.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, July 14, 2013

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU: KIM TỰ THÁP, SÔNG NILE, MÁU CHẢY VÀ MỘT THÔNG ĐIỆP

“Trong ánh sáng của những khoảnh khắc lịch sử, nhân dân Ai Cập đang sống trong cuộc đấu tranh của mình cho tự do, công bằng xã hội và nhân phẩm, cũng như cho quyền được lựa chọn người cầm quyền của mình, chúng ta những nhà văn của Hội Nhà văn Á-Phi coi đó là nghĩa vụ của mình và là một phần sứ mệnh của chúng ta đối với thế giới”.
Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á - Phi
Tháng 12 năm 2012, tôi lên đường đi Cairo, Ai Cập dự Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi. Lẽ ra chuyến đi này có nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhưng một ngày trước khi đi, nhà thơ Hữu Thỉnh có việc đột xuất phải ở nhà. Tôi hầu như đi nước ngoài một mình quen rồi nên chẳng có gì phải băn khoăn, nhưng chuyến đi này mang ý nghĩa khác, nên khi nhà thơ Hữu Thỉnh không đi được thì tôi cũng quyết định ở lại. Hơn nữa, tôi cũng muốn có một chuyến đi với ông để kỷ niệm 20 năm chuyến đi đầu tiên với ông ra nước ngoài. Nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh yêu cầu tôi phải đi vì ông muốn có sự hiện diện của nhà văn Việt Nam tại Đại hội này.
Hội Nhà văn Á Phi được thành lập năm 1957, đó cũng là năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và là năm tôi chào đời ở một làng quê ngèo bên sông Đáy. Tôi nghĩ vui vui rằng số mình đã định là phải gắn vào hai cái hội này cho dù muốn hay không, hay hoặc dở, vui hay buồn. Đến năm 1987, Hội Nhà văn Á-Phi ngừng hoạt động sau khi Liên Xô sụp đổ. Và sau hơn 20 năm, những người lãnh đạo của Tổ chức nhân dân đoàn kết Á-Phi hiện có trụ sở tại Cairo, Ai Cập mà Hội Nhà văn Á-Phi trước đó là một thành viên quan trọng, muốn tái thành lập Hội Nhà văn Á-Phi. Vì thế họ tiến hành Đại hội với các nhà văn đến từ hơn 50 nước châu Á và châu Phi. Tôi nhớ năm 1983, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Á-Phi họp ở Việt Nam và tôi được mời làm phiên dịch cho đoàn nhà văn Zimbabwe và Zambia. Ngày ấy, ngân sách hoạt động của Hội Nhà văn Á-Phi hầu như là từ Liên Xô. Chẳng thế mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn Á-Phi đến Việt Nam họp đi bằng một chuyên cơ của Liên Xô. Nghe nói bây giờ cũng có quốc gia muốn đứng vào vị trí như Liên Xô trước kia nhưng những người Ai Cập đã từ chối.
Giấy mời đoàn nhà văn Việt Nam tham dự Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á-Phi do ngài Đại sứ Ai Cập ở Việt Nam ký. Ngài Đại sứ trực tiếp mang giấy mời đến Hội Nhà văn Việt Nam và trao cho nhà thơ Hữu Thỉnh. Cũng trong những ngày trước Đại hội, Cairo đang ở trong giai đoạn nóng lên của các cuộc biểu tình chống đối Tổng thống  Mohamed Morsi. Trên chuyến bay từ Hà Nội đi Cairo, quá cảnh sân bay Doha, tôi nghĩ về một số chuyến đi của tôi cận kề những mối nguy hiểm. Đó chuyến đi đến Phnom Penh sau khi đất nước này vừa được giải phóng 3 tháng và dọc đường vẫn còn tàn quân Pol Pot phục kích, đó là chuyến đi Pakistan để rồi sau đó tìm kiếm một chuyến đi đến Afghanistan khi quân đội Mỹ chuẩn bị tấn công Taliban, đó là chuyến đi Bangkok khi đất nước này có bạo loạn, đó là chuyến đi Mỹ khi mà bệnh sars đang đe dọa toàn thế giới và cuộc chiến của quân đội Mỹ cùng đồng minh với chính quyền Tổng thống Sadam Husein đã cận kề…. Nhưng chẳng mối lo sợ nào đủ sức có thể ngăn được tôi trong những chuyến đi đó. Những chuyến đi thực sự ấn tượng đặc biệt bởi nó chứa đựng trong nó một sự đe dọa và nguy hiểm tới tính mạng của mình.
Tôi đến Cairo lần đầu tiên cho nên bất cứ những gì ở đó đều mang lại cho tôi một cảm giác đặc biệt: Kim tự tháp, sông Nile, những đàn cừu đi trên đường phố, những đám cưới kỳ lạ, những quán cà phê không giống ở đâu trên thế giới như tôi biết, khu chợ cổ, những người Hồi giáo, các cô gái múa bụng nổi tiếng ở Cairo… và kể cả các cuộc biểu tình khổng lồ ở gần các thánh đường Hồi giáo. Khi đến sân bay quốc tế Cairo, tôi đã căng mắt tìm xem có ai đón mình không. Nhưng hầu hết những tấm biển đủ loại ghi tên khách bằng tiếng Ả-rập. Và tôi không hề thấy có một dấu hiệu nào là có người ra sân bay đón tôi. Giữa chốn xa lạ ấy, tôi không dám đi đâu vì sợ có người ra đón mà không gặp. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai đến hỏi tôi ngoài những người lái xe taxi. Họ chỉ biết một hai câu tiếng Anh như là Go, Taxi hay Hotel. Trời vẫn còn sáng nên tôi không dám liều lên một chiếc taxi nào cả vì hy vọng vẫn có người đến đón. Tôi nhớ đến chuyến taxi ám ảnh vào lúc hai giờ sáng ở sân bay miền Trung Pakistan cách đó 10 năm. Trên chuyến taxi ấy, số người phục vụ trên taxi còn đông hơn cả khách. Sau này nghĩ lại tôi đoán có lẽ mấy người Hồi giáo Pakistan chung nhau một chiếc xe để làm dịch vụ. Đêm đó, nếu những người đó có ý định cướp hay giết chúng tôi thì chúng tôi cũng chỉ biết đầu hàng. Ở một nơi xa lạ trong đêm khuya vắng như thế hỏi chúng tôi biết làm gì.
Trong khi tôi đang bồn chồn ngóng đợi người đón tôi thì một người đàn ông làm công việc dọn dẹp ở sân bay đến hỏi tôi có thuê điện thoại không. Lúc đó tôi mới biết có không ít người thuê điện thoại để gọi cho người thân hoặc đồng nghiệp. Nghĩa là ở sân bay Cairo có dịch vụ tư nhân cho thuê điện thoại di động. Tôi đã thuê điện thoại để gọi về ban tổ chức Đại hội. Nhưng tôi gọi đến ba lần mà không có một ai nhấc máy. Cuối cùng tôi phải chấp nhận lên một chiếc taxi sau khi đưa địa chỉ cho anh ta và ngã giá. Gọi là ngã giá vì sau khi tôi hỏi người lái taxi đoạn đường từ sân bay về cái địa chỉ tôi có là bao nhiêu ki-lô-mét và hết bao nhiều tiền, đổi ra là bao nhiêu đô la. Từ đó so sánh với giá taxi ở Việt Nam và một số nước khác tôi đã đi để làm chuẩn và để yên tâm cái giá mà người lái taxi Cairo đưa ra không phải cái giá anh ta lừa tôi. Ngã giá xong thế là lên đường. Người lái taxi không nguôi miệng nói chuyện với tôi bằng tiếng mẹ đẻ của anh ta, thi thoảng có chêm vào một câu tiếng Anh mà như không phải tiếng Anh. Nhưng tôi cũng đoán được là anh ta đang giới thiệu cho tôi về thành phố Cairo. Thi thoảng mặt anh ta tỏ vẻ sợ hãi với giọng nói nghiêm trọng và tôi hiểu anh ta đang nói về một nguy hiểm nào đấy mà những người khách nước ngoài đến Cairo cần cẩn thận.
Địa chỉ tôi đến là trụ sở của Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á-Phi vắng hoe. Người lái taxi bảo tôi ngồi trong xe còn anh ta chạy khắp khu nhà để tìm một ai đó còn ở đấy. Cuối cùng anh ta cũng lôi ra được một người đàn ông Hồi giáo. Hai người nói chuyện với nhau gì đấy. Sau đó người lái xe taxi tươi cười và nhấn ga. Anh ta đưa tôi đến khách sạn Hotel Nile. Đấy là nơi các nhà văn về dự Đại hội nghỉ lại. Tôi dừng lại một lúc trước khách sạn khi nhận ra một đàn cừu lớn vừa ăn cỏ vừa kêu ầm ĩ. Tôi ngửi thấy mùi nước đái và mùi phân cừu. Thay vì thất vọng về nơi mình đến ở là một sự thích thú. Có lẽ đó mới là Ai Cập chăng? Có lẽ đó mới là những gì làm cho một chuyến đi của ta trở nên ấn tượng và khó quên. Cũng như tôi sẽ không bao giờ quên mùi thịt cừu trong ngôi nhà ở biên giới Pakistan và Afghanistan năm 2002 trong cái đêm Mỹ tấn công Kabul để tiêu diệt lực lượng Taliban. Ngôi nhà đó kiểu như nhà nghỉ với một bếp lửa lúc nào cũng rừng rực và mùi thịt cừu nồng nặc. Trong ngôi nhà đó, bạn chạm vào cái gì cũng thấy mùi thịt cừu. Mùi thịt cừu ngay cả trong bọt xà phòng tắm. Hay nói đúng hơn, không khí ở đó đậm mùi thịt cừu.
Đại hội Nhà văn Á-Phi được tiến hành trong ba ngày. Buổi sáng, trước khi rời khách sạn đến nơi tổ chức Đại hội, người lái xe được thông báo những nơi có biểu tình chống lại Tổng thống Mohamed Morsi để lái xe tìm đường khác đi cho đúng giờ và tránh những rủi ro có thể xảy ra. Đại hội đã bầu nhà văn Mohamed Salmawy, người Ai Cập, làm Tổng thứ ký Hội Nhà văn Á-Phi và tôi giữ vị trí là Phó tổng thư ký thứ nhất. Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi có năm người: Chủ tịch (vị trí biểu tượng của Hội Nhà văn Á-Phi) là nhà văn, giáo sư Ali Javed, người Ấn Độ, ông là Chủ tịch liên đoàn các Hội Nhà văn Tiến bộ Ấn Độ. Còn lại là bốn người trong ban thư ký trực tiếp điều hành mọi công việc của Hội. Dưới Ban thư ký có chín Ủy ban trụ trách các lĩnh vực khác nhau do chín nước đảm nhận như Ủy ban Tài chính, Ủy ban truyền thông, Ủy ban xuất bản, Ủy ban văn học thiếu nhi, Ủy ban đối ngoại, Ủy ban dịch thuật…

Nhà văn Ai Cập Mohamed Salmawy
Sau khi bầu Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ma Rốc đến gặp tôi và nói: “Cha tôi đã đi lính Pháp đến Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh, cha tôi có tội với nhân dân Việt Nam. Cha tôi giờ đã mất. Nay tôi bỏ một phiếu cho ông để thay lời xin lỗi của cha tôi đối với nhân dân Việt Nam”. Nghe vậy, tôi vô cùng xúc động. Tôi thấy đó là lá phiếu đặc biệt nhất đối với tôi từ trước đến nay. Cho dù 9/10 lá phiếu đó là bỏ cho đất nước Việt Nam của tôi. Từ Cairo, tôi đã gọi điện cho nhà thơ Hữu Thỉnh báo cáo về tình hình Đại hội. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã chuyển lời mời Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi thăm Việt Nam trong một ngày gần nhất. Ngay sau đó, Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi quyết định chọn Việt Nam để tiến hành hội nghị đầu tiên của Hội Nhà văn Á-Phi bàn về những công việc của Hội trong một thời đại mới.
Hội nghị đầu tiên của Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi dự định sẽ tiến hành từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 6 năm 2013. Nội dung cơ bản của hội nghị đầu tiên này là chuẩn bị cho ra đời Tạp chí văn chương và Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi. Hội Nhà văn Á-Phi trước kia đã có Tạp chí lấy tên là Hoa Sen. Đại hội lần này cũng quyết định giữ nguyên tên của Tạp chí. Tạp chí sẽ xuất bản bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp và Ả Rập. Trong Đại hội, đại diện của Hội Nhà văn Israel xin đăng cai việc trao giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi ba năm một lần theo nhiệm kỳ ba năm của Hội Nhà văn Á-Phi. Giải thưởng có tên Jerusalem. Sau này, tôi đã trao đổi với nhà văn Mohamed Salmawy, Tổng thư ký, không nên dùng tên riêng của bất cứ quốc gia nào làm tên giải thưởng vì đây là giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi. Nhà văn Mohamed Salmawy đồng ý với quan điểm của tôi và sẽ đưa ra bàn luận trong hội nghị đầu tiên tại Việt nam. Tôi đề nghị giữ nguyên tên giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi trước kia là Giải thưởng Hoa Sen.
Hội Nhà văn Việt Nam trở thành chủ nhà tổ chức hội nghị đầu tiên của Hội Nhà văn Á-Phi. Một trong những điều mà những người làm văn chương thấy thật vui và xúc động khi một số doanh nhân đã sẵn lòng đứng bên Hội Nhà văn tổ chức hội nghị này. Đó là Công ty Vinh Hạnh, Công ty Đông dược Phúc Hưng, khách sạn Tam Hotel, Sở Văn hoá- thể thao và du lịch Hà Nội mà cụ thể là khách sạn Thang Long Opeera, Tập đoàn Đảo Tuần Châu, Nhà hát múa rối nước Thăng long. Đây là những công ty đã từng ủng hộ những sự kiện văn hóa và văn học nước nhà trong nhiều năm qua một cách lặng lẽ. Và năm nay, năm 2013, trong khi tình hình kinh tế vô cùng khó khăn nhưng những công ty này hay nói cách khác là những người đã làm ra những công ty đó vẫn làm hết sức mình cho một sự kiện văn học quan trọng. Trong khi Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh chủ trì ráo riết chuẩn bị cho phiên họp thứ nhất của Hội Nhà văn Á-Phi tại Việt Nam thì nhà văn Mohamed Salmawy, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á-Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Ai Cập đã viết thư khẩn cấp thông báo cho Hội Nhà văn Việt Nam về tình hình vô cùng căng thẳng đang diễn ra ở Ai Cập và xin hoãn hội nghị dự định tổ chức vào cuối tháng 6 năm 2013. Nhà văn Mohamed Salmawy nói sân bay quốc tế Cairo có thể sẽ đóng cửa trong vài ngày tới và đoàn nhà văn từ Ai Cập và các đoàn nhà văn từ một số nước châu Phi sẽ quá cảnh sân bay Cairo để đến Hà Nội sẽ không thể nào đi được, hoặc đến Hà Nội rồi mà không quay về được.
Ngay sau đó, nhà văn Mohamed Salmawy đã viết thư với danh nghĩa một nhà văn, một công dân Ai Cập gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi Liên Hợp Quốc hãy có hành động chấm dứt tình hình ở Ai Cập. Nội dung bức thư có đoạn: “ Lá thư này được viết từ trái tim Ai Cập, một dân tộc với lịch sử hàng ngàn năm, một dân tộc đã làm ra một trong những nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại, tiếng gọi này của trái tim đến từ một cuộc “nổi dậy” chống lại một chính quyền mà chính quyền đó đã chống lại mọi nguyên lý khai sáng, mà trên những nguyên lý đó những nền văn minh trong lịch sử đã được xây dựng và những nguyên lý đó đã giương cao một cách kiêu hãnh ngọn cờ của Tự do, của Lòng khoan dung và của sự Khai sáng. Ai Cập bây giờ đã trở thành tù nhân của một số phần tử chính trị, những kẻ không chấp nhận sự khác biệt về tôn giáo, đang áp đặt tư tưởng ngoại bang lên một xã hội đa sắc tộc và tôn giáo. Chúng tôi coi đây là một trong những sứ mệnh quan trọng của Liên Hợp Quốc công khai thừa nhận rằng sự đòi hỏi của nhân dân Ai Cập là một phần thực chất của quyền con người đã được Liên Hợp Quốc ban hành và một trong những quyền đó là “quyền của nhân dân được lựa chọn người cầm quyền của mình”, và vì quyền đó mà nhân dân Ai Cập đã sẵn sàng trả giá bằng những cái chết không đếm được của những người đã ngã xuống cho đất nước họ kể từ ngày đầu tiên của cuộc cách mạng 25 tháng Giêng và những người tiếp tục ngã xuống cho Ai Cập hôm nay…”
Và đêm 8 tháng 7 năm 2013, nhà văn Mohamed Salmawy, đại diện cho các nhà văn Á-Phi đã soạn thảo một thông điệp để gửi toàn thế giới về những vấn đề đang xảy ra trên đất nước của Kim tự tháp và sông Nile. Nhà văn Mohamed Salmawy đã gửi cho chúng tôi, những người trong Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi và các thành viên của Hội Nhà văn Á-Phi bản dự thảo đó. Bức thư có đoạn: “Trong ánh sáng của những khoảnh khắc lịch sử, nhân dân Ai Cập đang sống trong cuộc đấu tranh của mình cho tự do, công bằng xã hội và nhân phẩm, cũng như cho quyền được lựa chọn người cầm quyền của mình, chúng ta những nhà văn của Hội Nhà văn Á-Phi coi đó là nghĩa vụ của mình và là một phần sứ mệnh của chúng ta đối với thế giới”.
Ông đề nghị các nhà văn ở hai châu lục Á và Phi hãy đọc bản thông điệp đó và giúp ông sửa chữa hay gợi ý những điều cần nói. Ông sẽ hoàn thiện bản thông điệp và chuyển đi. Ông cùng những nhà văn Ai Cập chân chính sẽ đứng lên chống lại những gì đang chà đạp lên ánh sáng, giấc mơ và quyền làm người của nhân dân Ai Cập.
Một trong những hoạt động của Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á-Phi ở Việt Nam là tham dự hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Á-Phi cùng tổ chức với chủ đề: “ Sứ mệnh của các nhà văn Á-Phi trong thời đại toàn cầu hóa”. Nhà văn Mohamed Salmawy và nhà thơ Hữu Thỉnh sẽ chủ trì cuộc hội thảo quan trọng này. Và những người trong ban tổ chức Hội nghị của Hội Nhà văn Á-Phi viết thư cho tôi nói rằng họ sẽ đến Việt Nam bằng mọi giá để tham dự hội nghị và cao hơn cả là đến để minh chứng cho thế giới rằng: Khát vọng hòa bình và những vẻ đẹp văn hóa cùng quyền sống trong tự do của mỗi con người sinh ra dưới mặt trời là bất diệt. Cũng trong thời gian ở Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sẽ ký một thỏa thuận hợp tác giữa hai bên nhằm tìm hiểu và tôn vinh nền văn hóa của hai đất nước và dịch thuật, giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất của hai nền văn học.
Và suốt một tuần qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu, một sự thật bi thương đang diễn ra cùng máu chảy trên mảnh đất kỳ vĩ của những Kim tự tháp và của dòng sông Nile huyền bí. Nhưng vượt lên bóng tối và máu chảy trong một thời khắc nào đó là ánh sáng của giấc mơ và ý chí của con người trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã dựng lên một trong những nền văn minh vĩ đại nhất.
NGUYỄN QUANG THIỀU

No comments:

Post a Comment