.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, July 8, 2013

VÕ BÁ CƯỜNG: NGUYỄN TRỌNG TẠO VÀ CHUYẾN ĐI SÓNG NƯỚC


Ở ai không biết, với tôi, Nguyễn Trọng Tạo cất tiếng gọi khắc đi ngay. Tôi yêu Tạo, từ tính nết giọng nói đến bộ mặt “bông đùa” dễ thương của anh. Tạo sinh hoạt giản di, gần gũi. Nói như Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì Tạo là “Người ham chơi”. “Chơi” cũng là “làm”.
Thích rượu, Tạo có thể ngồi thâu đêm vẻ nhàn nhàn với bạn để uống. Nhiều bữa cũng say, say nhưng mà tỉnh, uống nhiều mà không “quậy”, vẻ “nhàn nhàn” là để vận động, tìm tòi, đào bới cái gì đó đang cựa quậy trong anh.
Tôi không được gần Tạo, nhưng thích vẻ đàng hoàng của anh. Người đàng hoàng làm việc gì cũng đàng hoàng.
Tạo là người đa tài, cả thơ, nhạc, họa. Anh là “người của công chúng”, đã nhiều người viết. Bởi mến mộ, muốn viết vài câu gì đó về người bông đùa lại sợ không ra hồn, dễ mang lại trò cười cho thiên hạ. Thôi cũng làm liều, đặt bút!
Tôi được Tạo tặng cho vài tập thơ. Thường thì tập sách của ai đó chỉ đọc một lần đã “chán”, còn thơ Tạo đọc xong bỗng nhận ra đồng quê, thấy nhớ nhung. Anh chàng “nhà quê” ấy chẳng quê chút nào, vẻ ngơ ngác đấy mà không ngơ ngác, hoang mạc đấy mà không hoang mạc.
Nếu ngơ ngác cách đây vài bốn chục năm, chiến tranh vừa đi qua sao Tạo viết “Tản mạn thời tôi sống” những câu thơ khiến người đọc đau lòng: “Anh yêu em, anh phải đi ra trận / Vợ yêu chồng biết chờ đợi nuôi con…. Ba mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn / Khăn tang bay người sống trắng mái đầu / Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ….” Tạo đi dọc đất nước trong mưa, trong bão lụt, lúc gặp vỡ đê, khi ngủ đồng trống nhưng thơ, nhạc của anh vẫn chung thủy với nhân dân đất nước cùng một cái gốc Nhân Bản. “Tản mạn thời tôi sống” anh đã nhắc mọi người “Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày“. Bài thơ đã làm ai đó chau mày khó chịu, vì đụng chạm tới nơi nào? May mà phút chót không bị gỡ ra khỏi mặt báo Văn nghệ.
Với riêng tôi thấy mỗi câu mỗi chữ cho ta nhìn thấy nhiều góc cạnh, cần suy ngẫm xong thấy ngậm ngùi, tự chép miệng cay đắng. Xin đừng ai trách, đấy là lẽ thường tình trong văn học. Hôm gặp Tạo, Phạm Hồng Chuyên Chủ tịch huyện Hưng Hà bảo: “Nghe nhạc Tạo, thơ Tạo bỗng hiểu ra thơ và nhạc anh là máu thịt của nhân dân, là bến nước khúc sông, và con trâu bến tắm, là rơm thơm ổ ấm. Là mẹ, là cha, là vợ là chồng, là bạn, là những trận chiến, là những thằng lính mặt xạm thuốc súng khi nhảy vào lửa, là những nấm mồ vô danh trong nghĩa trang và chính là Tạo nữa“.
Nhân dân tự hào có anh và chính anh cũng tự hào có nhân dân nuôi dạy, nên thơ nhạc của anh là linh hồn của nhân dân vậy.
Ông Nguyễn Ngọc Trìu (trái) và Phạm Hồng Chuyên, Chủ tịch huyện Hưng Hà
Chuyến đi nói trên nhờ Nhà văn Võ Bá Cường rủ rê anh suốt hai năm, nay mới có dịp đặt chân vào đất nhà Trần khởi nghiệp. Đón Tạo thế nào là do những người yêu “Khúc hát sông quê” của anh, đâu phải quyền ở Chủ tịch huyện của tôi.
Tạo là người rong chơi nhưng bận mải, ít mấy ngày rảnh rỗi, bạn bè Tạo không cho Tạo khóa cửa nằm ngủ, lúc nào chuông điện thoại cũng réo gọi. Ông Trạm trưởng Cục đường sông, cầu Triều Dương Phạm Văn Hào đã nghe “lỏm” ở đâu việc đón Tạo rồi “bắt cóc” xuống  tàu. Anh ôm lấy Tạo mà rằng: “Có cá ngạnh nấu chuối, ốc bươu luộc, khế chua, ổi Bo, rượu làng Đô Kỳ, xin nghệ sĩ dừng chân nhấp môi một chén với cánh đò giang sông nước”. Hào cho ôm mấy đôi chiếu hoa làng Hới quê hương Nguyễn Thị Lộ trải ràn rạt dưới lòng tàu, ấn vai Nhạc sĩ xuống , anh ôm đàn hát bài “Dòng sông tuổi thơ” của Hoàng Hiệp ra mắt Nhạc sĩ. Hào hát bằng cả trái tim cháy bỏng, bằng tình yêu sông nước hai mươi chín năm anh đã trải qua. Sức mạnh lời ca như có sóng vỗ của chỗ khúc sông không hẹn. Hình như Nhạc sĩ và Hào cũng có cái nhìn thấy “bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn“.
Cuối 1976 ông trung úy Nguyễn Trọng Tạo trưởng đoàn nghệ thuật Sư đoàn 341B đóng quân ở núi Lệ Kì miền Tây Quảng Bình, đón ông hoàng tình ca Trịnh Công Sơn và một số Nhà văn bằng một tạ giò cừu đóng hộp, năm ký thịt lợn tươi, mười tám chai rượu chanh, thứ rượu khá quý ngày ấy. Cuối buổi Trịnh Công Sơn ôm đàn hát bài “Nối vòng tay lớn” thật sôi nổi, thì hôm nay ông Trạm trưởng Hào đón Nhạc sĩ có kém gì, anh còn hào phóng hơn với thêm cả giàn hát “quê nhà”, các cô gái hớn hở ở độ tuổi “gà vừa lứa, cá chạm đuôi, dừa chạm lá” ào xuống  tàu. Họ ngược ra ngã ba sông cửa Tuần Vường. Cửa này sóng nước ngàn tầm nơi quân dân thời Trần đánh tan đội quân tiền trạm A – Lỗ vạn hệ lưu thế anh, xác giặc nghẽn dòng nên mới có câu “Một trăm cửa bể, phải nể cửa Tuần Vường“. Nhạc sĩ đứng trước mũi thuyền vái vọng những anh hùng thuở xưa đã lắng nghe tiếng sóng nghìn trùng rồi nhìn ra phía cù lao lớn, thốt lên rằng: “Tiếc thay khu rừng Cự Lâm nay không còn nữa!“. Tàu cứ chạy, cánh thủy thủ và giàn văn nghệ cứ quây lấy Tạo mà hát. Họ hát những bài ca về Thái Bình – về triều Trần đất Hưng Hà.
Tạo yêu cầu anh em hát đi hát lại bài của Nhạc sĩ Thái Cơ, Vĩnh An, Nguyễn Văn Tý, họ thi nhau kể chuyện về quê hương họ, về đỉnh núi cao nhà Bác học Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Lộ cô gái bán chiếu gon làng Hới, sau trở thành vợ Vi thần Nguyễn Trãi, rồi chuyện Linh Từ Quốc Mẫu – Trần Thị Dung quê làng Ngừ có công cùng Trần Thủ Độ làm cuộc chuyển giao từ nhà Lý sang nhà Trần. Nhạc sĩ ngồi trong lòng tàu lắng nghe nhiều câu chuyện cổ vùng đất Long Hưng. Trong đó có chuyện Lưu Đàm con Lưu Ngữ và mẹ là Phạm Thị Hồng quê làng Lưu Xá Hưng Hà. Lưu Đàm uyên thâm sâu sắc ra giúp nước che dân và chính Lưu Đàm đã dâng sớ cho Lý Thái Tổ lời nói rằng: “Long Châu là nơi giàu mạnh chính là cái gốc bền vững, đóng đô ở đó sẽ cường thịnh lâu dài, thiên hạ vô địch. Mong bệ hạ dời đô ra đó” (theo Hồn Việt 1/2010).
Trong canh hát đêm đó, ai cũng chú ý đến cô gái áo đỏ “Đỏ tươi như nhạn lai hồng”, cô gái đứng lên thưa với Nhạc sĩ: “Cách đây mấy năm em đi hát phục vụ đám cưới, có ông già đứng lên đề nghị em hát cho bà con nghe bài “Làng Quan Họ quê tôi”. Lúc ấy là tháng Giêng, tháng của lễ hội, tháng rét đài rét lộc. Em hát xong ông thưởng cho em năm mươi ngàn đồng”. Đấy là chuyện có thật. Nhạc sĩ nghe rồi thủng thẳng: “BàiLàng Quan Họ quê tôi đã phát sóng được hơn ba mươi năm rồi”. Anh thưởng cho cô Dung làng Hới một chén rượu Đô Kỳ…
Cuộc đón Tạo hôm ấy thật bất ngờ phá vỡ biết bao kế hoạch. Lạ thay Nguyễn Trọng Tạo đi đến đâu cũng có người đeo bám, ngay cả hai thanh niên ngồi trong cái quán cà phê phố Thá (Hưng Hà) chờ tôi (VBC) và Nhạc sĩ nhấm nháp xong tách cà phê buổi sáng, đứng dậy xin được bắt tay Nhạc sĩ. Chính anh cũng là một tác phẩm, anh như một con ong cần mẫn hút được hương nhụy quê hương, dù chưa là “đẳng loại sĩ” nhưng được nhiều người mến mộ. Tôi đã có dịp đi vào thế giới người tù ở Việt Nam. Ở đâu không biết nhưng trong cái thế giới cách biệt với đời sống xã hội, hàng ngày người tù thường được giáo hóa bằng nhiều cách. Sau giờ tan tầm buổi chiều, thường các trại mở đài thông báo tin tức, rồi những ca khúc được vang lên trong đó có “Khúc hát sông quê“. Có người tù vốn biết anh trên màn hình, có người chỉ nghe tên qua các nhạc phẩm còn hầu hết họ chưa tường Nhạc sĩ, nhưng qua nhạc phẩm họ mê anh, yêu mến anh nhiều người hát theo đài mà thuộc. Có lần tôi nói với người tù ở trại Thủ Đức: “Sẽ có một ngày Nhạc sĩ sẽ qua đây”. Hình như giữa Nhạc sĩ và họ gần nhau bởi trong cái “tình quê” thật bất chợt mượt mà đắm đuối đi qua họ. “Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng“. Nghe câu hát ấy bất chợt một cái gì lành mạnh lại nẩy nở trong lòng người tù. Cái đẹp cả xác chữ và hồn thơ anh nó khác với cái “đẹp” và “buồn” của Ông Hoàng nhạc Trịnh.
Đêm đó, cô Thúy, cô gái rất trẻ trực trại đã yêu cầu tôi gọi dây nói với Nguyễn Trọng Tạo, cô run rẩy được nói đôi lời với Nhạc sĩ vì cô đã hát “Khúc hát sông quê” ở Hội diễn Tổng cục V26, Tổng cục Trại giam nhiều lần được giải mà chưa hề một lần được nắm tay Nhạc sĩ.
Chả hiểu ca sĩ Thúy và Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nói gì với nhau, nhưng rồi cả hai đều cất giọng hát qua máy. Thúy hát từ miền “Rừng lá đá mài” nơi gần vạn người tù đang sống. Còn Tạo từ Hà Nội hát vào, cả hai giọng hát đều cháy bỏng qua dây sóng. Tôi nhìn thấy đôi mắt Thúy mở to có cái gì thật xao xuyến sau khi hát. Cô như một tín đồ nay được gặp giáo chủ. Và chắc chắn ở Việt Nam có hàng triệu tín đồ như thế. Tạo cầm tinh con gì? Anh sinh 25 tháng 8 năm 1947 quê ở Diễn Châu Nghệ An nhưng lại có thời gắn bó với Kinh thành Huế. “Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt / Một đứa vợ la… chục đứa kinh“. Trong những ngày cuối thập kỷ 80 “Năm tám mươi, gạo tám mươi / Người xứ Nghệ mặt vàng như nghệ” vợ chồng tôi đã đổ vào nhà Tạo ăn dầm ở dề hàng tuần. Chiều đến Tạo chở vợ tôi qua chợ Đông Ba mua than củi về đốt bếp ở đầu hè nấu ăn. Tạo đi cái xe gì mà kêu như máy xát, cứ mỗi lần ngồi sau xe máy Tạo về, vợ tôi ôm đầu kêu “đau” vì Tạo đi như bay trên đường phố. Nhiều bữa Tạo mời Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đến uống rượu, vì vậy tôi có vinh dự được gặp anh Tường, anh Tường tặng tôi tập thơ “Người hái hoa phù dung“, chữ ký của anh trông nhấp nhổm như núi. Tạo đưa tôi đi mua hoa dự ngày sinh Nhà thơ Hải Bằng. Tạo san sẻ niềm vui nỗi buồn cho tôi. Hôm tôi ra Bắc, Tạo xoay tiền mua vé. Thế đó, Tạo và anh Tường tiễn vợ chồng anh “hành khất” ra ga. Tàu lỡ chuyến, đó là điều không may với người khác. Với tôi đây lại là dịp hiếm có để được ngồi uống “Hu đa” với anh Tường và Tạo mệt nghỉ.
Huế với tôi là thế! Tạo với tôi tình như triện ngọc Tạo dành đóng cho tôi dấu son đỏ chói. Huế dù buồn và trầm tư, nhưng nhạc, thơ Tạo khác hẳn:
Tôi chẳng hợp điệu nhạc buồn rên rỉ / Băng nhạc mưa dai dẳng mấy tuần liền / Tim đồng điệu cùng đất đai bình dị / Cỏ xanh dâng âm nhạc thảo nguyên” (NTT).
Dù cơn mưa chiến tranh, cơn mưa Huế còn mù mịt dầm dề đến đâu nhưng cứ mỗi buổi sáng Tạo đẩy cánh cửa gian phòng anh ở, mắt đã bắt gặp những vòm cây đẫm nước. Và bóng cô gái Huế đi ngang qua ngõ khép nép nhẹ nhàng đẹp như tơ lụa, cảnh tình đó chỉ làm cho Tạo yêu cuộc sống hơn lên. “Bom đạn cứ ầm ào câu thơ lặng lẽ / Giữa tro tàn tí tách bật chồi xanh” (NTT). Cuộc sống có bao giờ thiếu được tình yêu. Trong Tạo có hai tình yêu lớn, đó là con người và sự thật. Khúc vui, lúc buồn của Tạo đều vì yêu tất cả nên Tạo mới viết được câu thơ đó.
Đêm ấy, Tạo ngồi với Phạm Hồng Chuyên tới ba giờ sáng, nhàn nhàn với chén khuya. Ngày hôm sau Tạo về thành phố Thái Bình theo lời mời Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hạnh Phúc. 15 giờ 30 ngày 31 tháng 12 năm 2009 ông vồn vã từ phòng làm việc đi ra để đón Tạo, con người của công chúng ông hằng yêu mến từ lâu.
Tôi đã giới thiệu với Tạo, mẹ Chủ tịch tỉnh là bà Nguyễn Thị Định, Đại biểu Quộc hội khóa II, Phó Chủ tịch tỉnh, đã nhiều lần được gặp Bác. Hồi còn cơ chế bao cấp, có lần bà đi thị sát miền biển Tiền Hải, có ghé thăm nhà Nhạc sĩ Thái Cơ ở Tây Tiến. Khi thấy mùng màn của chị Thái Cơ rách nát, bà liền cho xe quay ra HTX mua bán Tây Giang mua một cái màn và chiếc giường đôi cho vợ Nhạc sĩ Thái Cơ. Dọc đường bà cứ ca cẩm: “Nơi ăn ở như thế người Nhạc sĩ tài hoa như Thái Cơ mỗi lần về thăm quê ở lại vợ con vài đêm chịu sao nổi?”.
Chiều bà quay về tỉnh, lên gặp Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Trìu đề nghị cho vợ Nhạc sĩ Thái Cơ từ hợp tác xã nông nghiệp chuyển sang làm ở xưởng chiếu Đông Cơ, để có 13kg gạo một tháng nuôi con cho Nhạc sĩ. Mấy tháng sau Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết “Bài ca năm tấn“, tuy ông sáng tác ở tỉnh khác nhưng cổ vũ về phong trào nông nghiệp. Những năm đó Thái Bình là tỉnh dẫn đầu về sản lượng lúa, HTX Vũ Thắng đạt 7 tấn trên một ha, HTX Tân Phong đạt 5 tấn và nhiều nơi khác cũng vậy. Cảm tình với bài ca và Nhạc sĩ bà cho xe chạy xuống  Nam Cao mua vải tơ tằm tặng Nhạc sĩ.
Một cái nôi như thế sinh hạ ra những người con có ích cho xã hội, hèn nào Chủ tịch Nguyễn Hạnh Phúc yêu kẻ sĩ là phải.
Lúc chia tay ông tiễn Nguyễn Trọng Tạo ra tận chân cầu thang xuống đại sảnh, ông cứ tiếc vào cái ngày một chạp 31/12/2009 nhiều việc quá không có được nhiều thời gian ngồi đàm đạo.
Tối đó Bí thư thành phố, con trai cụ Đặng Trịnh nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Bình, người giữ đường dây với “Ông Cố Vấn” tìm Tạo nâng ly. Cụ Đặng Trịnh cùng thời với Bí thư Nguyễn Ngọc Trìu và ông đã có công tổ chức nhiều chuyến đi cho các Nhạc sĩ: Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Thái Cơ, Nguyễn Văn Tý, Vĩnh An… về Thái Bình thâm nhập. Chính sự ưu ái của các ông đối với văn nghệ sĩ, nên nhiều nhạc phẩm hay có giá trị viết về Thái Bình ra đời từ ngày ấy.
Đêm ấy Bí thư thành phố với vẻ thanh lịch giản dị, tiếp Nguyễn Trọng Tạo bằng nhiều điệu chèo cổ ít người biết do các diễn viên chèo gạo cội của Thái Bình hát, mong thổi vào lòng Nhạc sĩ hồn phách về quê hương mình. Trong ánh mắt bồi hồi xao xuyến của Tạo, tôi hiểu Tạo nghĩ gì? Anh đang nghĩ đến Thái Bình, cần phải có cái gì đó nói về miền quê hoàn toàn bằng phẳng nhưng có ngọn núi rất cao, như Tạo nói, đó là nhà Bác học Lê Quý Đôn, đất vương triều Trần phát tích và khởi nghiệp mà mọi người còn mắc nợ.


VÕ BÁ CƯỜNG

No comments:

Post a Comment