Một vài nhà phê
bình văn học, không hiểu vì lý do gì, có thể chẳng vì lý do gì hoặc do nội tâm
thiếu thốn tình yêu, lâu nay cứ duyên dáng kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại rằng văn
chương không có tình yêu là văn chương vứt đi.
Nhiều nhà phê bình khác thì
bảo văn chương không có tư tưởng lớn là văn chương thời vụ, chẳng đáng tính
đến. Lại có cả một lý thuyết rất nghiêm chỉnh chứng minh văn chương có thể không
cần câu chuyện nhưng nhất định tác giả phải miêu tả, không miêu tả cái này thì
miêu tả cái kia.
Tức là, dường như mọi thứ
đang minh họa một cách phong phú cho lời nhận xét rất nhiều độc địa của Milan
Kundera, đại khái theo đó nghệ thuật thì có thể chết, nhưng những làm xàm về nghệ
thuật thì lại bất tử.
Nhưng Georges Bataille đã
xuất hiện, và đơn giản nóirằng cái ác, bởi gắn liền với cái chết, “là một nền
tảng của con người”. Trong tác phẩm kinh điển “Văn học và cái ác”, Georges
Bataille cho thấy lịch sử văn chương có thể thấm đẫm tình yêu hoặc thiếu hụt
tình yêu trầm trọng, có thể có rất nhiều câu chuyện, miêu tả và tư tưởng, chẳng
quan trọng mấy, nhưng những thời khắc văn chương bùng lên mãnh liệt một ngọn
lửa khủng khiếp, là khi có những nhà văn lớn dám đương đầu với cái ác, tự lấy
sự hung bạo của mình đối chiếu với sự hung tợn của cái ác, đem đầu óc hiểm hóc
của mình để đo với sự nham hiểm, ma mãnh của cái ác. Trên “bảng phong thần” của
Bataille (bản thân cũng là tác giả của không ít tác phẩm “mang mầm ác” dữ dội)
có những nhân vật như: Baudelaire chán chường với những “bông hoa ác”, Blake u tối,
Hầu tước de Sade hung hiểm hay Proust và Kafka.
Nhìn chung, có thể tưởng
tượng giản dị như thế này: ngay cả ở trong một câu chuyện tình chân phương nhất,
giả dụ như một câu chuyện tình tay ba, thì khi một cặp đôi được hình thành, hạnh
phúc của họ cũng đã gây hẫng hụt ở đâu đó, đã gieo mầm ác hóa thân trong nỗi
sầu tình của một hoặc vài người. Khỏi nói đến tiểu thuyết lịch sử có nhiều cuộc
chiến tranh hay những câu chuyện về án mạng.
Cái ác không chỉ là “một
nền tảng” như Georges Bataille nói, nó còn là một sự cám dỗ thường trực. Đến
Chúa Jesus còn bị quỷ tìm cách cám dỗ, nên ta có thể nói ngay là phàm nhân đâu
có thể tránh được những mơn man của những ý nghĩ xấu xa, những giấc mơ tệ hại
về phương diện đạo đức, những khoái trá trước hoặc sau khi làm điều gì đó không
hay cho người khác (hoặc hi hữu hơn, cho chính mình).
Đẩy suy nghĩ đi xa hơn,
không chỉ ở trong bất kỳ con người nào cũng có tiềm năng về cái ác, mà nếu gắng
gượng can đảm hết mức, có lẽ còn phải công nhận rằng chỉ khi nào mang trong
mình đầy đủ tiềm năng của một sát nhân, một Raskolnikov, thì con người mới thực
sự là con người. Cái đẹp thì (có thể) cứu rỗi thế giới, nhưng cái đẹp ấy hoàn
toàn nên coi cũng có khả năng là vẻ đẹp của cái ác.
Vậy nên, khi bàn về
Eichmann “ở Jerusalem” nghĩa là hậu kỳ thời diệt chủng Do Thái, triết gia
Hannah Arendt đã tạo ra cụm từ đáng sợ nhưng vẫn không thôi ám ảnh chúng ta suốt
bao năm qua: “sự tầm phào của cái ác”. Lars von Trier thì vẫn không thôi sản
xuất ra những bộ phim tuy rằng lúc hay lúc không được hay cho lắm nhưng nhất
quyết ấn vào đầu óc khán giả rằng chúng ta rất khó tránh việc tiếp tay cho
những điều ác tập thể.
Cũng còn may ở chỗ, tác
phẩm văn chương nằm ở phía tuyệt cùng của cái ác lại không thực sự hấp dẫn đại
chúng: thơ Baudelaire hiếm ai đọc hết nổi, và Georges Bataille cũng chỉ ra rằng
tác phẩm của de Sade, con người lừng danh về thói bạo dâm, lại “xám xịt và buồn
chán” khác với phong cảnh đa dạng của văn chương “thông thường” có “sông suối
ao hồ, đồng ruộng”. Điều này thật ra cũng hao hao quá trình tâm lý của sự tiếp
nhận mọi thứ: tình yêu nhỏ bé, “qua đường” thì dễ hơn tình yêu vĩ đại, “love of
my life”, một chút ác độc thì vẫn dễ hơn cái ác ở dạng nguyên khối.
Và cuối cùng, nhà văn “chuyên trị” cái ác, rất
khó nói họ đứng về “phe” nào. Hoàn toàn có thể họ chẳng đứng về phe thiện mà
cũng không đứng về phe ác, họ chỉ đứng ở chỗ của mình. Khi ta thấy trên môi Hầu
tước de Sade nở một nụ cười thân thiện, thì đó có thể là hài kịch hay bi kịch?
Nhị Linh
gia sư
ReplyDeleteday kem
Ye
ReplyDelete