.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, January 23, 2012

NOBEL VĂN CHƯƠNG 2011 TỪ CÁI NHÌN CỦA DÂN CÁ CƯỢC


Trong lịch sử văn học nhân loại, chưa sự nghiệp nào được đánh giá cao về tác động xã hội như thơ Tomas Transtomer: "Thơ ông, mà lừng danh nhất là tập Những biển Baltic trên đời, là Kinh thánh thế tục của nhân dân Thụy Điển". Thơ ông cho thấy Thơ đúng nghĩa hùng mạnh đến chừng nào! Như vậy, dù ai trong bảy nhân vật nổi nhất trên trường sát phạt bằng văn học 2011 cũng xứng đáng với giải Nobel, việc các viện sỹ hàn lâm Thụy Điển chọn ông để gửi vàng là chuẩn hơn cả. Một mặt, trong thời đại mà từ ngữ mất dần hay không còn nghĩa và biến thành con rối trong tay những chuyên gia giao kết chính trị, Thơ tỏ ra như vị cứu tinh cho ngôn ngữ, vì ngôn ngữ của nó vẫn tuyệt đối cần chính xác và nghiêm chỉnh.
Labrokes.com, đóng đô ở Xứ sở sương mù,
vẫn thu hút lượng người tỷ thí vô cùng đông đảo

Như đã biết, việc chọn trao giải Nobel văn chương có vẻ đã không còn là độc quyền tuyệt đối của Viện hàn lâm Thụy Điển. Ít nhiều tùy từng năm, công chúng gián tiếp tham gia vào việc đó qua hệ thống liên mạng toàn cầu. Dĩ nhiên, họ làm thế không phải chỉ vì vụ lợi. Năm nay không giống một vài năm trước, tiếng nói vô tư của họ, tức tập trung bình luận về giá trị tác phẩm của các tác giả có khả năng đoạt giải, không thâm trầm và sôi nổi, đến mức không thể làm ngơ. Điều chắc chắn, Viện hàn lâm Thụy Điển nhất định phải tôn trọng tối đa có thể sự công bằng mà bạn đọc toàn thế giới đòi hỏi. Một trong những lẽ công bằng ấy là Thi ca. Từ năm 1996, sau nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska, Nobel văn học chưa suy tôn một nhà thơ nào.
Bên cạnh đó là công bằng cho những gương mặt lớn của văn học thế giới. Năm nay, trang mạng cá cược sừng sỏ nhất hành tinh Labrokes.com, đóng đô ở Xứ sở sương mù, vẫn thu hút lượng người tỷ thí vô cùng đông đảo. Cuộc đỏ đen ở trang này dù sao cũng cho thấy, ít nhất để tham khảo, những nét đáng lưu ý của hiện tình văn chương thế giới hiện tại. Trước khi bình tĩnh nhìn nhận như vậy, giới văn bút và công chúng văn học không khỏi giật mình về một chuyện lạ mới xuất hiện từ vài năm nay. Lạ tới mức người ta bắt đầu nghi hoặc về cái tâm của một bộ phận Viện hàn lâm Thụy Điển, cơ quan quyết định việc suy tôn các giá trị văn chương đích thực mang tầm nhân loại và có thể vĩnh cửu. Chuyện đó nảy sinh từ mùa Nobel 2008.
Trong vũ trụ đánh bạc Nobel chữ nghĩa, nhà văn Pháp JMG Le Clézio không nổi lắm lúc đầu. Song trong vài giờ trước lúc Nobel văn học được loan báo cho toàn thể độc giả các quốc gia, tỷ lệ cá độ cho ông tăng tốc từ 14/1 lên 2/1. Và ông "đột ngột trúng giải". Tình hình tương tự lặp lại với Herta Muller năm 2009: 50/1 và 7/1. Năm nay, sáng ngày công bố giải,  6-10, tín nhiệm của dân đánh cuộc dành cho Tomas Transtomer nhảy vọt chưa từng thấy trong lịch sử ăn thua chí mạng từ văn học: tỷ lệ thắng thua nhảy một phát từ từ 8/1 lên 4/9. Dư luận liên quốc gia lập tức nóng lên về việc thông tin có lẽ đã rò rỉ từ Viện hàn lâm Thụy Điển.
Nhiều đồn đoán ly kỳ về các ông lớn "tham vàng bỏ ngãi" của Vương quốc Nobel được tung ra, không chỉ ở quê hương của người khởi xướng giải. Viện sĩ Per Wasteberg tiết lộ: "Ngoài các thành viên của Ủy ban Nobel, tối thiểu năm người làm việc ở Viện hàn lâm Thụy Điển biết trước tên của chủ Nobel văn học của năm ít nhất mười ngày". Tệ hại hơn nhiều là sự trùng lặp khó lý giải của mấy sự kiện ngoạn mục. Ấy là việc chủ tịch đương nhiệm Kjell Espmark của Viện hàn lâm Thụy Điển viết lời đề tựa cho bộ Toàn tập tác phẩm của Tomas Transtoner và đúng dịp Nobel năm nay, tiểu thuyết Hận thù và Quên lãng của ông được nhà xuất bản Michel Maule phát hành và "tán dương ầm ỹ" tại Pháp, đất hứa cho bất kỳ nghệ sỹ nào ở bất kỳ đâu toan tính hay mơ ước đi vào danh tiếng và bất tử.
Hai, ba năm trước, người ta có hứa sẽ điều tra vụ nghi án bán độ. Năm nay, cơ quan chống tham nhũng của Thụy Điển cũng đã hứa như thế. Song hẳn mọi sự lại chìm vào im lặng. Một sự thật khác: chủ trang mạng Ladbrokes.com thú nhận chưa bao giờ sự cay cú được mất lại bùng nổ đáng sợ đến như vậy. Lần đầu tiên trong hơn một trăm năm Giải Nobel, một nước vô tình cho toàn cầu thấy danh giá và sức mạnh ghê gớm của Nobel văn học. Đó là CH Séc. Mấy phút trước thông báo chính thức của Viện hàn lâm Thụy Điển, đài phát thanh quốc gia RTS của nước này trịnh trọng phát đi bản tin rằng công dân Séc Dobrica Cosic, văn sỹ kiêm nhà bảo vệ cuồng nhiệt chủ nghĩa dân tộc Séc, đã được trao tặng giải Nobel văn chương năm 2011. Sinh năm 1921 ở miền trung Séc, Dobrica Cosic lừng lẫy trên chính trường như một nhà chính trị kiệt xuất.
Ông từng được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Liên bang Nam Tư, từ 15-6-1992 đến 01-6-1993. Suốt đời, ông hăng hái và bền bỉ đấu tranh cho độc lập của dân tộc Séc, cho nên được coi là Người cha của dân tộc này. Hiển nhiên, Đài phát thanh đó nhanh chóng xin lỗi nhân dân Séc, chính  khách lão làng Dobrica Cosic, "Vương quốc Nobel" cũng như các cộng đồng nghệ sĩ ngôn từ và công chúng văn học hành tinh. Vụ việc hi hữu phụ họa chí lý cho mối băn khoăn chính đáng và cảm động về nguy cơ giảm giá của Nobel văn học, một khi những người bình chọn nó ở khâu cuối cùng không cưỡng được sự lôi cuốn của đồng tiền bất chính đã và đang khuynh đảo nhiều hoạt động văn hóa, làm hoen ố hay biến tướng những thành tựu nghệ thuật kỳ vĩ tưởng đã an bài. Mối băn khoăn đang xôn xao nhiều diễn đàn khắp nơi ấy như được nhấn mạnh bằng phát lộ khó tin về văn chương nhân loại hiện tại của dân sát phạt nhau bằng văn chương, nhằm thu bộn tiền, trên mạng Ladbrokes.com.
Tomas Transtomer

Dù khó tính đến đâu, các chuyên gia văn học không thể phủ nhận rằng dân đánh bạc bằng văn học đã theo rõi khá sít sao và nắm được những thành tích của các hoạt động sáng tạo và bình phẩm trong địa hạt nghệ thuật ngôn từ. Bảy nhân vật được Ladbrokes.com tiên đoán dễ trúng giải năm nay gợi ra những vấn đề thời đại và văn chương quan trọng bậc nhất. Danh ca Hoa Kỳ Bob Dylan hết lòng vì âm nhạc, tự nguyện làm "người phát ngôn cho quảng đại dân thường", được hâm mộ đặc biệt bởi ca từ dung dị như lời nói ý nhị của họ. Ca từ ấy được đánh giá là những áng thơ thâm trầm hiếm gặp. Ông cũng bộc lộ một văn tài đáng nể qua cuốn Theo dòng năm tháng, được thừa nhận là một kiệt tác. Vì vậy, đã mấy năm, ông được đề cử cho Nobel văn học. Năm nay, tỷ lệ cá cược cho ông từ 100/1 ngày 4-10, vọt lên 6/1 ngày 5, hôm trước lễ công bố Giải, cao hơn Tomas Transtomer cùng thời điểm. Giữa thời buổi sao ca nhạc mọc lên như nấm và dường như chú ý tạo sự cố nhiều hơn đầu tư cho giọng hát, việc vinh danh Bob Dylan phản ánh nguyện vọng được nghe vang lên tiếng lòng gan ruột của đa phần công chúng âm nhạc.
Đất nước mặt trời mọc được tặng Nobel văn chương đã hai lần. Năm 1968 cho Yasunari Kawabata và năm 1994 cho Kenzaburo Oe. Hy vọng lớn cho vinh quang tột đỉnh thứ ba không chỉ của Xứ sở hoa anh đào đang được đặt vào Haruki Murakami, cây bút bề ngoài trầm tĩnh nhưng gợi lên đến sững sờ một mâu thuẫn không nhỏ của thế giới được gọi là văn minh và sang trọng. Đó là nỗi bất an, sự không thoả mãn bí ẩn, mà ngay thoải mái của bản năng xác thịt cũng không giải toả được. Với tiểu thuyết Chân dung tự thuật của tác giả chạy đường trường, ông tìm được "chiến lược giải quyết mâu thuẫn" đắc địa: không nên nôn nóng, cứ bền bỉ "phấn đấu" và sự thỏa mãn tròn đầy sẽ tới. Trong đời thực, Haruki Murakami mê chạy maratông, đều đặn sải bước không dưới mười cây số mỗi ngày. Cây bút nữ Assia Djebar, người Pháp gốc Algérie, từ lâu có mặt trong nhóm chung kết của Nobel văn học. Tiếng nói đấu tranh cho nữ quyền của bà vẫn ấn tượng và thiết thực. Tiếng nói của bà có lẽ bao quát hơn và căn bản hơn so với những chiến sĩ cùng chí hướng. Với tỉểu thuyết được hoan nghênh rộng rãi trên hành tinh Những đứa trẻ của thế giới mới, bà cần được xác nhận như một thước đo của tâm hồn nhân loại. Từ phía văn học Pháp, năm 2008, tôn ông JMG Le Clézio đã "dành mất" của bà vinh dự đại diện hôm nay.
Từ phía văn học nữ, dường như Vương quốc Nobel đã sửa chữa bất công đối với phái yếu được phần nào. Thập niên đầu thế kỷ 21, ba nhà văn phái đẹp đã được mời vào Ngôi đền Nobel: năm 2004, đó là nữ công dân Áo Elfrede Jelinek, sinh năm 1946. Năm 2007, nữ "trưởng lão" Anh quốc Doris Lessing, sinh năm 1919. Và năm 2009, Herta Muller, sinh 1953, đồng hương của Faust vừa chấn động không chỉ thế giới điện ảnh từ Liên hoan phim Venice vừa rồi. Tuy vậy, công chúng mạng, nhất là dân cá cược, hình như vẫn "ngoan cố" trọng nam khinh nữ. Thế nên, trên Ladbrokes.com, người ta tiên đoán một nhà văn phái mạnh sẽ chiến thắng trong mùa Nobel văn chương 2011, với tỷ lệ ủng hộ 4/9, chênh lệch quá cao so với tín nhiệm 13/8 dành cho nhà đấu tranh nữ quyền đang được trọng vọng bậc nhất hiện nay. Dù sao, hiện tượng dân chơi trò may rủi văn chương vẫn không quên nhắc nhở đến Assia Djebar chứng tỏ đời sống của phụ nữ xét trên quy mô toàn cầu vẫn là một vấn đề nóng bỏng.
Năm nay, Peter Nadas, sinh năm 1942, Hongrie, được dân cá độ "bầu làm đại biểu" cho các nền văn học "bé hạt tiêu", sự ghi nhận "cảnh tỉnh" có phần báng bổ đối với các vị cầm cân nảy mực nghệ thuật ngôn từ thế giới ở Thụy Điển. Đất nước mười triệu dân này đã kinh qua những bi kịch lớn của lịch sử. Dư âm của chúng vang lên tha thiết trong văn học nghệ thuật, dĩ nhiên rồi. Sau Imre Kertesz, Nobel văn học 2002 và Agota Krístof, giọng văn nữ đặc sắc hàng đầu hiện tại, Peter Nadas được coi là một trong những nhà văn quốc tịch Hongrie tầm cỡ nhất hành tinh đương đại. Ông chào đời rồi được đào luyện thành nhà báo và văn sĩ ở thủ đô Budapest, nhưng chuyển đến sống trong một làng nhỏ ở miền đông đất nước.
Và từ đó, ông cống hiến cho bạn đọc muôn phương những tác phẩm chan chứa tình yêu thương và trân trọng những con người chịu nhiều bất hạnh, lên án bất công và tội ác, nhưng độ lượng và tin tưởng vào bản chất hướng thiện của con người. Điểm chung đáng ghi nhận nhất của ba cây bút này là lòng bao dung, xu hướng ứng xử chủ đạo của thời đại. Peter Nadas vận dụng xuất sắc nghệ thuật độc thoại nội tâm, hay dòng ý thức, cho nên ông nghiễm nhiên được thừa nhận là Marcel Proust của thế kỷ 21. Thật trớ trêu, chính dân cá độ cũng nghĩ là ông "mang dòng máu Proust ít nhiều" nên bị dớp "trượt Nobel" và Nobel văn chương dành cho ông chỉ là một giấc mơ xa vời. Cái dớp định mệnh hình như cũng ám lấy Philip Roth, chào đời năm 1933, "Hoàng đế văn chương" không chỉ của nước Mỹ. Tác phẩm đa dạng, đa giọng điệu, đa tầng, Hoàng đế đề cập hầu hết những chủ đề chính của thời đại và đất nước. Ông thậm chí tự sự hóa cả những vấn đề mà thông thường người ta thể hiện bằng chính luận. Công chúng văn học toàn cầu hẳn mong muốn Vương quốc Nobel khen ngợi ông chủ yếu ở mảng tự sự thấm thía về đời sống thường nhật, phảng phất tấm lòng của những nhà hiện thực chủ nghĩa vĩ đại của thế kỷ 19. Mảng này khắc họa thuyết phục đạo lý và sự hiền minh của dân lao động chiếm đa số trong mọi cộng đồng xã hội, chắc chắn được đông đảo độc giả bình dân say mê và tán thưởng. Nguyên mảng này đã đủ để Hoàng đế được công chúng trong ngoài Hợp chủng quốc Hoa Kỳ công kênh như một vị hiền triết và cố vấn tinh thần mà không gì hay không ai khả dĩ thay thế nổi.
Vì sao Nobel "trơ trơ đến thế", một mực không ghi công cho Philip Roth? Hỏi vậy khác nào chất vấn tương tự về trường hợp của Marcel Proust hay Lev Tolstoi, hay một đôi năm rồi, của Amoz Oz, sinh năm 1939, cây đại thụ không cần bàn cãi của văn học Israel và của nhân loại, hoặc ngay năm 2011 này, của Adonis, 81 tuổi, thi hào Li băng gốc Syrie, "ứng viên số một" của Giải văn chương đồng nghĩa với giải nhân phẩm đích thực mà hầu như mọi người viết và mọi quốc gia đều âm thầm chờ đợi được trao tặng? Câu hỏi ấy vĩnh viễn không có câu trả lời chính thức và xác thực. Có điều lần này, chút chua xót hay đắng cay vẫn thường dấy lên trong câu hỏi "đơn phương" đã trở thành ám ảnh. Hơn nửa thế kỷ, người con bản lĩnh Adonis của một nông dân Syrie kiên trì khơi nguồn cho một cảm nhận cõi đời mới mẻ và một ngôn ngữ thi ca Ả-rập thật hiệu quả. Ông đào sâu toàn diện vào di sản cha ông, không ngần ngại giữ lại chất bí hiểm và tính bí truyền của thơ văn Ả-rập, trong lúc chân thật mở lòng cho văn thơ phương Tây.
Như những nghệ sĩ cổ kim đông tây hết lòng vì nhân dân, vì cộng đồng, Adonis hít thở cùng những sự kiện diễn ra ở khắp mọi miền, ví như cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, hoặc cuộc nội chiến ở Li băng, tàn khốc và không dễ lý giải. Thơ ông bật ra từ những chiêm nghiệm hay xúc cảm đại loại như thế, âm ỉ và thường trực. Ông trầm tư không nguôi về chiến tranh và bạo lực, lên án quyết liệt sự diệt chủng thổ dân châu Mỹ, việc giam hãm dân da đen trong sự chậm phát triên, tội ác bỏ rơi nhân dân Palestine cho tùy hứng của các thế lực không muốn trả cho họ tự do và độc lập, rồi chủ nghĩa tôn thờ vật chất được khích lệ như mốt sống thức thời, nạn tham những lan tràn không ngăn nổi và mỗi ngày thêm tinh vi và ác độc, rồi cái chết trắng hoành hành khắp chốn cùng nơi mà hình như chính quyền đành bó tay, tuồng như đồng lõa... Diễn đạt cho thành thơ, nghĩa là lay động và ám mãi lấy lòng người, những điều vừa nêu đã là quý lắm rồi. Song Adonis không dừng lại đó.
Ông đứng về phía số đông, khám phá và khẳng định bản chất sự hiền minh của họ: không nao núng trước cái ác cái xấu, bình tâm tin vào người vào mình, kiên trì chắt chiu từng chút cái tốt cái đẹp... Khám phá ấy như phép thần, giúp ông nhận thấy cái hay cái hấp dẫn hầu như trong mọi chuyện vụn vặt ở xung quanh, để dù muốn dù không, cảm thấy dịu lòng, vui vẻ và tin tưởng. Xét tổng thể, thơ ông là bản bi ca vĩ đại về Hòa bình thế giới, nền Hòa bình phải được xây dựng từ vô vàn tấm lòng của người nghèo khổ. Trong bản bi ca đó, những yếu tố đơn giản nhất của cuộc đời được ngợi ca chí lý, bao chuyện khó nói nên lời biến mỗi vật thành một biểu tượng, niềm khát sống không kìm lại được tỏa ngời chói lọi ở mỗi chi tiết có thể không đáng để ý của xã hội loài người.
Bìa tập thơ Tomas Transtomer ở Việt Nam

Tầm vóc vũ trụ và đời thường nhường ấy của một tiếng thơ có một không hai tưởng cầm chắc được đội vương miện Nobel! Dù vậy, Adonis vẫn phải nhường chỗ cho Tomas Transtomer, từ lâu đã lừng lẫy là thi sĩ Thụy Điển hiện đại lớn nhất và một trong những nhà thơ vĩ đại nhất toàn cầu. Ông sinh năm 1931 ở thủ đô Stockholm. Cha bỏ đi sớm, ông lớn lên trong chăm sóc và yêu thương của mẹ. Ông say mê côn trùng và từng thầm mong mỏi học hành kỳ công cho thành một nhà côn trùng học. Song, từ tuổi mười lăm, ông khám phá ra văn học và thơ ca, lu bù ngốn ngấu tác phẩm của các nhà thơ kinh điển, nhất là các thi sĩ La Mã cổ đại. Quá mê mải với thơ phú, ông học phổ thông chỉ đạt kết quả trung bình, nhưng vẫn vào được đại học tổng hợp Stockholm. Năm 1954, khi còn là sinh viên, ông công bố tác phẩm đầu tay, tập 17 bài thơ, ở nhà xuất bản lớn nhất Thụy Điển Bonniers, mà ông chung thủy suốt đời. Hai năm sau, ông tốt nghiệp khoa tâm lý học, ra làm việc cho tới năm 1990 như một chuyên gia tâm lý, chuyên tư vấn và chữa trị chủ yếu cho thanh thiếu niên phạm tội, nghiện ngập và nghèo khổ. Ba mươi năm, ông sinh sống ở thành phố thợ thuyền Vasteraas, nơi đã lập Giải văn chương mang tên ông từ 1997.
Năm 1990, ông bị xuất huyết não, liệt nửa người và hầu như không nói được nữa. Từ đó, ông lui về một hòn đảo ở Stockholm, giao lưu với bên ngoài qua "thông ngôn" là vợ ông, qua âm nhạc mà ông nghe hàng ngày, qua tiếng đàn dương cầm mà ông cũng chơi hàng ngày bằng tay trái, vì tay phải đã liệt. Tình yêu đắm đuối ông dành cho thiên nhiên và âm nhạc là một hậu thuẫn to lớn cho sáng tạo của ông. Ông chu du rất nhiều, thâm nhập thiên nhiên và các xứ sở luôn mới lạ. Đó là nguồn cảm hứng và đề tài vô tận.
Không ngẫu nhiên, thơ ông được nhiều tên tuổi lớn trong làng thơ thế giới ngưỡng vọng, ví như Joseph Brodsky, Nobel văn học 1987, Hoa Kỳ, Bai Đao, Trung Quốc, Adonis, Ly băng..., được dịch ra 60 thứ tiếng, được một số người chuyên tâm chuyển sang ngôn ngữ nước mình, chẳng hạn nhà thơ Mỹ Robert Bly, - bạn thân và người mở cửa khối Anh ngữ cho thơ ông; dịch giả Pháp Jacques Outin và nhà xuất bản Pháp tí hon Castor Astral nỗ lực đưa thơ ông đến với công chúng Pháp suốt mấy chục năm ròng..., đạt được nhiều kỷ lục đáng mơ ước về lượng phát hành và về giải thưởng văn chương của nhiều nước, nhiều khu vực, nhiều tổ chức… Thơ ca địa cầu hiện đại, ngoài Tomas Transtomer, không có mấy ngòi bút vàng mà tác phẩm trọn bộ được ấn hành khi tác giả còn sống, ấn hành không chỉ một lần, lúc y còn "đương trai", lúc y vẫn hứa hẹn bách niên nữa! Ở đất nước quê hương thì đã hẳn. Song ở nước ngoài mới là kỳ tích hãn hữu và nức lòng! Đấy ví như ở Cộng hòa Pháp, Toàn tập Tomas Transtomer được công bố năm 1996 bởi nhà xuất bản nhỏ Castor Astral, tiếp theo là nhà xuất bản lớn Gallimard, năm 2005 - hiển nhiên gộp thêm những sáng tác mới. 
Ông không đi sâu vào, mà ám chỉ thoáng qua, những "vấn đề trọng đại" của cộng đồng quốc tế, như nạn nghèo đói kinh niên mà hầu như vùng nào trên trái đất cũng có ít hay nhiều, các xung đột lớn nhỏ vô lý và tàn bạo, các chế độ độc tài muôn hình ngàn vẻ... Nói đúng hơn, ông mơ ước thấy lại sự hòa hợp nhân tình đã mất, đấu tranh để lặp lại sự thanh thản và cân bằng cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Muốn vậy, mỗi thành viên của một tập thể phải sống đúng bản sắc riêng trong sự tôn trọng bản sắc của đồng loại. Từ nhận thức ấy, ông chú ý đặc biệt tới những khác biệt vốn chia rẽ các cá thể người và các hệ thống, cổ vũ và bảo vệ tư tưởng về một nền dân chủ mà nền tảng là tự do và nhân phẩm của mỗi người. Không đánh mất cái riêng và chấp nhận cái khác mình trên cơ sở thu hẹp khoảng cách giữa "mình với ta", suy cho cùng, là sự biết điều được dân thường muôn phương tôn thờ cả ngàn năm rồi vậy. Sự "biết điều dân gian" mà ông hết lòng ca ngợi chính là hồn cốt của thơ Tomas Transtomer.
Sự biết điều ấy mang về cho ông một chân lý: cái thường ngày ẩn chứa những bí ẩn của cõi người. Cho nên, ông chuyên chú đưa thường xuyên vào thơ mình những khoảnh khắc sống bình dị, với vô số chi tiết "tầm thường" và "vớ vẩn", thông qua những câu chuyện nhỏ cô đọng và ngôn ngữ thường nhật giàu hình ảnh và nhạc điệu. Trong ông, nhà thơ đồng nghĩa với một nhà tư tưởng phụng sự số đông, một nhà kể chuyện giản dị nhưng không đơn giản, một họa sĩ nhạy bén với đời sống muôn màu, một nhạc sĩ bắt được những sóng ngầm của tâm hồn dân tộc... Từ đó, hầu như bài thơ nào của ông cũng lung linh kỳ ảo bởi sự ý nhị hiếm thấy trong bộc bệch nỗi lòng, bởi chất tinh tế trong cảm nhận hiện thực và ấn tượng riêng tư, bởi sự phong phú đáng kinh ngạc của vô số ẩn dụ. Thơ ông vì vậy thật dễ hiểu đối với độc giả thuộc các trình độ văn hóa, xu hướng thẩm mỹ và điều kiện thưởng thức nghệ thuật khác nhau.
Một chuyên gia văn hóa Thụy Điển làm việc lâu dài ở châu Phi kể lại rằng thơ Tomas Transtomer không xa lạ với dân thường du canh du cư, các trí thức trong các viện nghiên cứu và các nghệ sĩ đủ loại. Nhiều lần, khi cùng làm việc với dân bản địa, lúc nghỉ giải lao, ông ngẫu hứng đọc vài đoạn thơ của Tomas Transtomer dịch sang tiếng Bồ Đào Nha chẳng hạn, rồi đố họ xem tác giả những đoạn thơ đó là ai. Tất cả thống nhất ở chỗ đều thích thú chúng và khen ngợi hết lời. Song về xuất xứ, người cho ấy là thơ mới của một nước đông Phi, xa nhất cũng chỉ những năm 1950, kẻ bảo đích thị thơ Ba Tư tối cổ. Họ tranh luận mãi như thế cho tới khi sự thật được hé lộ. Không ít học giả nhận định rằng Tomas Transtomer là một nhà thơ tiêu biểu của thời đại chúng ta, cho nên ông cũng là thi sĩ của muôn thuở.
Thơ muôn thuở thì bao giờ cũng giản dị, hàm súc và chấn động không cùng. Trong lịch sử văn học nhân loại, chưa sự nghiệp nào được đánh giá cao về tác động xã hội như thơ Tomas Transtomer: "Thơ ông, mà lừng danh nhất là tập Những biển Baltic trên đời, là Kinh thánh thế tục của nhân dân Thụy Điển". Thơ ông cho thấy Thơ đúng nghĩa hùng mạnh đến chừng nào! Như vậy, dù ai trong bảy nhân vật nổi nhất trên trường sát phạt bằng văn học 2011 cũng xứng đáng với giải Nobel, việc các viện sỹ hàn lâm Thụy Điển chọn ông để gửi vàng là chuẩn hơn cả. Một mặt, trong thời đại mà từ ngữ mất dần hay không còn nghĩa và biến thành con rối trong tay những chuyên gia giao kết chính trị, Thơ tỏ ra như vị cứu tinh cho ngôn ngữ, vì ngôn ngữ của nó vẫn tuyệt đối cần chính xác và nghiêm chỉnh.
Mặt khác, khi mà con người bị bối rối vì quá nhiều thông tin trái chiều, bị mất phương hướng, đến nỗi ngay nhiều tiểu thuyết đoạt Nobel họ cũng không đọc nữa, họ không thể không tìm đến thơ Tomas Transtomer, đến Thơ đích thực, trước hết như một niềm an ủi, sau là nhận chân lại mình và niềm vui được sống, và tự tin bước tiếp trong vũ trụ con người luôn biến chuyển mà bệ đỡ là sự hòa hợp của những cái tôi nhân bản bất tận...
PHÚ KHÊ
Nguồn: Tạp chí NV số 1/2012

No comments:

Post a Comment