.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, July 31, 2013

BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG – BÍCH AN: “XÂY VÀ CHỐNG”

Có chút ngỡ ngàng và hoang mang trong ánh mắt của các văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa 35 tỉnh thành miền Trung và miền Nam ở lớp tập huấn mới đây về quan điểm của Đảng trong văn học, nghệ thuật khi Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Trung ương cho trình chiếu bộ phim Bi, đừng sợ của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di vốn dĩ được coi như sự cách tân trong nghệ thuật với một số giải thưởng quốc tế từ cách đây 2 năm. Ngỡ ngàng và hoang mang không phải ở chỗ… nhiều người lần đầu tiên được mục kích những cảnh làm tình trần trụi đến vậy trong phim ảnh nước nhà mà bởi sự nhận thức, cách nhìn nhận cuộc sống của lớp trẻ thời hội nhập đang có vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần sự định hướng, uốn nắn tránh những lệch lạc về quan điểm trong sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Trước nhất phải khẳng định dù đã có một số thành tựu nhất định nhưng nhìn chung văn học, nghệ thuật vẫn có “đà tăng trưởng” chậm chạp hơn nhiều lãnh vực kinh tế.
Thật sự mà nói sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, số lượng các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn quá ít ỏi, nếu không muốn nói là khó nhớ tên tuổi các tác phẩm đỉnh cao. Nó giống như trong bóng đá, thế giới biết nhiều đến Việt Nam qua hình ảnh một cổ động viên chạy bộ 5km theo chiếc xe buýt chở đội bóng Anh Arsenal hơn là chất lượng của dàn cầu thủ chơi trên sân cỏ. Đáng lo hơn là có không ít tác phẩm “nhân danh công lý” chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử, đi ngược lợi ích của nhân dân và đất nước.
Có thể kể đến cuốn sách Bên thắng cuộc, dù xuất bản ở hải ngoại và bí mật phát tán trong nước - nhưng đã gây tác hại không nhỏ về mặt tư tưởng, về nhận thức vai trò của lịch sử. Ở một góc độ khác, trong một số tác phẩm còn thể hiện xu hướng “giải thiêng lịch sử, giải thiêng các giá trị của dân tộc, phủ nhận quá khứ, hư vô chủ nghĩa” mà điển hình như truyện ngắn Qua sông, qua phân tích của các nhà lý luận phê bình, đã ngầm ý rằng tương lai muốn phát triển phải đập vỡ quá khứ. Bởi quá khứ luôn luôn kiềm chế, buộc chân sự phát triển. Với hình tượng chiếc bình cổ và bàn tay của em bé bên trong không rút ra được với lời khuyên của khách qua sông rằng phải đập vỡ bình mới cứu được bé thì rõ ràng tác giả, một nhà văn đáng kính, đã chuyển tải thông điệp đập vỡ chiếc bình cổ là đập vỡ tinh hoa của quá khứ, đập vỡ lịch sử dân tộc.
Đó là một quan niệm hết sức sai lầm về đạo lý dân tộc và tác hại của nó chắc chắn là không nhỏ trong định hướng tư tưởng. Còn nhiều dẫn chứng khác với quan điểm sai lệch như hô hoán “đổi gác” trong thơ, cho thế hệ chống Mỹ đã làm xong nhiệm vụ, phải thay gác, bàn giao cho thế hệ trẻ. Đây thực chất là sự phủ nhận văn học cách mạng, kháng chiến, chia rẽ, phân biệt cũ, mới, già, trẻ.
Và về “giải thiêng lịch sử”, đáng chú ý hơn cả thời gian qua là vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoa) đã được hội đồng chấm thi ĐH Sư phạm Hà Nội cho điểm 10 tuyệt đối dù nội dung hết sức phản động và phản văn hóa khi công khai tán dương ủng hộ mạnh mẽ dòng thơ ngầm “mở miệng” vốn chủ trương phê phán, phản kháng, xuyên tạc lịch sử văn hóa dân tộc…
Có thể người ta nói rằng luận văn thạc sĩ thì có gì đâu mà “làm to chuyện” và phải chăng có “lợi ích nhóm” khi đối tượng bị “hạ bệ”chính là thầy chứ không phải trò? Song để lọt luận văn này rõ ràng có trách nhiệm của tập thể Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những trường ĐH trọng điểm đào tạo các kỹ sư tâm hồn. Phải chăng các thầy đáng kính đang có xu hướng “sám hối” và mất phương hướng trong thời hội nhập với lối nghĩ “cũ cũng mặc, mới cũng mặc, cũ mới đều mặc”.
Rõ ràng, để mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, chúng ta cần đi đều hai chân “xây” và “chống”, lấy “xây” là then chốt, chủ công. Và “xây” cũng không xem nhẹ “chống” những biểu hiện lệch lạc trong văn học, nghệ thuật. Đó là trách nhiệm nặng nề của các cơ quan quản lý về văn hóa. Và trong phim Bi, đừng sợ khi bé Bi 6 tuổi chứng kiến cuộc sống u uất, bế tắc, phần “con” nổi trội hơn phần “người” của gia đình mình thì chắc hẳn Bi sợ nhất sự vô cảm của những người tạo ra một tác phẩm không chấm phá được nét đặc trưng của người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái, tôn trọng giá trị gia đình truyền thống.
Hơn bao giờ hết, câu nói nổi tiếng của Enghel “Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình” vẫn đúng trong mọi thời đối với những người làm công tác văn học, nghệ thuật và đòi hỏi sự dấn thân hơn nữa vào thực tế bề bộn của cuộc sống nơi ngự trị của chân, thiện, mỹ.
BÍCH AN
SGGP

No comments:

Post a Comment