Lịch
sử Việt Nam thời cận đại có ba triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn, đối
nghịch lăm le tiêu diệt lẫn nhau, gây cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn hàng
thế kỷ. Các triều đại này xung khắc nhau như nước với lửa, tưởng không thể chia
sẽ với nhau bất cứ chính sách nào; tuy nhiên có điều thú vị là cả ba cùng một ý
nguyện tìm cách đòi lại phần đất bị mất bởi Trung Quốc, tại 10 châu thuộc phủ
An Tây, Hưng Hóa.
Lai lịch đất 10 châu có thể tóm lược
như sau: Năm Tân Tỵ Cảnh Hưng thứ 22 [1761] Hoàng Công Thư [tức Hoàng Công
Toản] chiếm cứ 10 châu tại biên giới Việt Trung, thuộc vùng đất tại các tỉnh
Ðiện Biên và Lai châu ngày nay và một phần đất thuộc huyện Kiến Thủy, tỉnh Vân
Nam thời nhà Thanh. Mười châu gồm:
Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai, Luân, Tung Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền,
Khiêm Châu và Tuy Phụ (1). Ðến đời con Hoàng Công Chất là Hoàng Công Toản bị
chúa Trịnh Sâm sai Giám quân Ðoàn Nguyên
Thục đánh tan vào năm 1769. Hoàng Công Chất và đồng bọn chạy trốn sang Vân Nam
và đất đai trong 10 châu cũng bị chiếm mất
6 châu, Trung Quốc gọi đất này là Lục Mãnh [六猛 ]. Ðại Nam Nhất Thống Chí xác
nhận rằng 6 châu bị mất vào nhà Thanh gồm: Tung Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ
Tuyền, Tuy Phụ, Khiêm. Riêng 4 châu còn lại thì đời đầu Nguyễn thuộc phủ An
Tây, đến thời Thiệu Trị trích lấy đất lập châu Lai, tức tiền thân của tỉnh Lai
Châu, năm Tự Ðức thứ 4 [1851] trích lấy châu Quỳnh Nhai và châu Luân cho lập phủ
Ðiện Biên, tức tiền thân của tỉnh Ðiện Biên ngày nay.
Sau khi Hoàng Công Toản chạy sang Trung Quốc,
nhà Lê sai Trấn thủ Hưng Hóa gửi thư sang huyện Kiến Thủy Vân Nam, để đòi trả lại,
nhưng viên Tri huyện Kiến Thủy lúc đầu trả lời rằng không có Hoàng Công Toản đến
nội địa Trung Quốc. Bởi Hoàng Công Toản là nhân chứng quan trọng trong việc xác
định đất đai biên giới, nên vua nhà Lê đích thân gửi thư cho Tổng đốc Vân Quí để
đòi cho được Hoàng Công Toản. Nhà Thanh ở thế không thể dấu nhẹm được, nhưng nếu
trả về thì lòi ra ánh sáng việc chiếm đất, nếu không trả về thì sai với qui định
ngoại giao giữa hai nước đã từng thỏa thuận việc dẫn độ tội phạm từ nước nọ chạy
trốn sang nước kia. Trước tình thế đó, vua Càn Long bèn dàn dựng một vở kịch
công phu, sai bộ tham mưu trung ương là Quân cơ đại thần soạn các văn thư nhân
danh Tổng đốc Lưỡng Quảng hoặc Tuần phủ Quảng Tây , rồi sai dịch trạm chuyển đến
các nơi này, bắt các viên Tổng đốc, Tuần phủ đích thân chép lại để gửi sang
giao thiệp với An Nam. Nội dung chối là không nhận được văn thư đòi xin Hoàng
Công Toản, nên đại Hoàng đế [Càn Long] đã cho an sáp y tại Ô Lỗ Mộc Tề , Tân
Cương. Có hàng chục văn bản liên quan đến sự dối trá này, hiện còn lưu lại
trong Thanh Thực Lục , sự việc này
xin trình bày riêng tại bài sau.
Trãi qua mấy năm [1770-1773] thư từ qua lại
để đòi hỏi bằng chứng sống Hoàng Công Toản trở về, nhưng bị thất bại. Năm Cảnh
Hưng thứ 36 [1775] nhà Lê sai Ðoàn Nguyễn Thạc làm Cống sứ, bày tỏ về việc mất
6 châu tại Hưng Hóa, nhưng không được nhà Thanh xét đến (2).
Năm Cảnh Hưng thứ 43 [1782] nhà Lê lại gửi
văn thư cho Tổng đốc Vân Quí Phú Cương đề cập đến việc về mất đất; lần này quyết
liệt hơn, đòi đến hiện trường để giải quyết:
‘ Cứ
lời trình của viên Quốc vương khai rằng Thập Châu thuộc An Tây đường sá xa xôi,
nhân sau cơn binh lửa, dân nội địa thừa cơ hội trà trộn vượt chiếm nhận đất thuộc
Quảng Lăng, Lai Châu đổi tên thành Mãnh Lạt, Mãnh Lại, rồi cho lệ thuộc vào nội
địa. Nên đợi đến mùa mát, sai người đến Thập Châu, tìm bắt phạm nhân giải tống
sang, điều tra ra vùng đất biên giới chưa rõ ràng đáng được hoạch định lại…..(Cao Tông Thực Lục quyển 1164, trang 39-41)
Viên Tổng đốc soạn văn thư trả lời để phản
đối, trước khi chuyển đi bèn gửi lên triều đình duyệt, nhưng bị sửa. Cẩn thận về
việc này, vua Càn Long sai Quân cơ đại thần soạn thư khác, chuyển cho Phú Cương
chép lại, rồi nhân danh viên Tổng đốc này để gửi đến An Nam; sự việc như sau:
Ngày
13 Ðinh Mùi tháng 9 năm Càn Long thứ 47 [19/10/1782]
Lại
dụ:
“
Phú Cương tâu rằng ‘ Nước An Nam gửi một văn thư trong đó xưng rằng du dân nội
địa [Trung Quốc] hỗn độn vượt biên, chiếm giữ đất biên giới, rồi đổi tên cho lệ
thuộc vào nội địa, nên xin phân hoạch [biên giới]. Hiện tại đã nghĩ ra bản thảo thư trả lời,
cùng thông sức các quan trấn thủ biên giới lưu tâm tra xét.’
“ [Phú Cương] cứ làm như vậy
đi; về việc nước An Nam làm bầy tôi thờ bản triều vốn được coi là cung thuận,
nay nhân thổ dân nước này đặt điều để trốn thuế, bảo rằng du dân nội địa chiếm
đất đổi tên rồi cho vào nội địa, thì đáng bác bỏ. Duy trong bản thảo nghĩ ra để
gửi cho viên Quốc vương, có vài chổ chưa hợp, nên đã sai Quân cơ đại thần sửa lại
thư trả lời như sau:
‘ Cứ
lời trình của viên Quốc vương khai rằng Thập Châu thuộc An Tây đường sá xa xôi, nhân sau cơn binh lửa, dân nội
địa thừa cơ hội trà trộn vượt chiếm nhận đất thuộc Quảng Lăng, Lai Châu đổi tên
thành Mãnh Lạt, Mãnh Lại, rồi cho lệ thuộc vào nội địa. Nên đợi đến mùa mát,
sai người đến Thập Châu, tìm bắt phạm nhân giải tống sang, điều tra ra vùng đất
biên giới chưa rõ ràng đáng được hoạch định lại.’
‘ Lời
nói thật không hiểu sự thể! An Nam tiếp giáp với phủ Lâm An, biên giới trong
ngoài đã rõ ràng, không có sự lộn xộn. Còn đất Lục Mãnh nhập vào bản đồ đến nay
đã đến một trăm mấy chục năm xa xôi, ngạch lương các trại còn sổ sách có thể kê
cứu, không thể trộn vào đất Di do nước ngươi quản lãnh. Vả lại địa giới nước
ngươi nếu chưa rõ ràng, do tại thổ dân nước người đặt điều để mong ẩn lậu tô
thuế tại nước ngươi, chỉ đáng tra hạch trong nội bộ, không nên hướng nội địa
xin hoạch định địa giới.
‘Nay
nước ngươi xin những điều khó nghe như vậy, đều do tại nơi hoang dã, không hiểu
lễ pháp qui định. Bản bộ đường (3) nếu cứ
thực tình mà tâu, đưa lên bộ bàn, sẽ kết tội nước ngươi vượt phận nói xàm. Nghĩ
đến việc nước ngươi vốn xưng cung thuận, nên không trình tấu ngay. Nay đem sổ hộ
tịch chép về biên giới, ghi rõ các trại do Lục Mãnh quản hạt để bảo cho biết biên
giới tỉnh Vân Nam đã được thiên nhiên phân chia, không có chỗ nào là không rõ
ràng; nên cái việc nước ngươi xin phân hoạch là điều mạo muội. Ví thử có những
chỗ không ghi tại bản thư tịch này, chỉ mạo danh bày đặt ra, cái mà thổ dân các
ngươi xưng là đất nội phụ, thông đồng với dân gian nội địa tại đó gây chuyện hỗn
độn, thì viên Quốc vương hãy lấy tên rồi tìm bắt, phân biệt giải tống; căn cứ
vào đó Bản bộ viện chuyển đạt lên bộ, để chiếu theo luật mà trừng trị.
‘Từ
nay trở về sau viên Quốc vương cần tỏ ra cung kính, cẩn thận giữ chức Phiên
phong, chớ riêng nghe lời Trấn mục rồi trình lên một cách sơ suất, vi phạm đức
ý của Thiên triều. Ðại Hoàng đế phủ ngự các nước ngoại Phiên, bao gồm đức và
uy; Quốc vương được phong từ lâu, đối xử chung lòng nhân như tại nội địa; Quốc
vương nên suy nghĩ nhiều để vĩnh viễn nhận quốc ân. Nay viết thư chiếu hội để Quốc vương tiện tra khảo biện
lý.’
“
Viên Tổng đốc tuân theo bản thảo trên, chép nguyên văn gửi đi; lại thông sức
các Trấn tướng quan chức nơi biên giới nghiêm mật điều tra quan sát, kinh lý ỗn
thỏa. Mang dụ này theo độ khẩn 500 lý [1 ngày] dụ để hay biết.” (Cao Tông Thực Lục quyển
1164, trang 39-41)
Văn thư về việc đòi lại đất mới gửi đến
cho Tổng đốc Vân Quí Phú Cương, thì mùa thu năm đó chúa Trịnh Sâm mất, nên mọi
việc đành bỏ dở.
Ðến đời Tây Sơn, sau khi thiết lập ngoại
giao với nhà Thanh, vua Quang Trung đòi lại số đất mất tại Hưng Hóa, nhưng bị
bác. Sách địa chí triều Nguyễn, Ðại Nam
Nhất Thống Chí chép như sau:
“…
Nguyễn Quang Bình nhà Tây Sơn khi mới lấy được Bắc Hà, làm biểu xin lại cương
giới Hưng Hóa, lại bị Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An bác…(4).
Ðến đời Gia Long, nhà Nguyễn; Trấn thần
Hưng Hóa chấp nhận lời xin của các châu trưởng Lai Châu và Văn Bàn là Ðèo Chính
Ngọc và Ðèo Quốc Uy cho gọi các dân phiêu tán từ các châu Tung Lăng, Hoàng
Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì trở về. Lời kêu gọi được dân phiêu tán hưởng ứng:
“ Bấy
giờ những tù trưởng Mường Tè, Mường Phù Phương, Mường Tôn Na Y (thuộc Lai
Châu), Mường Ẳm (thuộc châu Hoàng Nham), động Bình Lư (thuộc châu Tuy Phụ) cùng
đưa nhau theo về…(5)
Lúc bấy giờ Tổng đốc Vân Quí gửi thư sang
phản đối, có đoạn như sau:
“
Sáu trại Mãnh: Mãnh Lại, Mãnh Thích, Mãnh Ðinh, Mãnh Thoa, Mãnh Bạng, Mãnh Lộng (đều
thuộc huyện Kiến Thủy nước Thanh), khoảng năm Khang Hy đã vào đồ bản, kể hơn
100 năm, yên ỗn không việc gì. Nay đầu mục ở trấn Hưng Hóa, lại dụ dỗ họ về,
thực là rất lạ (5).
Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành
cho chạy trạm đưa thư lên vua Gia Long. Vua cho rằng công việc biên cương là
quan trọng, hạ lệnh cho quan Bắc Thành tra rõ địa giới Hưng Hóa và sự tích 6
Mãnh dâng lên. Nguyễn Văn Thành lấy lời khai của 2 hai Châu trưởng người địa
phương là Ðèo Quốc Ngọc châu Chiêu Tấn, và Ðèo Chính Ngọc tại Lai Châu như sau:
“
Mãnh Thoa là Mường Thu châu Chiêu Tấn, Mãnh Lợi là Mường Thích của Lai Châu,
hai mường này ở hẻo lánh nơi biên giới, lẫn lộn vào dân huyện Kiến Thủy nước
Thanh. Vả lại hai động Phong Thu , Bình Lư thuộc châu Chiêu Tấn và động Hoài
Lai thuộc Lai Châu đều bị bọn quan lại nhà Thanh ở biên giới ức hiếp thu thuế
bạc (ba động Phong Thu, Bình Lư, Hoài Lai bị huyện quan nước Thanh mỗi năm thu
thuế bạc mỗi động 220 lạng). Nay nước Thanh lại đem dân hai Mãnh kể lại là dân
nước họ, thì đất hai châu không còn được mấy (6).”
Tổng trấn Nguyễn Văn Thành phân tích
vấn đề, rồi xin triều đình viết thư cho Tổng đốc Vân Quí giải quyết cương giới
của hai châu Chiêu Tấn và Lai Châu trước, sau đó đề cập đến đất 6 châu bị mất:
“
….Từ đời Lê đến đời Tây Sơn vẫn muốn chia vạch lại mà không được. Thế thì trong
10 châu của phủ An Tây trấn Hưng Hóa thì 6 châu (Hoàng Nham, Hợp Phì, Tung
Lăng, Tuy Phụ, Lê Tuyền, Khiêm Châu) đã bị mất vào nước Thanh lâu rồi. Nay
Chiêu Tấn và Lai Châu chính thuộc sổ Hưng Hóa mà người Thanh lại đem dân các
mường động hai châu chép lẫn làm các trại Mãnh, chẳng qua đó là bọn quan lại ở
biên giới thấy đất đai và nhân dân ấy có lợi nên lập riêng xưng hiệu, mưu toan
bá chiếm, mà Tổng đốc Vân Quí thì cứ một mực nghe theo. Xét lời lẽ trong thư
đều mơ hồ không căn cứ. Nay xin trước viết thư trả lời cho Tổng đốc Vân Quí
tách bạch rõ ràng cương giới của hai châu yêu cầu sai người sang hội đồng chia
vạch lại, để xem ý họ ra sao, rồi sau lại nói chuyện cũ cương giới về 6 châu.
Như thế thì Tổng đốc Vân Quí hẳn là lo ta hoặc có sinh việc tại biên giới,
không thể không trù liệu, dân hai châu do đó mà cũng có thể khỏi thuế má nặng
nề (7).
Tờ tâu đến triều đình Huế, vua Gia
Long cho rằng nhà nước đang lúc bắt đầu khai sáng, chưa rỗi mà liệu công việc
biên cương, nên việc để đấy không trả lời.
Ðến thời Minh Mệnh thứ 11 , nhà vua
gửi văn thư sang Trung Quốc, coi như đất Lục Mãnh thuộc về Việt Nam, rồi vạch
ra việc Châu mục người họ Ðèo bị phía Trung Quốc bắt giữ; sự việc được Tổng đốc
Vân Quí tâu lên, vua Ðạo Quang ban dụ ra lệnh viên Tổng đốc này phản bác:
Ngày
24 tháng 10 năm Ðạo Quang thứ 10 [8/12/1830]
Bọn
Nguyễn Nguyên [Tổng đốc Vân Quí] dâng tấu triệp rằng ‘Quốc vương Việt Nam gửi
văn thư sang kêu rằng quan huyện tại nội địa [Trung Quốc] tự tiện bắt Di mục [
viên chứcViệt Nam]. Sai điều tra thấy chổ này không phải là lãnh thổ của họ,
nên gửi văn thư thông báo cho biết.’
Phía
ngoài sông Lễ Xã (8), trong vùng sông Ba Phát, thuộc huyện Kiến Thủy tỉnh Vân
Nam là đất Lục Mãnh ; đầu thuận nội phụ từ đầu triều Thanh đến nay, đã lệ thuộc
vào bản đồ từ lâu. Vào thời Càn Long, nước An Nam mấy lần xin vạch lại cương
giới, đều bị bác. Vào đời Gia Khánh, Trấn mục Việt Nam gửi lời đến các Mãnh, ý
muốn vượt chiếm, lại được tâu rõ lên và bác bỏ; cùng sai các trại, các Mãnh
viết lời thanh minh, rồi báo cho Việt Nam biết, để giữ theo qui mô cũ. Nay nước
này lại gửi văn thư sang, xưng là Ðèo Quốc Lân bị bắt giam chết, lại xưng là
Ðèo Chính Ðịnh tại châu Chiêu Tấn bị bắt. Cứ theo lời tra rõ của viên Tổng đốc,
thì những người này là những người trong các Mãnh của nội địa, đáng trị tội và
bắt điều tra. Nước này giả bộ không biết, can dự vào việc tra vấn, thực do ý
muốn cũ lại nỗi lên, thử trước để gây đầu mối chiếm đất các Mãnh. ……( Tuyên Tông Thực Lục, quyển 178, trang 16-17)
Qua văn bản nêu trên, lập luận của
vua Ðạo Quang tuy cố dành lấy được, nhưng còn để lộ ra một chút sự thực rằng “Phía ngoài sông Lễ Xã, trong vùng sông Ba
Phát, thuộc huyện Kiến Thủy tỉnh Vân Nam là đất Lục Mãnh ; đầu thuận nội phụ từ
đầu triều Thanh đến nay, đã lệ thuộc vào bản đồ từ lâu.” Câu hỏi được đặt
ra là vùng đất Lục Mãnh do ai đã “đầu
thuận và nội phụ”? Lẽ dĩ nhiên không phải là nhà Lê, triều đình cầm quyền
đương thời, vì theo sử liệu trích dẫn ở trên, vua Lê đã từng sai Sứ thần cùng
gửi văn thư sang phản đối. Vậy đây chỉ có thể là kẻ phản loạn như bọn Hoàng
Công Toản đã đầu thuận nạp đất. Ðường đường nước đại Trung Hoa lại dấm dúi giao
thiệp với những kẻ phản loạn để dành đất, thực trái nguyên tắc ngoại giao mà
hai nước đã từng thỏa thuận, và sự dành đất này hoàn toàn bất hợp pháp.
*
Hồ sơ về vụ mất đất tại phủ An Tây
vẫn còn đó, dù hiện nay ta chưa lấy
được, nhưng không có nghĩa rằng sẽ không lấy được trong tương lai. Kinh
nghiệm trước đây dưới thời nhà Hồ đã từng nạp đất cho nhà Minh tại phía bắc
tỉnh Lạng Sơn, kíp đến khi Vương Thông hối hả rút quân về Tàu, thì phần đất cũ
ta lấy lại được. Sự kiện còn lưu lại trong Minh
Thực Lục như sau:
“…. Năm đầu Tuyên Ðức, Lê Lợi làm phản, triều đình cho lại đất cũ. Chúng
bèn chiếm cả châu Ninh Viễn và Lộc Châu thuộc phủ Thái Bình, Quảng Tây. Lúc bấy
giờ cơ quan hữu trách không kiểm soát nên bị mất vào tay người Di.” (Minh Thực Lục, Hiến Tông, quyển 7,
trang 1a, 1b).
Là một dân tộc quả cảm, chúng ta
luôn luôn tin tưởng rằng cái thời oai hùng dưới triều vua Lê Lợi sẽ có ngày trở
lại.
HỒ
BẠCH THẢO
Chú
thích:
1.
Ðại
Nam Nhất Thống Chí, Bản dịch NXB Thuận Hóa, Huế, 2006; tập
4, trang 332.
2.
Ðại
Nam Nhất Thống Chí, sách đã dẫn, tập 4, trang 334.
3.Bản bộ đường: Tổng đốc, hoặc Tuần phủ
Trung Quôc thường tự xưng là Bản bộ đường, hay Bản bộ viện.
4.
Ðại
Nam Nhất Thống Chí, sđd, trang 334.
5.
Ðại
Nam Thực Lục, Bản dịch NXB Giáo Dục, 2006, tập 1,
trang 666.
6.
Ðại
Nam Thực Lục, sđd, tập 1, trang 667.
7.
Ðại
Nam Thực Lục, sđd, tập 1, trang 668.
8.Sông Lễ Xã: còn gọi là sông Nguyên
Giang, tức thượng lưu sông Hồng Hà.
No comments:
Post a Comment