.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, January 23, 2012

BÀN TRÒN VĂN HỌC: THƠ CA & SỨ MỆNH VĂN HOÁ GIỮA THỜI… “MẤT GIÁ”

Người thực hiện: Nhà văn PHONG ĐIỆP, báo VNT số Tết Nhâm Thìn.
Khách mời: TRẦN VŨ LONG (Hà Nội), TRỊNH SƠN (Vũng Tầu), MIÊN DI (Gia Lai), NGÔ THỊ HẠNH (TP Hồ Chí Minh), VÕ MẠNH HẢO (Long An).

“Một tác phẩm nghệ thuật hay, có hồn chỉ có thể có khi nó xuất phát từ một/nhiều đòi hỏi của tâm hồn bạn trong tâm hồn chung của thời đại bạn sống”
  

“Hành lang” mới của thơ trẻ?
- Thơ trẻ đang làm khó cho đọc giả: khó hiểu, khó nhớ, khó đồng cảm. Anh/chị nghĩ gì về điều này?

VÕ MẠNH HẢO: Quả thật, "Ba khó" mà chị đưa ra ít nhiều gì đã làm cho độc giả ngày càng "lạnh nhạt" với thơ trẻ hơn. Người sáng tác thơ trẻ luôn muốn tự làm mới mình và những sản phẩm ra đời trong quá trình tìm tòi đó đôi khi lại chưa được số đông độc giả chấp nhận. Đây cũng là chuyện dễ hiểu vì không phải độc giả nào cũng dễ dàng chấp nhận cái mới.
MIÊN DI: Vâng. “Khó hiểu, khó nhớ, khó đồng cảm…” là một vài điều thường thấy trong các sáng tác gần đây. Ở thơ cũ, sự rung động của người đọc dễ dàng men theo hành lang nhạc tính, niêm luật, thi pháp. Tự thân hành lang kinh điển ấy đã làm cho cái hiểu, cái nhớ, cái đồng cảm của mọi độc giả có lối chung. Thơ trẻ đang muốn làm lại một cái “hành lang”mới.  Với lại,  nếu chúng tôi vẫn làm như cũ thì đã chả được gọi là… Thơ trẻ. Thôi thì, mời độc giả chịu khó đi bằng “hành lang” mới của chúng tôi vậy, tuy còn lạ lẫm đấy nhưng dùng mãi rồi cũng quen thuộc thôi mà.
TRỊNH SƠN: Theo tôi, không nên gộp chung 3 sự (hiểu, nhớ, đồng cảm)  lại với nhau. Với mỗi tác phẩm, từ đọc/nghe cho tới hiểu rồi đồng cảm quả là 2 chặng đường không dễ dàng gì. Như 2 con dốc vậy.  Tôi đã đọc, đã yêu nhiều tác phẩm và tác giả (trong nước cũng như trên thế giới), nhưng chưa bao giờ dám nhận rằng mình hiểu hết tác phẩm/ tác giả ấy. Và, càng không thuộc. Một tác phẩm nghệ thuật luôn biết cách sáng lên trong tâm hồn ta ở hoàn cảnh nào đó liên qua đến nó. Tôi nghĩ và tôi thấy, thơ chưa bao giờ làm khó ai cả. Khổ tâm/Hạnh phúc nhất chính là ở người viết ra nó. Điểm dừng sáng tạo của tác giả là điểm bắt đầu sáng tạo cho độc giả.
NGÔ THỊ HẠNH: Tôi không tán thành với điều này, hãy cứ  khám phá thơ của người trẻ và sẽ thấy, không phải ai cũng chọn kiểu hình thức xáo rỗng chữ nghĩa loảng xoảng khiến bạn đọc thấy khó đồng cảm.
TRẦN VŨ LONG: Tôi nghĩ, chúng ta nên tỉnh táo khi nhắc đến ba cụm từ: khó hiểu, khó nhớ, khó đồng cảm. Nghệ thuật của thơ ca là “ý tại ngôn ngoại”, vì vậy đôi khi ta đọc bài thơ một lần, hai lần, thậm chí mười lần mới hiểu ý thơ nói gì, từ đó mới dẫn đến sự đồng cảm, thích thú. Như vậy không thể nói bài thơ đó dễ hiểu, nhưng cái đích cuối cùng là vẫn mang lại cho độc giả một sự giao cảm.  Còn nói “thơ trẻ làm khó cho độc giả” vừa đúng vừa không đúng. Rất nhiều các cây bút trẻ bây giờ đang đem lại một luồng gió mới cho thi ca bởi sự cách tân của họ. Họ viết bằng ngôn ngữ thời đại họ đang sống, bằng tri thức họ đã và đang được tiếp nhận, bằng cảm quan nhạy bén của thời cuộc, bằng trách nhiệm công dân đương đại. Tuy nhiên bên cạnh đó, có không ít cây bút trẻ đang làm cho độc giả hoang mang, không biết là họ đang viết cái gì và đôi khi tự hỏi: “Thơ bây giờ là cái chi vậy?”. Còn các cây bút trẻ đó thì cứ tự huyễn hoặc mình, khi chưa đạt cái chuẩn cơ bản nhưng đã vội biến mình thành một cái gì đó mà chính họ không nhận ra.
 Anh TRẦN VŨ LONG thì tâm sự: “Không ít cây bút trẻ đang làm cho độc giả hoang mang, không biết là họ đang viết cái gì và đôi khi tự hỏi: “Thơ bây giờ là cái chi vậy?” Còn anh MIÊN DI thì nồng nhiệt: “mời độc giả chịu khó đi bằng “hành lang” mới của chúng tôi vậy”. Nhưng có một vấn đề: thời gian cũng như sự kiên nhẫn của độc giả thì có hạn. Liệu những sự đánh đố của một số người viết có làm cho thơ bị mất dần công chúng hay không, theo các anh /chị?
MIÊN DI: Sản lượng thơ, chất lượng thơ không phụ thuộc vào ý muốn, vào kế hoạch của riêng ai cả. Thơ chứa đựng trong nó những khích lệ lạc quan, những ám ảnh bi kịch của từng thời kỳ xã hội. Nếu độc giả không có thời gian để đợi thơ. Lịch sử sẽ có. 
TRẦN VŨ LONG: Đối với người sáng tác, bất kể trẻ hay già đừng quá câu nệ thể loại. Ta chỉ phân biệt thơ hay và thơ dở mà thôi. Theo tôi, thể loại chỉ là phương tiện để giúp ta đi đến đích. Không thể nói thể loại quyết định việc tạo cảm xúc hay hình ảnh được. Cái đó phụ thuộc vào tài năng của người sáng tác. Anh MIÊN DI có nói, các cây bút trẻ “đang muốn làm lại một cái hành lang mới”, theo tôi chẳng có gì để phải làm lại cả. Có chăng chúng ta phải làm mới nó hơn, hoặc tạo ra những con đường mới, phong phú thêm cho nền văn học Việt Nam.Chúng ta có thể đi tới đích bằng nhiều con đường và tự mình toả sáng trên con đường đó, tuỳ thuộc vào tài năng của mình. Và như vậy, tôi tin là độc giả sẽ không quay lưng lại với thơ.
VÕ MẠNH HẢO: Tôi nghĩ nhà thơ trẻ đôi lúc cũng cần dừng lại trên “hành lang” mới của mình và tự hỏi: “Mình đang viết cái chi vậy?”. Chúng ta không thể cứ hả hê với những cách tân cực đoan của mình mà không nhìn lại xem công chúng của chúng ta đang ở đâu, đang nghĩ gì về chúng ta.  Trong khi đó, công chúng hiện nay có nhiều thứ để lựa chọn, để yêu thích, để đồng cảm, chứ không nhất thiết chỉ có mỗi “món” thơ. Cho nên, nếu nhà thơ trẻ chỉ chăm đánh đố người đọc thì sẽ có lúc không còn người…để cho mình đánh đố.
TRỊNH SƠN:  Tôi không lo lắng THƠ mất công chúng. Điều đáng sợ nhất, là một số “công chúng” không tìm được THƠ theo thể tạng mình, cứ phải loay hoay giữa chợ cho tới lúc ra về tay không.

Số phận của thơ giữa thời  … “mất giá”
- Trong khi các thi sĩ vẫn đắm đuối với thơ, thì thơ lúng túng tìm nơi in ấn, các tập thơ phần lớn in ra chỉ để biếu tặng, người làm thơ tuyệt đối không thể sống được nhờ thơ. Thơ liệu có chỗ trong đời sống hôm nay?

TRỊNH SƠN: Tôi tìm khắp lịch sử thi ca thế giới tự cổ chí kim, cũng chưa nghe tác gia vĩ đại hay tác giả nhỏ bé nào nói rằng họ sống được nhờ thơ cả. THƠ, cho người ta cái khác và cũng lấy đi của người ta cái khác – tùy mỗi tâm hồn. Chừng nào bạn định giá được tâm hồn mình chắc là khi ấy, THƠ có giá cả hẳn hoi.
NGÔ THỊ HẠNH: Làm thơ là đòi hỏi độ lắng của chính mình và bằng một tình yêu hồn nhiên không toan tính. Thơ vẫn có lối đi riêng của nó, tôi tin vậy dù thời nào cũng thế. Không sống được bằng thơ thì sống bằng thứ khác, có gì đáng câu nệ đâu, khi cần tôi vẫn làm thơ vì biết mình cần như vậy.
TRẦN VŨ LONG: Có chỗ chứ. Mặc dù chúng ta đang sống trong một xã hội bị tha hoá về mặt nhận thức, tha hoá về cảm xúc và dẫn theo vô vàn những hệ luỵ khác. Nhưng vẫn còn chữ Tình sống ẩn dật trong cái xã hội đó. Khi Tình còn thì Thơ còn. Dẫu cho không còn mấy người đọc thơ để bán sách, thì thôi tặng nhau cũng là quý rồi. Tức là thơ vẫn sống, vẫn có chỗ đứng.
VÕ MẠNH HẢO: Thơ vẫn có chỗ trong đời sống hôm nay, chỉ có điều sức ảnh hưởng của nó với đời sống không còn mạnh mẽ như trước.
MIÊN DI: Chẳng có gì có thể đuổi thơ ra khỏi chỗ thuộc về nó.

- Trong điều mà anh VÕ MẠNH HẢO vừa chia sẻ: sức ảnh hưởng của thơ với đời sống không còn mạnh mẽ như trước, nguyên nhân chính là do thời cuộc hay do Thơ? Các anh/ chị nghĩ sao?

NGÔ THỊ HẠNH: Theo tôi thì nguyên nhân thuộc về cả hai. Và thêm hai nữa là bốn nhé: người làm thơ và người đọc thơ.
Cuộc sống đô thị của tôi hiện nay khá chộn rộn, phải cố gắng lắm mới sắp xếp được thời gian cho riêng mình mà suy gẫm. Thế nên, người làm thơ và người đọc thơ cũng cần cố gắng rất nhiều. Nếu bạn để cuộc sống thường nhật kéo bạn đi, thì bạn thực sự bất hạnh. Tôi cũng vậy.
VÕ MẠNH HẢO: Tôi nghĩ nguyên nhân đến từ cả hai. Thơ ngày nay ít mang hơi thở cuộc sống, người làm thơ chủ yếu chỉ thể hiện cái tôi nhỏ bé của mình. Trong khi đó, trên ghế nhà trường, lớp trẻ không được giáo viên truyền đạt tình yêu với thi ca mà chỉ dạy một cách máy móc. Vì thế, người yêu thơ và thích dấn thân vào con đường thi ca ngày một ít đi.
TRỊNH SƠN: Các nhà thơ đừng quá trông đợi thế giới mang gì đến cho bản thân mình sau một tác phẩm, mà nên dành thời gian để tự soi rọi những góc tối cuộc đời. Chính trong nỗi cô đơn, vắng lặng nhất, tôi trả lời được nhiều câu hỏi của tôi và thế hệ mình. Khi bạn trả lời được 1 câu hỏi, bạn biết niềm sung sướng là như thế nào chứ?
MIÊN DI: Thời tôi còn là con nít, một cuốn truyện được truyền tay không biết bao nhiêu người đọc, quí lắm! Cả xóm có mỗi một nhà có cái ti-vi đen trắng, hằng đêm láng giềng đến xem nhờ chật kín nhà. Bây giờ thì sao? Có rất nhiều lựa chọn khác để giải trí, thư giãn… Nên đừng vội đổ lỗi cho thơ trẻ thiếu cuốn hút, liệu trong chúng ta có ai dám vỗ ngực là đã đọc hết  tất cả các tác phẩm của thời kỳ thơ này để có được sự đánh giá khách quan. Chưa nói đến việc có hay chưa, một hệ giá trị phù hợp để qui chiếu, đánh giá. Vì thế, đừng bắt thơ phải ảnh hưởng đến mặt ngoài của xã hội, đừng bắt thơ phải hiện diện trong quán cà phê hay bàn nhậu. Xã hội bây giờ đang bận rộn với nhiều thứ lắm. Nên chăng, thay vì đòi hỏi thơ lồ lộ cái sự mạnh mẽ như trước, thì hãy chấp nhận cho thơ trở về nơi nhỏ bé mà thánh thiêng của nó, đó là miền cõi tâm hồn.

Nhiều cây bút thơ trẻ đang bắt đầu "lột xác"
- Anh/chị có thể chia sẻ những cảm nhận/đánh giá của mình về thơ trẻ hiện nay? Có hay không những trào lưu/xu hướng mới? Có hay không một cuộc “lột xác” trong thời gian tới của thơ trẻ?
TRỊNH SƠN: Tôi tự hào và vui mừng được đọc nhiều tác phẩm của các tác giả cùng thế hệ với mình. Có người chầm chậm viết theo lối truyền thống, lại có người đổ mồ hôi đổi mới. Cả hai đều góp phần tạo nên diện mạo thi ca Việt Nam thời đại này.
MIÊN DI: Tôi lạc quan.
VÕ MẠNH HẢO: Thơ trẻ vẫn tiếp tục tạo nên những đợt sóng mới với nhiều hy vọng mới. Nhiều cây bút thơ trẻ đang bắt đầu "lột xác" nhưng sau cơn đau "lột xác" đó sẽ là gì thì...còn phải chờ đợi.
NGÔ THỊ HẠNH: Trào lưu hay xu hướng mới của thơ hoặc bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác, nếu có được, điều kiện tiên quyết là phải có người chủ xướng và những người đồng sáng tạo hưởng ứng bằng tác phẩm cụ thể. Theo tôi hiện nay thơ trẻ không có trào lưu hay xu hướng gì, mà mỗi cá nhân sáng tạo là một cây cỏ sống rất tự nhiên, đôi khi còn không được gọt dũa hoặc cân nhắc (vì thiếu sự cộng hưởng từ độc giả).  
TRẦN VŨ LONG: Việc có hay không những trào lưu hay xu hướng mới thì theo tôi, trước tiên thơ vẫn phải là thơ đã. Thơ phải là chỗ mà người đọc tìm thấy được sự đồng cảm, sẻ chia, nâng đỡ tâm hồn con người. Quả thực tôi không mong có sự “lột xác” trong thời gian tới của thơ trẻ. Bởi lột xác thì đột ngột quá, sẽ gây đột tử. Nhưng chắc chắn sẽ có sự chuyển động từ từ. Có như vậy mới trụ lại được với thời gian.
- Liệu có thể tạo ra được những “cú hích” để thơ mạnh dạn dấn bước?
NGÔ THỊ HẠNH: Có, nhưng một con én không làm nên mùa xuân.
VÕ MẠNH HẢO: Để tạo ra những cú hích đòi hỏi phải có những người làm thơ tài năng thật sự và dám hy sinh cho thơ. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn sắp tới, tôi nghĩ thơ việt sẽ khó có những cú hích mạnh mẽ để không bị đánh giá là “lép vế” như hiện nay.
TRẦN VŨ LONG: Quả thực tôi cũng không biết những cú hích đó phải như thế nào. Chỉ nghĩ rằng, đối với người cầm bút hãy sống thật với lòng mình, với cuộc đời, với con người. Hãy yêu thương, hãy đau đớn, hãy đấu tranh với con người, cuộc đời này. Và thơ phải nói lên được những tâm trạng đó.  Đừng bao giờ tự bằng lòng với những gì mình đã viết ra nếu không anh sẽ chết vùi trong hư danh và ảo vọng.
MIÊN DI: Chẳng có “cú hích” nào đẩy thơ mạnh bằng sự dồn nén của từng thân phận trong xã hội. Những nỗi đau vẫn đầy rẫy ra đấy! Vấn đề là đôi mắt non trẻ của chúng tôi có thấu thị được gì hay không, có dám dũng cảm mà viết hay không mà thôi…
Báo mạng - cứu tinh hay tội đồ?
- Sự sôi nổi của thơ trẻ diễn ra trên mạng thay vì báo in truyền thống. Đó là một nguy cơ với báo giấy và là cơ hội của người làm thơ?
TRẦN VŨ LONG: Thực ra không phải riêng thơ, mà tất cả các lĩnh vực khác đều xuất hiện trên mạng và là nguy cơ cho ngành xuất bản nói chung, trong đó có báo giấy. Bên cạnh đó nó lại tạo cơ hội cho nhiều người làm thơ, dễ dàng tiếp cận với công chúng hơn.
MIÊN DI: Báo giấy vẫn có giá trị riêng của nó. Nguy cơ đối với báo giấy không là sự sôi nổi của thơ trẻ trên mạng. Mà là người mê thích  đọc các loại báo văn học - nghệ thuật hiện nay ngoài xã hội có vẻ đang giảm đi nhiều. Và, giá trị tự thân của tác phẩm mới là “cơ hội cho người làm thơ”, mạng chỉ tạo ra một môi trường tốt để sẻ chia.
VÕ MẠNH HẢO: Trong một cuộc toạ đàm gần đây do một tờ báo lớn tổ chức, người biên tập mảng văn hóa của tờ báo phát biểu rằng khó mở lại trang thơ trên tờ báo này vì thật khó đánh giá một bài thơ hay, dở. Có người cho bài thơ A điểm 10 nhưng người khác lại cho điểm 1. Đó là một trong những lý do khiến thơ ngày càng ít xuất hiện trên báo. Vài năm gần đây, tôi cũng không còn nhiều hào hứng đọc thơ trên báo in vì những tờ báo dũng cảm đăng những bài thơ có nhiều tiềm tòi, sáng tạo thì nay đã hết dũng cảm. Ngược lại, những bài thơ vẫn được đăng trên các báo thường xuyên thì cứ nhàn nhạt, mang tính "an toàn" hơn là sự mới mẻ. Còn thơ trên mạng thì ngược lại. Nhìn có vẻ sôi nổi nhưng nhiều thứ lại không phải thơ. Tôi nghĩ, báo in không có thơ thì cũng...tốt, chứ không rơi vào nguy cơ như chị nói. Còn có là cơ hội cho người làm thơ hay không là tuỳ vào cách nhìn mỗi người.
NGÔ THỊ HẠNH: Nhu cầu chia sẻ của tác giả là nhu cầu thiết thực và cần được bảo vệ. Báo mạng là vị cứu tinh đáng yêu, không có chi phải phàn nàn. Việc xuất bản thành sách hay đăng thơ trên báo khá phức tạp – phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện cụ thể. Vì vậy, lựa chọn được chia sẻ trên báo mạng cũng là lựa chọn khôn ngoan của nhiều người cập nhật thông tin về đời sống mạng.
 - Tuy nhiên việc dễ dàng xuất bản nhờ mạng có khiến cho thơ mất đi sự  kĩ lưỡng, tinh tế?
NGÔ THỊ HẠNH: Tất nhiên, vì báo và sách có người biên tập, được trao đổi và chỉnh sửa nhiều lần trước khi công bố. Báo mạng đơn giản hơn, chỉ cần làm xong, thích thì đưa lên ngay hoặc gửi ngay. Tuy nhiên, cẩn trọng và kĩ lưỡng trong sáng tạo nghệ thuật và chịu trách nhiệm chuyên môn trước tác phẩm của mình là điều cần có cho một tác giả chuyên nghiệp.
VÕ MẠNH HẢO: Hiện nay tôi chỉ quan tâm đến thơ được in thành tập. Vì ở đó tôi gặp được sự tìm tòi của nhà thơ một- cách- chọn- lọc.
TRỊNH SƠN: Khuôn khổ báo giấy hạn hẹp, quy trình xuất bản lại phức tạp – nên không những thơ-trẻ mà thơ-không-trẻ đều chọn web/blog/diễn đàn mạng làm mảnh đất trưng bày tác phẩm. Thuận lợi hơn cho những người viết ở tỉnh lẻ xa xôi. Cơ hội phổ biến rộng rãi hơn cho những tác phẩm dài hơi, nặng ký. Tôi ủng hộ việc xuất bản trên mạng. Với tôi, trưng bày tác phẩm trên mạng đồng nghĩa với chưng cất suy nghĩ của mình nhờ vào thời gian bạn đọc.
MIÊN DI: Tôi thấy có sự lo âu và  quan tâm trong câu hỏi này. Xin cứ an tâm, nếu một ai đó có sự tinh tế ắt sẽ biết kỹ lưỡng.
TRẦN VŨ LONG: Điều đó thì đúng rồi. Khi mà chỉ cần một nhấp chuột là thơ đến với bạn đọc, chẳng cần qua khâu biên tập nào. Nếu thêm vào đó những cái commen dễ dãi, dần dà  sẽ “khiến cho thơ mất đi sự kĩ lưỡng, tinh tế”. Nói như vậy không có nghĩa là thơ được in trên báo giấy đều hay cả, nhưng dẫu sao thì vẫn dễ kiểm soát hơn nếu các bản báo thực sự nghiêm túc.
- Khép lại cuộc trò chuyện này, tôi xin đặt ra một vấn đề về trách nhiệm của nhà thơ với thời đại và dân tộc. Anh chị nghĩ sao về điều này?
TRỊNH SƠN: Một công dân không chỉ cứ hét toáng lên “tôi yêu nước” nghĩa là người này yêu nước. Người nghệ sĩ cũng vậy.“Nếu chưa thể làm gì cho đất nước / Hãy làm thơ em ơi / Đọc cho nhau nghe rồi thôi / Gió biết giữ những gì cần giữ / Tiết kiệm giấy / Là tiết kiệm rừng”(THƠ CHO EM TÔI – TS). Cứ sống, cứ đi và làm đẹp bất cứ thứ gì có thể.
MIÊN DI: Thế bạn thấy không gian biên tập hiện nay có hỗ trợ thơ thực hiện trách nhiệm ấy không?
TRẦN VŨ LONG: Nếu không có trách nhiệm đó thì anh sẽ thành người vô cảm. Vô cảm thì đừng làm thơ.
NGÔ THỊ HẠNH: Làm được thơ thì có nhiều người nhưng chuyên tâm với nghề và theo đuổi nó như một sứ mệnh văn hóa đặc biệt thì khá hiếm hoi. Bản thân tôi đôi khi cũng bị mai một, không phải khi nào cũng hăng hái hết tâm sức với con đường thơ ca mình đã chọn. Nhưng tôi tin vào bạn đọc thơ mình, họ vẫn là cầu nối và nuôi nguồn cảm hứng cho tôi tiếp tục với con đường chữ nghĩa. Thời đại mà tôi đang sống, xứng đáng được ghi nhận bằng những bài thơ, áng văn có giá trị. Tôi làm công việc này vì tôi yêu tiếng Việt và yêu dân tộc mình.
VÕ MẠNH HẢO: Tôi nghĩ nhà thơ phải có trách nhiệm của một công dân, và trách nhiệm với ngòi bút của mình. Có trách nhiệm của một công dân, nhà thơ sẽ không xa rời thời đại,  xa rời dân tộc. Còn trách nhiệm với ngòi bút của mình sẽ giúp cho người làm thơ không dễ dãi với từng con chữ và phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo.
Anh MIÊN DI vừa đặt ngược lại một câu hỏi rằng, “không gian biên tập hiện nay có hỗ trợ thơ thực hiện trách nhiệm ấy không?”. Vậy theo anh/chị, sáng tạo của một người cầm bút, phụ thuộc vào chính anh ta hay ở những yếu tố khác? 
MIÊN DI: Chúng ta có nghĩa bởi sự tương quan giữa người và người; giữa vị trí này và vị trí khác, sự-vật cũng thế. “Sáng tạo của một người cầm bút” cũng cần một không gian dung nạp nó, nếu cứ cất nó trong riêng mang thì làm sao nó tỏ được trách nhiệm với thời đại, với dân tộc. Không gian biên tập là nhịp cầu, nhịp cầu ấy càng thênh thang thì trách nhiệm của thơ được nối với xã hội, với lịch sử càng gắn khít.
TRỊNH SƠN: Sáng tạo chỉ có thể có trong quá trình tương tác của mỗi tâm hồn với cuộc sống bao la xung quanh. Một tác phẩm nghệ thuật hay, có hồn chỉ có thể có khi nó xuất phát từ một/nhiều đòi hỏi của tâm hồn bạn trong tâm hồn chung của thời đại bạn sống.  Một tác giả có nên chăm chú quá nhiều vào công việc của người biên tập?
NGÔ THỊ HẠNH: Bạn gieo hạt, muốn nó mọc thành cây, thì cần đất – nước – ánh sáng – phân bón. Người viết tự thân nhưng tác phẩm cần có đời sống của nó. Theo tôi, cầm bút cũng là duyên nghiệp. Những vần thơ không phân biệt mình ở trên giấy hay trên mạng, quan trọng trên hết vẫn là đến được với bạn đọc cần đọc.
TRẦN VŨ LONG: Tôi rất hiểu điều trăn trở của anh MIÊN DI trong câu hỏi ngược lại, tôi cũng chia sẻ với anh về điều này. Và có lẽ tôi xin bổ sung vào phần trả lời về cú hích để cho thơ phát triển là cần phải tạo ra môi trường lành mạnh, cởi mở hơn để cho văn học, chứ chẳng riêng gì thơ, được thể hiện mình.  Nhưng dẫu sao thì nó cũng không quyết định được cái quyền tự do sáng tạo của người cầm bút. Bởi sáng tạo nghệ thuật là một công việc tự thân, thầm lặng. Chỉ có tài năng của người cầm bút mới quyết định hình hài một tác phẩm.
Tôi xin được chia sẻ với ý kiến rằng “Một tác phẩm nghệ thuật hay, có hồn chỉ có thể có khi nó xuất phát từ một/nhiều đòi hỏi của tâm hồn bạn trong tâm hồn chung của thời đại bạn sống.” Cuộc sống hôm nay đang đòi hỏi người viết những tiếng nói trách nhiệm và dấn thân hơn nữa. Chúc các anh/ chị một năm mới an lành và sẽ có nhiều tác phẩm hay trong thời gian tới.
Văn Nghệ Trẻ (số Tết)

No comments:

Post a Comment