.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 5, 2012

NHÀ VĂN LÊ LỰU: TÁC PHẨM CÓ GIÁ TRỊ TỰ ĐÓNG DẤU VÀO TRÍ NHỚ BẠN ĐỌC


(Toquoc)- Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 chỉ còn ít ngày nữa là công bố kết quả. Nhân dịp này Báo điện tử Tổ Quốc có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Lựu - người từng được Giải thưởng Nhà nước và có tên trong danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay.

Nhà văn Lê Lựu
PV: Chào nhà văn Lê Lựu, được biết trong danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn Lê Lựu chỉ có một tiểu thuyết "Sóng ở đáy sông". Với các tác giả khác thường có hai tác phẩm tham gia xét giải. Xin hỏi nhà văn, vì sao ông lại chỉ chọn một tác phẩm?
Nhà văn Lê Lựu: Ngoài tác phẩm "Sóng ở đáy sông", tôi còn có các tác phẩm khác như "Đại tá không biết đùa", "Hai nhà", "Mở rừng". Việc chỉ đề cử một tác phẩm "Sóng ở đáy sông" là do Hội Nhà văn Việt Nam đề cử, chứ thời gian đó tôi bị ốm, tôi có biết gì đâu.
PV: Thế sau khi Hội Nhà văn Việt Nam đề cử "Sóng ở đáy sông", nhà văn có biết không? Nếu biết sao ông không bổ sung thêm tác phẩm mình tâm đắc?
Nhà văn Lê Lựu: Tôi hoàn toàn không biết gì? Tôi cũng đâu có làm hồ sơ. Anh Nguyễn Trí Huân làm cho tôi.
PV: Vậy tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” có phải là  tác phẩm tâm đắc nhất từ khi cầm bút đến giờ của ông không?
Nhà văn Lê Lựu: Nói chung sau "Thời xa vắng", các tác phẩm sau như: "Sóng ở đáy sông", "Hai nhà", "Mở rừng", "Đại tá không biết đùa" tôi đều tâm đắc. Tất nhiên, về phía bạn đọc có người thích tác phẩm này và không thích tác phẩm kia là chuyện bình thường và là quyền của họ.
PV: Nếu tạm thời chúng ta bỏ quy ước tác phẩm đã được giải thưởng nào trước đó thì không được tiếp tục tham gia xét giải thưởng về sau như Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhưng vẫn giữ tiêu chí Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải cao nhất thì nhà văn Lê Lựu sẽ chọn tác phẩm nào của mình để tham gia xét giải?
Nhà văn Lê Lựu: Nếu thế thì tôi sẽ chọn tác phẩm "Thời xa vắng", "Hai nhà", "Mở rừng", "Sóng ở đáy sông".
Nhưng đấy là giả sử thôi, còn hiện tại chúng ta không có quy chế đấy, chứ không phải mình muốn thế nào thì được. Đề ra quy chế như thế thì muốn dài thành dài, vuông thành vuông, tròn thành tròn. Quan trọng là phải chọn được những người tinh nghề, có chuyên môn và xây dựng quy chế chặt chẽ.
PV: Hỏi thật nhà văn, khi xét Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (và kết quả là nhà văn Lê Lựu đã được Giải thưởng Nhà nước), ông có ý định “để dành” tác phẩm nào của mình để sau này xét Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao hơn không?
Nhà văn Lê Lựu: Không, tôi không nghĩ đến điều đó và chả bao giờ để dành tác phẩm của mình. Khi viết văn, người cầm bút không bao giờ nghĩ đến giải thưởng nọ giải thưởng kia chứ đừng nói để dành tác phẩm để xét giải thưởng cao hơn. Viết văn mà chỉ nghĩ đến giải thưởng, đến tiền và sự nổi tiếng thì không viết được nữa. Viết là tự mình, do cảm xúc của mình…
PV: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật thường là giải thưởng đến sau cùng trong cuộc đời cầm bút của một nhà văn, (tất nhiên ở đây là phạm vi trong nước, chứ không nhắc đến giải văn học lớn mang tính khu vực hay thế giới như Nobel) và trước đó là Giải thưởng Nhà nước. Thường khi xét Giải thưởng Nhà nước, các nhà văn đã đem ra “ứng thí” gần hết tác phẩm nổi tiếng, được bạn đọc biết đến. Vậy nhà văn có cho rằng Giải thưởng Hồ Chí Minh chính là động lực, là thử thách cho người cầm bút trong đó có ông không?
Nhà văn Lê Lựu: Nếu nói Giải thưởng Hồ Chí Minh là động lực, là thử thách, là thiêng liêng của người cầm bút thì ai cũng mong như thế.
PV: Vậy nhà văn có ý kiến gì tham góp vào quy chế xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật không?
Nhà văn Lê Lựu: Các nhà văn ngày xưa có ai được giải thưởng gì đâu nhưng tác phẩm của họ vẫn còn giá trị đến bây giờ. Điều quan trọng là cái gì đọng lại với thời gian, với bạn đọc thì nó sẽ tồn tại. Giá trị tác phẩm được đánh giá qua công chúng. Chứ còn cứ tâng bốc, đánh trống thổi kèn thì giá trị thực của nó vẫn thế thôi.
Theo tôi không nên quá chú trọng vào số lượng tác phẩm mà phải tập trung vào chất lượng tác phẩm thì giải thưởng sẽ làm lay động lòng người.
Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý nên cần phải làm đúng và cẩn trọng.
PV: Thưa nhà văn, có lẽ chúng ta không nên so sánh các nhà văn ở những thời khác nhau. Vì thời đó chúng ta chưa có giải thưởng nên họ chưa được, chứ nếu thời đó đã có thì mọi chuyện đã khác. Người cầm bút mỗi thời mỗi khác. Giải thưởng dù gì cũng là sự tôn vinh và ghi nhận của Nhà nước, của xã hội ngày hôm nay.
Nhà văn Lê Lựu: Tôi không so sánh chuyện giải thưởng, tôi chỉ muốn nói rằng có những người thậm chí không cần ai bình chọn, bình xét thì tác phẩm có giá trị đích thực của họ vẫn có thể tồn tại suốt đời, mình học suốt đời chưa đi tới họ. Tác phẩm có giá trị tự đóng dấu vào trí nhớ của bạn đọc.
PV: Vâng, ông vừa đề cập đến một “giải thưởng tinh thần”. Ví dụ như nhắc đến nhà văn Lê Lựu là độc giả thường nhớ ngay đến tác phẩm "Thời xa vắng". Và đó có thể xem là một giải thưởng vô giá mà độc giả dành cho nhà văn?
Nhà văn Lê Lựu: Cảm ơn bạn đã nghĩ như thế.
PV: Là người không trực tiếp làm hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh mà như ông nói là lúc đó mình ốm và Hội Nhà văn đề cử tác phẩm của Lê Lựu. Nếu không được Hội Nhà văn đề cử, ông có nghĩ đến chuyện tự làm hồ sơ xét giải không?
Nhà văn Lê Lựu: Với tôi thì được giải cũng quý mà không được giải cũng không ảnh hưởng gì, mặt trời cũng sẽ không lặn. Mặt trời của người viết là trang giấy trước mặt chứ không phải giá trị vật chất.
Còn việc tự nhà văn làm hồ sơ xét giải thưởng theo tôi không nên duy trì. Đã là phần thưởng thì trên tặng thưởng cho, chứ không phải làm đơn, làm hồ sơ “xin”.
Quan trọng là phải có người đề cử, xem xét, tinh tường, có đầu óc bao quát, công bằng, đúng người đúng thành tích.
PV: Vậy việc đề cử đó nên để cho Hội Nhà văn Việt Nam hay đơn vị nào thực hiện?
Nhà văn Lê Lựu: Hội nhà văn Việt Nam vẫn là nơi có nhiều người chuyên môn và tinh nhất. Nhưng dù là Hội Nhà văn hay cơ quan nào, đơn vị nào thì phải lựa chọn những người uy tín, có chuyên môn.
* Cảm ơn nhà văn. Xin chúc ông sức khoẻ và có thêm nhiều tác phẩm!
Hiền Nguyễn (thực hiện)

No comments:

Post a Comment