.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, February 18, 2012

ĐẶNG HUY GIANG: BẢN LĨNH NHÀ VĂN

Trong truyện "Tam quốc diễn nghĩa" có nhân vật Đặng Ngải - một danh tướng nước Ngụy - người đã có công thanh toán nước Thục, góp phần thống nhất Trung Hoa về cho triều đình Đại Tấn sau đấy...
Đặng Ngải rất phục Võ Hầu (tức Gia Cát Lượng, còn gọi là Khổng Minh, thừa tướng của nước Thục, quân sư của Lưu Bị). Trong hồi thứ một trăm mười bảy của bộ tiểu thuyết này, có đoạn:
"Khi vượt qua Ma Thiên Lãnh, (quân sĩ) chợt trông thấy ở bên cạnh đường có một tấm bia đá, trên khắc "Bia này của thừa tướng Gia Cát Võ Hầu". Dưới lòng bia có bốn câu: "Hai hỏa mới dựng/ Có người qua đây/ Đôi Sỹ tranh nhau/ Chẳng được mấy ngày". Ngải trông văn bia giật mình, bèn vào lạy mà rằng:
- Võ Hầu thực là thánh thần! Ngải tôi không được thờ làm thầy, tiếc thay!".
Cũng trong chương này, còn có một đoạn đáng chú ý khác:
"Hai người (Sư Toản và Đặng Trung - hai tướng dưới quyền của Đặng Ngải) dẫn quân sắp đến Miêu Trúc thì gặp ngay quân Thục. Hai bên dàn trận. Sư Toản, Đặng Trung kìm ngựa đứng trước cửa cờ, thấy quân bên Thục bầy thế bát trận. Dứt ba hồi trống, cửa cờ mở ra, vài mươi viên tướng xúm xít đẩy một cỗ xe bốn bánh, trên xe có một người ngỗi chững chạc, tay cầm quạt lông, mình mặc áo hạc, có một lá cờ vàng đề mấy chữ "Hán thừa tướng Gia Cát Võ Hầu". Hai người rụng rời hết vía, mồ hôi đổ ra như tắm, ngoảnh lại bảo với quân sĩ rằng:
- Té ra Khổng Minh vẫn còn sống, chúng ta chết cả đến nơi rồi!
Lập tức quay về, quân Thục thừa thế đánh trận vào quân Ngụy thua chạy liểng xiểng. Quân Thục đuổi đánh hơn hai mươi dặm, gặp ngay Đặng Ngải tiếp quân đến, hai bên mới cùng thu quân.
Ngải lên trướng ngồi, gọi hai người vào mắng rằng:
- Hai chúng ngươi không đánh mà chạy ngay, là cớ làm sao?
Trung kêu rằng:
- Chúng tôi thấy trong trận Thục có Khổng Minh cầm quân, bởi thế phải chạy về.
Ngải giận, nói:
- Dù cho Khổng Minh có sống lại chăng nữa, ta có sợ gì. Các ngươi dám khinh thường rút lui, đến nỗi thua như thế, nên chém để chỉnh quân pháp"
Nêu hai dẫn chứng trên để thấy bản lĩnh làm tướng hoặc bản lĩnh trận mạc của Đặng Ngải. Rõ ràng tuy phục (hoặc nể sợ) Gia Cát Võ Hầu, nhưng đến lúc cần phải đối mặt (hoặc đối đầu), Đặng Ngải vẫn không biết sợ.
Ở một khía cạnh nào đó, trong chốn "trường văn trận bút", người làm văn chương có khi cũng nên có cách hành xử như vậy.
Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật (hồi còn làm biên tập viên thơ của Tuần báo Văn nghệ) có lần khuyên tôi: Nếu thấy có ai đó đã làm thơ rất hay về biển, về sông, về núi, về cỏ, về cây…thì mình cũng nên cẩn trọng. Nếu viết không bằng họ thì không viết. Trường hợp thấy có thể viết hay hơn (hoặc khác hơn) thì vẫn cứ viết. Và hãy tin: Trong văn chương, sự sáng tạo là không có giới hạn nào.
Thực tế cho thấy: Bên cạnh nhà thơ Tố Hữu đã có nhiều bài thơ hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như "Sáng tháng năm", "Bác ơi"…vẫn có "Người đi tìm hình của nước" của nhà thơ Chế Lan Viên, "Hồ Chí Minh - tên người là là cả một niềm thơ" của nhà thơ Cuba  Phêlích Pita Rôđơrighết. Dù ở rất xa Việt Nam và viết sau nhiều người khác, nhưng Phêlích Pita Rôđơrighết vẫn có những câu thơ thật ấn tượng và sâu sắc về Bác Hồ của chúng ta:
"Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/ Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp/ Bởi vì Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ/ Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước/ Bởi vì người đã chất chứa nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực…".
Đấy chính là bản lĩnh nhà văn.
Đặng Huy Giang

No comments:

Post a Comment