.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, July 16, 2013

ANH CHI: ĐÔI ĐIỀU VỀ CÁC TRƯỜNG PHÁI VĂN CHƯƠNG HIỆN ĐẠI

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu lý luận văn học hay nói về các trường phái, chủ nghĩa văn chương trên thế giới (chủ yếu là các trường phái, chủ nghĩa văn chương Tây – Âu), có người coi đó là mẫu mực để văn chương Việt Nam ta hướng tới. Chúng tôi không nghĩ vậy, mà chỉ coi đó là hiện tượng văn hóa đáng tham khảo. Bởi thế chúng tôi viết bài tiểu luận này…
1. Về việc lập thuyết của một số chủ nghĩa, trường phái
Cuối thế kỷ XIX, giới văn nghệ sĩ châu Âu khởi lên một khát vọng rất mạnh mẽ, là muốn đưa nghệ thuật vượt lên khỏi những khuôn khổ của những quan niệm nghệ thuật trước đó mà họ cho là đã quá hạn hẹp, lỗi thời. Họ nhận thấy, nghệ thuật phải đạt được tính hiện đại (đối với G. Apollinaire là “tinh thần mới”), mới đáp ứng được mong muốn của công chúng nghệ thuật thời đại mới. Do vậy, những trào lưu, trường phái nghệ thuật mới nối tiếp nhau xuất hiện: Ấn tượng, Lập thể, Vị lai, Biểu hiện, Đađa, Siêu thực, Siêu hình…Và, những trường phái, trào lưu đó đã tạo nên phong trào nghệ thuật tiên phong thế kỷ XX, phát triển khắp Âu – Mỹ. Nhiều trào lưu, trường phái, nhưng chúng tôi chỉ nói tới những trường phái, trào lưu liên quan đến văn chương. Và, chúng tôi muốn lưu ý, các trào lưu, trường phái đó đều do các nhà thơ, nhà văn đứng ra khởi xướng và lập thuyết, chứ không như có nhà văn (trong một bài tiểu luận gửi cho chúng tôi) đã nhầm lẫn cho rằng: “Lập thuyết là công việc của các nhà tư tưởng và triết học, nên nó hoàn toàn trái tay với các nhà thơ và khá cao so với tầm với của các nhà lý luận phê bình”. Cũng xin nói trước, Chủ nghĩa Hiện sinh, là một trường phái triết học (chứ không phải một trường phái văn chương) mà nền tảng của nó là tư tưởng của hai nhà triết học Soren Kierkegaad và Friedrich Nietzsche, nửa cuối thế kỷ XIX. Chúng tôi sẽ viết cụ thể hơn về Chủ nghĩa Hiện sinh, ở phần dưới.  
Chủ nghĩa Ấn tượng là một trường phái chủ yếu trong giới hội họa, với sự kiện bức tranh ấn tượng, mặt trời mọc của Claude Monet (1840 – 1926), một nhà phê bình đã gọi là họa sĩ ấn tượng. Nhà báo này không ngờ rằng, cái tên ấn tượng sẽ đi vào lịch sử nghệ thuật thế giới. Thoạt tiên, nhiều người chế giễu, nhưng nhà văn Emile Zola đã hết sức ủng hộ.
Trong văn chương, trường phái ấn tượng không mấy ảnh hưởng tới sáng tác, nhưng với lý luận phê bình thì đã thành một nguyên tắc định hướng bởi những đại biểu như G. Lomet, Anatole France (1844 – 1924)…nêu lên. Đó là phương pháp phê bình hoàn toàn dựa vào ấn tượng chủ quan,“bất chấp công chúng, gạt bỏ mọi quy tắc, công thức để tìm cái đẹp tùy theo cảm hứng cá nhân…”. Theo các nhà lý luận văn học ấn tượng thì, nhà phê bình là “người kể lại cuộc phiêu lưu của tâm hồn mình trong những kiệt tác nghệ thuật” (A. France).
Chủ nghĩa Vị lai (vì tương lai). Tháng giêng năm 1909, nhà thơ theo trường phái Biểu tượng, người Ytalia, Filippo Tommaso Marineti (1876 – 1944) công bố bản Tuyên ngôn tạo lập chủ nghĩa Vị lai, kêu gọi giới văn học nghệt thuật tiêu diệt và xóa bỏ quá khứ. Vậy mà, tư tưởng của F. Marineti được nhiều văn nghệ sĩ nước Ytalia, và sau đó, nhiều nghệ sĩ ở một số nước châu Âu đương thời, như Đức, Nga đã hưởng ứng, trong đó có thi hào V. Maiakovsky. Sau, V. Maiakovsky rẽ qua một hướng khác.
Chủ nghĩa Đađa. “Đađa” là từ vô nghĩa, do một nhóm văn nghệ sĩ có tài và táo tợn gặp nhau tại Thụy Sĩ và ngẫu nhiên bói ra từ một cuốn từ điển, để đặt tên cho nhóm của mình, hồi mới xảy ra Đại chiến thế giới II. Họ gồm: Nhà văn Rumani Tristan Tzara (chủ soái), họa sĩ Pháp Jean Arp, các nhà văn Đức Hugo Ball và Hans Richter… Họ ra một tập kỷ yếu với tiêu đề là Quán Voltaire (tên quán trà họ thường tụ bạ chuyện trò về sự chán ghét chiến tranh và về quan niệm nghệ thuật cần chống lại những gì đã được tôn thờ, khẳng định). Kỷ yếu nêu rõ tôn chỉ, mục đích của Đađa, có sự cộng tác của nhà thơ G. Apollinaire (người sau này khởi lên trường phái Siêu thực), nhà thơ F. Marinetti (chủ soái trường phái Vị lai), họa sĩ Pablo Picasso (1881 – 1973)… Trào lưu Đađa không kéo dài lắm, đến năm 1919 thì tan rã.
Tuy nhiên, những khao khát đổi mới trong văn chương nghệ thuật, của văn nghệ sĩ các trường phái từ ấn tượng, Vị lai, Đađa…không hoàn toàm mất đi. Mà, khát vọng đổi mới ấy, theo thời gian, các văn nghệ sĩ vừa chiêm nghiệm vừa thích ứng với đời sống xã hội và trở thành gợi ý lớn cho trường phái Siêu thực ra đời. Chính một số văn nhân, nghệ sĩ của Vị Lai, ấn tượng, Siêu hình đã gia nhập Siêu thực.  
Chủ nghĩa Hiện sinh, được hình thành trên cơ sở nền tảng tư tưởng của hai nhà triết học Soren Kierkegaad (So-ren Kiêc-kê-gơ) và F. Nietzsche, từ cuối thế kỷ XIX. Triết gia người Đan Mạch, Soren Kierkegaad (1813 – 1855), được coi là cha đẻ của Triết học hiện sinh, người xây dựng phạm trù hiện sinh – cái phi lý, lo âu, tuyệt vọng…Đầu thế kỷ XX, một vài nhà triết học Đức đưa ra phương pháp luận phù hợp với những quan niệm bi đát về con người, nên tư tưởng này được người ta quan tâm. Về tên gọi Chủ nghĩa hiện sinh, người dùng đầu tiên là nhà triết học Pháp Gabriel Marcel (1889 – 1973), ông cũng là kịch tác gia đã sáng tác chừng 30 vở kịch. Và rồi, nhà triết học Pháp, Jean Paul Sartre (1905 – 1980), với những phạm trù hiện sinh và hiện tượng học đã xây dựng nên một triết thuyết hoàn chỉnh. Tại Paris, ngày 21/1/1945, J.P. Sartre có bài thuyết trình Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo. Khi bài thuyết trình được xuất bản thành sách, đã khiến tư tưởng hiện sinh trở nên nổi tiếng. Từ đó, Triết học hiện sinh phát triển và có ảnh hưởng rộng tới nhiều nước trên thế giới.
Phần lớn các nhà Triết học hiện sinh là những nhà văn, như J.P. Sartre với những tác phẩm Buồn nôn, Bức tường, Những bàn tay bẩn..., Anbert Camus (1913 – 1960) với những tác phẩm Bệnh dịch hạch, Người xa lạ, Lưu đầy và quê nhà, Franz Kafka (1883 – 1924) với những tác phẩm Trại cải hối, Vụ án, Lâu đài, Châu Mỹ… Những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch… họ viết để truyền bá cho triết học của họ. Bởi thế người ta hay gọi đó là Văn học Hiện sinh. Tuy nhiên, nếu nói đến Chủ nghĩa hiện sinh, là nói tới một trường phái triết học.
Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo, được khởi lên sau Chiến tranh thế giới II (1939 – 1945), từ Lời nói đầu tập truyện huyền thoại của người Anhđiêng, nhà văn Miguel Asturias viết, trong đó có danh từ Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ông dùng rất đắc địa… Tiếp theo, trong các tác phẩm của ông và một số nhà văn tiêu biểu khác đồng chí hướng, viết về đời sống con người và xã hội Mỹ latinh, những yếu tố huyền thoại cùng tồn tại với các yếu tố hiện thực, đã tạo nên một sắc thái độc đáo cùng sức sống lạ thường của văn xuôi Mỹ latinh.
Tuy vậy, cho đến khi nhà văn Alejo Carpentier xuất bản tiểu thuyết Vương quốc trần gian, trong đó ông chính thức nêu luận thuyết Cái thực tại kỳ diệu Mỹ latinh, thì danh từ Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo được dùng để chỉ khuynh hướng mới trong tiểu thuyết Mỹ latinh. Và sự đóng góp thật lớn của khuynh hướng văn học này cho văn chương nhân loại là rất nhiều tác phẩm của những tên tuổi danh tiếng, như Miguel Asturias (1899 – 1974), Alejo Carpentier (1904 – 1980), Jorge Amado (1912 – 2001), Octavio Paz (1914 – 1998), Gabriel Garcia Marquez (sinh năm 1927), và rất nhiều tài năng lớn nữa… Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo trở thành một trường phái văn chương tầm cỡ thế giới.
Suy ngẫm về một hiện tượng văn xuôi của Việt Nam. Từ đặc tính chủ yếu của Hiện thực huyền ảo Mỹ latinh, là những yếu tố huyền thoại tồn tại cùng các yếu tố hiện thực, chúng tôi suy ngẫm nhiều về văn chương truyền kỳ của Việt Nam ta, nhất là giai đoạn cuối của nó với đại biểu xuất sắc là nhà văn Vũ Trinh (1759 – 1828).
Truyền kỳ là thể loại văn chương của Trung Quốc mang đậm sắc thái thần dị. Việt Nam ta tiếp nhận với mốc thành tựu đầu tiên là tác phẩm Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, đời Trần; rồi có thể kể tới Lĩnh Nam trích quái tương truyền là của Trần Thế Pháp, thế kỷ XV. Đến Thánh Tông di thảo, cuối thế kỷ XV, gồm 19 truyện truyền kỳ đã mang đậm phong vị Việt Nam, đặc biệt có nhiều truyện mang tính ngụ ngôn, không thấy có ở truyền kỳ Trung Quốc. Giữa thế kỷ XVI, tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, 200 năm sau được Vũ Khâm Lân coi là “thiên cổ kỳ bút”. Và, cuối thế kỷ XVIII, văn chương nước Việt ta lại có thêm một thành tựu mới, là tác phẩm Lan trì kiến văn lục (LTKVL), gồm 45 truyện, của Vũ Trinh!
Vũ Trinh khác các tác giả Nho gia đương thời ở chỗ ông rất nhạy cảm trước những vận động mới mẻ trong đời sống xã hội; tình cảm, tư tưởng của ông rất mạnh bạo và thi pháp của ông rất mới. Truyện Sản dị, kể về một số kiếp khổ đau tột cùng, đến mức chết đi mà vẫn không nhắm mắt được vì còn mang thai trong bụng, phải sinh nở dưới mồ và ngày ngày lên dương thế mua đường nuôi con! Chuyện tình ở Thanh Trì, có cốt truyện gần với chuyện Trương Chi, kể về cô con gái phú ông, đẹp người đẹp nết, nhưng bạc mệnh. Cô  chết, được hỏa táng, thi thể hóa thành tro, nhưng còn lại một khối đỏ như son, không phải ngọc không phải vàng, lấy búa đạp không vỡ. Người cô yêu là chàng lái đò quá nghèo nên không thể bước vào cửa nhà cô được. Anh bỏ lên Cao Bằng, sau trở nên khá giả trở về, đến xin phú ông cho xem khối thi thể còn lại của cô. Và, khi dòng nước mắt của anh trào ra, nhỏ xuống, khối đỏ đó “tan thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi…”.
Chỉ qua 2 truyện, ta thấy: Trong Chuyện sản dị, yếu tố huyền hoặc người đã chết sinh con dưới mồ cùng tồn tại với yếu tố thực đời không có sữa nuôi con nên phải mua đường ở dương thế; còn Chuyện tình ở Thanh Trì, yếu tố thực đời, chàng lái đò quá nghèo nên bị bố cô gái khinh khi, phải bỏ quê… cùng tồn tại với yếu tố huyền hoặc nước mắt anh trào ra, nhỏ xuống, khối đỏ đó “tan thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi!” .
Đọc LTKVL, chúng tôi mạnh dạn nhận xét rằng, truyện của Vũ Trinh đã có bóng dáng của hiện thực cuộc sống (nếu ai quá chuộng các trường phái chủ nghĩa văn học phương Tây sẽ dễ cho rằng Vũ Trinh có sự hướng tới một chủ nghĩa hiện thực trong văn chương), khi ông viết về kẻ lạm dụng quyền uy, sống hoang dâm ghê gớm ở truyện Hầu, hoặc kẻ tàn ác đến mất hết tính người, trong truyện Hiệp hổ... Giá như ông còn được sống và sáng tác thêm nữa, hoặc ông có những người bạn văn đồng chí hướng trong sáng tạo, có thể, văn xuôi nước ta đã có được một trường phái độc đáo, tái tạo đời sống xã hội Việt Nam với một chiều sâu riêng của văn hóa dân tộc Việt ta?!
Trên thực tế, Việt Nam đã có Ngô gia văn phái, một trường phái văn chương như tên gọi của nó “Văn phái nhà họ Ngô”. Họ Ngô này ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam xưa, nay thuộc Hà Nội. Tác giả đầu tiên của Văn phái này là Ngô Thì Ức (1709 – 1736), thân sinh của Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) cho đến Ngô Thì Giai (1818 – 1891), chừng một thế kỷ rưỡi hoạt động sáng tác văn chương.
Như chúng tôi đã viết trong loạt bài Chuyển động của thơ Việt Nam hiện đại – đương đại rằng, Việt Nam ta chưa có truyền thống lập thuyết trong văn chương. Ngô gia văn phái cũng vậy. Bắt đầu từ việc Ngô Thì Điển, con cả Ngô Thì Nhậm  (1746 – 1803), khi biên tập các tác phẩm của họ Ngô đã đến bàn với người chú là Ngô Thì Trí (1766 – ?), rồi họ đặt tên cho bộ tổng tập đó là Ngô gia văn phái. Vậy thôi mà văn chương nước Việt ta có một trường phái, là Ngô gia văn phái.
Không có sự lập thuyết, tuyên ngôn gì cả, nhưng Văn phái họ Ngô đã có những văn tài lỗi lạc trong lịch sử văn học nước Việt ta, đó là Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm…, và nhiều tác phẩm sáng giá trong nền văn chương nước Việt ta, như Anh ngôn thi tập, Ngọ phong văn tập, Bang giao hảo ngoại…,  có cả tác phẩm triết học nổi tiếng như Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh… Và đặc biệt, bộ tiểu thuyết ký sự lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí, một thành công đỉnh cao của Văn học trung đại Việt Nam!  
2. Vài nét về chủ nghĩa siêu thực
Nhà thơ tài hoa Guillaume Apollinaire (1880 – 1918) là người đầu tiên đưa ra danh từ “Siêu thực”, trong một số tác phẩm ông viết với “tinh thần mới” từ thời kỳ Chiến tranh thế giới I (1914 – 1918), trong đó có vở kịch Đôi bầu vú sữa của Tiresias (1917). Sau đó, các thi sĩ bạn ông, như Paul Eluard, Andre Breton (vốn là một bác sĩ), Louis Aragon, rồi cả Robert Desnos, Max Morise, Philippe Soupault, Jacques Presvert, Roger Vitrac… rất hưởng ứng, (và cả Tristan Tzara, nguyên chủ soái của trường phái Đada, cùng một số cây bút chủ lực của Đada cũng gia nhập chủ nghĩa Siêu thực. G. Apollinaire cho rằng: Chính bằng ngẫu hứng, bằng vị trí quan trọng dành cho ngẫu hứng mà “tinh thần mới” khác biệt với tất cả các trào lưu nghệ thuật và văn học trước đây… và từ đó các nhà thơ rút ra được những điều kỳ diệu.
Bản Tuyên ngôn của chủ nghĩa Siêu thực do nhà thơ A. Breton viết năm 1924; năm 1930, ông còn viết bản Tuyên ngôn thứ hai. Chính A. Breton là lý thuyết gia trụ cột của chủ nghĩa Siêu thực. Ông tuyên bố: “Karl Marx nói phải cải tạo thế giới, Arthur Rimbaud nói phải thay đổi cuộc sống. Hai câu khẩu hiệu này, đối với chúng ta là một”. Vậy có thể thấy rõ, mục đích của các nghệ sĩ Siêu thực là làm nghệ thuật để phục vụ những cải cách xã hội. Cũng phải nói rõ thêm, tinh thần chống chiến tranh và chống độc tài của văn nghệ sĩ Siêu thực rất mạnh mẽ, nhất là trong các nhà thơ. Chủ nghĩa Siêu thực có trong nghệ thuật phim ảnh, sân khấu, âm nhạc, nhưng sâu rộng nhất là trong thơ ca và hội họa. Một số họa sĩ Siêu thực tiêu biểu, như Francis Picabia (1879 – 1953), Paul Klee (1879 – 1940), Max Ernst (1891 – 1976) và Salvador Dali (1904 – 1989)… S. Dali học vẽ tại Madrid, rất quan tâm đến hội họa Lập thể và Vị lai, nhưng năm 1928 lại gia nhập Siêu thực. Nhưng rồi, giữa A. Breton và S. Dali nảy sinh bất đồng rất sâu sắc, khi S. Dali ủng hộ tên độc tài phát xít Franco… Chiến tranh thế giới II ập tới, các văn nghệ sĩ Siêu thực dạt về nhiều ngả. Nhưng, chủ nghia Siêu thực không tan rã.
Có một số nhà nghiên cứu đã coi nhà thơ tài hoa G. Apollinaire không có vai trò quan trọng lắm trong chủ nghĩa Siêu thực, bởi họ thấy nhà thơ này đã qua đời từ năm 1918. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Do là người khởi lên phong trào Siêu thực, nên người đời coi ông “là người phá hoại” (bởi, những trào lưu nhệ thuật khác như Vị lai, Đada… đều đã muốn phá bỏ những trường phái nghệ thuật có trước nó). Trước khi qua đời, G. Apollinaire viết gửi André Billy: “Về việc người ta trách cứ tôi là một kẻ phá hoại, tôi xin chính thức phủ nhận, bởi tôi chưa bao giờ phá cái gì, mà ngược lại, tôi đã cố xây xựng… Tôi không công kích chủ nghĩa Tượng trưng cũng như chủ nghĩa ấn tượng… tôi là một người xây dựng”. Những lời thư trên cho thấy G. Apollinaire rất tâm huyết với sự cách tân văn học nghệ thuật. Và cũng cho thấy, đó chính là lý tưởng của chủ nghĩa Siêu thực, bắt đầu từ ông! Với lý tưởng nhân văn và sâu sắc như thế, gần một thế kỷ qua, có lúc thăng lúc trầm bởi những biến động to lớn của thế giới, nhưng chủ nghĩa Siêu thực vẫn sống, phát triển và mở rộng ảnh hưởng sang nhiều nền văn học nghệ thuất trên khắp các châu lục.
3. Bài học lớn về sự tiếp thu các trào lưu văn chương
Ở đây, chúng tôi xin đơn cử về nền Văn học Nhật Bản, là nền văn học phương Đông đặc sắc bậc nhất thế kỷ XX, có sức phát triển vô cùng mạnh bạo và đã nhanh chóng đi vào được trung tâm văn học thế giới.
Theo phân kỳ của nhiều nhà nghiên cứu lớn trên thế giới, Văn học hiện đại Nhật Bản bắt đầu từ thời Duy tân Minh Trị 1868 cho đến 1989, từ 1990 là bước sang Văn học đương đại. Cả Văn học hiện đại và Văn học đương đại Nhật Bản đều phát triển cực nhanh nếu không muốn nói là phát triển nhanh nhất trong các nước châu á. Hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình văn học Nhật đã khẳng định rằng, lịch sử Văn học hiện đại Nhật Bản dường như là lịch sử tiếp nhận vô cùng thành công các trào lưu của nền văn học châu Âu, nhất là trong văn xuôi. Có thể nói, đó là một đặc điểm rất quan trọng của nền văn chương Nhật trong thế kỷ vừa qua.
Với cuộc Duy tân Minh Trị, cuộc hiện đại hóa Nhật Bản bùng lên, nhất là khi bước sang thế kỷ XX. Và, nền văn xuôi Nhật bùng lên một cao trào thật lớn tiếp thu Chủ nghĩa lãng mạn, Chủ nghĩa hiện thực, rồi Tượng trưng, Vị lai, Siêu thực, Hiện sinh… ngay khi nó vừa xuất hiện ở các nước Âu – Mỹ. Các nhà văn hiện đại Nhật Bản chủ động tiếp nhận những tác động hết sức sâu sắc từ những tác phẩm của Phedor Dostoevsky, Thomas Mann, Friedrich Nietzsche, James Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka, Stendahl, Jean Paul Sartre, Albert Camus, William Batle Yeats v.v… Đồng thời, với sự lựa chọn thông minh về mặt văn hóa, họ đã tiếp thu được những giá trị tinh túy nhất của văn học phương Tây từ tư tưởng đến nghệ thuật thể hiện, như những hạt giống mới lạ mà có thể nẩy nở trên cánh đồng văn hóa Nhật Bản bao la. Để rồi, với khát vọng phục sinh những vẻ đẹp Nhật Bản từ trong truyền thống, cùng những trăn trở không nguôi trước thực tế đời sống xã hội Nhật, họ đã sáng tạo nên những tác phẩm văn chương mang tầm vóc nhân loại!
Ngay trong giai đoạn đầu của Văn học hiện đại Nhật đã xuất hiện những danh tài lỗi lạc. Đó là Mori Ogai (1862 – 1922), một sự nghiệp văn chương rất đặc sắc, khiến các tài năng văn chương lớn với những cá tính hoàn toàn khác nhau như Tanizaki, Akutagawa và Mitshima…đều coi ông là bậc thầy. Tiếp nữa là Natsume Soseki (1867-1916), thoạt đầu viết những bài tiểu luận có tác động rất mạnh cho sự phát triển phong trào Thơ mới ở nước Nhật. Đột khởi, từ năm 1906, ông viết tiểu thuyết với một sự sáng tạo đáng kinh ngạc, chỉ trong vài tuần đã hoàn thành kiệt tác Chiếc gối cỏ. Với sự nghiệp thật lớn và đa dạng gồm nghiên cứu phê bình văn học, thơ, và gần hai mươi tiểu thuyết, Natsume Soseki được hầu hết độc giả Nhật coi là nhà văn vĩ đại bậc nhất trong nền văn học nước nhà. Và nữa, Akutagawa Ryunosoke (1892 – 1927), ngay từ những tác phẩm đầu tay, hầu hết bạn đọc đều phải thừa nhận ông là một nhà văn kỳ tài. Hầu hết các tác phẩm của ông được dịch sang ngôn ngữ nhiều nước Âu – Mỹ, khiến ông rất nổi tiếng trên thế giới. Có thể nói, những tác phẩm của Akutagawa Ryunosoke, Natsume Soseki và Mori Ogai đã tạo nên niềm kiêu hãnh cho nền văn chương Nhật Bản!
Giai đoạn tiếp theo, Văn học Nhật xuất hiện một tài năng văn chương siêu việt, là Kawabata Yasunari (1899 – 1972). Ông là nhà lý luận hàng đầu của trường phái Tân cảm giác, nhưng luôn được coi là nhà văn mẫu mực về truyền thống Nhật Bản thanh khiết. Bắt đầu sáng tác từ năm mười sáu tuổi, cho đến khi qua đời năm bảy mươi ba tuổi, nhà văn vĩ đại này để lại cho Nhật Bản và thế giới một sự nghiệp văn chương to lớn. Năm 1968, trong buổi lễ trao giải Nobel văn chương tại Stockholm, Thụy Điển, ông đọc bài diễn từ danh giá “Sinh ra bởi vẻ đẹp Nhật Bản”; còn Hội đồng Giải thưởng Nobel vinh danh Kawabata “bởi tác phẩm của ông thể hiện rõ những truyền thống Nhật Bản, và bởi ông là người tôn vinh vẻ đẹp huyền ảo, những hình ảnh u ẩn luôn hiện hữu trong thiên nhiên Nhật Bản cũng như trong sinh mệnh người Nhật”.
Có thể nói, bước vào nửa sau của thế kỷ XX, nền văn chương Nhật Bản đã hòa nhập rất nhanh với những nền văn chương hiện đại của thế giới văn minh. Noma Hiroshi (1915 – 1991, Kobo Abe (1924 – 1993), Kenzaburo Oe (1935 – 2007) là những nhà văn thật lớn không chỉ của Nhật, mà là của thế giới. Và như một kỳ tích, các nhà văn Nhật đã đưa nghệ thuật văn chương của họ lên đỉnh cao của nhân loại, mà vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản. Chúng tôi rất đồng thuận với nhận định của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Tuấn Khanh: “ở Nhật, cái mới không đuổi cái cũ đi mà chỉ ghép thêm vào cái cũ, và cái cũ lại làm nền cho cái mới phát triển”.
Kenzaburo Oe lên 9 tuổi thì bom nguyên tử Mỹ dội xuống Hiroshima và Nagasaki, thất bại của nước Nhật, là chấn động quá lớn. Chấn động lớn thứ hai ông phải chịu đựng là, đứa con trai của ông ra đời đã bị dị dạng ở sọ não thành người tật nguyền. Những đau đớn cực độ đó, khiến nhà văn có cái nhìn sâu thẳm vào nỗi vong thân của con người, thể hiện qua hơn 70 tác phẩm. Cả một hệ thống hình tượng văn chương ông tặng cho đời thật là đẹp đẽ. Năm 1995, tại diễn đàn ở Stockholm, Thụy Điển, Kenzaburo Oe kiệt xuất được trao Giải Nobel về văn chương, và ông đã đọc bài diễn từ nổi tiếng: “Sinh ra bởi tính đa nghĩa của Nhật Bản”. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Tuấn Khanh đã nhận xét thật sâu sắc: “Khi sáng tạo nên những hình tượng văn học, Kenzaburo Oe đã chữa khỏi nỗi buồn đau u uất của chính mình, đồng thời góp phần làm lành mạnh tâm hồn dân tộc Nhật”.
Có thể thấy khá rõ: Kawabata Yasunari là nhà lý luận lớn của trường phái Tân cảm giác; Kenzaburo Oe thì chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng hiện sinh và tiếp thu rất tài tình nghệ thuật văn chương của các nhà văn thuộc triết phái hiện sinh; còn chủ nghĩa Siêu thực thì được Kobo Abe và nhất là Haruki Murakami (sinh năm 1949) tiếp thu một cách sâu sắc qua bộ lọc văn hóa Nhật chất chứa trong tâm hồn các ông. Haruki Murakami luôn luôn nỗ lực sáng tạo phong thái ngôn ngữ mới cho văn chương  Nhật Bản, gần gũi với tiếng nói chân thật của người Nhật. Gần hai mươi tiểu thuyết và tập truyện ông đã viết, mỗi tác phẩm là một phát hiện mới về thế giới, là khám phá đáy sâu tâm hồn con người. Ông luôn muốn tìm tới sự chân thực thuần khiết, toàn vẹn của sinh mệnh cùng sự tự do và lối thoát cho linh hồn, dù đó là điều bao giờ cũng rất khó tìm ra. Nghệ thuất xuất sắc của Haruki Murakami khiến người đọc bất cứ quốc gia nào đều bị lôi cuốn đến mức thấy không có khoảng cách giữa mình với nhân vật, giữa mình với tác giả và nền văn hóa của dân tộc ông!
Haruki Murakami còn tiếp tục đi trên con đường của một đời văn đáng tự hào. Và, nền văn học Nhật Bản với những bài học thật sâu sắc và đẹp đẽ về truyền thống và hiện đại, đã vào được Trung tâm văn học thế giới, đang dồi dào sức sáng tạo và tự tin đi tiếp trong thế kỷ XXI!.
 ANH CHI
(Văn nghệ số 28/2013)

No comments:

Post a Comment