.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, July 30, 2013

BÙI CÔNG THUẤN: THỰC TRẠNG LÀM LUẬN VĂN THẠC SĨ-TIẾN SĨ

Có buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ, một hội đồng trong một buổi sáng phải chấm đến 7 người bảo vệ, mỗi học viên có chừng 15 phút trình bày nội dung chính của luận văn thì thử hỏi cả hội đồng sẽ chất vấn, sẽ phản biện thế nào để nhét được cả 7 người trong vẻn vẹn một buổi sáng (mà phần khai mạc lúc 8h sáng đã rườm rà mất chừng 30 phút)?
Học viên cao học khóa trước rỉ tai khóa sau, rằng trong luận văn viết gì thì viết, nhưng cuốn tóm tắt luận văn (chỉ được phép tối đa 24 trang khổ nhỏ bằng 1/2 khổ A4) thì phải trình bày cho sáng sủa, văn phong cho “chuẩn”, và phần mục lục, thư mục tham khảo của luận văn cũng thế, phải “thật chuẩn” vào. Vì các thầy bận lắm, hơi đâu ngồi đọc hết luận văn. Các thầy chủ yếu là xem tóm tắt, xem qua mục lục, thư mục. Mấy cái râu ria ấy mà có sai sót gì thì chết toi. Cho nên, những luận văn luận án được bảo vệ đa phần là đạt điểm “siêu đẹp”.

Từ “Một luận văn mơ hồ và sai lầm”, nghĩ về đào tạo
Nguyễn Thị Việt Nga – 
Trên báo Văn nghệ số 28 (ngày 13/7/2013 và được đăng tải trên VanVN.Net ngày 16/7/2013) có bài “Một luận văn mơ hồ và sai lầm” của Ban LL- PB viết về bản luận văn thạc sỹ khoa học ngữ văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan. Bài viết đã chỉ ra những “mơ hồ, sai lạc về mặt khoa học” và những “ẩn chứa nhiều hàm ý khác về chính trị - xã hội không thể bỏ qua” với những phân tích sắc sảo, dẫn chứng cụ thể. Người viết bài này chưa được đọc cuốn luận văn nói trên nên không bàn luận được gì thêm về bản luận văn, chỉ muốn nhân việc này để được trao đổi đôi điều về việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành Văn học, những học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đào tạo nước nhà.
Ngày xưa, khi con cái đỗ được vào Đại học đã là “ghê gớm” lắm, khiến cho bố mẹ hãnh diện, tự hào lắm lắm. Số người được vào đại học rất ít. Cả làng, cả xã may ra mới đếm được trên vài đầu ngón tay đã là đất hiếu học rồi. Bây giờ, đại học được phổ cập. Ít năm trở lại đây, các trường đại học mới được thành lập rộ lên nhiều như nấm sau mưa. Nhiều trường Đại học cho nên cái bằng Đại học ít nhiều cũng “giảm giá” theo. Học chán, ra trường, cầm tấm bằng trong tay cứ nhẹ như tờ giấy loại. Đi xin việc mãi không được. Việc làm ít, cử nhân lại lắm. Thế là phải đi học tiếp để cho hơn cái lũ đại học đại trà mới có cơ may xin việc. Vậy nên, theo xu thế chung, đào tạo đại học nhiều thì đào tạo sau đại học cũng tăng.
Sự học không bao giờ là thừa. Nhưng cái sự học ở ta cũng muôn hình vạn trạng, nhất là ở bậc sau đại học. Các cơ sở đào tạo thì luôn muốn được mở rộng đào tạo. Tuyển sinh được nhiều đồng nghĩa với việc có nhiều tiền, nên xin được càng nhiều chỉ tiêu càng tốt. Chất lượng đào tạo không cao, không được chú trọng. Thế nên mới có những cuốn luận văn thạc sỹ kiểu như “Vị trí của kẻ bên lề…”. Là người cũng đã may mắn được ngồi qua hết trường nọ đến lớp kia, làm hết luận văn thạc sỹ đến luận án tiến sỹ, người viết bài này đã từng chứng kiến lắm chuyện bi hài xoay quanh chuyện học hành và chuyện làm luận văn, luận án.
Chẳng cần đi đâu xa cả, cứ vào thư viện của các cơ sở đào tạo, tìm danh mục các cuốn luận văn, luận án (chuyên ngành văn học, vì người viết bài này hoạt động trong lĩnh vực văn học, không am hiểu nhiều các chuyên ngành khác) được bảo vệ thành công trong vòng mươi năm trở lại đây, chắc chắn sẽ thấy được sự lặp lại, nhàm chán và cả buồn cười ở các đề tài luận văn, luận án, đặc biệt là ở chuyên ngành Văn học Việt Nam. Các tác gia nổi tiếng của văn học Việt Nam đã được “cày đi xới lại” quá nhiều rồi, nên mỗi khi nhận hướng dẫn luận văn, cái khó khăn nhất đối với người hướng dẫn và với học viên là việc chọn đề tài. Làm đề tài gì để không trùng lắp với ai (một năm, nước nhà có biết bao nhiêu người bảo vệ luận văn, luận án văn học)? Làm đề tài gì để cho có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn? Khó chứ! Cho nên, cứ chọn được đề tài nào “độc đáo, mới lạ” là đã cầm bằng “chiến thắng” rồi.
Tôi đọc cuốn luận văn thạc sỹ của cô bạn có đề tài “Dòng sông trong thơ Mới”, đọc hết vẫn chẳng biết trong Thơ Mới thì dòng sông có khác gì so với dòng sông của… thơ cũ, chỉ thấy trích rất nhiều câu thơ về… sông. Lại nữa, một cô bạn làm luận án tiến sỹ hẳn hoi, về phương pháp giảng dạy truyện ngắn sau 1975 theo hướng đổi mới trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông (tinh thần thế, tôi không nhớ từng chữ trong tên đề tài). Tôi hỏi: chương trình Ngữ văn của trung học phổ thông có bao nhiêu truyện ngắn sau 1975? Bạn trả lời: có 1 truyện của Nguyễn Minh Châu. Tôi hỏi tiếp: Thế sao không lấy tên đề tài là phương pháp dạy 1 cái truyện ấy, lại phải dài dòng là “truyện ngắn sau 1975”? Bạn chỉ cười. Tôi hiểu, lấy tên như thế cho nó “xứng tầm” với luận án tiến sỹ, chứ chả nhẽ một luận án hàng hai trăm trang lại chỉ bàn về cách dạy có mỗi truyện ngắn hay sao?
Vẫn quay trở lại chuyện làm luận văn, luận án. Luận văn sẽ được bảo vệ trước một hội đồng do cơ sở đào tạo thành lập gồm có các nhà khoa học có uy tín, trình độ. Nhưng trước khi ngồi chấm điểm trong buổi bảo vệ ấy, thì từng thành viên trong Hội đồng đã phải dành thời gian đọc, nghiên cứu trước cuốn luận văn, luận án đó, để đưa ra những câu hỏi phản biện. Và người bảo vệ, ngoài việc trình bày nội dung công trình nghiên cứu của mình, sẽ phải trả lời các câu hỏi phản biện của Hội đồng. Lý thuyết đầy đủ là như thế, nhưng nói một cách công bằng, chất lượng của các luận văn, luận án hiện nay đang được thả nổi (mặc dù xét trên phương diện các quy chế, quy định thì được quản lý rất chặt chẽ). Thả nổi ngay từ khâu chọn đề tài, đến khâu thực hiện. Có vị giáo sư khi nhận cuốn luận án tiến sỹ để đọc phản biện đã… thở hắt ra chỉ vào một chồng chừng gần chục cuốn luận án khác đang nằm lù lù trên bàn (cuốn nào cũng ngót nghét 200 trang) mà rên rỉ: “Trong vòng một tuần mà ngần kia cuốn phải đọc để ngồi hội đồng…”.
Như thế, chỉ nguyên nhớ được tên đề tài, tên tác giả cũng đã là một cố gắng, đọc sâu làm sao được để mà phản biện. Cho nên, trong nhiều cuộc bảo vệ luận văn, luận án (đặc biệt là luận văn thạc sỹ), các thành viên hội đồng ngồi với một thái độ rất thờ ơ. Có buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ, một hội đồng trong một buổi sáng phải chấm đến 7 người bảo vệ, mỗi học viên có chừng 15 phút trình bày nội dung chính của luận văn thì thử hỏi cả hội đồng sẽ chất vấn, sẽ phản biện thế nào để nhét được cả 7 người trong vẻn vẹn một buổi sáng (mà phần khai mạc lúc 8h sáng đã rườm rà mất chừng 30 phút)?
Học viên cao học khóa trước rỉ tai khóa sau, rằng trong luận văn viết gì thì viết, nhưng cuốn tóm tắt luận văn (chỉ được phép tối đa 24 trang khổ nhỏ bằng 1/2 khổ A4) thì phải trình bày cho sáng sủa, văn phong cho “chuẩn”, và phần mục lục, thư mục tham khảo của luận văn cũng thế, phải “thật chuẩn” vào. Vì các thầy bận lắm, hơi đâu ngồi đọc hết luận văn. Các thầy chủ yếu là xem tóm tắt, xem qua mục lục, thư mục. Mấy cái râu ria ấy mà có sai sót gì thì chết toi. Cho nên, những luận văn luận án được bảo vệ đa phần là đạt điểm “siêu đẹp”. Không thấy nói cuốn luận văn “Vị trí của kẻ bên lề…” đạt bao nhiêu điểm, nhưng tôi tin nếu không tuyệt đối cũng gần gần như thế.
Học ào ào, nghiên cứu ào ào, bảo vệ ào ào, chấm điểm, đánh giá ào ào… Bao nhiêu cái ào ào như thế thì ắt hẳn sẽ cho ra đời nhiều thứ ào ào khác, mà khi cần “giương mục kỉnh” lên soi xét thì sẽ gặp nhiều cái thất kinh lắm! Biết trách ai bây giờ?
BÙI CÔNG THUẤN blog

No comments:

Post a Comment