.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, August 10, 2012

THAM LUẬN CỦA NHÀ THƠ HỮU THỈNH - CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN TRONG HỘI THẢO “HOÀNG QUANG THUẬN VỚI NON THIÊNG YÊN TỬ”

(tham luận của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong hội thảo "Hoàng QuangThuận với non thiêng Yên Tử")
.
MỘT HỒN THƠ SAU NHỮNG BỨC TRANH TÔN GIÁO.
Yên Tử ngày nay vừa là một danh thắng, vừa là một thánh địa. Trước khi Trần Nhân Tông xuất hiện, đó thuần là một danh thắng Trần Nhân Tông đã ban tặng danh tính thứ hai cho Yên Tử, một danh tính đầy chất tâm linh và huyền bí, đó là một thánh địa. Rừng Cúc Phương sẽ thiếu hấp dẫn nếu không có Động người xưa. Vịnh Hạ Long sẽ giảm phần mỹ lệ nếu thiếu Hang Dấu gỗ. Yên Tử vừa đẹp vừa huyền bí, đó là một toà lộng lẫy của thiên tạo và một thế giới cao khiết của một vĩ nhân. Hai vẻ đẹp đỉnh cao của thiên nhiên và con người chung đúc nên một Yên Tử đủ sức thi gan cùng tuế nguyệt.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa cho Hoàng Quang Thuận. Ảnh Vanvn
Xưa nay thi nhân hành hương về Yên Tử rất nhiều và đề thơ cũng không ít. Cảnh chỉ có một mà tình thì bách tính. Cho nên Yên Tử không ngừng được trùng tu và tôn tạo vừa bằng vật thể vừa bằng phi vật thể. Trong phần phi vật thể phong phú này, người ta nhắc Hoàng Quang Thuận. Trước khi đến Yên Tử, Hoàng Quang Thuận chỉ là một nhà khoa học, sau khi về Yên Tử, anh thành một người say thơ. Đó là một sự lạ phổ biến. Tại sao lạ mà lại còn phổ biến? Phổ biến là vì cũng có nhiều nhà khoa học làm thơ, nhưng  hiếm có ai làm nhiều thơ về Yên Tử như Hoàng Quang Thuận.
Lạ nữa là có những nhà khoa học cao hứng xuất thần làm một bài thơ, rồi để đấy, dành trọn thì giờ cho khoa học; còn Hoàng Quang Thuận, thì sau cái ngày định mệnh ấy, anh vẫn là nhà khoa học đồng thời là một người thơ. Tuy vậy, không nên thần bí hóa khi giải thích các bài thơ của anh. Làm như thế vô tình làm hạ thấp vai trò của chủ thể.
Thi Vân Yên Tử có sự tập trung cao độ về mặt đề tài. Đó là tập thơ hoàn toàn về Yên Tử. Tất cả di tích đều đi vào thơ. Sau những người thợ, có một người thơ. Những người thợ thì vô danh, còn người thơ thì hữu danh. Hoàng Quang Thuận công phu, kỹ càng và rung bật không bỏ qua một sự tích nào. Anh làm thơ như người vẽ tranh vậy. Và sau tranh ta bắt gặp hồn người. Thơ anh có đủ yếu tố của thơ thiền, một sự hòa quyện say đắm giữa cảnh, sựtình. Tất cả tạo nên những bức tranh tôn giáo trầm mặc mà sống động, thanh khiết mà run rẩy. Hoàng Quang Thuận đặt vào đấy tất cả phần hồn, phần cảm của mình, còn chữ nghĩa vẫn là những vật liệu thông thường như chúng ta thường gặp. Hình như anh cũng không để ý lắm đến kỹ thuật, đến cách tân, mà cứ thả bút theo dòng xiết của tâm hồn. Thơ của Hoàng Quang Thuận là những bức tranh đan dệt bằng tâm hồn của một nhà khoa học.
Yên Tử là đất kén thơ. Cảnh thì đẹp thế. Người thì vĩ đại thế. Cảnh ấy, Người ấy, thiêng liêng ấy không chấp nhận cho bất cứ ai đến đó để lưu danh bằng sự xoàng xĩnh. Cho nên thi nhân đến Yên Tử phải rụt rè, so bút là phải. Hoàng Quang Thuận biết rõ điều này, anh không đặt cho mình cái nhiệm vụ đến đó để so tài với các thi nhân về câu chữ. Anh làm thơ như là kẻ vâng lệnh của tâm hồn, của lòng thành thực. Và vì thành thực, anh đã chạm đến thơ. Làm thơ cũng giống như một cuộc hành lễ, trong muôn lễ vật thì sự thành thực là lễ vật cao nhất.
Thi Vân Yên Tử nói được tình cảm chung của những người hành hương là nâng niu, tôn kính. Hoàng Quang Thuận nói về cây về mây về rêu về đá... xúc động như nói về con người. Bởi anh xem mọi vật ở đây là một mảnh tâm linh của Phật, đã được Phật hóa thân. Tôi chăm chú đọc lại nhiều lần bài Am xưa và lưu giữ mãi cái dư vị của nó.
Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng
Bài thơ tiêu biểu cho hai thiêng liêng hóa và đời thường hóa. Cốt cách thì đúng là cái cốt cách của hiền nhân, của tao nhân mặc khách, luôn lấy sự cao khiết làm trọng. Nhân vật trong bài thơ này, phải là người tu đắc đạo, nhẹ bẫng, trong suốt, là người lấy trăng thay cho giường chiếu mà không sợ phàm tục, nhìn thấy trong trăng còn có nhiều trăng nữa, tức là qua một vài mà nhìn thấy cái vô biên. Cách nhìn trăng, cảm trăng, ngộ trăng như thế cũng là cách cảm thấy những phận người. Hai chữ dư vị tôi nói ở trên là như thế.
Hà Nội, ngày 06-8-2012
HỮU THỈNH

2 comments:

  1. Thưa quý vị

    Năm 2008, nhân một hội thảo về Trần Nhân Tông ở Quảng Ninh, tôi được biếu một tập thơ có tên là Thi vân Yên Tử của một người làm thơ lạ hoắc, tên là Hoàng Quang Thuận, đọc mấy bài, thấy là thứ thơ vớ vẩn nên vứt vào xó nhà. Nay nhân đọc tin có cả một cuộc hội thảo của Hội Nhà văn Việt Nam về tập thơ này và tác giả này, với sự xuất hiện của nhiều vị mũ cao áo dài trong làng văn nghệ, lại nghe nói tập thơ viết trong 3 giờ tập tọng kiểu học trò đồng ấu làm thơ Đường không niêm luật vần nhịp ra hồn này sẽ là đại diện cho thơ ca của một dân tộc giàu truyền thống thơ ca là Việt Nam đang được đề nghị trao giải Nobel văn học, tự nhiên tôi lục tìm và lôi lại tập thơ ra đọc. Thất kinh. Tôi nghĩ chẳng ai có thể thể bốc thơm hay ném đá tập thơ, vì đây là thứ quái thai được gọi là thơ, gings như không có thứ nước hoa nào biến một bãi thải tiêu hóa thành một củ khoai lang luộc, cũng như không có một hòn đá nào ném vỡ một mu cát không có khả năng kết dính.

    Nếu cho đây là một tập thơ có dấu hiệu tâm thần, biến thái, hoang tưởng… thì cũng không quá, nhưng theo tôi nên đánh giá đó là những bài gọi là thơ tập làm theo kiểu thơ con cóc của một đầu óc mẫu giáo mầm chồi. Nếu xem đây là một hiện tượng thi ca đương đại thì chỉ có thể nói rằng những ngươì chủ trương hội thảo và tán tụng tập “thơ” này đã khinh bỉ văn học một cách sâu sắc. Và điều đó không gì khác hơn là khẳng định khong thể bác bỏ tình trạng nhếch nhác, tha hóa, suy đồi của văn học đương đại Việt Nam.

    Nam Long

    ReplyDelete
  2. Một ông nhà thơ - Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam lại có thể chấp nhận tổ chức một hội thảo và viết một tham luận bốc thơm cho một tập thơ tầm tầm dưới mức thế này thì quả là quá đáng buồn cho thi đàn Việt Nam.
    Xin đọc một bài để thấy tài thơ của HQT:
    "Yên Sơn tô điểm đóa trà mi
    Sú vẹt non cao thật dị kỳ
    Ốc, còng, sên nhỏ nằm trong đá…
    Đá hình cá sấu nằm chơi vơi
    Cá voi, ếch ộp, thờn bơn dẹt…
    Trải bao biến địa sông thành núi
    Đỉnh Yên nay thành một bảotàng (Đỉnh non thiêng)
    Kha..Kha..
    Vậy nên có kẻ gõ bồn mà ca rằng :
    Một thau cóc, một thau rau
    làm thơ là chọn một thau thôi mà

    ReplyDelete