.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, July 15, 2013

NHÀ THƠ – LIỆT SỸ NGÔ KHA: VÀ NAY GIÓ CŨNG TANG BỒNG


Trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, trí thức ở  Huế và các đô thị miền Nam, trong các thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước Ngô Kha đã xuất hiện như một gương mặt nổi bật nhất. Theo trí nhớ của những người bạn từng sát cánh bên anh trong những ngày biến động ấy, Ngô Kha là một con người có cách ăn nói hùng hồn, lý luận sắc bén, trình bày có sức thu hút mãnh liệt.
Chân dung Ngô Kha
Trước những diễn đàn, anh là một con người có năng khiếu đặc biệt về cách diễn đạt ngôn từ. Là một thầy giáo đã để lại nhiều ấn tượng đối với các thế hệ học sinh ở Huế. Phát tiết tài hoa trên nhiều lĩnh vực, anh là tác giả của nhiều truyện ngắn, thơ, chính luận đăng trên các báo, tạp chí công khai ở miền Nam trước ngày giải phóng.
Theo tài liệu của tác giả Nguyễn Duy Hiền đã công bố trong tác phẩm Ngô Kha - Ngụ ngôn của một thế hệ, do NXB Thuận Hóa ấn hành tháng 12/2005: Nhà thơ Ngô Kha sinh ngày 2/3/1935, tại làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế (thời gian năm sinh trên đây là qua xác nhận của bà Ngô Thị Huân - chị ruột Ngô Kha. Vì các giấy tờ tùy thân của Ngô Kha nay còn lưu lại ghi năm sinh của nhà thơ là 1937).
Ông là con út trong một gia đình khá đông anh em (4 trai, 3 gái). Thân phụ của nhà thơ là cụ Ngô Tuyên, làm quan nhà Nguyễn, từng giữ chức tri huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), rồi chánh án Quảng Bình. Trong gia đình, cả 7 anh chị em đều được cha mẹ cho ăn học tử tế. Ngô Kha tốt nghiệp thủ khoa khóa 1, Đại học Sư phạm Huế (1958-1959), cử nhân Luật khoa (1962), rồi trở thành giáo sư dạy Văn và Công dân ở các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo (Huế) từ năm 1960 cho đến ngày bị địch bắt và thủ tiêu vào năm 1973.
Qua nhiều nguồn tài liệu và sách báo, chúng ta biết rằng: Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở miền Nam Việt Nam và ở Huế, một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên quá thất vọng trước chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và sau đó là của các tướng tá võ biền thối nát…
Trên những con đường rợp bóng cây xanh vốn dĩ rất bình yên của xứ Huế, lúc bấy giờ người ta đã bắt đầu thấy sự xuất hiện của những cuộc tranh đấu Phật giáo, các cuộc biểu tình của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh sinh viên chống lại chính quyền đương thời. Lúc ấy, những người trẻ tuổi không thể ngồi yên trên ghế giảng đường, vùi đầu vào trang sách của Albert Camus hay J.P.Sartre để đàm luận về những khái niệm “dấn thân”, “nổi loạn” và “thân phận con người”…
Chính những khái niệm ấy đã thực sự ám ảnh họ, thúc giục họ cùng dắt tay nhau bước ra đường phố để nhìn thật rõ bản chất của cuộc chiến tranh, nhìn thật rõ khuôn mặt của quân thù. Trí thức trẻ Ngô Kha những ngày ấy đã xông xáo dấn thân với phong trào tranh đấu.
Nhiều tác phẩm văn chương và chính luận của anh thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí công khai ở miền Nam như: Trình Bày, Mai, Đất Nước, Đối Diện, Hướng Đi, Tin Tưởng, Tự Quyết, Mặt Trận Văn Hóa… cùng với những người bạn cùng thời như Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn… và chính những tác phẩm đó đã gây nên một tầm ảnh hưởng rất lớn đối với anh em học sinh sinh viên tranh đấu trong những ngày đầy biến động ở miền Trung.
Để dấn thân vào phong trào đấu tranh lúc đó, Ngô Kha đã tham gia sinh hoạt với các bạn đồng niên trong nhóm “Quán bạn” với Trần Quang Long; “Tuyệt Tình Cốc” với anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Họ đều là những người trẻ tuổi cùng chí hướng, cùng có những năm tháng dài sát cánh bên nhau trong phong trào đấu tranh đô thị để lên án sự hà khắc, thối nát của chính quyền đương thời…
Tháng 1/1990, trong một bài viết về nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha có tựa đề là Nhớ Ngô Kha, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “…Con người hành động mãnh liệt đã đến với anh sau nhiều năm đầy day dứt và ám ảnh về lẽ sống, về tuổi trẻ và vận mệnh đất nước, và điều đó còn để lại những dấu tích thật sâu đậm trên chặng đường dài gian khổ của thơ anh”.
Trong không khí náo nhiệt và nhiễm độc của văn nghệ tâm lý chiến được tung ra khắp phố phường miền Nam trong những năm 60, thơ Ngô Kha (năm 1961- Ngô Kha cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Hoa Cô Độc - NV) xuất hiện như một nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch, thực chất là một thái độ hoài nghi và dừng lại trước lẽ sống bịa đặt mà bọn Mỹ và Ngô Đình Diệm đang rao hàng hết hơi trong tuổi trẻ thời buổi ấy. Ngô Kha nói thủng thẳng với bóng mình: Lần hồi sinh trên con tàu cuối cùng/ Chung quanh anh phù sa cát đỏ/ Anh hỏi thầm về đời mình: Gỗ đá có buồn không? Chim chóc có buồn không?.
Sau khi cho ấn hành tập thơ Hoa Cô Độc, Ngô Kha lại cho ra đời tập Ngụ ngôn của người đãng trí. Đây là tác phẩm mà Ngô Kha gửi gắm rất nhiều tư tưởng và thái độ của mình trong giai đoạn lịch sử mà chính tác giả là chứng nhân. Một bản trường ca hùng tráng mà theo đánh giá của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trong tác phẩm này chứa đựng tất cả ngôn ngữ và hình tượng ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh.
Năm 1964, địch đàn áp nhóm “Quán bạn”, cùng với nhà thơ Trần Quang Long, Ngô Kha bị bắt giam một thời gian rồi anh được trả tự do sau những đợt đấu tranh quyết liệt của học sinh, sinh viên đô thị đòi trả tự do cho anh.
Năm 1966, sau khi bị động viên vào Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức của quân đội Sài Gòn và đóng quân một thời gian ở Đức Hòa, Đức Huệ tỉnh Long An, Ngô Kha trở về Huế, ông tham gia đấu tranh và là một trong những thành viên nòng cốt lãnh đạo đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai (về sau đơn vị này lấy tên là chiến đoàn Nguyễn Đại Thức). Cuộc đấu tranh thất bại, Ngô Kha lại bị bắt và bị đày đi Phú Quốc một thời gian. Năm 1970, Ngô Kha chủ trương nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San. Năm 1971, Ngô Kha chủ biên tập san Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế.
Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, một người bạn ít tuổi trong nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết của Ngô Kha nhớ lại: Đầu những năm 70, thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn. Những bài thơ mới của Ngô Kha trong giai đoạn này là những khúc tráng ca mang đầy dấu ấn của thời cuộc: Bài ca tự quyết, Cho những người nằm xuống, Trường ca Hòa bình… Chính vì vậy mà nhà chức trách đương thời ở Huế đã rất điên cuồng tìm mọi cách để triệt hạ ngọn cờ Ngô Kha.
Anh Nguyễn Công Thắng, một người học trò cũ của thầy giáo Ngô Kha đã nhớ về người thầy đáng kính của mình: Những giờ học với thầy Kha bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Thay vì giảng bài một cách “hiền lành” như nhiều thầy giáo khác, thầy Ngô Kha dường như chỉ bình luận thời sự, biến giờ học thành một cuộc đối thoại sinh động về ý thức công dân trong một xã hội nhiễu nhương về dân chủ và cách mạng dân tộc, về chiến tranh và hòa bình.
Tháng 1/2005, trong bài viết Bài ca bi tráng của phong trào đô thị Huế, nhà thơ - nhà báo Thái Ngọc San có kể lại rằng: Trong những ngày chính quyền đương thời ở Huế tìm đủ mọi cách để kìm hãm những hoạt động tranh đấu của anh em phong trào mà mũi nhọn tấn công của kẻ địch không ai khác là Ngô Kha.
Có một đêm, Ngô Kha đưa Thái Ngọc San về căn nhà của mình ở làng Thế Lại Thượng và đã tâm sự một điều tận tâm can muốn thổ lộ từ lâu: Đó là việc Ngô Kha muốn gặp lãnh đạo cách mạng nội thành Huế để tâm tình và nhờ Thái Ngọc San tìm cách liên lạc giúp. Nhưng không ngờ lời tâm tình ấy đã trở thành một lời trối trăn vĩnh cửu vì sau đó không lâu Ngô Kha bị sa vào tay giặc và bị thủ tiêu, Thái Ngọc San thoát ly lên chiến khu và hai người vĩnh viễn không bao giờ gặp lại nhau từ đó.
Lời kể của nhà thơ - nhà báo Thái Ngọc San rất trùng khớp với câu chuyện giữa nhà thơ Ngô Minh với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có lần, vì biết ông Tường là bạn chí thân với Ngô Kha nên Ngô Minh thắc mắc rằng vì sao lúc đó “Tổ chức” không tìm cách để đưa Ngô Kha lên chiến khu? Ông Tường bảo rằng, ngày ấy “Tổ chức” đã liên lạc với Ngô Kha nhưng khi Kha chưa kịp đi thì bị bắt. Cũng có thể Kha chần chừ giữa việc lên rừng với ở lại tranh đấu trong lòng đô thị với bạn bè, trong khi đó mật vụ địch theo dõi từng bước đi, nên không thoát được…
Khoảng đầu năm 1973, hai tên mật vụ Lê Đình Liên và Nguyễn Đình Cáp phát hiện Ngô Kha qua cầu Gia Hội và vào nhà 42 Bạch Đằng - nhà của bà quả phụ Ngô Du, chị dâu của Ngô Kha. Chúng sục vào nhà bắt Ngô Kha, nhưng vì bà Ngô Du là công chức rất rành về luật lệ nên chặn lại hỏi: “Các ông bắt người thì phải có lệnh của cấp có trách nhiệm chớ?”.
Hai tên mật vụ ú ớ một lúc rồi để một tên ngồi lại canh chừng Ngô Kha còn một tên chạy về lấy lệnh bắt Ngô Kha do Liên Thành - Trưởng ty Cảnh sát quốc gia Thừa Thiên (học trò cũ của Ngô Kha) ký. Trong lúc chờ đợi, bà Ngô Du bảo với Ngô Kha rằng: “Chú trèo tường phía sau nhà trốn đi, để chị đối phó với mấy người kia”. Nhưng Ngô Kha đã trả lời với chị dâu của mình rằng: “Em làm việc quang minh chính đại thì việc chi phải trốn, cứ để cho chúng bắt”. Quả nhiên, khi quay trở lại nhà bà Ngô Du với tờ lệnh bắt của Liên Thành, những tên mật vụ này đã đưa Ngô Kha đi và anh mất tích luôn từ đó.
Sau khi bắt Ngô Kha, hai tên mật vụ yêu cầu Kha lên xe. Ngô Kha không chút ngạc nhiên bèn hỏi: “Lên xe nào?” Liên đáp: “Xe 67 nầy.” Ngô Kha trèo lên xe. Chiếc xe 67 chở ba người vụt chạy về gặp Thiếu úy Trưởng G đặc biệt Dương Văn Sỏ tại nhà riêng ở đường Nguyễn Thị Giang (bên cạnh quán Bar Why not, 21 Võ Thị Sáu, Huế ngày nay).
Sỏ nói: “Để tau ăn cơm xong rồi sẽ đi báo thượng cấp.” Ăn xong Sỏ đi báo với Trương Công Ân và Ân báo với Liên Thành. Kết quả: Các nhân viên mật vụ vừa bắt Ngô Kha nhận được chỉ thị của Liên Thành là “1.000 năm mây bay”. Đến 4 giờ chiều Ngô Kha vẫn còn ở Ty thẩm vấn. Ân đến hỏi bọn Sỏ: “Sao chưa hành động?” Chúng nói trời chưa tối.
Khi trời tối, mấy đứa Sỏ, Nghệ, Liên, Cáp chở Ngô Kha về hướng cửa biển Thuận An, lấy búa đánh Ngô Kha chết ngay tại Mỹ An rồi trùm bao bố thả xuống một con hói gần đó. Bọn chúng báo cáo với Liên Thành: “1.000 năm mây bay” đã xong và đã giải quyết ở Mỹ An. Liên Thành chửi: “Chúng bây quá ngu, như rứa dân chúng biết răng? Đi vớt lên, kiếm chỗ chôn cho thật kín đáo ngay”.     
Về sau này, nhiều người thân trong gia đình Ngô Kha còn cho biết thêm: Theo lệnh của Liên Thành, xác của Ngô Kha được vớt lên khỏi bờ hói ở Mỹ An, rồi đem về bỏ nằm chết trần truồng trong phòng thẩm vấn.
Không rõ từ nguồn tin nào, ông Phạm Bá Nhạc, Phó Công an quận Hương Thủy biết chuyện ấy, rất đau đớn. Ngô Kha có một người chị là mẹ kế của Phạm Bá Nhạc. Dù sao trên danh nghĩa, Ngô Kha cũng là cậu của Nhạc. Nhạc liền lên Huế xin Liên Thành một ân huệ là cho phép Nhạc mua cho Ngô Kha một cái quan tài. Liên Thành đồng ý với điều kiện phải giữ tuyệt đối bí mật. Nếu để lộ, Nhạc sẽ bị giết ngay. Nhạc cam kết sẽ giữ bí mật tuyệt đối. Ngô Kha được táng ở cồn mồ phía Nam Huế.
Để giữ mạng sống của mình, Nhạc không dám hé môi ngay cả với bà Cao Thị Uẩn, thân mẫu của Ngô Kha. Sau 1975, Phạm Bá Nhạc đi học tập cải tạo. Nhiều năm sau này, trước khi đi định cư tại Mỹ theo diện HO, Nhạc có nói nhỏ cho gia đình biết Ngô Kha đã chết vào ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Tý (nhằm ngày 30/1/1973) chứ không phải ngày 25 tháng Chạp như gia đình và bạn bè của Ngô Kha thường tổ chức kỵ trong mấy chục năm qua.
Gần đây, đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã khoanh vùng được nơi táng Ngô Kha ở cồn mồ làng An Cựu. Sau năm 1975, cồn mồ đó đã bị giải tỏa san lấp để dựng xí nghiệp gỗ Hương Giang, nay là khu kho ngoại quan phía sau trạm xăng dầu gần Bến xe phía Nam thành phố Huế.
Ngày 1/1/1981, Chủ tịch UBND thành phố Huế đã ký giấy chứng nhận hy sinh số 153 và đề nghị Nhà nước truy phong liệt sỹ cho nhà thơ-nhà giáo Ngô Kha. Ngày 3/11/1981, Ngô Kha được công nhận là liệt sỹ và một con đường ở gần nơi ngày xưa anh sống cũng được mang tên Ngô Kha.
Phan Bùi Bảo Thi
ANTG

No comments:

Post a Comment