.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, January 20, 2012

THẾ GIỚI TƯƠNG HỢP TRONG THƠ HOÀNG VŨ THUẬT – PHẦN II


                                                                                                                  
PGS TS Hồ Thế Hà
Những bài thơ hay đều có những đặc điểm thi pháp nói trên như: Hạt cúc Thăng Long, Trên cánh đồng anh, Mắt đêm, Phác thảo, Khát, Ảo giác, Dấu lặng, Gãy khúc, Vô thức, Những mảnh vỡ không nhìn thấy... (Ngôi nhà cỏ), Đọc Kafka, Màu, Điều ấy có nghĩa gì, Viết dưới tượng Exênin, Đo, Lăng tẩm, Chân dung, K, Nghiệm, Tại vì, Tháp, Mãi viên trà... (Màu). Hai tập thơ xuất bản cùng thời gian và có lẽ cũng sáng tác cùng thời gian nên thống nhất về phương thức biểu hiện và giọng điệu. Nghệ thuật hiện đại và dấu ấn hậu hiện đại được quan tâm tăng cường đã làm cho thơ Hoàng Vũ Thuật có những phẩm chất nghệ thuật mới, nhưng vẫn dựa vào cảm xúc chân thành và triết luận thâm thúy thời hiện đại.
 Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật
Vì vậy, tránh được sự làm dáng đáng trách như một số nhà thơ trẻ thường mắc phải. Ý thức cách tân thơ luôn thường trực trong từng cảm giác bé nhỏ của mình trước hiện thực cuộc sống đang từng giờ thay đổi đã thôi thúc Hoàng Vũ Thuật phải cách tân bút pháp, phải tạo ra mối quan hệ hài hòa mới giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ: "Nghệ thuật vì thế không thể bằng lòng với những gì đã có, rập khuôn, trùng lặp cái xưa cũ. Nghệ thuật phải làm cuộc cách mạng tự thân để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới của công chúng... Có điều, sự thay đổi của thơ không phải sự thay đổi thiên về mặt chữ nghĩa, nặng về hình thức. Cảm xúc con người không đứng yên, luôn ở trong thế vận động. Cảm xúc không thăng hoa, không nhập thần, thơ sẽ trở thành thứ xác chữ. Con sông sáng tạo chẳng khác nào mặt hồ phẳng lặng, buồn tênh"(3).
Những giả định "giá như mọi vật đồng nghĩa với cái không tồn tại - giá như cứ thế mà xa cứ thế mà quên" luôn xuất hiện trong thơ Hoàng Vũ Thuật, như là những mệnh đề thao thức thơ về nhân tình, thế thái. Chúng như những "bông hoa vỡ ngàn cánh máu - rỏ xuống lót ổ câu thơ - bào thai thiên thần". Hàn Mặc Tử cách đây hơn nửa thế kỷ cũng đã có những liên tưởng kỳ lạ như thế: "Sao bông phượng nở trong màu huyết - Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu" nhưng không táo bạo như Hoàng Vũ Thuật:
sao không được làm sao đổi ngôi
đốt cháy đêm đông đặc
sao không cuộn tròn hạt nước
chìm vào thâm u
sao không được làm đá sỏi
rơi theo nhau nát vụn cùng nhau
                      (Hoa vỡ)
Nỗi hẫng hụt để biết đời đang thường trực những nỗi buồn thánh thiện lại là những ý nghĩ cứu rỗi dính kết vào nhau để linh hồn được phiêu diêu trong cỏ cây, hoa lá, để chứng thực những mảnh đời bé mọn đang từ bi dưới cánh lá bồ đề: "nấp dưới cánh lá bồ đề màu phật - một cô bé một thiếu nữ một người mẹ - cô bé vắt tuổi thơ qua đồi sim - thiếu nữ mười sáu lần trăng đỏ - người mẹ đội nước lên chùa" (Mãi viên trà). Và cũng chỉ có cách đó, nhà thơ mới chứng kiến những hiện thực đang diễn ra trước mắt mình:
mười lăm phút dư thừa đói nghèo khôn dại
chiếc gương phản chiếu hành tinh
trẻ và già gái và trai hiền và dữ
tóc nâu tóc vàng tóc xanh
cuối mùa thu rừng phong trút lá
trơ trọi mình họa sĩ giữa khung đêm
(Họa sĩ trong công viên kuntura)
Tất cả điều ấy có ý nghĩa đánh thức những tiềm lực, những va chạm và rạn vỡ khiến con người không thể thờ ơ trước những biến động của thời hiện đại, dù có lúc họ tỏ ra bất lực, bởi "mọi thứ  - dài - và - ngắn - hơn tôi tưởng", mọi thứ đều vụt hiện vụt biến:
vì những tháp chuông nhà thờ
                     nối với một ngôi sao
vì chú lạc đà trong công viên bỏ quên sa mạc
vì đôi chân trần bạch dương quyến rũ
(Điều ấy có ý nghĩa gì)
Cho nên con người cũng phải nương vào vũ trụ để tồn tại, để làm lại những tương hợp, sinh thành, dù điều đó không phải dễ: "làm lại thế giới đã khó - làm lại con người càng khó hơn", nhưng dù sao cũng phải làm lại từ đầu:
thế giới còn phải làm lại từ đầu
huống gì một con người
thế giới sắp xếp tưởng đã ngăn nắp qui củ
thế rồi xáo tung lên tất thảy

          tôi cũng là thế giới
tự đảo lộn mình
đi đứng nói cười kiểu của mình
                           (Thế giới và tôi)
Tác giả thao thức về một cõi mê lộ có dấu chấm linh huyền để "cho tôi - thêm lần trời rộng - thêm lần mặt đất trinh bằng - cho tôi - từ không đến có - thêm lần hư thực - thực - hư" (Cõi ). Và một sự thánh thiện khác lại bắt đầu đánh thức những tiềm lực mới như "đàn kiến kia - với bài ca  diệu kỳ - bài ca cuộc hành trình vòng quanh trái đất" (Kiến). Và hệ quy chiếu hồi sinh cũng lại nảy mầm:
như suối nguồn thơm thảo
miên man
hết tháng cùng năm
hạt thánh
nảy nở muôn loài

          như bừng bừng của lửa
làm nóng ran tế bào ngủ quên
rực rỡ trên đỉnh hoan lạc
uyển chuyển
vầng trăng cong
(Sự thánh thiện)
Trong thơ Hoàng Vũ Thuật, câu chữ thường lưu vong trong thế giới siêu thực để hư vô hóa những hệ lụy và bất ổn của cuộc sống hiện tại. Và sau miền hư vô, hoang tưởng ấy, nhà thơ phải thốt lên"a men - a di đà - tôi giật lùi và chắp tay lên ngực" để sau đó, chính mình lại được hiện hữu trong một vũ trụ tinh thần khác đầy tin yêu, hoan lạc: "anh ngược con đường - để trở về con đường khác". Ở đó, ngày đêm vần vũ theo nhau, chống chọi với cô đơn và tật nguyền để hiện về gương mặt đồng trinh thanh khiết:
từng ngày từng ngày từng ngày
từng đêm từng đêm từng đêm
cây khô lại mướt sao tàn lại hiện
       (Năm ngày đêm)
Và một khát khao mới lại bắt đầu:
tôi bay khỏi hành tinh đến hành tinh khác
em vẫn đợi nơi ngõ nhà trái đất
tôi đứng một mình cây cột đèn
đêm đêm hắt bóng loài người đi qua
tôi bay giữa muôn chiều giãn nở phập phồng
cõi phù sinh
ẩn hiện biến tan trong bóng tối
                                                      (Khát)
Bài thơ Lăng tẩm là một tương hợp, một đúc kết mang tính khái quát vĩnh cửu về trầm luân kiếp người, không phân biệt đẳng cấp, hư vô hóa mọi thực thể:
nằm dưới kia
một ông vua một hoàng hậu một người hầu
một thanh gươm một tuấn mã một mê nón
một lệnh truyền một trống giục một lời van

          nằm dưới kia
một hộp sọ một ống xương chân một đốt lóng tay
một trung thực một đớn hèn một điên loạn
một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà
một vận hạn một thức thời một nguyền rủa

          nằm dưới kia
tất cả dưới kia
không tan chảy không đông đặc không biến hóa
không lắng xuống không đầy lên
hợp duềnh bể máu
(Lăng tẩm)
Thế giới màu trong thơ Hoàng Vũ Thuật hầu như bị khúc xạ và hóa thành những ảo giác, những  nghi vấn: "tôi quay sang trái - đen và đen và đen - tôi quay sang phải - đen và đen và đen" (Màu). Cuối cùng, khát vọng của con người vẫn là ước mơ vào những điều hằng cửu như "giá đỡ những trang sách mở ra số phận - cay đắng hạnh phúc" để mãi mãi niềm mong đợi thành huyền khải ban đầu, bởi vì: "thế giới tồn tại nhờ cứu rỗi - thế giới tồn tại nhờ tử tế" (Tử tế). Vậy tại sao con người không hy vọng và  mong đợi vào "tính bổn thiện" của con người?
trên đồng cỏ mượt mà loài dế nỉ non bài hát
tuổi thơ
về một thế giới xanh bất tận
trên cát bỏng xương rồng khô khan
tua tủa gai nhọn
chọc thủng trời sâu
trên sóng bạc đầu truyền kiếp hải âu sải cánh
dệt miền huyền thủy
trên mây tím thổn thức ngàn năm trôi dạt
không chốn nương thân
trên dư vị hoàng hôn đánh thức chán chường
cây lá dưới nắng và gió
anh đợi
(Anh đợi)
Anh đợi như cây thánh giá thay đồng hồ điểm giờ cho tháng năm dích dắc trên miền đất hoan cảm. Sự phục sinh trở nên kỳ diệu làm sao qua khát khao tương ngộ giữa con người và vũ trụ: "hãy đến cùng tôi hoa ơi - hãy đến - tôi mở tung cánh cửa ngực mình - trái tim tôi - chiếc bình không vỡ - sẽ là nơi cắm xuống mối tình" (Hoa ơi hãy đến).  Ở đó, những giọt đắng sẽ nâng bước ta đi: "ta đi hay đời đi - những bước chân khởi thủy - những bước chân hoang tàn - những bước chân hiện hữu" (Đắng). Dù có "phô bày trước ánh sáng - khỏa thân đêm tân hôn" thì cũng chỉ có đêm mới xóa đi tất cả. Và khi ấy, bóng tối trở thành màu cứu rỗi cho những tâm hồn nguội lạnh, cho những hồi sinh bắt đầu quên - nhớ từ những mảnh vỡ hư vô và hiện hữu. Cứ thế, thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn đang trên hành trình về phía da diết bản thể người. Với thơ, Hoàng Vũ Thuật mãi còn làm người nô lệ khuân vác chữ nghĩa đi trong hoàng hôn buồn bã, bình minh vui không phải chỉ cho mình mà chính là cho thi ca.
Hai tập thơ, một hành trình nghệ thuật chưa kết thúc, Hoàng Vũ Thuật đã vắt kiệt tâm hồn mình để đi và đến, để nhớ và quên, để yêu và giận, để  buồn và vui. Sau những câu thơ rướm máu là những giọt nghĩ đứt nối trong đêm không phải chỉ cho mình mà chính là cho những điều hằng cửu của cuộc sống và thi ca. Thế giới màu trong ngôi nhà cỏ của Hoàng Vũ Thuật lung linh mỗi sáng mà ở đó luôn có sự giao động giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ngày và đêm, giữa hiện hữu và hư vô, giữa hiện thực và siêu thực, giữa thất vọng và hy vọng. Nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ tài hoa, nhiều cấu trúc nghệ thuật mới mẻ đã làm nên tính hiện đại trong thơ Hoàng Vũ Thuật, nhưng rất tiếc, trong bài viết ngắn này, chúng tôi chưa thể thao tác để giải mã nghệ thuật cấu trúc của từng bài thơ được. Thế giới tương hợp trong thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn đang vẫy gọi sự đồng vọng của những độc giả đồng sáng tạo.

HỒ THẾ HÀ
--------
•(1)     Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội nhà văn, tr. 289
•(2)     Nguyễn Đức Tùng, Thơ đến từ đâu, NXB Lao động, 2009, tr. 436
            •(3)     Nguyễn Đức Tùng, Sđd, tr. 428-429

No comments:

Post a Comment