.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, July 30, 2013

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC: “ANH HÙNG ĐÂU TRONG TIM KẺ HẦU PHÒNG, XUẤT CHÚNG ĐÂU TRONG MẮT GIÁM KHẢO TEM PHIẾU?”

Hết các triết gia Pháp rồi đến các triết gia Đức, người ta chú mục nhắc đi nhắc lại một phương ngôn: “Không có anh hùng trong mắt kẻ hầu phòng”. Thật là một câu chí lý! Anh hùng, cho đến vĩ nhân, nhà bác học cho đến nhạc sĩ thiên tài… đối với kẻ hầu phòng chỉ đơn giản là người thuê phòng. Giá trị của người đó sẽ được xuýt xoa theo mấy đồng tiền bo nhiều hay ít. Còn với các giá trị khác của cuộc đời ư, kẻ đó đâu có hiểu gì, mà hắn chỉ đối xử với người anh hùng theo cách của quần áo, hay cách được người khác đón rước. Người khác đón rước anh hùng long trọng, thì y cũng long trọng theo. Tức thái độ trọng thị hay khinh rẻ của y cũng chẳng phải tự giác của y, mà chỉ là tâm lý a dua theo người khác.

Muốn quan sát xa, tại các căn cứ quân sự hay trung tâm thời tiết, người ta thường phải làm đài quan sát cao lên để có thể nhìn xa, nhìn cao. Trái lại, nếu tầm nhìn của người quan sát quá lè tè thì làm sao có thể phát hiện ra những tác phẩm chiều cao có giá trị? Thử xem trình độ các nhà thơ mậu dịch của ta trong ngày hội thả thơ mới đây 2013

“Đêm ôm vợ bỗng thấy lòng giật thót.

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơi vơi" .

Hai câu thơ này chỉ có một tí mủi lòng sụt sịt thương vay khóc mướn kiểu giường chiếu, có gì hay đặc biệt đâu mà được vẽ lên phướn đỏ, treo bay phấp phới trong “trung tâm thơ” Văn Miếu?

Các kỳ thi văn thơ của chúng ta rất sình lầy, đặc biệt không phát hiện nổi đỉnh cao. Chẳng hạn rõ ràng nhất cuộc thi 2012 vừa qua, một tài năng cao nhất như Phạm Ngọc Cảnh Nam với tiểu thuyết “Thế kỷ bị mât” thì lại đánh tuột, còn Phạm Đương với “Giờ thứ 25” cả thế giới biết chỉ có BGK không biết, dù cho có người chỉ ra vẫn cứ trao giải như “mặc kệ”. Điều đó có nói lên, trình độ BGK vừa yếu vừa thiếu liêm sỉ?

Rồi tình hình đó lây lan như cỏ dại, mới đây, cuộc thi thơ của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn be bét đến mức có hơn 40% đạo văn và phạm qui trắng trợn. Những thứ “mặc kệ”, bắt chấp trắng trợn đó có lây lan ra từ trung ương vào?

Trình độ BGK của các nhà thơ ra sao? Họ có quá thấp không? Không thấp thì sao cả hội đồng chưa từng đọc “Giờ thứ 25” của văn hào Gheorghiu Virghil? Riêng tôi, hôm nay tôi đọc sách chạm phải những nguyên lý căn bản, tôi phải nói: trình độ của quí vị đa số nói chung là rất kém. Có cho các vị bầu chọn một trăm lần nữa thì cũng chỉ phát hiện ra những thứ đồng hương, đồng môn làng nhàng lè tè như mình ở quanh mình mà thôi.

Trước hết là hiện thực dễ hiểu. Mới đây tôi ngồi cùng vài linh mục, và mấy giáo dân. Có anh kia bạo mồm lắm, chẳng kể những người mà anh ta vẫn phải gọi là các cha, nói thẳng tưng: “cha nào mà đã làm quản lý, thì giảng không thể nào hay được!” Trời ơi, các cha ngồi như trời trồng, không thể phản bác, vì đó là hiện thực mà anh ta sẵn sàng điểm danh từng nhà quản lý. Nhìn rộng ra ngành giáo dục, các thầy, các cô khi đã làm quản lý thì giảng không còn hay nữa. Khi nào thầy chủ nhiệm bộ môn đi vắng, giáo viên phòng quản lý xuống giảng thay thì y như hội chứng buồn ngủ lây lan, không khác gì đang xem bóng đá lại phải nhìn đấu bóng bàn… Tại sao có tình trạng này? Vì giáo viên chủ bộ môn lấy học trò làm đối tượng, là niềm say mê, là đích chinh phục, và người ta đem hết trí tuệ nhiệt huyết ra để dạy. Còn nhà quản lý, đối tượng của họ là leo ghế “mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ”, thì lấy đâu ra nhiệt huyết để mà giảng hay?!

Các cuộc thi thơ của chúng ta thường thấy rõ tính chất địa phương. Người gác cổng xứ ta, thì thấy rất nhiều nhà thơ xứ ta ẵm giải. Và các giải thường giống môn đệ của đại ca xứ ta, thơ hay thì tốt, nhưng anh phải là đệ đang lẽo đẽo theo tôi, đừng bắt tôi phải có tầm nhìn cao và xa vì trí tuệ tôi đâu có đủ làm chòi? Vả lại, tôi đang theo nghề quản lý leo ghế nhiệt huyết còn đâu mà thấy được từng hơi thở của sáng tạo?

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Hôm nay tôi xin bàn về tầm vóc chắc chắn là rất thấp của nhiều vị dựa trên nguyên lý không cãi được.

Văn học là chữ viết! – Đó là điều đầu tiên không thể cãi.

Chữ viết khi đọc lên có chữ A, chữ B, chữ O… Cả dân tộc, thậm chí cả thế giới đều đọc như vậy. Nghĩa là nó Phổ Quát. Cũng là Lý tính phổ biến luôn!

Trong cuốn “Các nguyên lý của triết học pháp quyền” (NXB Trí thức 2010, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), triết gia Hegel có viết: “Quyền của Cái hợp lý tính như là cái khách quan” (tr.401).

Chữ viết đã đòi khách quan. Nhà thơ có thể sáng tạo bằng cảm xúc, đó là việc màn the của anh, chẳng can dự với mọi người. Nhưng khi anh đã phán xét người khác, đánh giá, cho điểm, rồi trao giải, anh không thể tùy tiện đem văn học bụng ra mà chấm “mút” được. Muốn có khách quan thì người ta buộc phải dùng đến lý trí chứ không thể là cảm xúc. Vậy mà theo tôi biết, trình độ lý trí của hầu hết nhà thơ Việt, ngay cả những ủy viên BGK là rất kém. Các vị hầu như không viết nổi một tiểu luận mi ni. Và có nhiều bằng chứng sờ sờ, trình cộ của các vị chỉ có thể trao giải cho thứ cà lơ đường phố đạo văn trắng trợn, hay trao giải cho phân tươi hay “đếch”.

Tốc độ nào tầm nhìn nấy. Đi bộ thì nhìn trước vài mét. Đi xe đạp nhìn trước vài chục mét. Đi ô tô nhìn trước vài trăm mét. Đi máy bay nhìn trước nghìn cây số. Với tầm nhìn không có lý trí, rồi tốc độ quê mùa cứ tưởng tượng ra những hậu hiện đại, có phải các vị chỉ nhìn ra những thành tựu lè tè ngay trong tầm mắt, ở độ cao là là ngọn cỏ, hay cao hơn dây thép là thơ phơi váy? Cuộc thi trên mạng gần đây có đề tài là “Lời tỏ tình đầu tiên”. Thì chúng ta cần ôn lại lời của nhà phê bình Hoài Thanh“gần như đệ nhất cho thơ mậu dịch”: Trí tuệ thấp chỉ có thể làm thơ đạo tình.

Thử nghĩ, nếu mấy nhà thơ chỉ quanh quẩn giữa mấy chiếc ghế quản lý, ưu tư những giá áo túi cơm, khoe mẽ ba chữ xép vần èo uột, cố nặn bóp mãi “trứng cá” mà không ra nhân vật, gặt hái vinh quang trên tem phiếu ưu tiên tính bằng lạng hay vài chục triệu, có tầm nhìn nào cao để mà phát hiện ra những tầm vóc lớn? Những người hầu phòng trong khách sạn dăm bảy sao cũng rất oai, áo có ngù tua, cổ tay thiếp vàng, thoáng nhìn tưởng Napoleon, nhưng bên trong cái đầu của họ vẫn chỉ là bộ não không lý trí của đám hầu phòng. Và họ nhìn tất cả các vĩ nhân trên đời giá trị theo cách rút ví để boa tiền lẻ. Thế thôi và chỉ thế thôi!

Người Việt có câu nói về cái oai hình thức son phấn của đám phường chèo là “đội mũ đi hia”. Nếu lý trí thấp, lại dùng “bụng” để lên ngôi, không hiểu bao giờ văn học mậu dịch Việt Nam mới thoát khỏi văn học của đám hầu phòng?


26/07/2013

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

No comments:

Post a Comment