.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, February 23, 2012

NHỮNG CÂU CHUYỆN UẨN ỨC VỀ NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN

Những năm 1980-1985, tôi đang học tập và công tác tại trường Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện Tài chính), đã viết vở kịch ngắn một màn: "Tưởng dễ mà khó" để tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc. Nhà trường mời anh Phương Văn,  cán bộ Vụ Văn hóa quần chúng, Bộ Văn hóa về đạo diễn. Phương Văn nói với tôi: Mời cả anh Phùng Quán, cùng phòng tham gia, có ngại không? Tôi nghe thế thì mừng chứ đâu có ngại.
Nhà thơ Phùng Quán
Sở dĩ Phương Văn bảo thế vì anh Phùng Quán có dính dáng đến vụ Nhân văn giai phẩm. Anh Phùng Quán tuy mang danh cán bộ Vụ Văn hóa quần chúng, vẫn được hưởng lương, nhưng bị treo bút và đưa lên nông trường Quân Chu, Thái Nguyên tăng gia sản xuất. Đến nông trường Quân Chu, nhà thơ Phùng Quán được giao một mảnh đất vừa để ở, vừa trồng trọt tự sinh sống. Anh cưa một gốc cây gỗ chết khô rất to, làm cái bảng, như cái mẹt, viết vào đấy cái tên Nông trại Đỏ, rồi trưng lên. Phùng Quán sống đơn giản, xuề xòa, thường mặc quần nâu, áo chàm, đi guốc mộc. Quân Chu sẵn gỗ, anh tự đẽo lấy guốc, dùng lốp xe đạp hỏng, cắt ra làm quai. Còn những mẩu gỗ nhỏ làm cúc áo.

Mặc dù cuộc sống rất cơ cực, nhưng không bao giờ Phùng Quán tỏ ra bi quan, chán nản hay bất mãn. Anh làm thơ, viết truyện không ngừng nghỉ. Để được in Phùng Quán phải thay tên đổi họ, thậm chí còn mượn tên người khác. May mắn là anh được nông trường Quân Chu giúp đỡ, bạn bè, đồng nghiệp thương yêu, đùm bọc, công chúng, độc giả không quên.

Nhà thơ Trần Trương, khi đó được giao nhiệm vụ “quản lý” Phùng Quán, vốn là người rộng rãi, hiếu khách. Bạn văn bạn thơ nhiều, nhưng riêng Phùng Quán được vợ chồng Trần Trương coi như người nhà, có cả chìa khóa để tự mở cửa bất cứ lúc nào.
Có lần chị Quý vợ anh Trương đi làm về, giật mình thấy người nằm ngủ dưới sàn nhà, hai chân cho vào gầm bàn. Hóa ra là anh Quán. Nhà chật, chỉ có một chiếc giường, Phùng Quán giữ ý, nằm thế cho đỡ tốn diện tích. Anh Quán đến lần nào cũng mang theo một bình rượu. Nếu ở Nông trại Đỏ về, thường đến thẳng nhà anh Trương, ngại không tới cơ quan. Anh Quán là người khái tính, chẳng bao giờ làm phiền ai. Biết chị Quý hay nhịn miệng đãi khách, nhất là trong thời buổi khó khăn, khan hiếm thực phẩm, sợ phạm vào tiêu chuẩn của gia đình, anh Quán cười bảo:
- Chị và cháu ăn thịt, còn xương để anh em tôi gặm. Đằng nào xương cũng vứt đi, chỉ cốt có mùi thịt là được.
Chiều hôm Phương Văn đèo anh Phùng Quán bằng chiếc xe Star tàng tàng từ Hà Nội lên Phúc Yên, tôi báo cho anh Bùi Văn Mạnh, lúc đó phụ trách phòng Tuyên huấn của nhà trường.
- Anh Mạnh ạ! Có cả nhà thơ Phùng Quán cùng tới tham gia đạo diễn với anh Phương Văn có được không?
Tôi bất ngờ khi anh Mạnh nói như gắt:
- Sao không được?
Rồi hỏi ngay:
- Anh ấy đâu?
- Anh ấy đang ở nhà tôi.

Anh Bùi Văn Mạnh nguyên là Thượng úy, chính trị viên đại đội chuyển ngành. Là người am hiểu văn học nghệ thuật và cũng làm thơ. Vấn đề Nhân văn giai phẩm anh nắm khá rõ, anh bảo tôi:
- Bọn mình phải tiếp anh Phùng Quán chu đáo, cởi mở, thân tình. Động viên anh ấy vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận. Phùng Quán là người tài năng, có bản lĩnh, không phải thường đâu.
Tôi kinh ngạc trước những nhận xét về nhà thơ Phùng Quán của anh Bùi Văn Mạnh. Ở thời điểm ấy, một cán bộ chính trị lại có cái nhìn thấu đáo như vậy quả thật rất hiếm.

Biết anh Phùng Quán hay uống rượu, tôi với anh Mạnh ra quán quốc lủi ngoài cổng trường mua mỗi người một chai 65, không dám mua hơn vì ở trong khu tập thể tự nhiên mua nhiều rượu sẽ gây chú ý ngay, sau đó ra cửa hàng mậu dịch mua hai chai Lúa mới nữa. Suốt đêm hôm ấy, chúng tôi uống rượu, nghe anh Phùng Quán đọc thơ, kể chuyện văn, chuyện đời. Giọng anh truyền cảm, cuốn hút và xúc động. Anh bảo: Cái thằng người mình hắn vớ vẩn lắm. Khăn mặt rách, lần lữa mãi vẫn quên không mua nổi, nhưng thuốc lá thì lúc nào cũng nhớ.

Có lần vợ sai đi mua hộp thuốc đánh răng, về hỏi lại chìa ra bao thuốc lá Trường Sơn. Rồi anh kể câu chuyện về một người vô gia cư, chuyên sống bằng nghề câu quăng. Đêm đêm anh ta ra hồ Trúc Bạch câu cá, sáng hôm sau đem bán lấy tiền đong gạo. Ngày qua ngày, nếu hôm nào không được cá thì cầm chắc là đói. Có một đêm, chẳng hiểu trở trời trái gió thế nào ấy, anh câu mãi không được. Càng về khuya, càng cố càng không ăn thua. Được ăn cả ngã về không anh quyết định quăng một cái cuối cùng. Muốn được cá to phải thả câu cho dài, anh dùng hết sức, quăng thật xa và nghĩ lần này không được cũng về. Bỗng nhoằng một cái rất nặng, đoán chắc là con cá to, muốn bắt được phải dong cho đến khi nó mệt. Thế là, anh cuốn dây kéo con cá lại, rồi lại thả cho nó chạy ra. Mãi như vậy, cá không mệt, chỉ người mệt. Trời sáng dần, tiếng chuông tàu điện leng keng từ phía Thụy Khuê, báo hiệu một ngày mới. Nhìn sang bờ bên kia, lờ mờ thấy một người cũng đang câu. Để ý kỹ mới thấy, bên này kéo thì bên kia thả và ngược lại. Lúc sáng rõ, cùng nhấc lên, hóa ra hai lưỡi câu mắc vào nhau…

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, anh về thăm quê làng Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được Mặt trận Tổ quốc xã tổ chức cho gặp gỡ bà con cô bác quê nhà và nói chuyện thơ. Khi xã lên xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo văn hóa trên huyện và trên tỉnh, các đồng chí nói chung chung đó là việc của xã, do xã quyết định, chỉ nhắc nhở đừng làm điều gì không phải với bà con cô bác quê hương. Như vậy là có ý bật đèn xanh rồi! Buổi gặp mặt được tổ chức khá long trọng. Khi Phùng Quán bước ra sân khấu, nhìn xuống dưới, người rất đông. Thấy anh, tất cả bỗng im lặng. Một không khí im lặng, trĩu xuống. Phùng Quán bàng hoàng, đứng ngây ra như trời trồng, rồi anh òa khóc, hai tay run rẩy, bưng lấy mặt. Anh nhận ra rằng, đất mẹ yêu thương vẫn dang rộng cánh tay đón anh, tha thứ cho anh, sau bao nhiêu năm xa cách, nay trở về bái tổ. Anh vội vàng quỳ sụp xuống, chắp hai tay vừa vái, vừa nghẹn ngào, nấc lên:
- Con xin lạy quê hương!
Tiếng nấc của anh hòa cùng nhiều tiếng nấc. Kể lại mà anh cứ sụt sùi, mắt đỏ hoe. Chúng tôi đứa nào cũng lau nước mắt. Anh nói: Cũng may, mình ngã nhưng vẫn được tập thể cơ quan dìu dắt, Hội Nhà văn nâng đỡ, lại đứng dậy được. Cái chính là mình vẫn giữ được bản chất người lính, không làm điều gì phải hổ thẹn với quê hương nơi sinh ra một nhà thơ như mình. Khi viết chân dung các nhà thơ qua thơ, in trong tập Thi nhân trong tôi, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2005, chân dung đầu tiên tôi viết là nhà thơ Phùng Quán. Viết xong, tôi đưa cho nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, người rất gần gũi nhà thơ Phùng Quán. Trịnh Thanh Sơn vui lắm, đọc ngay.

Rồi Trịnh Thanh Sơn kể: Hôm tiễn đưa nhà thơ Phùng Quán đến nơi an nghỉ cuối cùng, trời mưa rất to, tầm tã, huyệt đầy nước không thể nào tát cạn. Quan tài nổi, Sơn cùng mấy anh em cứ dìm đầu này thì đầu kia lại bềnh lên, mãi không được. Thấy thi thể anh Quán bị vật vã thế này thì đau lắm, Sơn khóc nức nở. Vừa xót thương, vừa hờn dỗi, nước mắt lẫn nước mưa, Sơn nghẹn ngào nói:
- Anh ơi! Nếu có uẩn ức gì thì anh cũng phải để cho chúng em chôn cất anh tử tế chứ! Sao khổ mãi thế này.
Kỳ lạ thay, Sơn vừa dứt lời thì quan tài từ từ chìm xuống.
Bây giờ, Sơn cũng đã mất rồi, nhưng nếu kể lại Sơn sẽ không khóc nữa đâu. Vì anh Phùng Quán đã được Giải thưởng Hội Nhà văn cho tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, dựng thành phim năm 1988, Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 2000 và tiểu thuyết Vượt Côn Đảo tái bản tới lần thứ 13. Đặc biệt anh được truy tặng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, một giải thưởng cao quý giành cho những tài năng đích thực của đất nước.     

Nguyễn Giang

1 comment:

  1. "...Đất mẹ tha thứ cho anh...." ?????
    Phùng Quán có tội gì với đất mẹ !!!!! Nguyễn Giang có thể kể được Phùng Quán đã phạm những "tội" gì không ????

    ReplyDelete