Trong cuộc đời của con người, ta có thể mắc nhiều sai lầm nhưng
"Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình" (Lời dạy thứ 5 của
Đức Phật). Từ Hải đã "đánh mất mình", nghĩa là đã "tự chuyển
hóa" từ người anh hùng "Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang
nào biết trên đầu có ai" thành một kẻ đớn hèn, đầu hàng kẻ thù. Sự đầu
hàng diễn ra quá nhanh "Chỉnh nghi, tiếp sứ vội vàng/ Hẹn ngày thúc
giáp, quyết đường giải binh" và "Việc binh bỏ chẳng giữ giàng"
nên Hồ Tôn Hiến biết vậy mới lập kế mai phục giết chết Từ Hải.
Đọc "Truyện
Kiều" của cụ Nguyễn Du, tùy theo góc độ nhìn nhận mà có người cho rằng cái
chết của nhân vật Từ Hải là do sự xảo quyệt của Hồ Tôn Hiến gây ra: Kêu gọi
"chiêu an" nhưng khi họ Từ đầu hàng về với triều đình thì cho quân
mai phục giết hại. Có người lại cho rằng Từ Hải chết là do quá tin Thúy Kiều -
người vợ yêu của mình. Có người lại căn cứ vào lời than của Thúy Kiều trước khi
nhảy xuống sông Tiền Đường: "Rằng Từ công hậu đãi ta/ Chút vì việc nước
mà ra phụ lòng/ Giết chồng mà lại lấy chồng/ Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời";
họ còn viện ngay hồn Đạm Tiên nói với Kiều "Một niềm vì nước vì dân"
(câu 2719) để kết tội Thúy Kiều "vì việc nước" mà gây ra cái chết cho
Từ Hải. Nêu ra ba cách đánh giá kể trên về một sự việc đều có cái lý của nó và
nếu tìm nguyên nhân sẽ có bài học khác nhau.
Ở đây ta không bàn đến
những nguyên nhân phụ mà cần tìm ra nguyên nhân chính, trên cơ sở đó rút ra
được bài học chính cần thiết. Trước hết nói đến nàng Kiều, ta hãy nghe lại lời
than của nàng và cả lời Đạm Tiên xem có đúng sự thật không? Lời than có hai vế:
Vế 1 là "Từ công hậu đãi", vế 2 là "Chút vì việc nước" và
chính "vì việc nước" mà đẩy Từ Hải vào bi kịch. Có lẽ vế 1 không cần
phải chứng minh nhiều vì ai cũng rõ Từ Hải hậu đãi nàng Kiều ra sao. Còn vế 2
thì thế nào? Có người cho rằng cũng không cần phải chứng minh vì nàng Kiều là
người trong cuộc, lại chính nàng nói ra, tự nhận mình "vì việc nước"
mà vô tình đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Ta đang xem xét, kiểu xem xét một "vụ
án", mà trong "vụ án" bao giờ cũng trọng "chứng"
(chứng cứ, bằng cớ) hơn trọng "cung" (lời khai ra, lời tự nhận…).
Nhiều vụ án, người tự thú, người nhận tội lại là người vô tội. Họ nhận tội thay
hung thủ vì những lẽ riêng của họ. Các cơ quan pháp luật phải dựa vào
"chứng" để tìm ra sự thật. Ở đây có khác một chút: Nàng Kiều không
nhận tội thay ai mà là nói không đúng sự thật. Nàng có "vì việc nước"
không? Hoàn toàn không! Này nhé: Nàng Kiều về với Từ Hải trong ánh hào quang
rực rỡ "Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà",
hoặc "Trước cờ ai dám tranh cường/ Năm năm hùng cứ một phương hải tần".
Ở giai đoạn này ta thấy nàng Kiều chẳng có biểu hiện gì "vì việc
nước" cả. Khi Hồ Tôn Hiến làm chước "chiêu an", kèm theo là
thuyết hàng và "Lại thêm một lễ với nàng/ Hai tên thể nữ, ngọc vàng
nghìn cân" thì "nàng.. thật dạ tin người" và quan trọng đối
với nàng là "Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu". Để cho chính xác,
ta xem nàng "xiêu lòng" vì những tính toán gì? "Nghĩ mình mặt
nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân", "Dần dà
rồi sẽ liệu về cố hương", nàng nghĩ đến "Cũng ngôi mệnh phụ
đường đường/ Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha"… v.v… Chẳng lẽ những
"chứng" này là "vì việc nước"? Chẳng lẽ những
"chứng" này là "vì nước vì dân" (lời Đạm Tiên)? Sự thật thế
là rõ! Có người nhắc lại lời Hồ Tôn Hiến "Đã hay thành toán miếu đường/
Giúp công cũng có lời nàng mới nên" để nói rằng nàng cũng "vì
việc nước" đấy chứ! Vâng, chi tiết nhỏ này xin để phần sau nói một thể.
Còn bây giờ, từ những chứng cứ rõ ràng, một lần nữa ta khẳng định: Lời than ở
vế 2 của nàng Kiều là không đúng sự thật. Vậy tại sao nàng lại nhận về mình cái
không phải của mình? Đáng lẽ nàng phải than đúng sự thật: "Rằng Từ công
hậu đãi ta/ Chút vì lễ vật, vì vinh hoa phú quý… mà ra phụ lòng" (xin lỗi
cụ Nguyễn Du cho tôi được cải biên một chút). Nhưng nàng đã không dám làm thế
vì làm thế thì khác nào tự xỉ vả mình, tự bộc lộ cái tính cá nhân của mình
trước cộng đồng. Vì vậy nàng phải nhận "vơ" mà than "chút vì
việc nước" cho "đẹp mặt" hơn, cho người đời dễ cảm thông hơn là
"vì lễ vật, vì muốn vinh hoa phú quý" mà làm cho chồng chết. Nàng đã
không dám nói sự thật. Từ Hải chết là ngoài ý muốn của nàng, nàng chỉ muốn
"phú quý phụ vinh/ Ai ngờ một phút tan tành thịt xương". Cái
chết bất ngờ của chồng đã làm cho nàng xúc động ghê gớm và nàng lại nhận
"vơ" luôn là "giết chồng". Ta dễ thông cảm cho sự nhận
"vơ" này và dễ thông cảm nỗi xót xa của tâm lý con người trong hoàn
cảnh mà màng Kiều gặp phải. Tóm lại, qua phân tích, chứng minh trên, ta thấy
nàng Kiều không "vì việc nước" và cũng không đẩy Từ Hải vào chỗ chết.
Thế thì ai đã đẩy Từ
Hải vào bi kịch thảm thương? Ai? Để tránh kết luận hồ đồ, ta đành lần theo diễn
biến của sự việc vậy. Trước hết cần xem Từ Hải đã bị tác động thế nào trước kế
"chiêu an", thuyết hàng và lễ vật hậu hĩnh của Hồ Tôn Hiến? Người anh
hùng vẫn rất tự hào: "Một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở, sông Ngô
tung hoành". Từ Hải cũng nghĩ đến nỗi nhục nhã, sự bỡ ngỡ và lạc lõng
khi "Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu".
Từ Hải đã khẳng định "Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này đã dễ làm
gì được nhau". Chàng tỏ rõ ý chí không chịu khuất phục "Chọc
trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!". Tóm lại:
Từ Hải không hề mắc mưu Hồ Tôn Hiến, vẫn giữ được phẩm chất anh hùng chống bất
công, ưa tự do. Ta cảm thấy một con người vững vàng như thế, khó có điều gì lay
chuyển được. Nàng Kiều cũng biết vậy nên không hề nói đến vật chất, không hề
khuyên Từ Hải về với triều đình. Nàng "đánh" vào điều cơ bản của
người anh hùng là sự công bằng (triều đình bất công nên phải nổi dậy) và danh
tiếng của một con người. Nàng nói đến công ơn của nhà vua thật sâu rộng: "Rằng
trong Thánh trạch dồi dào/ Tưới ra dã khắp, thấm vào đã sâu/ Bình thành công đức
bấy lâu/ Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao". "Ai ai" là số
đông, là mọi người. Mọi người cung kính nhớ đến ơn vua. Điều đó nói lên sự công
bằng mà triều đình đem lại cho họ, thế mà có người lại nổi dậy chống lại nhà
vua, đem đến bao chết chóc cho người dân: "Ngẫm từ dấy việc binh đao/
Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu". Nàng đã gián tiếp lên án cuộc nổi
dậy của Từ Hải và nhắc khéo cái gương nổi dậy của Hoàng Sào chống nhà Đường
"Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào" làm cho Từ Hải phải nghĩ
đến danh tiếng chẳng hay ho gì để lại cho đời sau mà chọn con đường về với
triều đình, vừa đúng lẽ công bằng, vừa không gây chết chóc, lại được "lộc
trọng quyền cao"… Kiều đã đánh trúng tâm lý người anh hùng nên phút chốc
đang "Thế công, Từ mới trở ra thế hàng". Hãy khoan lên án nàng
Kiều!
Đến đoạn này xin nhắc lại "chi tiết nhỏ" đã nêu ở phần trên để
giải quyết luôn. Để khẳng định sự vững vàng, sự không thay đổi, sự không chuyển
hóa, sự không đánh mất mình, ca dao có câu "Dù ai nói ngả nói nghiêng/
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân". Như vậy, người nói cứ nói, còn
người nghe và làm theo hay không lại là chuyện khác. Một chàng trai tán tỉnh,
tỏ tình với một cô gái. Cô gái đó nghe lời hay không là quyền quyết định của cô
gái. Hồ Tôn Hiền cũng đã từng thuyết hàng Từ Hải. Mặc sự thuyết hàng, Từ Hải
vẫn không hề lay chuyển, vẫn giữ vững phẩm chất anh hùng của mình. Khi nghe
"nửa yêu thương" nói, Từ Hải đã bị lay chuyển, nhanh chóng từ
"Thế công" "trở ra thế hàng".
Trong cuộc đời của con
người, ta có thể mắc nhiều sai lầm nhưng "Sai lầm lớn nhất của đời người
là đánh mất mình" (Lời dạy thứ 5 của Đức Phật). Từ Hải đã "đánh mất
mình", nghĩa là đã "tự chuyển hóa" từ người anh hùng "Chọc
trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai" thành một
kẻ đớn hèn, đầu hàng kẻ thù. Sự đầu hàng diễn ra quá nhanh "Chỉnh nghi,
tiếp sứ vội vàng/ Hẹn ngày thúc giáp, quyết đường giải binh" và "Việc
binh bỏ chẳng giữ giàng" nên Hồ Tôn Hiến biết vậy mới lập kế mai phục
giết chết Từ Hải. Có người cho rằng phải kết tội Hồ Tôn Hiến lật lọng,
"chiêu an", thuyết hàng rồi mật phục giết người ta! Vâng, xem ra có
lý đấy nhưng xin thưa: Binh pháp có câu "binh bất yếm trá" nghĩa là
việc quân sự tha hồ dối trá. Như vậy cái chết của Từ Hải do ai gây ra? Do chính
Từ Hải "đánh mất mình" đưa mình vào chỗ chết. Nếu không chết trên
chiến trường (như đã xảy ra) thì cũng "chết" trong nhục nhã
"Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?". Ngồi trong triều đình đấy,
sống nhăn răng ra đấy, vẫn hít thở khí trời đấy nhưng còn đâu ánh hào quang lấp
lánh của người anh hùng chống bất công, ưa tự do. Tóm lại khi đã "đánh mất
mình", đã đớn hèn đầu hàng kẻ thù thì tất yếu cái chết sẽ đến theo đúng cả
nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đấy là tấm gương mờ do
"đánh mất mình" mà dẫn đến bi bịch thảm thương! Đối lập với tấm gương
mờ đó, có tấm gương sáng nào không?Nhiều đấy! Ở thế kỷ XIII, quân Nguyên Mông
bắt được một tướng của nhà Trần. Chúng thuyết hàng nhưng vị tướng của nước Đại
Việt đó vẫn vững vàng thét lên: "Tao thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm
vương đất Bắc".
Thời kỳ kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ ngụy, biết bao người con ưu tú của dân tộc lọt vào tay giặc, mặc
chúng tra trấn, đầy ải kêu gọi "chiêu hồi" nhưng những người con ưu
tú đó vẫn giữ vững khí tiết, vẫn không hề "đánh mất mình", vẫn một
lòng một dạ chiến đấu đến phút cuối cùng. Ngày nay trong cuộc sống hòa bình xây
dựng đất nước, mọi người, nhất là các "đấng", các "bậc" có
cần cảnh giác với sự "tự chuyển hóa" không? Càng cần và cần hơn bao
giờ hết.
Người ta biết tham
nhũng là xấu xa, người ta biết "ăn đất", "ăn" dự án, ăn… ăn…
và "chạy" … chạy… là xấu xa, là đáng nguyền rủa nhưng thử hỏi mấy
người nhớ đến chuyện xưa: Con Hồ Ly (con cáo) tu nghìn năm trở thành người, một
cô gái đẹp nhưng vì tính dục cao độ nên bị lấy mất viên ngọc, lại trở về là con
Hồ ly, phí cả nghìn năm tu luyện!
Nguyễn Duy Hiển
VNCA
No comments:
Post a Comment