.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, January 25, 2012

VĂN NGHỆ NGHỆ AN 2011 - MỘT NĂM ỒN ÀO VÀ… BUỒN

Có thể đây là năm thật buồn mà sau này không ai muốn nhắc lại.
Một năm thật buồn mà ai có ý định thống kê hay viết đôi điều mang ý nghĩ tổng kết cũng sẽ làm trong tâm trạng thật khó xử. Có bao điều để nhớ, có bao điều để quên, có bao điều phải nói dù không muốn nói, có bao điều muốn nói mà không thể nói.
Văn học nghệ thuật đã mở đầu năm mới 2011 bằng lễ trao bằng khen và quà tặng của UBND tỉnh Nghệ An cho các tác giả đoạt giải vào ngày 13/ 1. Con số 13 có vẻ như mở đầu cho một năm xui xẻo, theo cách quan niệm của dân gian… Pháp. Một năm ồn ào và mệt mỏi của nền văn nghệ tỉnh nhà.
Tiếp đó diễn ra đại hội Câu lạc bộ văn học nghệ thuật Hương Rừng với nòng cốt là nhóm Văn đàn - nghe hai cái tên này đi bên nhau người ta đã có thể nghĩ ngay đến một thứ ấn tượng về một kiểu Á Đông bếp núc tân cổ giao duyên. Tiếp đó ngày 21 tháng 1, tại cơ quan văn phòng Hội, người ta tổ chức lễ công bố quyết định kết nạp Hội viên mới. Cuộc kết nạp lần này không xôm trò bằng năm ngoái vì chỉ có… 13 hội viên được kết nạp mới với 1 vị được chuyển từ tỉnh bạn đến, một con số khiêm tốn hơn con số ấy của năm trước. Dẫu vậy, anh em yêu văn nghệ tỉnh nhà cũng có lí do để hi vọng, đúng ra là để vui, tin và yêu hơn nền văn nghệ nhân dân của chúng mình, vì cứ sau một năm, Hội văn nghệ lại phát hiện được đến trên chục cây bút tài năng cỡ ấy, là dấu hiệu của một nền văn nghệ đang thịnh. Lại nữa đấy không chỉ là vấn đề tài năng, đấy còn là vấn đề đam mê, khát vọng… Với con số này, hoặc nhiều hơn thế của năm trước, ai bảo nền văn nghệ đang suy? Ai bảo văn nghệ đang thụt lùi?
Tháng giêng là tháng ăn chơi, sau cái vụ ăn chơi hợp pháp như một sáng tạo độc đáo của Hội Nhà văn Việt Nam, đâu đâu người ta cũng thấy ngày thơ được tổ chức thật trang trọng. Thôi thì từ trung ương đến địa phương, từ nhà thơ lớn, nhà thơ béo đến nhà thơ nhỏ, nhà thơ gầy, người người nô nức chờ đến ngày đó. Thì đấy, là phong tục, là tín ngưỡng cứ thế mà theo. Và đến ngày thơ, ai chẳng muốn viết cho mình một vài bài, để, nếu “chúng nó” không “cho” đọc ở hội trường, trước công chúng thì đọc cho bạn, cho vợ con nghe ở nhà. Thơ Thanh Chương, thơ Yên Thành, thơ Diễn Châu, thơ Quỳnh Lưu, thơ Tao đàn mùa xuân, mùa hạ… vô thiên lủng. Thơ sản xuất như khoai, tháng giêng là tháng trồng khoai… Những ngày thơ thường là những ngày mưa gió. Ăn chơi sợ gì mưa rơi…
Các cuộc triển lãm vẫn được tổ chức đều đặn, bởi đã thành thông lệ. Triển lãm mừng Đảng mừng xuân, triển lãm mừng các ngày lễ lớn… Nghệ sĩ vẫn tất bật túi bụi tíu bịu với những cuộc mang ảnh đi mang ảnh về… trên chặng đường dài dặc và u buồn trong tỉnh, ngoài tỉnh… Đáng chú ý trong số các triển lãm ấy là thỉnh thoảng các tác giả tỉnh nhà cũng được dự đôi phần vinh quang. Trong triển lãm tranh cổ động chủ đề “Biển đảo quê hương”, họa sĩ Trần Hoàng Trung được dự treo hai tác phẩm: Tổ quốc ơi! Có đảo con đứng canh cho ngườiĐoàn kết một lòng ra quân chiến thắng.
Hội viên trẻ (mới toe) sắp nghỉ hưu Phan Văn Toàn được giải khuyến khích cuộc thi ảnh nghệ thuật “Huế - một góc nhìn mới”. Cũng tác giả Phan Văn Toàn là một trong hai tác giả (cùng với Sĩ Minh) có tác phẩm dự triển lãm tại cuộc thi ảnh Việt Nam quốc tế với tác phẩm Bến đỗ.
Nhân chuyện giải thưởng, có lẽ không thể không kể đến sự kiện Cho đồng thơm gió của nhà văn Nguyễn Thị Phước nhận được cúp và quà tặng 15 triệu đồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trao cho các tác phẩm thuộc nhiều loại hình của văn nghệ Việt Nam mấy chục năm qua). Nghe nói danh sách các tác giả được giải bao gồm toàn những gương mặt “oanh liệt” của văn học nghệ thuật nước nhà như Văn Cao, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường… Để thể hiện lòng yêu quý và tôn vinh tác giả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay sau đó cũng tổ chức một cuộc gặp gỡ tác giả. Bữa tiệc được tổ chức long trọng, có nhiều quan khách, có cả nhiều người hát.
Các Đại hội văn nghệ địa phương vẫn được tổ chức đều đặn.
Các tập thơ, văn xuôi vẫn được xuất bản đều đặn.
Đáng chú ý là tập tuyển thơ lục bát xứ Nghệ được công bố. Người đã mày mò đọc, chọn trong hàng đống sách, báo, tạp chí của suốt sáu mươi năm qua, để tập hợp được những bài thơ lục bát chất lượng đưa vào cuốn sách lại không phải một nghệ sĩ, không phải nhà nghiên cứu, đấy là một nhà giáo nghỉ hưu, đến lông mày cũng bạc phếch bạc phơ…
2. Ngày thơ Việt Nam, sau chín năm, lần đầu tiên được tổ chức ở Nghệ An, một số lớn học sinh, giáo viên được huy động đến, không chỉ để biểu diễn phụ họa với các hoạt động chính như thả thơ, vẫy cờ thơ, mà còn, và có lẽ là nhiệm cụ quan trọng nhất là ngồi như nghe thơ. Ầu ơ nghe thơ! Hoành tráng, ấm cúng và bận rộn. Có nhiều vị lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều vị lãnh đạo tỉnh có mặt tham dự. Sau lễ kéo cờ thơ là màn mở đầu ngày thơ Bác về với hội non sông, với nhiều tiết mục độc đáo nhưng không mấy tốn kém: những ống bương trong điệu múa của các thiếu nữ vùng thiểu số được sử dụng là những ống nhựa Tiền Phong sơn vẽ sơ sài; bài Hạt gạo làng ta có múa phụ họa bởi một dàn diễn viên nhí xinh đẹp, và nghệ thuật toát lên từ cái vô tư con trẻ. Nhưng những “hạt gạo” mà các em bưng thực ra là những quả xoài bằng nhựa đồ chơi. Vậy nên có người thở dài: “Đây là điệu múa quả xoài làng ta”!
Cũng có người cho rằng ngày thơ đúng là ngày thơ Việt Nam thật, bởi những người tham gia diễn thơ chủ yếu là các tác giả ở xa đến, đều là những người có vai vế trong Hội Nhà văn Việt Nam.
Hôm ấy bầu trời Câu lạc bộ Lao Động có mưa rơi.
3. Nhạc sĩ Mai Cường tạ thế nhằm ngày 15 tháng 7, cũng là rằm tháng 6 năm Tân Mão.
Trước đó. Cuối năm 2010, người ta đã phát hiện trong con người khổ sở ấy căn bệnh ung thư.
Nhưng sau đó, cứ một thời gian vắng, hễ đi lại được, ông lại đến cơ quan văn phòng Hội để chỉ đạo công việc.
Cho đến gần những giây phút cuối cùng, người ta vẫn thấy trong con người ấy niềm lo lắng cho công tác Hội, cho nền văn nghệ tỉnh nhà.
Nhiều người thương ông.
Ông ra đi, rõ ràng đã để lại một khoảng trống nào đó.
4. Sự kiện gây ồn ào hơn cả là giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần 4 với những lình xình của nó.
Trước khi giải được khai màn, có một bài viết được tung lên mạng với một người giấu mặt, kí bằng cái tên là lạ, hình như là Lê Thu Giang. Bài viết có những nhắc nhở, những cảnh báo, những ước đoán… Và không ai nghĩ, nó lại là những dự báo chính xác cho những rùm beng của mùa giải này.
Thoạt tiên, thiên hạ kháo nhau về một bài vè sau vòng sơ khảo [...]
Tiếp đó là đơn thư của một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Chuyện kiện cáo giải thưởng đã trở thành một thứ thông lệ trong văn nghệ Việt Nam, trong các kỳ giải Hồ Xuân Hương. Vậy nên ban đầu nhiều người chậc lưỡi: “Kiện cáo à, câu cửa miệng có gì mà khụng khiệng”. Nhưng ít ai ngờ tình hình năm nay lại khác!
Tiếp đó là hàng chục lá đơn, có lá dài đến hàng chục trang, cũng của nghệ sĩ này, và một số “đồng chí” của ông. Và giải, vì thế, đã trở nên rắc rối.
Rồi đơn khiếu nại, rồi đơn đề nghị nâng hạng giải thưởng của một số người, rồi có người rút khỏi giải, không biết vì thấy lòng tự trọng bị tổn thương mà tẩy chay con gà quay, hay vì dỗi nghệ thuật rối (nghệ sĩ hay như vậy, và nhiều khi không tin được cái gì phía sau việc họ làm). Đơn từ cũng đủ kiểu: khiếu kiện về vi phạm quy chế, vì chấm không công bằng, vì vân vân; không có giải thì kiện với hi vọng được giải, có giải rồi chưa thỏa mãn thì kiện để được giải cao hơn theo, được voi đòi Hai Bà Trưng… Rồi nữa, không chỉ nghệ sĩ, một vài người (hình như là luật gia) cũng vào cuộc, mà không bàn về chất lượng giải, chỉ bàn về tính pháp lí của hệ thống hoặc một vài văn bản liên quan đến giải để rồi Sở Tư pháp cũng được mời vào cuộc. Hội đồng chấm giải, Ban chỉ đạo tổ chức họp lên họp xuống, xử lí đơn thư, kết luận, rồi kiện, rồi họp… nghe nói không khí trong các phòng họp thường căng thẳng cũng như sự căng thẳng của giải. Điểm khá thú vị và hài hước là lần này, mặc dù các cuộc họp đều được tổ chức nghiêm túc và không có ai công khai rằng sẽ ghi âm, nhưng tất cả những phát ngôn của các nhân vật liên quan đều được thu âm và phát tán trên blog cá nhân. Rõ ràng là có nội gián. Không ai tưởng tượng nổi có thể có những nghệ sĩ tầm bậy, và mưu mẹo thế (tôi không muốn nói nặng lời hơn, dù đối với trường hợp này, không có lời nào có thể coi là nặng). Cũng xoay quanh sự kiện này, ta có thể thấy được thế mạnh vô song của blog cá nhân: mặc sức xúc phạm, xỉ vả bất cứ ai, dù là nghệ sĩ, dù là nhà chức trách… Dĩ nhiên, các blog ấy nhận được nhiều comment ủng hộ, bình luận rôm rả. Chỉ tiếc là bên cạnh nhiều bình luận khách quan, tâm huyết, chừng mực và văn hóa, thì người ta thấy xuất hiện không ít bình luận thể hiện rằng tác giả của những comment đó chưa thực sự hiểu rõ sự tình nên đưa ra những nhận xét khá ẩu và thiếu xây dựng. Dĩ nhiên, người ta thì muôn vẻ, điều quan trọng là văn hóa và tư cách các chủ blog - những người kiểm soát chính blog ấy.
Có người bình luận rằng các blog ấy đều là của những người muốn thừa cơ để làm một điều gì đó về mục đích này hay mục đích kia. Chẳng sao cả, điều đó cũng tốt cho văn nghệ, ít nhất là biết để mà tránh.
Lại có những người có trách nhiệm chờ khi hạ màn tất cả mới có những phát biểu, những động tác chứng tỏ nhân cách. Điều đó đánh lừa được một vài kẻ ngây thơ hoặc có thói quen cánh hẩu. Nhân cách con người, nhất là nhà văn không được làm nên bởi một vài hành động lừa mị.
Các rắc rối rồi cũng tạm yên. Giải đã được trao nhưng vết đau văn nghệ chắc là không phải ngày một ngày hai là có thể nguôi ngoai.
Văn học nghệ thuật, một năm ồn ào và buồn.
Hi vọng, năm sau nắng sẽ ấm, người sẽ tốt hơn lên.
Vinh, cuối Tân Mão, đầu 2012
Nguyễn Lê Hiểu Mai
(Nguồn: VHNA)

No comments:

Post a Comment