.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, July 20, 2013

BÁO LAO ĐỘNG: “ĐẠO” TRÍ TUỆ – LÀM XIẾC TRÊN BÀN PHÍM

Từ ngày có Google dư luận râm ran nhiều hơn, về những bài báo, bài thơ, giai điệu ca khúc “giông giống” nhau về nội dung, câu chữ… Đó là hành vi ăn cắp, “đạo” trí tuệ, vay mượn ý tưởng nhưng chỉ có phiên tòa của lương tâm và lòng tự trọng mới phán quyết được nạn này.
Vay mượn hay lắp ghép?

Cô thí sinh nghèo quê Quảng Trị vừa đạt điểm tối đa môn văn, được báo chí thổi lên tận... mây xanh. Vài ba hôm sau, chính báo chí lại “giáng” đòn chí tử, khi phanh phui bài văn đó giống bài văn mẫu. Thầy cô trần tình thay cho học trò, đó không phải là đạo văn; đó là hậu quả của cách ra đề, dạy và học văn đã triệt tiêu cảm xúc, sáng tạo của học sinh tồn tại suốt hơn hai thập kỷ qua. Trường ĐH Đà Nẵng vẫn giữ điểm 10 cho bài văn ấy.

Hạ tuần tháng 6, luận án TS của PGS Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện NH-TC Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) - bị phát hiện sao 53 trang luận án TS của nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế bảo vệ năm 2003. Đây không phải là trường hợp cá biệt người cóp học hàm học vị. Trong làng báo, làng văn thơ thời gian gần đây cùng đang ỳ xèo chuyện sao chép. Nhà báo L.Tr bị bạn đọc mắng, vì bài “Không thành nhà văn sẽ là nhà văn hóa”, nhiều đoạn giống hệt bài “Đánh mất niềm tin”. Sau được minh oan, bài báo của chị xuất bản trước một ngày.

Ở cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ năm, tác giả Lê Văn trên “Thơ trẻ” đã đăng nguyên văn hai bài thơ cùng tên “Áo bà ba” của nhà thơ Bùi Văn Bồng và của nhà thơ trẻ miền sông nước An Giang Cao Phú Cường. Để bạn đọc “tiện” kiểm chứng sự việc, Lao Động trích đoạn thơ của nhà thơ Bùi Văn Bồng: “Tự bao giờ áo bà ba/ Đi vào câu hát dân ca quê mình/ Em xinh cái dáng càng xinh/ Áo bà ba nữa cho tình thêm say/ Hết tiền thiếu gạo đi vay/ Chưa nhìn thấy áo nửa ngày đã mong/ Ai cho vay được nỗi lòng? Vắng em chỉ biết nhìn dòng sông trôi/ Dịu dàng đến thế. Người ơi!/ Để chiều sông Hậu lá rơi chạnh lòng/ Dòng sông thì rộng mênh mông/ Áo em lại thắt eo hông làm gì... Và đây là đoạn thơ của nhà thơ Cao Phú Cường: “Tại sao lại gọi bà ba/ Mà không bà… bốn hay là bà… hai?/ Hết tiền thiếu gạo đi vay/ Chưa nhìn thấy áo nửa ngày đã mong/Ai cho vay được nỗi lòng/Vắng em chỉ biết nhìn dòng sông trôi/Dịu dàng, đằm thắm tuyệt vời/Để chiều sông Hậu - lá rơi… thẫn thờ/Eo, hông chín ngẩn mười ngơ”.

Và đây nữa, lại có sự “giông giống” giữa hai bài thơ cùng tên “Ngắn dần viên phấn”. Thơ của Cao Phú Cường: “Nhìn bụi phấn trên tóc thầy trắng xóa/ Em tưởng màu thời gian/ chạm ngõ không gian/ Những bài toán, trang văn kết hoa trái, mùa màng/ theo từng ngày em lớn..”. Và thơ của Vương Thảo: “Nhìn bụi phấn trên tóc thầy trắng xóa/ Con tưởng màu thời gian/ Bao con số, đường thẳng, đường cong/ Và hoa trái, mùa màng…/ Thầy trải đời thầy trên bảng đen, phấn trắng…”.

Bạn đọc Huỳnh Nguyễn “An Giang” tố giống đến 80% bài thơ “Trở lại đồng tứ giác” của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Chính bài thơ “đạo” này lọt vào vòng chung kết cuộc thi thơ nên mới bị bạn đọc ‘đấu tố”.

Trong lời trần tình, nhà thơ Cao Phú Cường cho rằng hai bài thơ giống nhau là vô tình. Và có lẽ, sau khi tự vấn lương tâm, nhà thơ miền sông nước đã ngỏ lời xin lỗi nhà thơ Trịnh Bửu Hoài.

Nhà phê bình trẻ Nguyễn Hoài có đôi lời: Có 3 bài hát cùng tên “Làng tôi”. Tác giả là Văn Cao, Hồ Bắc và Chung Quân. Cũng là bức tranh về lũy tre làng, người dân thôn quê, đượm mùi chiến tranh… không một ai vay mượn ý tưởng của ai. Bởi một lẽ hiển nhiên có sự “phân định rạch ròi” của ca từ và giai điệu của 3 nhạc phẩm.

Bức xúc


Trên diễn đàn Nhà báo trẻ, nhà báo Doãn Hòa (Dân Trí) không giấu nổi bức xúc: “Ngày 25.6.2013, Đội CSĐT tội phạm về ma túy- Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bắt nhóm sử dụng ma túy đá và tàng trữ vũ khí trái phép tại xã Nghi Phong. Lúc đó chỉ có PV Doãn Hòa có mặt. Giữa trưa nắng, ngồi chờ CA hỏi cung xong mới cho thông tin và chụp tấm hình. Nhưng không hiểu sao mấy báo đều đăng tấm ảnh này. Có báo lại đảo, cắt cúp ảnh gốc sang một hướng khác.

Các nhà báo cũng đang tranh luận sôi nổi những bản sao chụp các ngón tay túa máu của người hành nghề nhặt kính. Một ảnh cỡ to, một ảnh cỡ nhỏ nhưng không thể lẫn được điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay. Mới đây, các báo đồng loạt lên tiếng về hành vi nhiều trang mạng đã lấy tin bài không dẫn nguồn, không xin phép là “ăn cắp”.

Trong bài viết “Đạo văn chương, nghệ thuật - tại sao?” - Báo Pháp luật TPHCM, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đặt vấn đề về đạo đức: ...Hành động làm hàng giả, hàng nhái, “đạo” ý tưởng của người khác thực chất là một sự ăn cắp... Đó là sự báo động cho phẩm chất nghệ sĩ của một số người cầm bút, cầm cọ đang bị vấy bẩn, bị méo mó, thách thức giới nghề và công chúng.

Dư luận bùng lên chuyện “đạo” rồi cũng qua đi, nhưng nhân cách, lương tâm con người thì… còn đó, chỉ trừ ai cố tình đánh mất chính mình.
“Đạo” văn trở thành tệ nạn ở nhiều lĩnh vực
“...ThS Lê Xuân Thành - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp - sao chép đến 80% bài viết của Trần Minh Tạo về lịch sử hình thành cùng những trận đánh tiêu biểu của đơn vị địa phương quân Hồng Ngự đăng trên tạp chí do mình làm thư ký tòa soạn. Thời điểm này, nạn đạo văn đã khiến Tỉnh ủy Đồng Tháp phải kêu gọi lãnh đạo Báo Đồng Tháp hạn chế việc tham gia lấy tin bài trên các báo khác về để hưởng nhuận bút.

Nhiều người còn “đạo” văn như nấc thang để kiếm… danh. TS Ngô Quang Láng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử An Giang - trong báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học về nhà cách mạng Châu Văn Liêm nhận được 65 bài, thì có 19 bài xào xáo trên Internet nên thiếu chính xác, thậm chí còn gây lầm lẫn.

(Trích Báo Phụ nữ online ngày 27.6.2013)

*Tít do LĐ đặt

HOA HẠ
(LĐ) - Số 165 - Thứ bảy 20/07/2013

No comments:

Post a Comment