.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, July 18, 2013

NGÔ MINH: PHƯƠNG XÍCH LÔ HỀ… THƠ XÍCH LÔ

(Cadn.com.vn) - Trong một dịp Festival nghề truyền thống Huế, có một lễ hội đặc sắc diễn ra: Lễ hội xích lô. Tham dự lễ hội gồm các  xích lô Huế, xích lô dáng cao TP Hồ Chí Minh, xích lô Không lo âu (Sans- Soucui) Hà Nội, xe lôi du lịch lạ mắt vùng Hậu Giang... Nhưng bài viết này tôi không mô tả hay tường thuật nội dung lễ hội, những cảnh diễu hành hoành tráng và ấn tượng của 300 chiếc xích lô ba miền hội tụ về Huế, mà tôi muốn kể  về một "công dân xích lô " thứ thiệt", một "thi sĩ xích lô thứ thiệt": Đó là cố nhà thơ Nguyễn Văn Phương, tức Phương xích lô.
Trong Lễ hội xích lô mọi người bắt gặp những chiếc xích lô trùm kín ni-lông, mang những tấm biển có đề những câu thơ rất hay của Phương viết về nghề đạp xích lô, mà dân xích lô Huế ai cũng thuộc, như:
...Làm tên phu xe qua ngày tháng
Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười...
Đôi khi vắng khách về chở gió
Không tiền không bạc vẫn cười vang
Dừng lại bên cầu nghe nước chảy
Chợt thấy mình một giọt nước Hương Giang
(Giọt nước Hương Giang)


 Nhà thơ Phương xích lô-tranh sơn dầu của Bửu Chỉ.
Người ta bảo "Huế là đất thơ" quả không ngoa.  Riêng giới xích lô đã có hai người làm thơ. Đó là Phương xích lô và Mẫn xích lô. Thơ Mẫn xích lô in được, có nhiều ý  thơ thật mà cảm động. Nhưng thơ Phương xích lô mới là thơ hay thứ thiệt. Mọi người biết Phương xích lô chứ ít người biết tên thật của anh. Người ta biết  anh vì thơ anh hay, vì cuộc sống anh có lắm điều kỳ lạ. Bút danh thơ Phương xích lô là do nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đặt. Hồi Tạp chí Sông Hương  đóng gần cửa Thượng Tứ, một buổi sáng, có một chàng trai trẻ, đẹp trai, đạp chiếc xích lô đến Tòa soạn, rụt rè gửi lại mấy bài thơ chép trên những trang vở học trò nhàu nát, không đề bút hiệu, địa chỉ. Nữ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lúc này là biên tập  thơ, hỏi tên thì chàng xích lô vừa đạp xe vừa nói vọng lại "Em là Phương, dân xích lô". Dân xích lô Huế ai cũng thuộc một vài bài hay vài câu thơ của Phương viết về xích lô: Ta xích lô hề/Người xích lô/ Ráng cho xong hết một đời phu/Chở bao đau thương về nghĩa địa /Chở những hạnh phúc đến tuổi thơ/Ngó xuống thua chi loài giun dế/Trông lên hơn hẳn lục công cò... (Xích lô hành).
World Cup France 98, báo Văn nghệ Trẻ thi thơ ngắn về bóng đá. Phương có bài thơ  tứ tuyệt Đá bóng giành giải thưởng: Em đá vào ta một trái buồn/Còn ta đá lại trái cô đơn... Năm 1998, báo Văn TP Hồ Chí Minh thi thơ lục bát, bài thơ Tím của Phương được ban giám khảo xếp giải: Trưa nay chợt nhớ trưa nao/ Trước/Nhà em/Tím/Một màu bằng lăng/Ai trồng rào giậu cản ngăn/Cho chúng mình/Tím/Vết hằn chia ly... Năm 1992, Phương xích lô được bạn nghề góp tiền giúp anh in tập thơ Những dòng sông (in chung). Từ đó anh trở thành hội viên thơ của Hội Nhà văn TT-Huế. Trên xích lô của Phương bao giờ cũng nhét một cuốn vở học trò màu cháo lòng và cây bút bi. Khi nào tứ thơ chợt đến là Phương dừng xe bên đường cắm cúi viết. 
Có lần gặp nhà thơ Phùng Quán từ Hà Nội vào, Phương mời anh Quán lên xe để vừa đi ngắm Huế vừa nghe thơ xích lô. Một ông già  áo Mán, quần bò, râu tóc bạc phơ, một chàng trai tóc xoăn khôi ngô, quần sờn áo vá, vừa đạp xe xích lô vòng vèo phố Huế, vừa thay nhau đọc thơ sang sảng. Dân qua đường ai cũng ngoái nhìn. Nhiều anh xe thồ, xích lô cũng nối theo để nghe thơ như một đám rước, quên cả đón khách. Đến chiều mới hay, cả ngày Phương chưa có được cuốc xe nào kiếm tiền cả. Anh Quán nằn nì Phương  nhận ít tiền đưa về cho vợ, Phương  bảo: "Anh còn khốn khó hơn em. Khốn khó tới 30 năm. Tiền đâu ra mà đưa cho em...". Nhiều nhà thơ ở Huế có bạn thơ ở xa tới thăm đều nhờ Phương chở đi chơi phố Huế. Đi xích lô với Phương rất vui vì chủ-khách đều  như người nhà, đọc thơ rồi cười ha hả.
Ngoài nghề đạp xích lô, vì cơ thể đẹp, nên Phương thường xuyên được Trường Đại học Nghệ thuật Huế mời làm người mẫu cho sinh viên học sáng tác. Cứ đứng một buổi được mấy chục ngàn, tuy có "nhột" chút đỉnh, nhưng không mồ hôi mồ kê như đạp xích lô. Có tháng Phương một buổi đạp xe, một buổi làm người mẫu, để có thêm tiền nuôi con. Hồi đó Phương ở gần nhà tôi, ngay trên dốc Bến Ngự. Phương có hai đứa con gái sinh đôi rất kháu khỉnh...                       
Cuộc đời Phương đang êm đềm "trên ba bánh xe lăn", bỗng gặp một khúc quành đến vực  thẳm chết người: người vợ vô cùng yêu dấu, chia tay anh, theo một người bạn... thơ khác. Phương bắt đầu nát rượu, điên dại, không đạp xích lô được nữa, lang thang xin tiền ngoài phố uống rượu. Nhiều lần trong vô thức rượu, Phương tưởng mình đang làm người mẫu, cởi quần áo, đứng ở ngã tư đường phố... Nhưng Phương chỉ dở điên dở dại khi uống rượu. Còn khi làm thơ thì Phương lại trở lại là Phương xích lô dân dã, tinh tế và bản lĩnh. Có dịp tôi đang làm trang thơ Tết cho báo Thương Mại, Phương tìm lên nhà, đưa tôi ba bài thơ chép nguệch ngoạc trên vỏ bao thuốc lá Đà Lạt, bảo: "Thơ em không hay thì anh vứt đi!".
Thơ Phương làm trong thời gian cuối đời, đầy men rượu, nhưng cũng đầy đớn đau thân phận:
Thưa em/Tôi đã khuyết rồi/Đêm nao chú Cuội khèo rơi trái rằm (Thưa em). Ta say hề, đêm nay ta xỉn/Đành mượn cỏ cây thế chiếu giường/Ngạo nghễ gối đầu lên đỉnh Ngự/Ngang tàng xuôi cẳng dọc sông Hương (Túy độc hành)...
Ngày 2-6-2001, Phương ra Thành cổ Quảng Trị thăm mẹ của nhà thơ Nhất Lâm ốm nặng. Say rượu, nhưng Phương lại nhảy ùm xuống tắm mương Thạch Hãn. Thế là Phương đi. Trong cái túi xách cà tàng Phương để lại trên bờ có một vỏ chai đã khô rượu và hai bài thơ mới viết. Trong đó bài thơ Chạng vạng như một lời linh ứng:
Chạng vạng đất/Chạng vạng trời/Tình tôi chạng vạng trong thời xa em/Mắt nhìn chạng vạng hơi men/Miệng đời chạng vạng/Chê khen tiếng lời/Tuổi tên chạng vạng/Quên rồi/Đường đi chạng vạng/Biết nơi mô về...
Nhà văn Nhất Lâm đã tập hợp, biên soạn và in cuốn sách "Nguyễn Văn Phương- Thơ và đời", tập hợp những bài viết về Phương và toàn bộ thơ Phương, như là kỷ vật còn lại của Phương xích lô với cuộc đời. Và trong những dịp lễ hội nghề truyền thống Huế, Phương  lại hiện hữu cùng những đồng nghiệp của mình trong Lễ hội Xích lô nước Việt... Tôi như thấy hồn  thi sĩ  Phương xích lô lại về chở gió...
Ngô Minh

No comments:

Post a Comment