.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, July 20, 2013

BÙI VIỆT PHƯƠNG: KHI VĂN CHƯƠNG THIẾU MỘT TẦM ĐÓN

Vô hình chung, văn chương là một hình thức nghệ thuật lạnh lùng nhất. Trước tác được “đỡ”ngay trên mặt chiếc bàn ngàn năm lạnh giá, phủ bụi của các văn hào, lặng lẽ ngóng vọng trên kệ sách chờ một tầm tay đủ dài, một bàn tay đủ ấm để với tới mình theo kiểu:
Quân tử có thương thì đóng cọc
Chớ đừng mấn mó nhựa ra tay
(Hồ Xuân Hương)
Thực sự, văn học viết không hẳn chỉ là chuyện “hữu xạ tự nhiên hương”. Tác phẩm ra đời không thể kiêu kì, cô quạnh trên kệ sách mà kén người hiểu mình mà rước về nâng niu một cách thụ động. Từ hiện thực đến nhà văn, từ nhà văn đến văn bản nghệ thuật, hành trình đó tưởng như chỉ còn một chặng ngắn, một khâu rất phụ. Không! Từ văn bản khô cứng như mã gen lưu trong ống nghiệm, văn bản có lớn dậy thành hình hài, bẩm thụ nguyên khí thành tâm hồn tiêu dao trong trời đất không thì còn cần một sự tiếp nhận, một thái độ đọc mà người viết tạm gọi là một tầm đón.
Bất kì một nhà văn chân chính nào cũng muốn được chữ bầu lên tên tuổi mình. Nhưng, chữ ấy phải được những người có tầm vóc kiểu như Chung Từ Kì giao cảm và đồng thuận mới thành lá phiếu công kênh lên một tên tuổi có giá trị. Ngược lại, lắm khi một tác phẩm của thiên tài cũng bị xếp xó như là thứ phát minh dị mọ. Nói vậy để thấy rằng, với văn chương hiện đại, trình độ của người đọc văn, cái tầm của người đọc văn quyết định đến cái tâm, hồi quang đến cái tài của người viết như thế nào. Anh có thật sự sáng lạng không? Hay xem sự phản hồi cùng phương ngược chiều của người đọc.
Tôi đã từng “ngã ngửa” trong một lớp sau đại học khi anh bạn ngồi cạnh cho rằng: Văn học dân gian cũng là văn học trung đại thôi. Sách xếp như thế mà thầy (thật đáng xấu hổ nếu đó là sự thật) của anh cũng nói thế. Nhìn vào ánh mắt cả quyết của một người có thâm niên trên bục giảng gần bằng tuổi đời của tôi và nay sắp sửa “bầm gan tím mật” vì một thằng trẻ ranh dám phản bác như tôi khiến tôi hết sức bất ngờ. Và rồi, khi đến với những tiết dạy văn ở các bậc học, tôi nhận ra một thứ không gian phẳng trong tiếp nhận. Ở nơi mà với người dạy thì nền văn học, giai đoạn văn chương nào cũng như nhau, tác giả hay phương pháp sáng tác nào rồi cũng “thịt nát xương tan” dưới bàn tay đồ tể phân định văn chượng của họ. Vậy người học phải làm gì trong những giờ học văn như thế? Hoặc là biết tuốt, cảm nhận được tuốt những câu hỏi trên mặt bảng bằng cách xem sách giải dưới gầm bàn. Hoặc giả ai đã chót học văn rồi thì suốt cả đời sẽ hận và ghét nó như một môn học quái gở, một thứ chữ nghĩa khó chịu như lông sâu róm.
Thật đáng tiếc, điều mà ai cũng nhận ra là khi chúng ta đưa một trái cam cho đứa trẻ như món quà đón tay của người Việt thì phải lưu ý đến cái tầm với của bé. Hoặc là cúi thấp người xuống với bé, hoặc bế ẵm bé lên ngang với tầm vóc mình để trao nhận. Còn không, món quà ý nghĩa kia sẽ rớt xuống như một ám ảnh tâm lí hằn sâu trong kí ức trẻ thơ. Mình đã nắm trượt, trái cam đã rơi và người lớn kia có thật sự cần đến sự đón nhận của mình không hay chỉ là sự ban ơn. Nếu thực sự điều mà văn chương mang lại quá xa vời thì họ đâu cần phải đọc. Đọc để cảm thấy vang trong tâm hồn một sự tương thông nào đó, để người ta cúi xuống nhìn lại tâm hồn mình để thanh cao và ham sống hơn. Chẳng thế mà giữa cái thời canh tân là chuyện sống còn của Thơ mới, thơ Nguyễn Bính vẫn sống được bởi lay động cái “người nhà quê” trong mỗi kẻ tri thức Tây học thức dậy và đòi được đối sánh, được khát khao một hạnh phúc rất nông nghiệp. Nói như Tố Hữu, “thơ là điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu”, vậy thì nếu tâm hồn ấy không được đánh thức, không rung cảm được thì ai sẽ mở cánh cửa để đón những điệu hồn thao thiết của nhà văn bước vào tâm hồn mỗi người đọc mà lưu giữ.
Mong là thế, nhưng không có nghĩa là khi tao ngộ đã có niềm lạc thú. Có lắm khi háo hức nằm ngấu nghiến một tên sách nức tiêng nhưng sau đó lại bẽ bàng gập gáy sách vì không hiểu nổi đâu là chân giá trị để đón nhận. Hình như có sự hẫng hụt hay chán chường. Không! Đó chính là khi khát vọng và tình yêu văn chương chưa thắng nổi lòng tự ái để vụng dậy đến với cuộc sống. Để đọc nhiều hơn nữa những tri thức như liều dẫn thuốc trong y học phương Đông để một ngày kia quay trở lại mở trang sách và thấy bừng sáng. Dường như với bạn đọc, với học trò, với các thầy cô cũng vậy. Hãy viết vượt qua cái tự ái thường tình của bản thân để nâng tầm mình lên đón lấy những giá trị cuộc sống.
Bùi Việt Phương

Văn nghệ Trẻ/ Phong Điệp

No comments:

Post a Comment