ông phát hiện ra một sai lầm rành rành trong kết quả nghiên
cứu của mình. Khi đó, các phép đo đạc những ngôi sao phát nổ ở xa trong
không gian gợi ý rằng vũ trụ đang giãn nở với tốc độ ngày càng nhanh, thay vì
chậm lại như ông dự kiến.”(1)
Nhà khoa học không bị mặc cảm vì
những điều mình nghĩ và nói ra không đúng; nhưng họ thầm cảm ơn nếu họ biết
được điều sai đó sớm hơn để họ có thể sửa chữa hoặc từ bỏ nó để đi tìm cái mới
hơn. Do đó, họ rất cần những phản biện, điều chỉnh và ngay cả bác bỏ. Các tờ
báo Science là mãnh vườn thí nghiệm giống cây trồng mới mà họ vừa lai tạo được
ra sầu riêng hột lép hay bắp hột lép.. Qua đó, các đồng nghiệp sẽ chỉ cho
họ biết điều nhầm lẫn, non kém hay nghịch lý mà họ đang mắc phải. Với họ -
những nhà khoa học – xem các báo Science hay các hội thảo khoa học là “trường”
(school/university) để học hỏi. Đó là sự thành thật của cái tâm khoa học.
Họ thiếu cái “ngã mạn” !
Họ chưa hề biết “tự mãn” !
“Einstein ban đầu không thích ý
tưởng về một vũ trụ giãn nở. Năm 1917, khi khám phá rằng các phương trình của
mình không chính xác trong một vũ trụ tĩnh, Einstein đưa vào một yếu tố hời hợt
là một lực giả thuyết nhằm sửa chữa vấn đề. Lực này được biết với tên gọi “hằng
số vũ trụ”
Khi những quan sát sau đó cho thấy
vũ trụ không đứng yên mà giãn nở, Einstein đã bỏ ý tưởng đó ra khỏi phương
trình và gọi “hằng số vụ trụ” là “sai lầm ngớ ngẩn nhất” trong sự nghiệp của
ông.” [Thanhnienonline –dẫn trên -]
Một cái “tâm” đáng kính !
Tâm của nhà khoa học là cái tâm rất
“thành”…cái tâm rất “thật”…như cái tâm của một em bé mà
Lão Tử đề cao. “Hàm đức chi hậu. Tỉ ư xích tử.” = Hàm dưỡng lấy
sức cho đầy. Kẻ ấy ví như đứa con đỏ.” (2)
Mạnh Tử cũng bảo: “Bất thất kỳ
xích tử chi tâm = bậc đại nhân không đánh mất cái lòng của đứa con
đỏ.”
“Đứa con đỏ” nghĩa là mới
sinh còn “đỏ hoẻn” mà tâm hồn trẻ thơ ấy là cái tâm thức chưa nhuốm buị
trần và nói như thời đại môi trường ngày nay là “chưa bị ô nhiễm”. Đó là một
tâm hồn trong trắng, chưa chất chứa những mưu mô, những ý đồ hay những manh ý ô
tạp. Đó là tâm hồn còn đang “rỗng” (empty/vide), gọi là “tâm hư.”
Chính nhờ cái tâm vô “thành
và thật” ấy mà nhân loại được ân hưởng bao nhiêu lợi ích từ những công lao
khổ nhọc của họ.
Họ ít nói mà làm nhiều !
Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên (đại học
New South Wales, Sydney-Úc) sẽ cho chúng ta biết thành tựu được coi là quan
trọng nhất của năm (2011) trong lĩnh vực miễn dịch học, tiếp theo đó, là « một
phản thành tựu » rất đáng chú ý, tức là việc bác bỏ PSA, một
biện pháp vốn được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán ung thư. Việc biện pháp
chẩn đoán sớm ung thư PSA bị bác bỏ cho thấy con đường phát triển của
y học dựa trên những phát hiện và phản biện, với các
điều chỉnh và sửa đổi không ngừng. (3)
Chưa bao giờ giới khoa học tuyên bố
“đó là chân lý”, “đó là sự thật”: Prada hay Vérité !
Thuyết tương đối của nhà bác học
Albert Einstein với phương trình E=mc2, là một bộ phận cơ bản của vật lý học
hiện đại. Phương trình này dựa trên khái niệm là không có gì có thể di chuyển
nhanh hơn ánh sáng.
Nhưng “các nhà khoa học nói họ vô
cùng kinh ngạc khi phát hiện ra rằng các neutrino này đã đến nơi trong vỏn vẹn
có 60 nano giây, tức là 60 phần tỉ của một giây đồng hồ, và như thế là nhanh
hơn tốc độ của ánh sáng.”
”Nếu các phát hiện về neutrino tỏ
ra là xác thực, thì các nhà vật lý sẽ bị buộc phải xét lại phần lớn những gì đã
phát hiện được trong thế kỷ qua về cách thức vũ trụ vận hành. Nhóm nghiên cứu
nói kết quả cuộc thí nghiệm rất khó tin, ngay cả đối với các nhà khoa học đã
phát hiện ra nó.”
“Nhóm nghiên cứu yêu cầu các đồng
nghiệp ở những nơi khác kiểm tra lại kết quả để bảo đảm không có lầm lẫn nào
trong phương pháp cũng như cách tính toán của họ.”(4)
Lời trần tình đó không phải là các
nhà khoa học thiếu tự tin mà là sự cẩn trọng trong suy tư, trong việc làm và kể
cả trong thành tựu đã thu lượm được.
Sự khiêm tốn và nhã nhặn của khoa
học đem lại lợi ích thực sự cho nhân loại hơn là khoa tu từ quỷ biện của tôn
giáo và chính trị. Chính vì thế mà Dale Carnegie khuyên chúng ta không nên đem
chính trị và tôn giáo vào câu chuyện giữa bạn hữu và trong giao thương.
Khoa học không có phản biện và lòng
dũng cảm khiêm tốn thì nhân loại vẫn còn trong đêm trường tăm tối của Đường
Minh Hoàng du nguyệt điện và Hậu Nghệ dương cung bắn mặt trời như thằng Cuội
nằm gốc cây đa ngắm chị Hằng vậy !
Nhưng còn một thứ tinh thần khác:
“Bằng tuyên truyền khôn ngoan và
dai dẳng, người ta có thể khiến cho quần chúng nghĩ rằng thiên đường là địa
ngục, địa ngục là thiên đường” và “Tuyên truyền “không ăn nhập gì với sự
sáng sủa rõ ràng của khoa học, cũng như bích chương quảng cáo không có ăn nhập
gì với nghệ thuật. Đám quần chúng càng rộng lớn bao nhiêu, thì trình độ
của tuyên truyền lại càng phải thấp bấy nhiêu.” [“Những tác phẩm biến đổi
thế giới” – “Mein Kampf” – Adolf Hitler - tr. 240-241 - Robert
B.Downs – Hoài Châu và Từ Huệ dịch – Văn Đàn -1970]
Đối tựơng để chính trị và tôn giáo
vận động là 99.9% dân chúng kém may mắn nhất: những ngừơi ít học nên ít
hiểu biết nhất.
Với họ, những nhà chính trị, nói như
Machiavelli (“Quân vương = Le Prince): “…nhưng bản tính con người vốn chất
phát và vốn hoàn toàn bị chi phối vì những nhu cầu trước mắt đến nỗi ai muốn
lừa dối họ, sẽ luôn luôn tìm thấy những kẻ sẵn lòng làm kẻ chịu bịp…” [“Những
tác phẩm biến đổi thế giới” – Robert B.Downs – Hoài Châu-Từ Huệ dịch
– Văn Đàn -1970 - tr. 25]
Đó là cái cách mà bà mẹ Tăng Sâm bị
lừa: Có người đến bảo với bà mẹ Tăng Sâm “Tăng Sâm giết người”, bà điềm
nhiên ngồi dệt cửi. Lát sau có người đến nói “Tăng Sâm giết người”, bà
khẳng định: “không bao giờ”. Sau lại có người đến mách “Tăng Sâm giết người”,
bà tự hỏi “có thực không”. Không lâu sau đó, cũng lại có người đến nói cho bà
biết “Tăng Sâm giết người”, bà bắt đầu lo lắng và thầm nghĩ “lẽ nào con
ta lại làm thế”. Nhưng tiếp theo lại có người hớt ha hớt hãi chạy đến cho bà
hay “Tăng Sâm giết người”. Bà liền vứt cả con thoi và bỏ khung cửi chạy
đi tìm con. Chuyện đó được Machiavelli (“Le Prince”) lý giải: dầu là sự việc
không có thật, nhưng cứ khẳng định; lúc đầu bị phản đối đấy nhưng cứ lỳ đi, nói
nữa đi sẽ dẫn “người ta” đến chổ nghi ngờ là thành công một nữa rồi. Không nao
núng, cứ tiếp tục khẳng định rồi “người ta” sẽ bị lung lạc. Từ chỗ bán tín bán
nghi đó mà bạn càng khẳng định như đinh đóng cột thì mối hoài nghi dần dần tan
như sương mù buổi sáng…và người ta tin ngay.
Trị thuật là thế ấy ! Nói như
Hitler: tuyên truyền như quảng cáo thôi, đâu cần sự thật ! Vì thế chính
trị không cần đến tranh luận là vậy. Tranh luận chỉ làm cho vấn đề được phơi ra
ánh sáng, chỉ bồ túc thêm sự rõ ràng làm cho tuyên truyền mất hết khả năng
thuyết phục. Chính trị mất hết hiệu năng.
Và còn một thứ tinh thần nữa rõ ràng
hơn:
“Bất cứ một cuộc tranh luận nào cũng không mang lại thông cảm và đoàn kết, càng tranh cãi, chúng ta càng rời xa chân lý, có chăng chỉ là chạm tới những mảnh vỏ rời rạc cuả chân lý mà thôi ! Gần như tất cả mọi cuộc tranh luận đều phù phiếm, chúng không đưa bạn đến đâu cả ! Ngay cả khi bạn đã thắng trong cuộc tranh luận, kết quả thắng cuộc đó cũng chỉ là gượng ép mà thôi ! Ngày hôm nay, bạn có thể làm đối phương im tiếng, không thể tranh cải gì thêm được nữa, nhưng chưa chắc họ đã chịu thua hay hoàn toàn khuất phục. trong lòng họ vẫn ấm ức” [Lỗ Trí Thâm ngày nay chứ không phải Lỗ Trí Thâm Luong Sơn Bạc]
Và rằng: Họ khôn khéo giăng
cái bẩy maya “vô minh” để hù dọa người yếu bóng vía và tự cao tự đại sợ
mà ấm a ấm ớ nói theo họ để khỏi bị mang tiếng là “ngu” (ngu lậu).
Andersen không hư cấu từ tưởng tượng ra chuyện ông hoàng “mặc áo tồng ngồng”
để chọc quê lũ ngu mà tự cho là mình sáng. Chuyện thật 100% này cũng được nhà
văn Pháp André Maurois tường thuật lại chuyện một nhạc sĩ dương cầm dấm dớ đăng
đàn biễu diễn một đêm “nhạc im lặng”; thính gỉa là những nhà danh gia vọng tộc,
những giáo sư học gỉa ưu tú. Tất cả đều bị ông nhạc sĩ này “bịp” để thử xem cái
ngu của họ đến đâu !
CHUYỆN RẰNG: “ Chúng ta đã thấy những cái điên khùng không thể tưởng
tượng nổi. Nhật báo Anh đã đăng tin một nhà chơi dương cầm vô danh quảng cáo
rầm rộ rằng sẽ có một buổi hòa tấu nhạc yên lặng. Đúng ngày đó, phòng chật ních
thính giả. Bậc diệu thủ im lặng ngồi trước mặt đàn, làm bộ chơi đàn, nhưng dây
đàn đã gỡ hết cho nên cần đàn không gây một âm thanh nào cả. Thính giả liếc
trộm các người ngồi bên xem có nên phản kháng không. Nhưng các ông ngồi bên cứ
thản nhiên, cử tọa đều kiên nhẫn, ngồi yên. Sau hai giờ yên lặng, buổi tấu nhạc
chấm dứt. Nhạc sĩ đứng dậy chào thính giả. Cử tọa nồng nhiệt vỗ tay khen. Hôm
sau, trên vô tuyến truyền hình, nhạc sĩ im lặng đó kể lại câu chuyện và kết: “Tôi
muốn biết xem cái ngu xuẩn của con người tới mức nào; nó thật vô biên.”
“Tôi thì tôi không nói; “cái ngu
xuẩn” mà nói “cái nhu nhược” của con người. Những thính giả đó biết rằng
họ không nghe thấy gì cả, nhưng họ sợ rằng nếu phản kháng thì không hợp thời.
Jean Cocteau bảo: “Công chúng đã từng bị đập quá đến nổi họ tự tát vào má mình
chứ không vỗ tay để khen”.
Cái thói làm ra vẻ tán thưởng mà sự
thật chẳng thích mà cũng chẳng hiểu gì cả; cái thói đó gọi là thói “ đua đòi
chuộng mốt ”
Nhiệm vụ của các bạn không phải là
trừ sạch cái thói đó cho thời đại của bạn (vì vô phương trừ được), mà là ngăn
bớt những tai hại của nó lại, và chống lại nó”(6)
Tôn giáo, họ dùng thủ thật “cả vú
lấp miệng em”: nếu là một đưa bé miệng còn hôi sữa thì chỉ còn biết ú ớ mà
thôi. Họ đang đêm ra đường trồng cây cột giữa đường rồi hô hoán lên…chửi
bới…tấn công…(thật ra không có cây cột đó từ trước)…thế là mọi người cho
rằng họ có lý…đúng…vỗ tay hoan nghênh. Họ đạt được mục tiêu: - xô người
kia vào bẩy liệt vị một các gian trá!
“Tất cả mọi cuộc tranh luận thực
ra đều mang ý nghĩa sai lệch, kệch cỡm, bởi vì: Không một ai đạt tới chân lý
qua tranh luận cả ! Chẳng qua chỉ là để khoa trương cái TỰ NGÃ, nhưng nhiều
người đã tự lừa dối mình rằng đã đạt tới chân lý, giác ngộ qua những cuộc tranh
luận. Họ lấy sự hơn thua trong các cuộc tranh luận làm dấu móc đo trí thức và
mức độ tu tập, giác ngộ cuả họ !
Thật hết sức lầm lẫn. Làm sao gọi là chân lý khi đầu óc bạn chứa đầy tư tưởng háo thắng, phải đánh gục đối phương, phải dứt khóat thắng cuộc tranh luận để chứng tỏ cái sở học, sở trường, sở đắc cuả mình ! Một khi bạn cố dùng mọi cách để thắng đối phương, bạn tự dưng là một kẻ bạo lực cho dù chỉ là BẠO LỰC TƯ TƯỞNG !” [Lỗ Trí Thâm nêu tên]
Người này đại diện cho cái bạo lực ấy: kết tội cho người tranh luận là khoa trương cái TỰ NGÃ…lấy sự hơn thua trong các cuộc tranh luận làm dấu mốc đo tri thức…đầy tư tưởng háo thắng…để chứng tỏ sở học…hay chính tác giả thành thật với chính mình...như thế ! Lấy bụng ta suy ra bụng người để thành một khẳng định.
Họ nói nhiều, rao giảng nhiều; nhưng lỡ có ai đó thắc mắc…đặt lại vấn đề với họ thì họ như đĩa phải vôi và rằng họ cho kẻ ấy là ngã mạn, là kêu ngạo…dám phản biện lại họ…phản bác chân lý của họ.
Có người của tôn giáo này thì cho
rằng “ngôn ngữ” thì hồ đồ…mơ hố không có thực chất. Thế nhưng họ lại đầy
ngôn ngữ đến tận cùng chữ nghĩa và trượt ra khỏi miền lý luận. Đến cùng đường
thì họ kết luận: “không thể nghĩ bàn !”. Không thể nghĩ bàn ( tức là
cùng đường của tranh luận) là họ đóng lại tranh luận, không cho ai bàn đến
nữa. Là họ thủ đắc chân lý ngay tại đó…tại chỗ “không thể nghĩ bàn”. Chân
lý tại vô ngôn ! Và chân lý tại mầu nhiệm ! Nhưng nói…viết…giảng
thuyết…thì vô cùng vô vàn và vô tận !
“Không biết mà làm ra vẻ biết là
bệnh” = “Bất tri, tri, bệnh.”(Lão Tử). Đó là cái “ bệnh dư chữ”
của người thừa chữ… Bệnh này bị Đức Khổng Tử bắt liệt vị: “Biết thì
nói là biết. Không biết thì nói là không biết. Ấy mới thật là biết.” [Luận
Ngữ]. Và Tổ Tiên ta rút thẻ đỏ đuổi ra khỏi sân, treo giò: “Biết thì thưa
thì thốt. Không biết thì dựa cột mà nghe.” Loại trừ bọn xấu chơi gian. Cho
ra ngồi ghế khán giả xem người ta “fair play”. Chơi đúng luật là chơi
đẹp đấy!
Trò chơi chữ cũng lắm công phu,
nhưng chơi cho thanh, cho lịch mới là chơi: chơi cho đài cát, chơi cho đời biết
tay! Chơi như nghệ sĩ trên sân cỏ: hết sức mình, bằng cả tài nghệ với tất cả
hăng say chiến thắng nhưng chấp hành luật chơi một cách sòng phẳng – nghĩa là
công bằng – nghĩa là chơi đẹp đấy!
Tu từ pháp là luật chơi, nhưng dụng
nó để leo qua ngụy biện là chơi xấu, chơi gian, chơi bẩn. Người nghe đủ tĩnh
sát để bắt liệt vị lối chơi hèn này. Lối chơi lén này sĩ phu Trung Hoa gọi bọn
đó là: “Chó”. “Khuyển nho!”. Tôn Ngộ Không sợ nhất bọn này; nên
trên trời, dưới đất chẳng sợ ma nào mà chỉ sợ có mỗi “chó!”. Chó Nho là
thứ sủa càn, cắn bậy. Nó sủa ra đằng mồm bằng Tống Nho. Nó cắn bậy ra: quân xử
thần tử, thần bất tử bất trung ! Socrate nhất quyết không để mình lẫn lộn vào
bọn cyniques (khuyển nho) này tuy cùng dùng cái “nghệ thuật ăn nói”, nhưng
Socrate đi con đường logique (biện luận=luận lý) còn lũ kia đi lối sophisme
(quỉ biện). Trong Dialogues(“Đối Thoại”) của Platon, Socrate lên án gắt gao bọn
khuyển vắt chày ra nước này mà đại diện là Protagoras và Gorgias. Khoa tu từ
học là mẹ đẻ của nghệ thuật hùng biện mà phái quỉ biện “học hỏi để
biết cách làm cho người khác tin vào cái gì mà ta muốn cho họ tin, ngõ hầu bảo
đảm sự thắng lợi, và nếu có thể, cho sự thống ngự của chúng ta.”[André
Cresson–“Socrate”-tr.69-Nguyễn Hữu Dung và Nguyên Sa dịch – Ngôn Ngữ xb.1966]
Tóm lại, quỉ biện là ai? Họ là người
vận dụng tu từ pháp để đẩy ngôn ngữ trượt trên sàn chơi chữ nghĩa của họ. Họ
đẩy từ ngữ đến đường cùng và hiếp nó ngay tại đó để đẻ ra đứa con của thú cưỡng
danh (forcer/violer le mot).
Họ giao lửa cho con nít chơi cái trò
chơi “tự do”, qua mặt luôn cả cái trí tuệ “quan phòng”(*), rồi
hiếp luôn cả quan phòng và tự do để đẻ non ra đứa con tật nguyền “mầu nhiệm”
trong cái rừng rú rậm rạp rối ren và giấu vào đêm đen thủi đen thui mà chẳng ai
thấy “nó” ra là cái gì; rồi hô hoán lên rằng đó là “tội hồng ân”.
Một lối cưỡng danh thô bạo: “tội” biến thành “phúc”. Bó tay!!!
“VÔ” bị đuổi đến “vô không nghĩa là
không” và rượt vòng vòng đến “vô không nghĩa là không phải là không có” lọt vào
cái rọ “Không Luận” rồi họ đẩy luôn đến “Không Không Luận” làm ta chóng mặt.
Để bảo đảm sự thắng lợi, họ dùng
chiến thuật hù dọa: “kêu ngạo!”/ “vô minh!”
-Kẻ nào kháng biện là trịnh thượng,
là kêu ngạo!
-Đứa nào ấm ớ hội tề là ngu độn, là
vô minh!
Để chứng tỏ “mình khiêm nhường”/
“giác ngộ” thì đành ngậm bồ hòn: xin chấp nhận dẫu cho khó thương,
dầu chẳng biết gì!
Có người thì bảo họ ngạo mạn, nhưng cũng có người thì bảo họ sợ ma !
Họ là ai ? “-Kant viết: "Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy". Không trưởng thành là sự bất lực không biết dùng đầu óc của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác.
Vì thế, ông bảo: khẩu hiệu của sự Khai minh là: "Sapere aude!" (Latin: "Hãy dám biết!"), hãy có gan dùng đầu óc của mình. Con người rất thích ở yên trong tình trạng không trưởng thành, vì mọi việc đã có người khác chỉ dẫn, sắp đặt, lo liệu. Thoát khỏi "xiềng xích êm ái" ấy, con người thấy bơ vơ, lúng túng, vì không quen suy nghĩ và vận động tự do..” [Bùi Văn Nam Sơn]
Họ không tự cởi trói cái dây lòi tói mà họ đã tự buộc họ vào cây cột chân lý của họ. Cái “xiềng xích êm ái ấy” chính là cái “hầm tối bình yên” của họ. Họ đang sống trong kỷ văn minh hái lượm của ḿnh.
“Tự mình đóng cửa thì hạn chế tầm
nhìn, chỉ có hại cho mình thôi. Niềm tin được củng cố thực sự khi được so sánh
và thử thách với các tư tưởng khác.” [Bùi Văn Nam Sơn]
Họ là những con ngựa bị che tầm nhìn hai bên…chỉ còn có mỗi con đường phía trước để mà đi thôi.
“Bối cảnh thế giới bây giờ đã khác hẳn, tất cả phải ngồi lại nói chuyện, bằng lý luận, lập luận trong một sự tỉnh táo, tương nhượng nhau để tìm một sự đồng thuận nào đó để làm việc, để sống và để hy vọng. "Bàn luận với nhau để mà sống", đó là khẩu hiệu hiện nay của triết học. Sống, để cho người khác sống, và cùng nuôi một chân trời hy vọng, đó là điểm gặp nhau của xã hội loài người.” [Bùi Văn Nam Sơn]
Thảo luận là một hình thức Đối Thoại (dialogue) để luận bàn về một vấn đề hay một chủ đề giữa hai người hay giữa nhiều người cùng quan tâm.
Mục đích của một cuộc thảo luận là cùng nhau suy xét kỹ càng một vấn đề để tìm ra cái hay, cái dở hay cái phải cái trái của vấn đề ấy để cùng tiến đến một ý kiến gần sự thật nhất.
Trong một cuộc thảo luận, mỗi bên đều cố gắng đưa ra những chứng cứ thuyết phục cho lập trường của mình để biện bác lý lẽ của bên kia. Như thế, một cuộc thảo luận không tránh khỏi sự tranh luận tức mỗi người phải cố gắng biện luận và chứng minh các chứng cứ của mình để bảo vệ lập trường của mình hòng bác bõ lập trường hay chứng lý của bên kia.
Nhờ những chứng cứ rõ ràng và lập luận chặc chẽ mà người này có thể chứng minh được cho người kia cái phải, cái đúng của mình và cái sai, cái trái của bên kia. Và qua những cuộc bàn cãi như vậy đôi bên có thể rút ra thêm sự hiểu biết mà bên kia cung cấp dù cho vấn đề ngã về bên này hay bên kia.
Tuy nhiên, trong mỗi cuộc tranh luận
không tránh khỏi những quá khích mà học giả Trần Trọng Kim nêu ra: " Số
nhiều người mình khi đã cầm bút viết, thì chỉ dùng những giọng khích bác, những
lời thô thiển, có khi lại buông lời quá đáng, làm mất cả cái hòa khí trong khi
biện luận."(7)
Và trong một cuộc thảo luận, cũng ý
kiến của Trần Trọng Kim: " Miễn là khi hai bên đối địch chỉ dùng công
lý mà tranh luận, chớ không lấy tư ý mà công kích nhau, thì còn có gì ích lợi
cho sự học vấn bằng nữa." [sách dẫn trên -tr.344-]
Socrate là triết gia đầu tiên dùng phương pháp đối thoại để cùng người đối diện thảo luận một vấn đề mà người ấy quan tâm. Socrate gợi ý và người kia bày tỏ ý kiến của mình rồi hai bên cùng xét đến ý kiến của nhau và mỗi bên đưa ra những bằng chứng và lập luận của riêng mình. Với phương pháp này, mục đích của Socrate không nhằm tới việc hơn thua mà chỉ là kích hoạt suy nghĩ của người đối thoại để người đối thoại kia có dịp suy gẫm vấn đề đã được nêu ra.
Như vậy, "thảo luận là
một cuốn sách sống" mà ta có thể mở ra để đi tìm thêm hiểu biết,
mở tầm nhìn rộng rãi hơn...cho tâm hồn thêm khoáng đạt.
Và triết học là những chuyến viễn du
lênh đênh nghìn trùng…vượt phong ba bão táp để tìm đến mép rìa sự thật…còn hơn
là ngụp lặn trong biển cả mênh mông vô bờ vô định vô lối vô duyên.
“Đến với triết học là để tìm sự nghi vấn, để làm lay chuyển những định kiến và kiểm chứng lại niềm tin sẵn có. Nó làm ta mất ngủ hơn là an tâm.
Tất cả phải được đặt lên bàn bằng sự nghị luận, phải tỉnh táo và lắng nghe người khác nói, đó là tinh thần của triết học và khoa học” (5) [Bùi Văn Nam Sơn]
Và với văn học cũng thế: “Văn
học đích thực _ đó là thứ văn học có khả năng làm đảo lộn trật tự , có thể
là trật tự xã hội , trật tự chính trị hay trật tự trong mỗi cá nhân . Nó không
làm cho ai đó ngủ quên với cách nghĩ đơn giản, buộc người ta phải nhìn vào cái
người ta không quen nhìn . Đó là một trong những tiêu chí cho thấy sách nào là
văn học , sách nào không . Nói một cách khác , có những cuốn sách làm ta vui
một chút, buồn một chút …..nhưng cũng có những cuốn sách giống như con sâu chui
vào trong quả ( là người đọc) và khuấy đảo những gì trong đó rồi biến ta
thành một người khác.” ….[Nhà văn kiêm đạo diễn Pháp Philippe Claudel -
Tuổi Trẻ - tr.13 - ngày 6.11.09]
Cuộc sống là một trường biện chứng
vận động chứ không phải một giấc ngủ bình yên !
VŨ NGỌC ANH
_____________________________
Chú thích :
- (1) [Thanhnienonline: “Định mệnh của vũ trụ được
viết trên những ngôi sao”
- (2) ) [Lão tử Đạo Dức Kinh –
Chương 55]
- (3) [http://www.viet.rfi.fr/khoa-hoc/20111228-mot-so-thanh-tuu-lon-cua-y-hoc-the-gioi-trong-nam-2011]
-(4) [ http://www.voanews.com/vietnamese/news/faster-than-light-article-1st-upd-9-23-11-130446048.html
- (5) [Bùi Văn Nam Sơn: :“Đọc lại
“Bàn về tự do” của John Stuart Mill” (Nguyễn Văn Trọng dịch, NXB Tri Thức,
2006)]
- (6) [André Maurois – “Thư Ngỏ
Tuổi Đôi Mươi” – Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê – tr.41-42 -]
- (7) ["13 năm tranh luận văn
học" - Văn Học xb.tp.HCM.1995 - Tập II, bài "Mời Phan Khôi tiên sinh
trở về nhà học của ta mà nói chuyện"-tr.343-]
No comments:
Post a Comment