.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, July 30, 2013

VŨ THỊ PHƯƠNG ANH BÀN VỀ NGUYỄN VẠN PHÚ TRONG VỤ LUẬN VĂN NHÃ THUYÊN



Những đóng góp của LV "Những kẻ bên lề", hay "Hận cá, chém thớt"

Entry dưới đây là một ngoại lệ trên blog này, vì nó không phải là một bài do tôi viết (ngoài lời dẫn này) mà bài đăng lại của người khác - là điều mà tôi hầu như không bao giờ làm, trừ phi được yêu cầu (đăng dùm những người không có chỗ để đăng). Vì tôi nghĩ việc đăng lại không làm tăng thêm lượng tri thức cho xã hội, là điều mà tôi nhắm đến khi viết blog.

Nhưng hôm nay thì khác. Tôi phải đăng lại bài của người khác vì hai lẽ:


1. Nhiều lý lẽ trong bài dưới đây trùng hoàn toàn với ý tưởng của tôi, nhưng được diễn đạt một cách xuất sắc hơn tôi rất nhiều; còn những gì khác với ý tưởng của tôi thì lại bổ sung hoặc điều chỉnh một cách hoàn hảo cho những gì tôi đã viết ra liên quan đến luận văn của ĐTT hoặc về nhóm Mở miệng.


Vì vậy, đăng bài này sẽ có tác dụng củng cố, bổ sung, hoặc điều chỉnh những gì tôi đã viết trước đó. Đó cũng là cách giúp tôi có trách nhiệm với những bạn đọc blog này, mà tôi đoán đa số là các học viên của tôi (hoặc có thể không học nhưng có biết tôi với tư cách một giảng viên).


2. Bài viết của anh Nguyễn Vạn Phú, một nhà báo tài năng (theo đánh giá của tôi) là một trong rất ít những bài viết xem xét cuốn luận văn của ĐTT dưới cái nhìn cởi mở và khoa học, nên tôi thấy có trách nhiệm phải phổ biến nó ra để rộng đường dư luận. Hơn nữa, nó đã chỉ ra những điểm mà nhiều người Việt Nam nói chung và những người làm việc trong lãnh vực khoa học và giáo dục - đào tạo nói riêng (trong đó có tôi), đã không nhìn ra - hoặc do không có khả năng để nhìn, hoặc do bị bối rối trước hàng loạt các bài viết đầy tính quy chụp, đấu tố trên báo chí nên đã bỏ sót.


Theo tôi, những điểm cần lưu ý trong bài viết của anh NVP là:


(a) Luận văn của ĐTT nghiên cứu về nhóm MM, nên đương nhiên phải trích dẫn thơ của họ, dù để khen - chê, hay chỉ để hiểu và mô tả (đây là lựa chọn của ĐTT). Cũng vậy, vì nhóm MM ra đời trong một bối cảnh thời đại ở VN với những đặc điểm về kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể, nên việc mô tả lại bối cảnh này một cách khách quan là cần thiết. Không thể nói việc ĐTT trích đăng lại những thơ của MM hay đề cập đến tình hình chính trị xã hội của VN trong luận văn là phản động được.


(b) Nhóm MM là một phần của thực tại xã hội VN, và dù có hay không có LV của ĐTT thì những hiện tượng "phản kháng" tương tự vẫn cứ tồn tại song song với "dòng chính". Nói theo biện chứng pháp thì đó chính là quy luật mâu thuẫn, tức quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập (ai quên Triết học Mác - Lênin đã học hồi đi học đại học thì google mà đọc lại nhé).


Như vậy, việc nghiên cứu nó là rất cần thiết, và thực sự là một đóng góp, ngay cả và trước hết là cho những người có quan điểm chính thống - nói đúng hơn là quan điểm thống trị - về văn học và vai trò của văn học trong xã hội. Chủ nghĩa tư bản đã đi từ một phiên bản hoang dã, tàn ác, đẫm máu sang một CNTB có rất nhiều cải thiện như hiện nay cũng chính vì nó đã biết lắng nghe những tiếng nói trái chiều (tức là chúng ta, những người theo chủ nghĩa cộng sản) để tự điều chỉnh.


Những ví dụ cụ thể và gần gũi hơn có thể kể là: "câu chuyện thành công" của TQ trong việc vận dụng quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập: ngay trong thời còn tồn tại chiến tranh lạnh, TQ đã sớm bắt tay với Hoa Kỳ, trước khi cuộc chiến tranh VN kết thúc, đồng thời bắt đầu áp dụng ngay quy luật kinh tế thị trường - mặt đối lập của quy luật kinh tế kế hoạch tập trung của các xã hội cộng sản - để tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ trong mấy thập niên qua. Sự sụp đổ của Liên Xô, trái lại, là hậu quả của việc che giấu, bưng bít sự thật.


Nhân tiện, xin tiết lộ thêm: Tôi không quen biết gì ĐTT cả, nhưng khi có vụ om xòm về LV này, tôi đã đọc nhanh những gì ĐTT công bố trên trang damau.org dưới bút hiệu Nhã Thuyên và sau đó viết vài bài trên blog và gửi cho "cô giáo trẻ" (lời của NVP) này. Trong cả hai bài viết của mình, tôi khẳng định nhóm Mở Miệng là hậu hiện đại và vì thế (hàm ý) khẳng định rằng Nhã Thuyên đang nghiên cứu về hậu hiện đại, muốn đánh giá cô thì phải dựa vào hậu hiện đại. 


Viết xong, tôi gửi link hai bài trên cho Nhã Thuyên trên blog của cô (ở đây: nhathuyen.com) để trao đổi, và đã nhận được một comment dài của cô, mà tôi sẽ đăng lại dưới phần nhận xét của tôi. Quả thật, khi đọc được comment ấy của cô thì từ chỗ không quen biết tôi đã thực sự quý mến người bạn trẻ này vì tinh thần tư duy độc lập của cô ấy. Hai bài viết của tôi dựa trên lập luận rằng hậu hiện đại là một trào lưu tư tưởng rất phổ biến hiện nay ở phương Tây, và chúng ta vì đã hội nhập nên cần có những người hiểu biết và nghiên cứu về hậu hiện đại ở VN. 

Có thể xem hậu hiện đại chính là lập luận nhằm bênh vực cô ấy, mặc dù tôi - cũng như Nhã Thuyên với nhóm MM - chỉ quan tâm đến luận văn của ĐTT như một hiện tượng trong ngành giáo dục mà tôi cần hiểu, chứ không có ý định khen hay chê gì cả. Nhưng thật bất ngờ, NT đã không vớ lấy lập luận ấy như người chết đuối vớ lấy cọng rơm, mà khẳng định rằng mặc dù MM có thể gần với hậu hiện đại, nhưng cô đang không dùng lý luận của hậu hiện đại (và tránh không dùng từ hậu hiện đại vốn được hiểu một cách khá mơ hồ ở VN) mà đang muốn nhìn cách thực hành thơ (chứ không phải là chính bản thân các "sản phẩm thơ") của MM trên một điểm tựa văn hóa và dưới khía cạnh văn học sử chứ không phải dưới ánh sáng của các lý thuyết văn học. 

Xin đọc comment của NT dưới đây (tôi có cắt đoạn ra cho dễ theo dõi hơn, và in đậm vài chỗ để nhấn mạnh):

Thực ra “hậu hiện đại” là một dạng nhãn mà em luôn tránh phải dùng đến. Một điểm tựa để em tiếp cận đối tượng trong luận văn là khái niệm lề (margin)trong nghiên cứu văn hoá (cutural studies) – và đó là cái mà gọi là “góc nhìn văn hoá” của luận văn. Tên luận văn nói rõ điều đó: Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm MM từ góc nhìn bên hoá. Nếu lý tưởng, từ cái nhan đề, “vị trí kẻ bên lề” là cách em nhìn đối tượng, “thực hành thơ” (chứ không phải những thực hành chính trị, nếu có) là điểm em khai thác ở MM, và thực hành thơ – chứ không phải chỉ là thơ – vì thơ của họ liên quan chặt chẽ tới dạng thức samizdat (tự xuất bản) mà Mở Miệng và nxb Giấy Vụn là một trong những điểm nổi bật của phong trào tự xuất bản đương đại ở Việt Nam… Và góc nhìn văn hoá cho phép em khai thác đối tượng trong mối liên hệ với bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá (và do đó không thể tránh việc có những mô tả này nọ về văn hoá, chính trị) chứ không phải chỉ dùng những nhãn hiệu để đánh giá họ thành công hay thất bại


Có thể nói, luận văn là một nỗ lực và có góc nhìn phê bình hơn là ..”nghiên cứu” mang tính đo đạc (có thể có những cái khác biệt khi chị Phương Anh nghiên cứu các hiện tượng giáo dục tương tự – có thể có những sự nổi loạn trong giáo dục chăng?) …. Hậu hiện đại, em không muốn dùng, dù có vẻ như nó tương thích với Mở Miệng, là vì nó biểu hiện một cái nhìn có tính chất lịch sử, nó là một dạng nhãn hiệu vừa khó cắt nghĩa (vì dù có gọi tên bằng các tính chất như giải thiêng, phá vỡ trung tâm, v..v thì mỗi người có một cách cắt nghĩa khác nhau về thuật ngữ này) vừa mơ hồ vì các thời điểm và tính chất được sử dụng… Trong tiểu luận của em trên Damau về Mở Miệng, em cố gắng cân bằng giữa những quan sát và những sự đọc có tính chất phê bình.

Dẫu sao, nói gọn lại, luận văn của em là một góc tiếp cận văn học sử chứ không dựa trên lập thuyết và tìm ví dụ minh hoạ cho lập thuyết của mình.


Cảm ơn chị Phương Anh đã có những trao đổi mà em nghĩ có thể nghĩ và bàn bạc thêm nữa.

Viết thêm lời dẫn và đăng bài của anh NVP lên đây, tôi chỉ mong rằng vụ việc sẽ được xử lý ổn thỏa, có tình có lý, có tính khoa học, và không để lại một tiền lệ xấu cho nền khoa học còn vô cùng non trẻ và yếu ớt của chúng ta, Tôi nghĩ, có lẽ không một ai, ngay cả Ban Tuyên giáo Trung ương, lại có chủ trương rằng bất cứ ai không hề có chuyên môn cũng có thể nhân danh những giá trị "chính thống" để kêu gọi đánh giá lại thành quả lao động của các nhà khoa học, đặc biệt là những người này lại là những nhà khoa học có tên tuổi đang làm việc ở một cơ sở giáo dục công lập có truyền thống và danh tiếng.


Nếu tôi không lầm thì Luật giáo dục đại học của chúng ta (áp dụng từ đầu năm nay) đã được soạn thảo với tinh thần tăng thêm quyền tự chủ cho các trường. Lẽ nào lời nói của Hội nhà văn, của báo chí, và của dư luận (nếu có) lại có trọng lượng hơn những phán đoán khoa học của một cơ sở giáo dục công lập đã có bề dày truyền thống và đã đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam, hay sao? Nếu quả thật thế, thì làm sao trách được rằng ngành giáo dục của chúng ta đào tạo không có chất lượng, và làm sao đòi hỏi VN phải có nhiều công trình khoa học hơn để sánh vai được với các nước khác trong khu vực ASEAN?


Cuối cùng, xin lỗi anh NVP vì đã viết quá dài để dẫn bài viết mà một người bạn của tôi, cũng là giảng viên và nhà nghiên cứu văn học ở một đại học công, đã khen là "viết ngắn gọn, lập luận chắc nịch", khiến bài viết mất đi sự nổi bật lẽ ra phải có để cho xứng đáng. Nhưng thôi, bài của anh NVP thì dù có ở vị trí nào cũng sẽ nổi bật, "gió Đông thổi bạt gió Tây", nên chắc chắn là anh không phiền đâu nhỉ. Và rất cám ơn anh đã cho phép đăng lại ở đây. 

Tôi nghĩ, với bài viết này của anh Phú thì tôi cũng có thể khép lại hoàn toàn vấn đề này rồi; mấy ngày nay tôi mất thì giờ vào vụ luận văn của NT quá, mà tôi có phải là dân lý luận văn học đâu cơ chứ! Bàn chuyện này cũng chỉ vì nó là một hiện tượng nổi bật trong thời gian gần đây trong ngành giáo dục khiến tôi phải quan tâm mà thôi.

Các bạn đọc bài của anh NVP dưới đây nhé. Cho đến khi tôi đăng lên đây thì bài viết ấy đã có đến 30 người share lại! Hoan hô anh NVP! (Những chỗ in đậm trong bài của NVP là do tôi nhấn mạnh).

--------------
https://www.facebook.com/nguyenvanphu/posts/10201080775095190

Hận cá, chém thớt

(về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)

Có lẽ nhiều người biết đến Hầu tước de Sade, một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 18, viết toàn tiểu thuyết dâm dục, miêu tả cặn kẽ chuyện làm tình, cảnh bạo dâm, khổ dâm còn ghê hơn nhiều truyện khiêu dâm chính cống. Nhưng dù muốn dù không người ta vẫn xem ông là nhà văn, thậm chí có người còn cho ông là tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực…

Giả thử có một sinh viên cao học làm luận văn thạc sĩ về ông này, với luận đề “tình dục trong văn de Sade là biểu hiện nổi loạn của một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan”. Có thể nào chê trách luận văn này tràn đầy những câu trích “trắng trợn” về tình dục? Có thể nào lên án người sinh viên cổ xúy cho lối sống phóng túng, bạo dâm?

Những người phê phán luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan cũng rơi vào chỗ tương tự: thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, tạo ra một tiền lệ chưa từng thấy: báo chí phổ thông, nhà phê bình văn học lại đi phê bình một luận văn thạc sĩ của một trường đại học. Bởi vậy họ không nói gì đến phương pháp luận, tính khoa học, cách thể hiện của luận văn, họ chỉ tìm những câu trích phục vụ cho việc phê phán nói trên.

Đáng sợ là những trường hợp, dù thú nhận chưa đọc luận văn nhưng cũng “hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn”.

Có thể nói ngay luận văn của Đỗ Thị Thoan là một công trình nghiêm túc, công phu, được viết một cách cẩn trọng, với những quan sát sâu sắc, cách diễn đạt lôi cuốn, tính thuyết phục khá cao. Lớp già như tôi có thể tự hào về một lớp trẻ như Đỗ Thị Thoan, hoàn toàn không như định kiến thường có về một lớp trẻ hời hợt, chỉ biết sao chép.
Toát lên từ luận văn này là nền học vấn rất tốt, sự làm việc tới nơi tới chốn, sự độc lập trong suy nghĩ, và sự thành thực trong nhiều nhận định.

Một số điểm làm tôi khâm phục cô giáo trẻ này:

- Không dùng lý thuyết phương Tây để lòe người đọc vì hiểu rõ hạn chế của cách tiếp cận này. (Cho nên đừng nghĩ luận văn nói về chuyện hậu hiện đại, nó thấm đằng sau những câu chuyện thực tế của văn học Việt Nam).

- Hiểu rõ tính nhạy cảm của đề tài khi phải gắn với chính trị, kể cả sự xứng đáng hay chưa của đối tượng nghiên cứu nhưng biết dùng nó làm đòn bẩy cho lập luận của mình.

- Hiểu rõ những sự lợi dụng hiện tượng Mở Miệng ở một số người bên ngoài, dùng nó như một cách thúc đẩy ý đồ riêng của họ.

Để đánh giá một luận văn, cần xem thử luận đề nó là gì, sau đó cách tác giả triển khai chứng minh, biện giải, thuyết phục người đọc tin vào luận đề đó như thế nào, có thành công không.

Luận văn xác định, “vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật [thực hành thơ của Mở Miệng]”.

Mặc dù chương về vị thế bên lề khá dài, phần bối cảnh “hậu đổi mới” dễ gây phản ứng ở những người đọc thuộc “dòng chính” (đây là đoạn được trích dẫn nhiều nhất để gán nhãn “phản động” cho luận văn, có thể tóm tắt lập luận của người viết ở phần này như thế này: Nhóm Mở Miệng chọn vị thế bên lề như là điều kiện để có thể cách tân một cách trọn vẹn bởi “cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự” của họ.
Như vậy mọi sự phản kháng chỉ là biểu hiện của chọn lựa vị thế bên lề, còn cách tân mới là mục đích.

Cách tân trước hết thể hiện ở hình thức tự xuất bản với những phá cách, tạo ra một không gian hoạt động riêng, là nội dung chương hai. Phần còn lại của luận văn miêu tả, bình giải những nỗ lực mà khi miêu tả chi tiết sẽ làm hoảng sợ những người bình thường vì sự vô nghĩa của ngôn từ, sự tục tĩu, bế tắc, giễu nhại, giải thiêng… khi Mở Miệng thực hành thơ.

Nếu xét về góc độ học thuật, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi thấy Hội đồng chấm luận văn cho điểm 10 tuyệt đối.

Tuy nhiên, sự phẫn nộ của một số nhà phê bình, nhà văn, nhà báo là điều cũng dễ hiểu. Bởi Đỗ Thị Thoan đã chọn sai thời điểm để công bố luận văn. Như cô tự nhận xét cô không giữ được sự khách quan khi viết luận văn vì phải can dự, vì phải chọn làm kẻ ngoài lề, vì thế luận văn chọn vị trí của người nhìn vào bối cảnh đời sống chính trị hiện đại như một người bên ngoài dòng chính thống. Chỉ cần một sự phân tích khách quan, tỉnh táo, hơi lạnh lùng như thế cũng đủ làm luận văn là cái gai trong cách nhìn chính thống.

Khách quan mà nói, thời nào, nơi nào cũng sẽ có những nhóm như Mở Miệng. Lúc nào cũng có sự phản kháng, sự tác động của kẻ ngoài lề dội vào dòng chính. Để phá vỡ cái trì trệ của dòng chính, kẻ ngoài lề phải phá phách, quậy nát, phải ồn ào, tức phải đẩy tới chỗ cực đoan, quá khích. Và như một quy luật, dòng chính nhờ vậy tiến lên một mức độ mới, rồi lại rơi vào trì trệ, cần sự thúc đẩy của kẻ ngoài lề phá phách mới. Đó có thể là sự trói buộc của thần quyền thời Sade, của chủ nghĩa tư bản, của tư duy toàn cầu hóa, của các thiết chế xã hội; chứ đâu nhất thiết là thể chế hiện nay. Kẻ ngoài lề vì vậy luôn luôn là kẻ ngoài lề, khó được chấp nhận rộng rãi, chưa kể là sẽ gây dị ứng cho nhiều người (tôi đoán 10 người bạn của tôi sẽ có 9 người trong đó có tôi, dị ứng với Mở Miệng) nhưng nó phải đóng trọn vai trò của nó, rồi thôi.
Dù gì đi nữa nó cũng cần được nghiên cứu và Đỗ Thị Thoan đã làm được điều đó, không khích lệ thì thôi sao lại vùi dập.

Nguồn: Blog GDVN


No comments:

Post a Comment