.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, July 8, 2013

BÁO QĐND: MỘT “GÓC NHÌN” PHẢN VĂN HÓA VÀ PHI CHÍNH TRỊ


QĐND - Gần đây, dư luận bàn tán khá nhiều về những quan điểm gây “sốc” của một luận văn thạc sĩ văn học, tán dương sự nổi loạn của một nhóm thơ “cách tân” nhen nhóm cách nay hơn chục năm và hiện nay đang leo lét. Tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đầu tháng 6-2013 vừa qua ở Tam Đảo, đã có nhiều ý kiến phê phán khá gay gắt đối với bản luận văn này.
Nhà nghiên cứu-phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu gọi đây là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối”. Giáo sư Phong Lê hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn. Có người kêu lên: “Liệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nơi tổ chức thực hiện bản luận văn) có giải thiêng lịch sử được không?”. Có người nói rằng: “Đây là một luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động…”.
Đó chính là bản luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ Thị Thoan, mang tên: Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa, thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam, mã số 602234. Bản luận văn được Hội đồng chấm luận văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chấm điểm và hiện được lưu trữ tại thư viện trường này.
Tác giả bản luận văn xác nhận: Đối tượng của luận văn là Thực hành thơ của Mở Miệng, với vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật của họ… Và: Các tác phẩm được khảo sát là những tập thơ cá nhân và nhóm của các thành viên Mở Miệng, cùng những người đồng chí hướng (tr.16).
Chữ “bên lề” của Đỗ Thị Thoan xuất phát từ lý luận về Giải trung tâm của Derrida, theo đó họ quan niệm rằng trong một văn bản có quan hệ giữa phần chữ viết và phần lề xung quanh, mà phần chữ viết là trung tâm còn phần lề là ngoại vi. Bên lề là để ghi chú, giải thích, hiệu đính… và đó là cái khác với cái trung tâm. Từ đó, sinh ra lý luận “Mỹ học của Cái Khác”. Tác giả Đỗ Thị Thoan là một trong những người coi hiện tượng nhóm Mở Miệng là Cái Khác của dòng văn học chính thống, được mệnh danh là thơ phản kháng, thơ Bên Lề và tập trung nghiên cứu Cái Khác, cái Bên Lề của nhóm này.
Mở Miệng là nhóm gì và gồm những ai? Chính bản luận văn nêu trên cho biết: Tháng 6-2002, tập Mở Miệng gồm 4 tác giả: Khúc Duy, Bùi Chát, Lý Đợi và Nguyễn Quán được xuất bản-Nhóm Mở Miệng chính thức hình thành. Tập thơ in photo số lượng ít, chuyền tay bạn bè trong Sài Gòn và một số tập khác sau đợt kiểm tra đã bị thu hồi và tiêu hủy. Vì sao các “tác phẩm” in photo của nhóm này bị thu hồi tiêu hủy? Bởi cái mà họ gọi là thơ, như chính họ thừa nhận, là thơ dơ, thơ rác rưởi, thơ nghĩa địa… ngôn ngữ thơ thô tục bẩn thỉu, nghệ thuật thơ bế tắc lập dị. Đặc biệt, họ đã dùng thủ pháp giễu nhại để vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ… nhằm hạ bệ các thần tượng, giải thiêng lãnh tụ và các danh nhân, bôi bẩn các giá trị lịch sử-văn hóa của dân tộc, xúc phạm tình cảm của hàng triệu đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Chính vì vậy mà nó đã không tồn tại được lâu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta, như chính tác giả bản luận văn đã viết: Mở Miệng từ chỗ gây náo loạn, đã trở nên im ắng dần trong những năm gần đây. Lẽ ra, Mở Miệng có thể trở thành một cú hích để xới lật nhiều vấn đề về thơ đương đại cả lý thuyết lẫn thực hành và trên thực tế đã châm ngòi cho một số cuộc tranh luận quan trọng như về thanh-tục trong thơ, về thủ pháp giễu nhại… Nhưng các cuộc tranh luận đều diễn ra trên mạng và không chứng tỏ nhiều ảnh hưởng với sự chuyển động của thơ Việt trong nước (tr.9).
Một sự “nổi loạn, cách tân” đã thất bại, đã bị cuộc sống chối bỏ và trên thực tế đã gần như cáo chung, thế mà tác giả Đỗ Thị Thoan, một cán bộ giảng dạy đại học sư phạm, lại bới lên để khảo sát và hết lời tán dương, cổ xúy: Việc Nguyễn Huy Thiệp nhét cứt vào miệng kẻ sĩ Bắc Hà để hạ bệ thần tượng hoàn toàn khác việc Mở Miệng đưa chuyện cứt đái ra nói công khai như những kẻ mua vui nhàn rỗi cho quần chúng bằng thơ tiếu lâm… Không chỉ nói chuyện “cứt đái”, thơ của nhóm Mở Miệng còn hào hứng miêu tả những bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà, những hành vi làm tình, hành lạc… bằng những từ ngữ thô tục, trần trụi nhất mà một người bình thường không thể nhắc lại được, dù là để phê phán. Những từ tục tĩu bẩn thỉu ấy được sắp đặt lổn nhổn bên nhau, được phát ra một cách lảm nhảm vô lối: Tôi ném nước bọt lên tường/ Tôi yêu những người đàn bà đang là chuột dưới cống/ Tôi thấy em mặc quần lót mười nghìn ba cái mua ở vỉa hè mỗi khi chủ nhật… Tôi hành hạ tôi ba bữa/ Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời/ Tôi đánh răng vào buổi trưa/ Tôi đâm ra/ Tôi cải tạo âm hộ… Ấy thế mà Đỗ Thị Thoan ca ngợi: Những thi phẩm này (đúng là phải gọi bằng từ “thi phẩm”) đều sạch, đẹp và giàu năng lượng cảm xúc…(tr.64). Và: Thái độ dám hủy bỏ thi tính của mình để đổi lấy một hành vi mới, tạo ra một ý niệm mới về việc làm thơ là một thách thức với ý thức mỹ học cũ (tr.84) v.v..
Từ việc đồng lõa, bênh vực và “tôn vinh” thứ thơ bệnh hoạn, tắc tị như trên, tác giả đã bộc lộ thái độ chính trị của mình thông qua việc ca ngợi  những nhà văn “phản kháng” như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… để rồi xuyên tạc và kích động: Nhưng giai đoạn khủng hoảng, phẩm tính phản kháng vốn tiềm tàng trong lòng các xã hội chuyên chế sẽ trỗi dậy. Đây là giai đoạn thích hợp cho nổi loạn, cho phá phách, cho thái độ vô trật tự, vô chính phủ… Và: Nhân văn Giai phẩm trước hết là một phong trào dân chủ… Mở Miệng cũng bắt đầu bằng một phản ứng CHỐNG một thứ quyền lực “vô hình” trong sự thiết lập sân chơi thơ trẻ của các sĩ phu Bắc Hà và họ tạo thành một nhóm chơi (trò) chơi thơ với sự thống nhất về bản sắc, ý hướng, dù thực hành cá nhân mỗi người lại khác nhau. Phản ứng của những người tin tưởng vào Cách mạng của quá khứ (tức nhóm Nhân văn Giai phẩm) cũng hoàn toàn khác với phản ứng có tính chất phá bỏ, giễu nhại, thiếu nghiêm trang của Mở Miệng (tr. 32).
Sau khi thừa nhận “nhu cầu cách mạng” để thực hiện “nhu cầu cách tân” về nghệ thuật của nhóm Mở Miệng, thừa nhận họ văng tục và nói về cứt đái nhưng muốn lật đổ hơn là xây dựng (tr.31), tác giả Đỗ Thị Thoan không hề giấu giếm đối tượng “cách mạng” và “lật đổ” không chỉ là những khái niệm của văn chương học thuật mà là thể chế chính trị. Bởi tác giả cho rằng: Cơn hưng phấn của thời Đổi Mới nhanh chóng biến thành nỗi hụt hẫng vì sự thắt chặt lại của chính sách, với Đại hội Đảng VII năm 1991 (tr. 26). Tác giả còn tố cáo Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo: Và bởi sự thống nhất trong một xã hội không chấp nhận đa nguyên về ý thức hệ và tư tưởng, Cái Khác là cái cần bị loại trừ, bị chèn ép… (tr. 37). Đến đây, tác giả đã công khai biểu thị thái độ đồng tình với tư tưởng chống Cộng của các phần tử chống đối Đảng và chế độ XHCN, mà Mở Miệng chỉ là một nhóm nhỏ, trong đó: Tập Bài thơ một vần của Bùi Chát, mặc dù là thơ tự do, nhưng tính chất một vần nằm ở từ khóa Cộng Sản. Bùi Chát lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ... (tr. 71). Và tác giả  Đỗ Thị Thoan kết luận: Mở Miệng, ở các thực hành thơ, đã là biểu hiện của sự giải phóng, trong nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Trong sự so sánh với truyền thống thơ của Việt Nam, Mở Miệng là một sự chối bỏ quyết liệt, dù tôi không muốn nhìn nhận họ như một sự đại diện cho thế hệ, nhưng họ đã lên tiếng đòi phá nốt những thành trì kiên cố của sự chuyên chế, khi niềm tin vào chế độ và sự tự do đang có đã tan rã… (tr. 104).
Rõ ràng “đây là một bản luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động”. Nó trá hình ở chỗ mượn cụm từ “góc nhìn văn hóa” để khảo sát một hiện tượng văn học, nhưng thực chất để tung hô, cổ xúy cho một “thực hành thơ bên lề” có tư tưởng chống đối cái trung tâm, cái chính thống, chống lại định hướng, chống lại thiên chức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân của văn học và nhà văn. Tán thưởng quan điểm “nổi loạn là điều kiện của sáng tạo”, xuýt xoa tấm tắc khen “thơ rác, thơ dơ”, thơ tục tằn bẩn thỉu… thì “góc nhìn văn hóa” ấy là văn hóa gì? Nó phản động ở chỗ chuyển từ ý thức phản biện khoa học sang ý thức phê phán để chống đối, nổi loạn, lật đổ. Trong khi toàn Đảng và toàn dân ta đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì nó tìm cách giải thiêng hình tượng Bác Hồ, mang những bài viết, lời phát biểu và những bài thơ của Người ra để chế tác và giễu nhại… Đây là biểu hiện hết sức trắng trợn của những người tự nhận là “cách tân, đổi mới” nhưng thực chất là mượn văn nghệ để làm ngọn cờ chính trị hòng lật đổ chế độ, thay đổi thể chế.
Và đặc biệt, sự trá hình, sự phản động chính trị trong trường hợp này là hết sức nghiêm trọng và nguy hiểm, vì đây không phải là những tài liệu, bài viết phát tán trôi nổi trên internet để các cư dân mạng có thể tiếp nhận ở những mức độ khác nhau, mà đây lại là một luận văn thạc sĩ cao học, được làm và bảo vệ trong một cơ sở giáo dục-đào tạo bậc đại học của Nhà nước, nên nó có tính pháp quy. Theo đó, nó sẽ được lưu trữ trong thư viện quốc gia, làm tài liệu chính thức cho các đối tượng nghiên cứu, tham khảo. Tác giả luận văn lại là người giảng dạy văn học cho sinh viên sư phạm, nghĩa là những tư tưởng của tác giả sẽ được tiếp nhận và sẽ được truyền lại cho nhiều thế hệ trẻ nữa.
Như vậy, người viết bản luận văn cổ xúy cho thứ văn chương "lật đổ" này có quyền và tư cách được đứng trên bục giảng đại học nữa hay không? Cái gọi là bản luận văn này có xứng đáng được đối xử như một công trình khoa học hay không? Và những người tham gia hướng dẫn, chấm điểm, cấp bằng… cho tác giả và bản luận văn này liệu có vô can trước những quan điểm sai trái, phản động, nguy hiểm như đã trình bày trên đây?
Được biết, sau khi bị dư luận lên tiếng và được cơ quan chức năng chấn chỉnh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Văn của nhà trường đã họp “rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, trên thực tế chưa ai bị xử lý bất kỳ hình thức kỷ luật gì. Thậm chí có người còn phát biểu trên một số diễn đàn chính thống rằng phê phán bản luận văn như vậy là kiểu “chụp mũ, quy kết” đã lỗi thời. Đặc biệt, thạc sĩ Đỗ Thị Thoan vẫn tiếp tục lên lớp cho sinh viên và dưới bút danh Nhã Thuyên, cô vừa phát tán một tập tiểu luận mang tên “Những tiếng nói ngầm” trên một số trang mạng ở nước ngoài, trong đó có những trang mạng chống Cộng nổi tiếng nhiều năm nay. Trong tập tiểu luận này, Nhã Thuyên công khai tán dương, ủng hộ dòng thơ “ngầm” chủ trương chống đối, lật đổ chế độ cộng sản; xuyên tạc lịch sử dân tộc; chống lại “sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh”…
Trước những biến động phức tạp của đời sống chính trị-xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa hiện nay, không ít người đã tỏ ra “nhạy bén” một cách xu thời, cơ hội; hoặc là hữu khuynh, mất phương hướng. Tình trạng dao động, mất phương hướng, bị cuốn theo những ảnh hưởng xấu độc là rất đáng lo ngại. Đáng lo ngại hơn là tình trạng ấy lại diễn ra ở một số người trong một số cơ quan văn hóa-giáo dục có uy tín. Bởi vậy, vấn đề cần giải quyết lúc này không chỉ là hình thức và biện pháp xử lý đối với một bản luận văn và tác giả của nó. Rất mong lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận đúng bản chất của vấn đề, nghiêm túc và cầu thị lắng nghe dư luận, chấp hành chỉ đạo của cấp trên để giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng, lấy lại uy tín của một “cỗ máy cái trong nền giáo dục quốc gia” hơn nửa thế kỷ qua!
TUYÊN HÓA
Nguồn: Báo QĐND




THUYÊN – THOAN - SƯ - HÀ – DIỄN NGHĨA
________________
Ngày 3/8:
Nhã Thuyên hội (KỲ 8):
________________
Ngày 2/8:
Nhã Thuyên hotgirl (KỲ 7):
Mới:
- (KỲ CUỐI) – BÁO VĂN NGHỆ TPHCM – NGUYỄN VĂN LƯU: “VĂN - SỬ BẤT… PHÂN”  “Nhã Thuyên dường như chỉ là cái cớ cho những con sói học hàm đầy trí khôn và móng vuốt cấu xé". 
- MAI ANH TUẤN (ĐH VĂN HÓA): “KHÔNG BAO GIỜ TRÍCH DẪN NHỮNG LỜI LẼ MÀ PHÊ BÌNH CHỈNH HUẤN ĐANG DÙNG” những nhà văn/nhà thơ hay những nhà nghiên cứu bị phê bình chỉnh huấn liệt vào đủ các tội mà tôi từng gặp, tôi đều nhận thấy họ có phong thái rất lịch thiệp, hồn nhiên, nhiều ưu tư và đầy nhân ái với/về đời sống”.
Hay:
- NGUYỄN ĐỨC TÙNG VÀ TIN TỨC MỖI NGÀY VỀ VỤ NHÃ THUYÊN Mỗi ngày một bài kết án/ Nếu bảy ngày như thế/ Sẽ có người tự tử vì buồn chán/ Rất may/ Ngày thứ sáu/ Chúng bỗng im bặt”.
Báo:
________________
Ngày 1/8:
Nhã Thuyên cháy (KỲ 6)
Hấp dẫn:
Đặc biệt trên tuần báo VN TPHCM:
 Mới:
________________
Ngày 31/7:
Nhã Thuyên chưởng (KỲ 5)
Vũ Thị Phương Anh:
Chu Mộng Long:
________________
Ngày 30/7:
Nhã Thuyên bay (KỲ 4)
GS Trần Đình Sử:
____________
Ngày 21/7
Nhã Thuyên thánh (KỲ 3)
____________
Ngày 15/7
Nhã Thuyên mơ lạc (KỲ 2)
________________
Ngày 8/7
Nhã Thuyên nổi loạn (KỲ 1)

_____________________

1 comment:

  1. Đến bây giờ với sự văn minh và tiến bộ của nhân loại văn chương, nghệ thuật vẫn phải mang tính định hướng hay sao?Ông Thiên Hóa a!Chúng tôi không đồng quan điểm với ông đâu.Tôi nhớ lại một chuyện khi xem tập tranh của một LHS sưu tầm của Picatxo,một tùy viên văn hóa của ĐSQ ta ở Tiệp đã thu hồi và tuyên bố là tranh mang tính phản động.Mà trong hội họa có bao trường phái và có trường phái nào là phản động,nó đều có giá trị nghệ thuật đích thực cả đấy.Chuyện một luận án đánh giá một trào lưu thơ mới,thì có gì là nguy hại đến thể chế xã hội, sao ông lại chụp mũ là cổ xúy...Các thầy trong hội đồng chấm luận văn theo tôi họ hơn ông hẳn một cái đầu đấy.Tôi cũng thông cảm cho ông bỡi lẽ không viết thế ,thì ông lấy gì mà sống!

    ReplyDelete