.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, July 14, 2013

PHÓ CHỦ TỊCH HNV NGUYỄN QUANG THIỀU BÀN VỀ NẠN “ĂN CẮP” TRONG VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT



Đạo văn chương nghệ thuật: Vừa ăn cắp vừa la làng

Trong lúc dư luận đang nóng lên bởi câu chuyện cao thủ đạo thơ ở An Giang - thầy giáo Cao Phú Cường lại vừa dính thêm một nghi án ăn cắp thơ, thì đầu tháng 7 mới đây, nhà văn - dịch giả Ngọc Châu lại bị lên án vì đạo thơ của nhà thơ Phạm Xuân Trường. Hai sự việc này chính là giọt nước làm tràn ly khiến cho dư luận bùng lên phẫn nộ và bức xúc về nạn đạo thơ, đạo văn vẫn tồn tại nhức nhối trong giới văn chương. Theo đó, một câu hỏi lớn được đặt ra là chúng ta phải làm gì để môi trường sáng tác nghệ thuật trở nên trong sạch và xóa bỏ được những thành phần đã bị tha hóa về mặt đạo đức?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, biện pháp ngăn chặn cao nhất nạn đạo văn vẫn phải đánh vào lòng tự trọng của mỗi người cầm bút.
Vừa ăn cắp vừa la làng
Trong top 11 bài thơ lọt vào vòng chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL lần V - 2012, một bạn đọc đã phát hiện ra bài thơ Về đồng mùa nước nổi của thầy giáo Cao Phú Cường - một giáo viên dạy Văn của trường Trung học cơ sở Cần Đăng (Châu Thành, An Giang) giống tới 80% bài Trở lại đồng tứ giác của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã in trong tập Ngan ngát hương xưa được xuất bản trước đó. Đây là nghi án ăn cắp thơ lần thứ 3 mà Cao Phú Cường dính phải sau 2 nghi án đạo thơ của hai nhà thơ Vương Thảo và Bùi Văn Bồng. Chỉ đến khi biết không thể chối cãi được nữa, Cao Phú Cường mới gọi điện xin lỗi nhà thơ Trịnh Bửu Hoài và giải thích rằng mình đã đọc lâu ngày nên quên và chỉ mượn một số câu chữ, hình ảnh...
Mới đây, nhà văn - dịch giả Ngọc Châu (sinh năm 1948, hội viên Hội nhà văn Hải Phòng) lại bị nhiều cây bút làng văn lên án vì bài thơ Phơi trăng của ông đã đạo 2 câu thơ trong bài Gửi Đỗ Trọng Khơi và Trần Văn Thước của tác giả Phạm Xuân Trường. Khi sự việc bại lộ, ông Châu còn tỏ ý nghi ngờ câu thơ cuối cùng của bài thơ Cỏ cháy là "Nỗi đau đau đứng - nỗi buồn buồn nghiêng" không phải của nhà thơ Phạm Xuân Trường mà là của một tác giả khác.
Để tìm căn nguyên và hướng giải quyết nạn đạo thơ, đạo văn đang trở nên nhức nhối hiện nay, PV báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.
Đánh mất lòng tự trọng
Thưa ông, trong một môi trường sáng tạo lành mạnh và nghiêm túc như văn chương vẫn có một bộ phận những cây bút thường xuyên đạo, cóp ý tưởng của người khác và biến thành của mình. Vậy căn nguyên của vấn đề này xuất phát từ đâu?
Theo tôi, đó là vì tư cách những người cầm bút đã kém đi rất nhiều. Chuyện ăn cắp cái này, cái nọ của người khác hay của xã hội không còn là nỗi xấu hổ như ngày xưa nữa. Tính tham lam có sẵn trong con người và khi có điều kiện nó sẽ phát triển ra.
Trong giới văn chương, chuyện đạo thơ, đạo văn cũng trở nên phổ biến và công khai: Trong nhà trường các học sinh đạo công trình của nhau, thậm chí các giảng viên cũng đạo công trình của học sinh. Thực ra, tài sản của một bài thơ đứng về mặt tinh thần thì lớn lao nhưng đứng về mặt vật chất, không có gì cả và họ không thể đạo những tác phẩm tên tuổi mà cả xã hội đã biết, dù cho tác phẩm đó đã đăng ký bản quyền tác giả hay chưa. Tôi cho rằng, lòng tự trọng của một số cây bút đang bị đánh mất một cách quá ghê gớm và thế là họ ăn cắp, ăn trộm chứ cái danh không đáng bao nhiêu. Chắc hẳn chính người ăn cắp cũng thấy việc đó, nhưng anh ta đã đánh mất lòng tự trọng và có thể làm mọi hành động.
Theo ông thì  nguyên nhân chính nằm ở ý thức của người cầm bút?
Đúng vậy! Tôi không thấy đó là do cái lợi của bài thơ hay một bài văn mang lại. Hoặc giả nếu nó có lợi thì phần lợi đó cũng rất nhỏ, trong khi những phần khác lại lớn hơn nhiều. Nhưng vì ý thức và lòng tự trọng mất đi rồi nên họ dễ dàng vô cùng trong việc sáng tạo và làm nảy sinh chuyện đạo tác phẩm của người khác. Việc ăn cắp tài sản về mặt vật chất hay tinh thần, văn hóa của người khác là hành vi vi phạm đạo đức và nó cho thấy đạo đức của một số cây bút đang đi xuống, đấy là sự thật. Đặc biệt, họ lại là các nhà văn, nhà thơ - những người mang danh trí thức.
Cần có biện pháp xử lý nghiêm
Vậy chúng ta đã có những biện pháp gì để bảo vệ những tác giả bị đạo văn?
Trước hết chúng ta đã có luật Bản quyền, đấy là một trong những căn cứ mà ta có thể áp dụng để đảm bảo quyền lợi cho những tác giả có tác phẩm bị vi phạm. Nhưng chỉ những ai đăng ký bản quyền thì Trung tâm bản quyền Hội nhà văn Việt Nam mới bảo vệ được. Điều mà chúng tôi làm, một là cho xã hội biết đấy là tác phẩm bị ăn cắp, thứ 2 là đòi lại quyền lợi vật chất mà người ăn cắp đó được hưởng để hoàn trả lại cho tác giả, và cuối cùng là đưa người đó ra luật pháp để xử lý hành chính hay hình sự. Để bảo vệ tác phẩm của mình thì trước hết mỗi cá nhân phải ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền. Ngay trong chuyện ông Ngọc Châu và ông Phạm Xuân Trường đang tranh cãi nhau thì chỉ có thể xử lý về tình với nhau, còn khi đưa ra luật pháp nó đòi hỏi phải có chứng cứ để xác minh.
Ở bên nhà văn theo như tôi biết, thì có khi tác giả đăng ký bản quyền ở một nơi này xong họ lại đăng ký bản quyền ở một nơi khác. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra còn lâu chúng ta mới có thể thực thi nó một cách tốt đẹp được.
Theo ông, đâu là biện pháp tốt nhất để làm giảm đi tình trạng đạo cóp trong giới văn chương?
Hiện nay, việc đạo văn, đạo thơ mới tranh cãi về mặt nhân cách còn đặt ra luật pháp hay xử phạt hành chính chúng ta chưa có biện pháp cụ thể. Ví dụ tôi ăn cắp một bài thơ, một truyện ngắn, hay một chương sách chúng ta mới xử một cách rất đơn giản là bằng lương tâm còn xử bằng luật pháp là phải đền bù bao nhiêu, ngồi tù bao lâu thì chúng ta chưa làm được. Đó chính là một trong những cản trở. Đôi khi các nhà văn bảo rút kinh nghiệm là được rồi, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc phải thành luật, rằng anh ăn cắp, sao chép là anh sẽ bị phạt về kinh tế và sẽ bị xử lý về hình sự. Một câu xin lỗi qua loa thì không bao giờ giải quyết được vấn đề. Chúng ta chưa xử lý hành chính một cách cụ thể, một cách công minh thì tình trạng này còn tiếp diễn.
Mặt khác, theo tôi, biện pháp ngăn chặn cao nhất vẫn phải đánh vào lòng tự trọng của mỗi người cầm bút rằng: Anh không làm ra, không thuộc quyền sở hữu của anh thì không có quyền nhận lấy. Xã hội đã lên tiếng rất nhiều trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông, đó là một cách làm để giảm bớt đi tình trạng này. Và tác phẩm văn chương là một sản phẩm đặc biệt, không ai có thể tiêu thụ chúng mà không để người khác biết. Có thể các nhà văn, nhà thơ - tác giả của chính tác phẩm bị ăn cắp không biết nhưng độc giả và đồng nghiệp có thể phát hiện và lên án. 
Xin cảm ơn ông!     
Cần có sự phối hợp đồng bộ
"Các nhà xuất bản, các cơ quan quản lý về xuất bản hay các trung tâm bảo vệ bản quyền tác không thể kiểm soát được hết vấn nạn đạo, nhái trong văn chương. Trung tâm bản quyền Hội nhà văn Việt Nam thành lập được khá lâu rồi nhưng còn khó khăn về nhiều mặt nên hoạt động chưa có hiệu quả. Vừa rồi chúng tôi đã làm việc và chấn chỉnh lại, nhưng vẫn chưa làm hết được vì còn thiếu nhiều thứ", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết. 
Loan Thanh 

No comments:

Post a Comment