.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, January 31, 2012

NHÀ VĂN NGUYỄN DANH LAM: NĂM 16 TUỔI TÔI SỐNG MỘT MÌNH COI CÁI RẪY CÀ PHÊ Ở ĐĂK LĂK



Hơn 10 năm làm thơ, bỗng một ngày gã cựu sinh viên mỹ thuật Nguyễn Danh Lam rẽ sang viết tiểu thuyết và ra liền 2 cuốn trong một năm. Sau đó, anh lại nhảy sang viết truyện ngắn và đoạt giải nhì cuộc thi của Báo Văn nghệ.

Anh là một trong số ít nhà văn trẻ viết khá đều tay và thành công ở nhiều thể loại. Việc cuốn tiểu thuyết thứ ba của Nguyễn Danh Lam được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn VN cũng không khiến những ai từng đọc “Giữa dòng chảy lạc” cảm thấy quá ngạc nhiên. Lam tiết lộ, theo thời gian anh viết… chậm dần đi. Và sự “chậm dần đều” ấy đã mang lại sự cộng hưởng tốt khi sách của anh cuốn sau được đánh giá cao hơn cuốn trước.
“Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”
- Có ý kiến cho rằng văn xuôi trẻ năm 2011 “ngủ đông”, góc nhìn của anh thế nào?
- Nói theo kiểu sinh học, ngay cả ngủ cũng là một tín hiệu tốt. Con nít khi ngủ cơ thể tiết hormon tăng trưởng. Cây cối khi ngủ ủ mầm cho mùa mới. Vì vậy văn học trẻ có “ngủ”, tôi vẫn nhìn thấy ở đó sự lạc quan. Song thực tế hình như, văn học trẻ chưa bao giở “ngủ yên”. Cây bút này “ngủ”, người kia đang viết. Tác giả này im hơi, người khác đang in sách, phát hành. Năm nào chả thấy ít nhất dăm ba đầu sách của các tác giả trẻ chào đời?
- Anh có cho rằng với “Giữa dòng chảy lạc” anh đã nói được vấn đề, phản ánh được tâm thế của thế hệ mình?
- Mỗi tác giả, tác phẩm, góp một tiếng nói cá nhân vào dòng chảy chung. Tôi cũng chỉ hy vọng “Giữa dòng chảy lạc” làm được đến thế. Cuộc sống rộng lớn như vậy, mình ngồi trong cái góc riêng tư của mình, gọi lên một tiếng mà có người nghe thấy, đó cũng là hạnh phúc rồi.
- Từ khi nào anh biết mình sẽ gắn bó với việc viết văn?
- Năm 16 tuổi, tôi sống một mình coi cái rẫy cà phê ở Đăk Lăk cho đến 20 tuổi. Không điện, không nước, không một tiếng người. Thậm chí nhiều khi không... ăn. Chỉ có một tủ sách nhỏ bầu bạn. Tôi bắt đầu làm thơ. Có đêm viết 7- 8 bài một cách tự nguyện, không biết đăng báo nào, hay gửi cho ai đọc. Có lẽ tôi đã mê chữ từ đó. Ngoảnh đi ngoảnh lại, cũng đã 24 năm.
- Đọc “Giữa dòng chảy lạc”, ngoài một cuộc sống có quá nhiều bất ổn và phận người thì phù du, nước chảy bèo trôi, người đọc vẫn băn khoăn tự hỏi có điều gì lớn hơn mà tác giả ẩn sau từng câu chữ?
- Mỗi độc giả có những hướng nhìn nhận văn bản khác nhau. Tôi không thể nói thay. Phần tôi, khi viết quả thực có gửi gắm ít nhiều. Tôi đã bôn ba, chịu nhiều cơ cực từ tấm bé. Lại có cả một thời gian 5 năm dài, sống gần như đơn độc giữa thiên nhiên hoang dã. Tôi tự nhận mình là một người nhạy cảm, thích suy tư. Nhiều suy tư của tôi từ lúc con nít, đã nghe "mùi" triết lý thân phận, nhân tình thế thái, dĩ nhiên là non nớt. Sau này vào đại học, được về thành phố lớn, thứ sách đầu tiên tôi “đâm đầu” vào đọc là triết học. Cảm thấy nó gọi tên được nhiều điều mình từng nghĩ trong đầu. Tôi đọc nhiều năm, đã có lúc bị “ngộ triết”, đọc xong là... phun ra phèo phèo. Về sau tôi nghĩ, trong văn có triết, chứ không phải “lẫn” triết. Hoặc nhân tình thế thái cũng vậy. Tất cả phải nằm êm dưới lớp văn. Thậm chí gần đây, tôi nghĩ, chỉ cần kể một câu chuyện thật giản đơn. Nhưng khi tác giả đã suy tư, thì cái suy tư kia tự nó đã ở trong từng câu chữ. Phần bóc tách, tôi mong độc giả hợp tác với tôi! 
- Và dường như chẳng thể nào có một thứ gọi là “bảo hiểm”, thứ mà nhân vật chính được mời mua ngay từ đầu cuốn sách, cho mỗi thân phận trong cuộc đời này?
- Quả vậy, trong chương đầu của “Giữa dòng chảy lạc”, khi cô bán bảo hiểm đang huyên thuyên về sản phẩm của mình với khách hàng bỗng tòa cao ốc rất hiện đại, tiện nghi nơi họ ngồi bốc cháy. Và trong hoàn cảnh ấy, chính cô ta lo chạy trước cả vị khách mà mình đang thuyết trình. Hình ảnh ấy là một chủ ý của tôi. Trong “Giữa dòng chảy lạc” tôi còn gửi gắm nhiều ẩn dụ như vậy.
- Như anh đã viết trong tiểu thuyết, “chẳng ai là nắm giữ được vận mệnh mình trong tay”, thế còn vận mệnh của một quốc gia, dân tộc thì sao, bởi đó cũng là điều mà những người cầm bút không thể không quan tâm?
- Cái này lớn lao quá. Tôi chỉ biết lùi về góc độ mỗi con người. Và cũng yên tâm khi nghe Stephen Hawking bảo “vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”.
Mong “có chút gì để nghĩ”
 - Giải thưởng, ngoài ý nghĩa tôn vinh tác phẩm thì với anh nó còn đem lại điều gì?
- Trước hết, tôi được ra Bắc chơi. Ở đó có rất nhiều bạn bè, mà trước đây tôi mới chỉ gặp trên tác phẩm, báo chí. Quá nhiều người đáng kính, dễ thương. Nó bù đắp cho tôi những năm tháng đơn độc xưa kia. Vâng, tôi thích có thật nhiều bạn và giải thưởng giúp tôi phần nào. Chỉ vậy là quá tốt rồi.
- Thế còn việc “Giữa dòng chảy lạc” chuẩn bị được tái bản, liệu có phải do hiệu ứng từ giải thưởng?
- Khi in cuốn sách, tôi ký hợp đồng số lượng cụ thể với Công ty Sách Phương Nam. Cho đến khi đoạt giải, sách mới in một nửa số lượng ấy, nay họ in tiếp để hoàn tất hợp đồng. Còn vấn đề hiệu ứng từ giải thưởng, tôi không biết!
 - Người ta vẫn nói văn là người, đọc văn có thể hình dung ra một phần tác giả của nó, nhưng với những ai từng tiếp xúc với Nguyễn Danh Lam thì có vẻ như điều này… sai bét?
- Tôi tự lý sự đó là cách cân bằng, bổ sung. Khi viết, đọc, hay ngồi suy nghĩ, tôi hướng nội đến căng thẳng. Nghe một tiếng động cũng giật bắn người run rẩy. Các nhân vật của tôi cũng mang bộ mặt này. Nhưng khi sống, tôi ồn ào, nhộn nhạo, vui vẻ, chỉ mong sao được yêu quý mọi người. Thực tâm tôi là vậy đó.
 - Nhiều người nhận xét Nguyễn Danh Lam “người Nam, văn Bắc”, còn bản thân anh thấy mình đậm chất Nam hay chất Bắc hơn?
- Tôi sống miền Nam, nhưng gốc Bắc. Cho dù không đặt chân trở lại miền Bắc thì trong “vô thức tập thể” cũng là Bắc rồi. Bạn bè trong Nam bảo tôi dân Bắc. Bạn bè ngoài Bắc bảo tôi là Nam. Khổ vậy đó! Bản thân tôi nghĩ, trong mình có cả ba miền - thêm Trung nữa. Tôi đã sống ở miền Trung và học được ở những con người nơi đây rất nhiều điều.
 - Ở tiểu thuyết thứ ba này, Nguyễn Danh Lam đã dung hòa được giữa suy tưởng và nhu cầu giải trí của bạn đọc, anh ý thức về điều này hay nó đến một cách tự nhiên?
- Quả thực khi đọc, tôi thiên về những thứ hơi khó nhằn. Ngày nào cũng cố gắng đọc ít nhất vài chục trang. Nhưng đêm đêm, tôi thường xuyên xem phim Hollywood. Mà cái “món” thứ hai này hình như rất khéo trong phương cách dẫn dụ khán giả. Tôi cũng hay tò mò bóc tỉa những cách thức câu khách của họ. Thêm nữa, tôi là dân viết báo, lại là báo thiếu nhi, tuổi mới lớn, toàn đứng những mục giải trí đã nhiều năm nay, khá hút khách. Có lẽ nhận xét của anh đến từ mấy nguyên nhân này chăng. Song cũng phải nói rằng, nhiều người bảo tôi viết có độ hút, ngược lại nhiều người nói đọc như... tra tấn. Tôi thấy cả hai ý đều đúng.
 - Theo anh một cuốn tiểu thuyết cần hướng tới điều gì quan trọng nhất?
- Về phần mình, tôi mong ước viết được những trang, có “chút gì để nghĩ”. Còn nói chung, tiểu thuyết có vô vàn nẻo hướng. Hướng nào cũng có những lý do đúng đắn riêng.
 - Vẫn biết việc sáng tác không thể theo kế hoạch, nhưng vẫn muốn anh chia sẻ, với anh, một cuốn sách từ khi ấp ủ đến khi chào đời thường mất bao nhiêu thời gian?
- Trước khi bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết, tôi nghĩ ngợi, dàn dựng ý tưởng trong đầu từ rất lâu. Nhưng cả ba cuốn tôi viết xong cho đến giờ này đều bất ngờ nảy ra ý hướng trong một khoảnh khắc... chẳng nghĩ gì đến viết lách cả. Thành thử, đề cương tôi để trong máy còn mấy cái, nhưng tôi lại tin, cuốn sách mà mình sắp viết có vẻ còn đang trôi lơ mơ đâu đó. Còn nói về thời gian thành phẩm, cuốn đầu tôi viết trong 3 tháng, cuốn thứ hai 5 tháng, cuốn thứ ba - tức “Giữa dòng chảy lạc”- tôi viết trong một năm rưỡi, song từ lúc ý tưởng nảy ra trong đầu, cho đến khi hoàn thành đề cương chi tiết chỉ trong một đêm.
 - Tại sao càng về sau thì tốc độ lại càng chậm dần đều như vậy?
- Tốc độ viết chậm dần chủ yếu do tôi ít bốc đồng hơn.
 - Kế hoạch viết năm 2012 này của anh thế nào?
 - Tôi cố gắng hoàn thành nốt tập truyện ngắn, đã có kha khá bản thảo để in trong năm nay. Trước mắt như vậy đã.

Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP HCM. Hiện công tác tại báo Khăn Quàng Đỏ - Nhi Đồng - Mực Tím TP HCM. Đã xuất bản: Tìm (thơ), Bến vô thường (tiểu thuyết), Giữa vòng vây trần gian (tiểu thuyết), Giữa dòng chảy lạc (tiểu thuyết), Mưa tháng Mười Một (tập truyện ngắn). Giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN 2006- 2007. Tiểu thuyết “Giữa dòng chảy lạc” đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn 2010 (Lễ trao giải sẽ diễn ra trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2012) đang được Công ty Sách Phương Nam chuẩn bị tái bản.

DƯƠNG TỬ THÀNH

No comments:

Post a Comment