.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, August 4, 2012

LÊ HUY MẬU NHẬN “KỶ LỤC BÀI THƠ ĐƯỢC PHỔ NHẠC HAY NHẤT”

BARIA-VUNGTAU: Gần tròn 10 năm (2-9-2002 – 2-9-2012) ca khúc Khúc hát sông quê của nhạc sĩ Nguyễn trọng Tạo phổ thơ Lê Huy Mậu đã đi vào đời sống âm nhạc nước ta như một kỷ lục bài hát được yêu thích. Năm nay, Trung tâm sách và kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục bài thơ phổ nhạc hay nhất cho tác phẩm Khúc hát sông quê. Đưới đây là chia sẻ của Nhà thơ Lê Huy Mậu về Khúc hát sông quê.


 
Nhà thơ Lê Huy Mậu (phải) nhận kỷ lục bài thơ được phổ nhạc hay nhất.
Phóng viên: Cảm xúc của ông như thế nào mỗi lần nghe Khúc hát sông quê?
- Nhà thơ Lê Huy Mậu: Tôi sáng tác trường ca Thời gian khắc khoải gồm 9 chương trong suốt thời gian dài nhưng chỉ có chương Khúc hát sông quê là hoàn thiện sớm nhất. Năm 2002, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đến Vũng Tàu dự trại sáng tác âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam, tôi gửi cho Nguyễn Trọng Tạo chương Khúc hát sông quê để in báo Văn nghệ. Gặp bài thơ viết về dòng sông quê hương, về mẹ của tôi, Nguyễn Trọng Tạo đã đồng cảm sâu sắc và phổ nhạc thành ca khúc Khúc hát sông quê. Sau đó, bài hát được ca sĩ Anh Thơ thể hiện thành công và phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Đến nay, đã 10 năm, Khúc hát sông quê đã đi vào đời sống âm nhạc của nước ta và trở thành ca khúc được nhiều người yêu thích. Người ta hát Khúc hát sông quê ở mọi lúc mọi nơi: hội họp, cưới hỏi, tổng kết, động thổ, cắt băng khánh thành… Mỗi lần nghe lại Khúc hát sông quê tôi lại thấy bồi hồi xúc động. Bài hát như đưa tôi trở về với quê hương nguồn cội, trở về với những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm hòa cùng thiên nhiên và tôi như thấy lại bóng dáng mình trong đó. Thật không ngờ, mấy câu mở đầu của bài thơ lại vận đúng vào tâm trạng mình như bây giờ: Ngỡ như người đã hát thay tôi/ ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát/ tuổi thơ ơi/ quá nửa đời phiêu dạt/ ta lại về úp mặt vào sông quê.
Ông có hài lòng về Khúc hát sông quê được Nguyễn Trọng Tạo phổ từ thơ của ông?
- Khúc hát sông quê là một bài thơ dài, một chương trong trường ca Thời gian khắc khoải của tôi. Nguyễn Trọng Tạo rút lại, chế biến thành ca từ của bài hát. Điều làm tôi thấy hài lòng nhất là khi nghe bài hát tôi vẫn thấy được tinh thần cơ bản bài thơ của tôi. Chính Nguyễn Trọng Tạo đã chắt lọc những gì tinh túy nhất, lấy được cái hồn cốt nhất trong bài thơ để viết nên khúc nhạc đồng quê đằm thắm, da diết nhất của mình.
Tôi cám ơn số phận đã cho mình được đứng chung với nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong một ca khúc để đời của anh!
Sau Khúc hát sông quê, ông vẫn viết đều tay?
- Tôi có thơ in báo từ năm 1978. Từ đó đến nay, qua nhiều chặng của cuộc đời, tôi vẫn lặng lẽ sống và sáng tác. Tôi đã xuất bản 6 tập thơ, một tập trường ca và một tập truyện ngắn. Dù ít, dù nhiều bạn đọc trong cả nước đã biết đến một Lê Huy Mậu nhà thơ chứ không phải như một người viết ca từ cho ca khúc Khúc hát sông quê của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Oái oăm thay, người ta nhắc đến tôi là nhắc đến Khúc hát sông quê, nhiều người cho rằng Khúc hát sông quê là “đỉnh” của tôi rồi, bây giờ có viết gì cũng không qua được Khúc hát sông quê nữa. Có thể là như thế, nhưng là nhà thơ, sáng tác là lẽ sống của mình rồi, có ai đứng yên mà nhìn quá khứ của mình đâu. Tôi đang hướng tới con số mười đầu sách trước khi làm tuyển tập.
Cảm ơn nhà thơ Lê Huy Mậu.

HẢI ĐĂNG (Thực hiện)

(Nguồn: Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)
________________________________________
Nhà thơ Lê Huy Mậu sinh năm 1948 tại Thanh Chương, Nghệ An. Ông hiện là Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khúc hát sông quê là tác phẩm được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc. Năm 2009, ca khúc này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng cúp cho ca khúc viết về nông nghiệp nông thôn hay nhất từ trước đến nay. Năm 2012, Trung tâm sách và kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục bài thơ phổ nhạc hay nhất cho bài Khúc hát sông quê của nhà thơ Lê Huy Mậu.
Những tác phẩm chính của nhà thơ gồm: Đêm trăng non, Thiếu nữ và mùa đông, Những bước chân, Cám ơn mưa phùn, Cỏ thiêng, Bốn giọt nước, Giá người, Thời gian khắc khoải.

No comments:

Post a Comment