.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, August 20, 2012

BÀI THƠ DUY NHẤT CÓ ĐƯỢC LỜI BÌNH CỦA CHÍNH TÁC GIẢ THI NHÂN VIỆT NAM

Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là một thi phẩm rất đặc biệt. Trong Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân), thi sĩ Đoàn Phú Tứ chỉ được trích đăng mỗi một bài này (trong khi tác giả có tác phẩm được trích nhiều nhất là Xuân Diệu với mười lăm bài) nhưng nó lại là bài thơ duy nhất có được lời BÌNH của chính tác giả Thi nhân Việt Nam.

Bài thơ được sáng tác trong khoảng thời gian năm 1939 – 1940, lần đầu đến với độc giả trên báo Ngày nay (số Tết Canh Thìn 1940), sau đó tái xuất hiện trên Thi nhân Việt Nam (1942) rồi Xuân Thu nhã tập (tháng 6/1942). Đến nay, qua bảy mươi hai vòng xuân thu tuần hoàn, hoàn toàn có thể khẳng định Màu thời gian đã vượt thời gian, đạt đến sự bất tử.

Màu thời gian – “một câu chuyện tâm tình”
           
Hình như tâm lý chung của độc giả khi tiếp cận một bài thơ đẹp là đi tìm Nàng Thơ của tác giả và của từng bài thơ (nếu có thể) bởi một lẽ thường, với chút máu thi sĩ thiên phú, trái tim nhà thơ không thể không rung động trước Cái Đẹp, nhất là với Người Đẹp. Và cũng là lẽ thường, thơ hay thường là thơ tình.   

Trường hợp Màu thời gian cũng không là ngoại lệ. Năm 1983, chiều lòng bạn bè, Đoàn Phú Tứ viết tặng kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn một trang tiếng Pháp hé mở một cách rất… mơ hồ “một câu chuyện tâm tình” (từ của Hoài Thanh) để có Màu thời gian:

COULEUR DU TEMPS – Ce petit poème est une simple méditation sur un thème littéraire ancien: une concubine royale, - les concubines royales favorites étaient d' ordinaire bien plus belles et plus attachantes que les Reines en toute majesté, - à la veille de sa mort, ne se laissait pas voir par son Auguste époux, de crainte de lui léguer un souvernir affreux de son ancienne beauté; elle se contenta de lui faire, à distance, la pieuse offrande d' une mèche de ses cheveux adorables, ils se quittèrent ainsi, et l' image de la disparue resta à jamais intacte en sa splendeur dans la mémoire du survivant.
Ici, le poète appelle sa belle disparue TẦN PHI – Tần et Phi étant diverses appellations titrées des concubines royales, et rappelant par leur sonorité, le concept de Poésie Pure.

MÀU THỜI GIAN – Bài thơ nhỏ này là một trầm tư thuần phác trên một chủ đề văn chương xưa: một vương phi (các phi tần sủng ái thường diễm lệ hơn và được vua quyến luyến hơn cả Vương hậu) khi sắp từ trần đã không để cho đấng Quân thượng giáp mặt, sợ rằng sẽ lưu lại trong tâm trí nhà vua một kỷ niệm dễ sợ về nhan sắc thuở nào; bằng lối cách mặt, nàng đành lòng dâng lên vua lễ vật thành kính là một lọn tóc của mái đầu đáng ái mộ, như thế, hình bóng rực rỡ của kẻ đã khuất sẽ tồn tại nguyên vẹn mãi mãi trong ký ức người ở lại.

Ở đây, thi nhân gọi giai nhân quá cố của mình là TẦN PHI, Tần và Phi là danh hiệu các cung phi; và âm thanh tên gọi gợi nhắc khái niệm Thơ Thuần túy.(1)

Còn nhớ, tác giả Thi nhân Việt Nam đã từng chú cho bài thơ Màu thời gian khá cặn kẽ (Màu thời gian cũng là bài có nhiều “chú” nhất của tuyển tập – mười một lời chú), trong đó có hai chú thích rất quan trọng sau: “Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất nhất định không cho Hán Võ Đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần Phi thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng”. Và “Nàng Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá sai Cao lực sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc, thương quá, lại vời nàng vào cung. Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không chịu để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương, ở đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy”(2).   

“Câu chuyện khác tương tự” gắn với “giai nhân quá cố” của thi sĩ họ Đoàn chính là ái nữ của nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh. Nàng chánh tên Nguyễn Thị Vân (1913 – 1938) mất năm hai lăm tuổi do bệnh nan y về phổi. Hồi ký của Nguyễn Lương Ngọc viết: “Ngày ấy, tôi có đi học ký xướng âm ở Nhạc viện. Tôi cùng học với một thiếu nữ con nhà quan, người mềm mại, mặt đẹp, đặc biệt nàng có đôi mắt mở tròn, toàn lòng đen, đôi mắt bồ câu. Tôi đã nói chuyện với anh Tứ về sự hội ngộ này. Và chúng tôi thường đạp xe lên Hồ Tây nghe nàng dạo đàn. Được ít lâu sau, chúng tôi nghe tin nàng ốm nặng. Anh Tứ bạo dạn xin được vào thăm. Không biết ý tứ ra sao mà nàng khước từ. Anh Tứ liền nghĩ đến điển xưa, có một nàng cung phi đã từ chối không tiếp “quân vương”, có lẽ không muốn để lại trong con mắt của quân vương hình ảnh tàn tạ của mình. Điển cố này đã làm thành tứ thơ…”(3)   
           
Hồi ký của Vũ Đình Hòe nói cụ thể hơn: “Cứ chiều chiều, Tứ đến rủ Ngọc (Nguyễn Lương Ngọc) hoặc tôi đạp xe tới cổng trường “Đầm non” ở Félix Faure đón hai bóng từ trường ra. Cả hai bước lên xe tay nhà, vén gọn những tà áo lụa tím phất phơ: một dong dỏng cao, dáng quý phái – cô Mộng Chi quê ở Huế; một mảnh mai hiền dịu, đôi mắt bồ câu đen nhánh: cô Vân, con cụ N.V.V., chị thi sĩ trẻ Nguyễn Nhược Pháp (học Lycée Albert Sarraut mấy lớp sau Tứ).
           
Chúng tôi theo hút, hướng phía Hồ Tây – Trường Bưởi. Rồi đạp ngoắt lên đê Parreau, dựng xe, ngồi phệt xuống bờ cỏ. Dưới chân đê là một biệt thự vườn rộng, hàng rào tầm xuân bao quanh.
           
Có tiếng dạo đàn. Từ cửa sổ gác biệt thự bay ra những notes dương cầm thánh thót. Anh Tứ hồn như bị hút vào không trung…
           
Tôi không hiểu gì về nhạc Tây phương, lại sợ các bạn trọ ở nhà chờ cơm nên len lén rút lui. Tứ cứ ngồi lặng đi, đê mê… Có lẽ đến khuya mới về; cả những đêm sương giá, mưa phùn – Khổ hay sướng? anh chàng “si”! Si giai điệu và si giai nhân.”(4)
           
Cả bài thơ như một bản nhạc có âm hưởng bàng bạc, man mác do phối rất nhiều thanh bằng. Trong một trăm lẻ tư (104) tiếng, kể cả thi đề, có đến bảy mươi tư (74) tiếng mang thanh bằng (chiếm đến hơn hai phần ba (2/3) số tiếng). Chỉ có một câu thơ có ngắt nhịp giữa câu (Ngàn xưa không lạnh nữa – Tần Phi!), tất cả mười bảy câu còn lại đều đọc chậm nhưng liền một hơi tạo sự dìu dặt, lan tỏa. Sự đan cài về thể thơ đầy hữu ý – hai khổ đầu mỗi khổ ba câu thơ tự do, khổ thứ ba và khổ cuối là thơ ngũ ngôn, kẹp giữa hai khổ ấy là bốn câu thơ thất ngôn làm cho hình thể câu thơ, khổ thơ khá sang trọng, có phần trang trọng trong sự cổ kính. Lần theo mạch thơ đi từ hiện tại lùi về quá vãng, rồi lại từ quá khứ dần dần trở về hiện tại, hiện tại được viết bằng thơ tự do, quá khứ là thơ cổ (thất ngôn), còn thể thơ ngũ ngôn là dành cho những triết cảm an định về một tình yêu tuy không đơm hoa kết trái nhưng mãi mãi không tàn phai, “một thứ tình yêu đã qua lâu rồi nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng” (Hoài Thanh).

Bài thơ có hai câu trở đi trở lại, vừa lặp lại vừa đảo :

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
(…)
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát

Với những liên tưởng ẩn dụ hương thời gian - hương tình yêu “thanh thanh”, màu thời gian - màu tình yêu “tím ngát”, Đoàn Phú Tứ đã vươn tới thơ hóa - nhạc hóa một tình yêu thánh thiện như đi trong cõi mộng. Cái màu tím kết bài thật ám ảnh – bóng áo tím giai nhân hay màu tím hoàng hôn lặng lẽ trên Hồ Tây? Có lẽ là cả hai, mộng mơ êm ái nhưng day dứt khó tả. Cái màu tím ấy là nỗi buồn man mác của một tình yêu giấu kín, dang dở nên lưu luyến vĩnh cửu. Đọc câu thơ tím của Đoàn Phú Tứ bất giác nhớ mùi hoa thạch thảo bất tử “Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo/ Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em… ” (thơ Guilaume Appollinaire, Phạm Duy viết nhạc). Quả đúng là “một mối tình thanh sạch nhẹ nhàng, tuy ngang trái lỡ làng, nhưng vĩnh viễn cùng thời gian ngát hương chung thủy” (Văn Tâm)

Màu thời gian dưới bóng Xuân Thu

Hiểu Màu thời gian gắn với bối cảnh cảm tác chàng sinh viên nghèo mơ tưởng nàng thiếu nữ lầu quan thực đã tốn rất nhiều tâm sức, bút mực của biết bao người yêu Màu thời gian suốt bảy mươi hai năm qua. Song, vẫn còn lơ lửng đó một nhận định của Hoài Thanh: “Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế”. Và còn đó sự “không hiểu nổi” của vị tướng nổi tiếng văn võ kiêm toàn Nguyễn Sơn: “Không hiểu nhưng cứ nhơ nhớ; nó thanh thoát, nó lâng lâng, như khi nhìn áng mây trôi, khi ngắm dòng nước chảy. Nói gì với mình, cụ thể? Không hiểu nổi. Nhưng nó lung linh như khúc nhạc thiều…, nó chập chờn như một bóng liêu trai!”(5)

Quả thế, hiểu Màu thời gian gói lại trong một tứ thơ tình yêu dường như là chưa đi hết ý nghĩa bài thơ “nửa ngậm nửa thốt” (từ của Văn Tâm) ấy. Đâu phải ngẫu nhiên mà Hoài Thanh cho rằng: “Không ai ngờ một cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình”. “Một câu chuyện tâm tình” thì phần nào đã sáng tỏ nhưng không thể không quan tâm đến “tính cách triết học” của bài thơ. Trở về với quan niệm về mối quan hệ giữa cuộc sống và sự sáng tạo nghệ thuật của nhóm Xuân Thu, ta dường như có thể chạm đến “tính cách triết học” của tác phẩm.

Thời gian là một phạm trù triết học. Cùng với không gian, thời gian là hình thức tồn tại của sự vật, không có gì tồn tại ngoài không gian và thời gian. Hình tượng nghệ thuật nào cũng được xác định trong không – thời gian. Song, nếu thời gian khách quan bao giờ cũng có một chiều, một hướng: quá khứ - hiện tại – tương lai thì trong nghệ thuật, người ta có thể đổi chiều mũi tên thời gian, kéo dài hoặc rút ngắn thời gian, có thể hãm tốc hoặc gia tốc, thậm chí chuyển động vô hướng trong thời gian… “Đặc điểm của thời gian nghệ thuật là nó luôn luôn mang tính cảm xúc (tâm lý) và tính quan niệm, do đó nó đầy tính chất chủ quan”(6).  

Nhóm Xuân Thu trình làng một tập sáng tác vào năm 1942 mang tên Xuân Thu nhã tập. Ngay cái tên của nhóm và của tập sáng tác đã mang theo “hai mùa đẹp nhất trong năm, đi với nhau theo nhịp tuần hoàn của trời đất”, “Xuân Thu. Cái đẹp của trời đất. Cái triết lý của đời. Cái tầm văn hiến của nhân loại…” (Tình bạn “Xuân Thu nhã tập” – Nguyễn Xuân Sanh). Tập sách gồm mấy bài thơ của Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Văn Hạnh, một bản nhạc của Nguyễn Xuân Khoát phổ bài thơ Màu thời gian, một tranh phụ bản của Đỗ Cung vẽ một gốc cây đã bị đốn hết thân cành nhưng trên đó đang bừng nở những chồi biếc khỏe khoắn, một số bài văn xuôi trước đó đã đăng trên tạp chí Thanh nghị… Vậy, Màu thời gian trịnh trọng hiện diện hai lần trong Xuân Thu nhã tập, có thể xem là tác phẩm “đinh” cho sáng tác của nhóm.

Trang đầu của tập sách có dòng đề tựa: “Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: Trí thức – Sáng tạo – Đạo lý” là tuyên ngôn sáng tạo của cả nhóm. Trong bài viết Ý nghĩa “Xuân Thu nhã tập” đăng trên báo Thanh nghị (số 35, ngày 16/4/1943), Đoàn Phú Tứ cắt nghĩa mối quan hệ Trí thức - Sáng tạo - Đạo lý như sau: “TRÍ THỨC: gốc cây Ta, đầy nhựa Thơ, hút nhận Nhạc của Đất Trời, để trổ sinh bao Điệu, thắm tươi những bông hoa SÁNG TẠO dâng lên bàn thờ ĐẠO LÝ – lẽ sống trong Đời.”  

Cũng trong bài viết nói trên, Đoàn Phú Tứ giải thích thêm: “Vì đâu mà năm sáu người bạn đã cùng nhau xây đắp nên quyển sách nhỏ kia? Đó là chủ đề của mấy bài “Thanh khí” mà bất tất ta phải nhắc lại ở đây, song ta có thể tóm lược bằng một câu: MỘT CUỘC CHÂN THÀNH ĐI TÌM ĐẠO SỐNG.” Tác giả viết tiếp: “Sống theo cái Nhịp của Trời Đất, mà cái biểu tượng đương nhiên và tốt đẹp nhất là hai mùa Xuân và Thu luân chuyển. Nên lấy hai chữ XUÂN THU làm biểu hiện cho cái Nhạc của Vũ trụ.

Làm sao tới được cái Nhạc kia? – Bằng cách cảm thông với Trời Đất, bằng cách thoát ra ngoài cái vỏ nhất thời của mình để hòa lẫn với sức sống vô cùng tận của muôn loài, nghĩa là bằng Thơ.” 

Màu thời gian là giây phút tương thông giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, tạo vật, vũ trụ - phút giây nhưng đã gồm thâu vĩnh viễn. Mở đầu bài thơ là hiện tại:

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Một tiếng chim trong trẻo, một cơn gió mát lành, một hương xuân gợi cảm thông qua ba ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tiếng chim thanh, gió xanh, hương ấm; ba câu thơ ngắn dài không đều; và quan trọng hơn hết: âm điệu rất êm ái, du dương do rất nhiều thanh bằng. Tất cả như những dây tơ trời êm ái giăng từ trời cao rủ xuống làm lòng người thăng hoa bay lên cùng vũ trụ, theo ý nghĩa triết học nhận thức luận phương Đông “thiên địa vạn vật nhất thể”. Cái nhẹ nhàng, thanh sạch một buổi sớm mùa xuân – mùa đẹp nhất trong năm, cỏ hoa nảy nở dưới mặt trời làm nảy sinh rung động cảm thông giữa người với trời đất, sức sống dào dạt không cùng đã toàn hiện trong một bản thể, là một nhưng là tất cả, thành Ta, “Ta đã là tất cả, và tất cả đã hoàn toàn bừng sáng trong ta” (Thiên chức – Đoàn Phú Tứ).

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
(…)

Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng Quân Vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Mạch thơ trôi về quá khứ, “từ quá khứ gần đến quá khứ xa”, “càng đi xa về quá khứ câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ” (Hoài Thanh). Cùng một lúc, dòng chảy thơ đồng hiện ba người đẹp bất hủ - Lý phu nhân, nàng Dương Quý Phi, và cả nàng Thúy Kiều trong đêm tình tự với chàng Kim “Tóc mây một món dao vàng chia đôi” (Truyện Kiều). Những điển cố ngụ tình, ngụ ý là con đường tiên cảm và tiên phong trên con đường trở về cội nguồn của một trong những tác giả chính của nhóm Xuân Thu. Trong Quan niệm – tuyên ngôn chung mở đầu tập sách, Xuân Thu nhã tập xác định hướng đi của “Sáng tạo”: “Tìm con đường thực, nối liền nguồn gốc xưa với những ước vọng nay” để “trong những Điệu cũ kỹ, ta còn mong bắt gặp tiếng Nhạc căn bản của lòng ta, để gây thành những Điệu mới: trong, đẹp và thật”.

Trong khuynh hướng “ta trở về nguồn”, văn nghệ sĩ Xuân Thu nhận ra rằng: “Từ cuối thế kỷ trước, thơ Pháp nhờ dòng tượng trưng đã gặp thơ Á Đông ở chỗ uẩn súc, huyền ảo… Cái mà thời nhân có thể cho là hấp thụ phương Tây, thì người Á Đông ta, có cái trí cổ sơ, trực giác ngay tự lúc đầu, nhờ một ngôn từ đặc biệt.” (Thơ – Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh). Không hiếm nhà phê bình thừa nhận sự ảnh hưởng của thơ tượng trưng lên tư duy thơ của Xuân Thu. Ngay từ năm 1941, Hoài Thanh, trong tiểu luận Một thời đại trong thi ca, bằng trực cảm, đã viết: “Cái kín đáo của thơ Pháp gần đây tôi còn thấy ở Đoàn Phú Tứ”. Sau này, những câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh càng tiến xa trong sự huyền hồ:

Bình tàn thu,
                    Vai phấn nghiêng rơi
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Thơ Xuân Thu, trong đó có Màu thời gian là bóng ảnh huyền ảo và nhạc điệu huyền diệu trên con đường đi tìm đạo sống “trong trẻo, nhịp nhàng, sáng sủa” thông qua lối thơ giàu nhạc tính và sự sáng tạo hình ảnh dựa trên sự tương thông của tất cả các giác quan, kể cả và nhất là sự linh cảm. Vì vậy, “thơ là cái rung động siêu việt, trong trẻo, nhịp nhàng của bản nhạc Vô Cùng. Rung động có lan trên cánh Nhạc mới thực hiện Thơ. Và hồn thơ có lưu thông trên khí Nhạc mới bắt kịp Đạo, cái đệ nhất nguyên lý, cái lẽ phải cuối cùng.

Khổ thơ cuối là quá khứ trở về dần với thực tại, quá khứ và hiện tại đã đồng nhất trong hương thời gian - màu thời gian bất tử:

Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát

Nỗi buồn vấn vít của một tình yêu “đứt đoạn” mà không quá day dứt, không hề bi lụy, không làm người đọc sầu não, đau đớn. Hai mươi chữ mà đã mười bốn thanh bằng, bốn câu thơ xóa hết dấu câu là giây phút tập trung lặng lẽ trên con đường đi tìm đạo sống – sự “tĩnh tụ”: “Tĩnh tụ không hèn kém. Tĩnh tụ không a dua. Sẽ không thấy chung quanh, không thấy mình; sẽ phá dần những vỏ thành kiến, những lớp văn hóa. Sẽ tới cái “ta” của muôn đời, và cảm thông cùng vũ trụ.
Sẽ như người tập bắn, nhìn hạt đậu thấy mặt trời. Sẽ như lòng tin chuyển núi lấp sông.
Tĩnh tụ là điều kiện của tri thức, của tiến bộ.

Hơi khác người phương Tây, tôi muốn nhủ tôi : “Nathanael, hãy nhập thiền.” (Tĩnh tụ - Nguyễn Lương Ngọc)
           
Bài thơ mang đầy khí vị Xuân Thu với những vùng mờ nghĩa được chuyển tải trong một khái niệm triết học đậm màu sắc tượng trưng: màu thời gian. Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh nhưng Đoàn Phú Tứ sáng tạo một màu thời gian rất độc đáo – màu tím ngát. Ngay hai chữ “tím ngát” dường như hàm chứa trong đó cả ấn tượng thị giác, khứu giác, xúc giác, linh giác… Nó xuất phát từ màu hoa tím thi sĩ vốn yêu (chú của Hoài Thanh) nhưng cuối cùng nó đã đạt đến sự bất tử vì “những nét mong manh” và “những cảm giác rất nhẹ nhàng”. Nó vừa là tài năng nhưng vừa là quan niệm: “Thơ không cần lúc nào cũng rõ nghĩa, vì nó không không chủ động trong địa hạt ý nghĩa; không phải lúc nào cũng sáng sủa vì nó không vụ phát biểu cái phần sáng sủa của tâm linh, nó giữ phần sâu kín” (Thơ). Nó là thơ của phút giây xuất thần và thăng hoa trong chiêm nghiệm. “Ấy là một lối thơ rất kín đáo và tinh tế” (Hoài Thanh).
           
Tiếp cận Xuân Thu nhã tập, ta rất chú ý đến quan niệm của nhóm về mối quan hệ tác giả - độc giả. Đó là mối quan hệ bình đẳng vì xóa nhòa ranh giới người làm thơ và người thưởng thơ: “Thi sĩ làm xong bài thơ, có thể nói: bản đẹp chưa thành. Vì nó còn chờ tác giả thứ hai: người đọc” (Thơ). “Đọc xong bài thơ, ta bị y nguyên những câu, những tiếng của toàn bài chi phối… và ta không thể di dịch một âm thanh, một hình ảnh mà không phản bội và tàn phá “cấu trúc độc nhất” ấy”. Nhưng với “cấu trúc độc nhất” ấy, có bao nhiêu người thụ cảm thì có bấy nhiêu bài thơ mới được “tác giả thứ hai” sáng tạo lại, tạo nên những “khúc hợp tấu của Vô-Cùng”. Độc giả trở thành “tác giả thứ hai” khi “tái tạo cái vũ trụ do bài thơ tạo ra”. Tính đến nay, khó có thể thống kê cho hết số lượng “tác giả đồng sáng tạo” bài thơ Màu thời gian và điều đó đồng nghĩa với việc càng ngày càng có nhiều cách đọc bài thơ. Âu đó cũng là thành quả sự dụng tâm, dụng công của tác giả Màu thời gian vậy.

Thay cho kết luận

Xưa nhà thơ Đường Trần Tử Ngang cảm trong thiên địa (Vũ) vị thế con người tiếp biến giữa thời gian tiền - hậu (Trụ):

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ.

Nguyễn Trãi nghệ sĩ từng quay ngược mũi tên chiều thời gian:

Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc
Đầu bạc xưa rày có thuở xanh.

Nguyễn Công Trứ “già cưới vợ trẻ” rất hóm hỉnh bay ngược dòng thời gian:

Ngũ thập niên tiền nhị thập tam
(Năm mươi năm trước ta hai mươi ba tuổi)

Thi hào Nguyễn Du thấy thời gian rất ngắn, “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, nhưng cũng rất lê thê “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”. Tản Đà cũng vậy: “Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!”.

Nhà Thơ mới Xuân Diệu mang nỗi ám ảnh sự trôi chảy của thời gian nên vội vã:

- Cái bay không đợi cái trôi
Cái tôi phút ấy sang tôi phút này
- Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi

Hình như có một nhà thơ - nhạc sĩ khá gần với thi sĩ - kịch tác gia Đoàn Phú Tứ về cách nhìn Thời gian ngưng đọng vĩnh viễn qua lăng kính Tình yêu:

Rơi
           như tiếng sỏi
                                        trong lòng giếng cạn
            Riêng những câu thơ
                        còn xanh
            Riêng những bài hát
                       còn xanh
             Và đôi mắt em
                       như hai giếng nước.
 (Thời gian – Văn Cao)  

Dường như Văn Cao đi từ tiếng, nhịp thời gian “rơi” khô khốc, nghiệt ngã (như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn) để khẳng định sự bất tử của Cái Đẹp, Sự sống và Tình yêu (câu thơ còn xanh, bài hát còn xanh, đôi mắt em hai giếng nước không vơi) còn Đoàn Phú Tứ, ngược lại, xuất phát từ cái đẹp của Tình yêu vượt thời gian để trở về với Sáng tạo nghệ thuật trong triết học phương Đông – “triết học nguyên thủy” huyền ảo, tinh khiết: “Thơ là một sự nhớ lại, một cuộc trở về, cuộc trở về của thi sĩ trong cái tôi của mình nằm trong sự vật”, “từ cái tôi dày đặc, tăm tối biến trong khoảnh khắc đến cái ta sáng suốt không cùng”, “cái ta đã giác ngộ, đã giải thoát, hòa lẫn với khinh thanh, rung động nhịp nhàng với Nhạc thiên thu, theo Điệu tuyệt vời và tuyệt đối.”(7).

CHẾ DIỄM TRÂM 
_______________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1), (3), (4), (5) Theo Văn Tâm – Đoàn Phú Tứ con người và tác phẩm – Nxb Văn học, H, 1995.
(2) Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam – Nxb Thanh Hóa, 2006.
(6) Nguyễn Thị Bích Hải – Thi pháp thơ Đường – Nxb Thuận Hóa, 2006.
(7) Trích theo Văn Giá – Một khoảng trời văn học – Nxb Giáo dục, 2001. 

No comments:

Post a Comment