.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, July 18, 2013

NGUYỄN TRẦN THIẾT: “DƯƠNG VĂN MINH – TỔNG THỐNG CUỐI CÙNG CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN”

(Cadn.com.vn) - LTS: Gần 90 tuổi đời với hơn 60 năm cầm bút, đại tá, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết là tác giả của hơn 90 cuốn sách trong đó nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Ông tướng tình báo và hai bà vợ", "Lính biệt động" và gần đây nhất là ký sự-tiểu thuyết "Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn". Từng vinh dự có mặt tại cả hai chiến trường quan trọng nhất, chiến dịch Điện Biên Phủ 7-5-1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân 30-4-1975 với tư cách phóng viên chiến trường, nhà báo Nguyễn Trần Thiết luôn lưu giữ trong tâm trí những khoảnh khắc quý báu của dân tộc, là những kỷ niệm vẹn nguyên nhất trong mọi câu chuyện. Từ nhiều năm nay, ông là cộng tác viên tích cực của Báo Công an TP Đà Nẵng. Tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng không ngày nào cụ không viết (trừ 28 ngày bị xuất huyết não năm 2000). Mỗi khi có dịp sinh hoạt Hội Nhà văn, nhà văn Nguyễn Trần Thiết lại tâm sự với bạn đọc, đồng nghiệp cầm bút trẻ về sự thai nghén, ra đời những tác phẩm của mình. Đó cũng là cách giáo dục người cầm bút trẻ về chuyện đời, chuyện nghề...

Đã nhiều lần tôi được nghe các diễn giả khẳng định trên diễn đàn văn chương là nước ta không có tác phẩm hay. Tôi ngạc nhiên quá! Tại sao lại như thế? Liệu Ban chấp hành Hội Nhà văn đã đánh giá đúng chưa? Đã có cây bút nào đưa ra chính kiến ngược lại không?... Năm nay tôi ở tuổi 85, không biết khi nào "đi xa" nên xin nói đôi chút về mình.
Tôi có tác phẩm "Viên chuẩn tướng" đã tái bản, in nối bản 8 lần, viết về Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Anh Hạnh được ta "mua" (móc nối) từ năm 1963, "nuôi" suốt 12 năm để dùng anh chỉ huy toàn bộ quân ngụy trong 2 ngày 29 và 30-4-1975. Truyện ly kỳ, hấp dẫn, có nhiều bí mật được công bố lần đầu, được dư luận Mỹ đánh giá là tình báo Việt Nam giỏi nhất thế giới. Tuy nhiên truyện  chưa  có tiếng vang vì không ai phát hiện, không ai giới thiệu. Tôi gửi tặng anh Hữu Thỉnh. Hơn 2 tháng sau, gặp Hữu Thỉnh, tôi hỏi cảm tưởng, anh trả lời:
- Em bận quá chưa đọc được.
- Thật đáng buồn cho tác giả.
- Anh thích em nói dối anh là đã đọc rồi hay thú thật với anh là chưa đọc?
Ở Hà Nội nên tôi có dịp đến Hội Nhà văn. Đúng là trăm công, nghìn việc đều qua tay Hữu Thỉnh nhưng có lẽ ở Hội ít ai biết mặt, nhớ tên từng nhà văn như Hữu Thỉnh. Biết Hữu Thỉnh bận quá nhiều việc nên tôi trả lời:
- Không đọc tác phẩm bạn tặng mà nói là đọc rồi để lừa bạn là khuyết điểm rất nặng. Mình biết Hữu Thỉnh quá bận chứ không phải coi thường mình nên mình không trách bạn.
Tôi không rõ các bạn đồng nghiệp đã thai nghén, chọn đề tài cho mình như thế nào? Hồi chiến tranh, tôi may mắn được quen thân với rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tình báo, biệt động hoạt động nội thành. Sau giải phóng, tôi dò hỏi, sục tìm bằng được những cặp vợ chồng đã xa nhau 21 năm vì chiến tranh để khai thác đề tài cho truyện của mình. Trăm bó đuốc rồi cũng vớ được con ếch. Năm 1978, tôi may mắn gặp được thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức (tức ba Quốc) ở TPHCM. Anh không hé lộ chút gì về hoạt động của mình và gia đình mình. Tôi cố ý nói khích: "Tớ và cậu đều ở cấp Trung tá. Tớ là phóng viên báo QĐND, có giấy giới thiệu do Tổng Biên tập ký mà cậu không tiếp vì phải giữ bí mật. Tại sao cậu nỡ coi thường mình?".
Đặng Trần Đức thổ lộ:
- Lòng vả cũng như lòng sung thôi. Tôi đã đọc nhiều bài ông viết về tình báo. Tôi rất muốn viết về mình. Nếu ông gợi ý để thủ trưởng Cục Tình báo chỉ thị cho tôi tiếp ông, nói với ông một, tôi sẽ kể cho nhà báo 10 lần.
"Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn" là tác phẩm lớn nhất, đồ sộ nhất mà cũng ra đời khó khăn nhất của nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Tác giả tâm sự: "Tôi chưa bao giờ bị mất ngủ, thế mà khi nhận được tin đã "bấm máy in", tôi trằn trọc không sao chợp mắt nổi. Hạnh phúc quá! Vui sướng tột cùng!...Là người cầm bút, tôi rất vui vì tôi được phép in "Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn" là hoàn toàn khách quan, vô tư, không có lý do gì buộc tôi uốn cong ngòi bút, viết sai sự thật. Tôi đã thành công sau 31 năm chờ đợi!".
Thế là tôi hoàn thành truyện "Tôi đi tìm cái chết của tôi". Anh Đặng Trần Đức đề nghị tôi tặng tác phẩm cho chị Phạm Thị Thanh, vợ cả của anh. Gặp chị Thanh, tôi mừng hơn bắt được vàng. Chị Thanh đúng mẫu người tôi đang tìm. Đề tài lớn mà tôi ấp ủ đã có. Chị điềm đạm, thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Trời ơi! Sao nỗi oan ức, cay đắng chị Thanh phải gánh chịu không phải chỉ một ngày, một tháng mà kéo dài tới 21 năm? Sau 10 ngày nghe chị Thanh kể, tôi lao vào viết. Tôi hoàn thành tác phẩm, định đặt tên là "Hai mươi mốt năm làm gián điệp", Nhà xuất bản Quân đội đề nghị dùng tít dự trữ: "Ông tướng tình báo và hai bà vợ", tôi đồng ý. Tác phẩm được Công ty phát hành sách đánh giá là một trong 10 tác phẩm (truyện được xếp thứ 5) bán chạy nhất nước ta. Xưởng phim đã chiếu 29 tập phim (đoạt Huy chương vàng) "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" trên truyền hình. Được đà, tôi đã viết hai tập Lính biệt động. Đây là gia đình mà ông chủ là Tỉnh ủy viên Trương Quang Đẩu tập kết ra Bắc năm 1954. Mẹ và 6 con trai, gái và tiếp đó là 5 con dâu, rể (một con dâu không có điều kiện tham gia) đều là chiến sĩ biệt động Sài Gòn, đều bị địch bắt, bỏ tù tổng cộng 45 năm rưỡi...
Các bạn đồng nghiệp cùng nghề cầm bút với tôi thân mến! Nếu chịu khó đi tìm đề tài thực tế, chịu khó "lao động quá khứ" thì sớm muộn cũng thành công vì "có bột sẽ gột nên hồ", được một "vốn liếng" rất lớn, rất giàu có để viết. 
Sau khi hoàn thành cuốn "Viên chuẩn tướng", tôi đến nhà riêng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Anh Kiệt tiếp tôi, chất vấn tôi (thực chất là kiểm tra kiến thức) đủ điều. Tôi nói với anh Kiệt: "Nếu anh mời các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị về Hà Nội, mời mỗi đồng chí ở riêng một phòng, yêu cầu viết nhận xét, đánh giá Dương Văn Minh, tôi tin là những nhận xét không chỉ vênh đôi chút mà sẽ trái ngược nhau. Tôi tình nguyện viết về Dương Văn Minh vì tôi đủ bản lĩnh gánh trọng trách này". Anh Kiệt đã ký giấy giới thiệu cho tôi đi viết về Dương Văn Minh (năm 1980). Sau 25 năm, tác phẩm "Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn" hoàn thành. Ngày 19-2-2005, tôi đưa bản thảo đến nhà anh Kiệt, trò chuyện cởi mở với anh suốt ba giờ liền. Sáng 25-2-2005, anh Kiệt gọi điện thoại cho tôi:
-Anh Thiết! Anh có biết cháu Quách Thu Nguyệt không?
-Thưa anh, tôi chưa quen cháu Nguyệt.
-Tôi đã đọc xong bản thảo của anh. Sáng hôm qua tôi trao cho cháu Nguyệt là Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản trẻ. Cháu Nguyệt muốn nói chuyện với tác giả.
Tôi nghĩ nhanh: "Anh Kiệt đọc xong trong 4 ngày. Cháu Nguyệt đang ở bên anh Kiệt". Tôi nói vào ống nghe:
 -Tôi nghe đây!
-Thưa chú! Con là Quách Thu Nguyệt. Bác Kiệt đưa bản thảo Viên Tổng thống cuối cùng của chú cho con 7 giờ sáng hôm qua: Chú biết là con không có chức năng đọc bản thảo vì dưới quyền con có nhiều biên tập viên giỏi. Ôm tập bản thảo của chú về Nhà xuất bản, con thử đọc lướt vài trang. Tác giả viết hay quá, hấp dẫn quá. Con đọc hết chương một. Con khóa cửa phòng ngụ ý là Giám đốc bận không tiếp khách. Suốt ngày hôm qua con đọc xong tập một. Hết giờ làm việc buổi chiều, con ôm cả tập bản thảo về nhà. Ông xã con rất tinh ý đã hỏi con đang băn khoăn việc gì. Nghe con trả lời, anh có ngay sáng kiến: "Em cho phép anh đọc tập một, em đọc tập hai". Thưa chú! Từ sáng hôm qua đến lúc này, con chưa ngả lưng, chợp mắt. Con đề nghị chú cho phép Nhà xuất bản Trẻ ký hợp đồng để kịp xuất bản vào dịp 30-4-2005".
Tuy nhiên sau đó tác phẩm của tôi gặp một số biến cố lớn nên không được xuất bản. Đã có người giới thiệu một Cty TNHH đến mua bản thảo cuốn "Dương Văn Minh-Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn" với giá gấp cả trăm lần Nhà xuất bản Trẻ nhưng tôi từ chối. Thời gian này tác phẩm của tôi cũng gặp một số ý kiến lên án rất nặng nề nhưng số người khen nhiều hơn. Tôi vẫn không nao núng, kiên trì và nhẫn nại chờ đợi... Kết quả là tác phẩm đã có giấy phép xuất bản, ra mắt độc giả ngày 29-3-2011.
Nguyễn Trần Thiết

1 comment: