.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, February 23, 2012

NĂM 2012 SẼ CÓ NHIỀU CUỘC BẦU CỬ QUAN TRỌNG, HÃY CHỜ XEM SỰ PHẪN NỘ CỦA THÀNH PHẦN NHỮNG NGƯỜI CÙNG KHỔ ĐƯA ĐẾN ĐÂU?

"Những người cùng khổ"
Khi phân tích nguyên nhân của các cuộc nổi dậy từ xa xưa trong lịch sử cho đến giờ, một số nhà báo và nhà sử học cho rằng, ngoài những nguyên nhân về chính trị, tôn giáo, ý thức hệ, một trong những nguyên nhân lớn là sự cùng khổ. Những áp bức, bất công nặng nề cộng thêm với sự đè nén con người xuống tận cùng nấc thang xã hội, nghèo đói vất vưởng, sự cùng khổ mà đại văn hào Victor Hugo đã diễn tả trong tác phẩm bất hủ Les misérables đã làm cho con người bần cùng biến tàn lực thành sức mạnh đổi đời như vũ bão.

Đã hai lần tôi tìm về Montreuil-sur-Mer, một thành phố nhỏ ở phía Bắc vùng Picardie (1) nước Pháp, để tìm hiểu hơi hướng bối cảnh câu chuyện của Victor Hugo. Nhớ nhân vật Jean Valjean, người tù  khổ sai, bị theo dõi suốt cả cuộc đời chỉ vì đã ăn cắp một cái bánh mì để nuôi con, để liên tưởng những người cùng khổ của đầu thế kỷ XIX, có khác chi những người cùng khổ của thế kỷ XXI? Những người hiện nay được gọi là SDF (sans domicile fixe, không có địa chỉ cố định) tại Pháp, hay Obdachlose (vô gia cư) tại Đức.
Không phải cuộc nổi dậy nào cũng thành công toàn diện, lịch sử đã có những cuộc nổi dậy bị dập tắt mau chóng, ngắn hạn hay dài hạn, và nhiều kẻ nổi dậy đã trả giá bằng sự hy sinh mạng sống của mình cho người khác, cho xã hội, cho đời sau. Nhiều khi, nhiều cuộc nổi dậy này làm tiền đề cho các cuộc nổi dậy kế tiếp, để “chẳng sớm thì muộn” một sự thay đổi sẽ được đưa đến. Nhà báo Jean François Kahn đặt câu hỏi “Sự nổi dậy bắt đầu như thế nào?”, rồi đưa câu trả lời, mọi sự nổi dậy đều bắt đầu bằng một chữ “không”để đưa đến một chữ “”. Cái “không” của tướng de Gaulle là cái “có” đối với nước Pháp, cái “không” của Victor Hugo là cái “có” đối với nền Cộng hòa, cái “không” của Thomas More là cái có đối với niềm tin… những con người đã nói “không” như Socrate, Spartacus, Jeanne d’Arc, Robin Hood, Lincoln, Gandhi, Jean Jaures, Martin Luther King, Che Guevara, Zola, Clemenceau, Jean Moulin, Mandela…. Nhà sử học Pierre Brocheux viện dẫn ngay cả cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học và 12 người bạn chiến đấu cùng hy sinh, cũng như sự xuất hiện của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh… làm thí dụ cho những người đã nổi lên thay đổi cả một thời cuộc(2).
Đối với những người làm thống kê cũng như những nhà xã hội học hay chính trị gia, những con số về tỷ lệ, cấu trúc, thay đổi… của thành phần nghèo khó, thành phần cùng khổ trong một xã hội là thước đo mức chịu đựng, mức bất mãn cũng như khả năng nổi loạn trong nước. Người Đức có câu “Ich habe nichts zu verlieren” (Tôi không còn gì để mất cả) để nói lên tính quyết định và sự sẵn sàng tranh đấu, chiến đấu của họ.
Xã hội nào cũng có kẻ giàu, người nghèo, giàu vì bất công, tham nhũng, hối lộ, gian xảo… hay giàu vì làm ăn lương thiện, có tay nghề, có kiến thức, có chí; nghèo vì sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu, hay nghèo vì bất công và bị bóc lột. Khoảng cách giữa giàu và nghèo quá xa, sự xuất hiện của một thiểu số quá sức giàu có, một thành phần trung lưu giảm dần, một đa số nghèo khó đói kém là những dấu hiệu của một sự bất công toàn diện đang xảy ra trong xã hội đó.   
Trong mục đích xóa giảm những “cơn đau” xã hội, mang ít nhiều tính chất “mị dân”, các chương trình xã hội của các chính phủ châu Âu bị bắt buộc phải phân phối trợ cấp xã hội nhỏ giọt theo kiểu “Gießkanne-Prinzip” (thùng xách nước rỉ nhỏ giọt, chỗ nào khô quá thì nhỏ cho tí nước) để có thể ngăn cản người cùng khổ tràn ra đường phố, đồng thời cũng để xoa giảm khuynh hướng cực hữu kỳ thị người ngoại quốc nhập cư.
Trong thành phần “nghèo” cũng có nhiều mức độ nghèo khác nhau. Có những gia đình, hay người sống độc thân cô đơn, cố gắng giấu cái nghèo của mình đằng sau những cánh cửa đóng kín, nhịn ăn, nhịn mặc, sống rất eo hẹp, thiếu thốn nhiều thứ, để gom cho đủ tiền trả tiền thuê nhà, không bị đuổi ra đường. Ở tận cuối cùng của nấc thang xã hội là những người bị cả xã hội dồn vào bước đường cùng, họ là những kẻ không nhà không cửa, vô gia cư, vô nghề nghiệp lang thang trên đường phố, mỗi khi đêm về không biết sẽ tìm được một chỗ nào khuất gió, có chút hơi ấm để ngủ. Nhiều người chẳng còn gì khác là bộ quần áo mỏng manh mặc trên người, nhiều ngày nhiều tháng không được tắm giặt, hôi hám, đầy chí rận. Họ là những người đã và đang hứng chịu nhiều thảm cảnh nguyên nhân: ở tù ra, thất nghiệp, túng thiếu, nợ nần, bị chủ đuổi nhà, ly dị, góa bụa, gia đình bạo lực, bỏ rơi, bạn bè hất hủi ngó lơ… kèm theo những hậu quả nặng nề như bệnh nặng, nghiện rượu, ma túy… hay họ là những người nước ngoài đã từng mơ ước một cuộc sống “thiên đàng” tại châu Âu, lặn lội đến đây để tìm công ăn việc làm và một mái ấm gia đình.
Cuộc sống lang thang ngoài đường phố giáng thêm lên họ những nỗi cơ cực bần hàn vô nhân đạo: họ lục lọi thùng rác kiếm thức ăn bị vất bỏ, không được săn sóc sức khỏe, thuốc men, thiếu ăn thiếu uống thường xuyên, nhưng hai yếu tố kết liễu đời họ mau chóng là bạo lực xã hội và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Xã hội không thông cảm với những người lang thang vô gia cư, khinh bỉ họ, chửi rủa họ là rác rưởi, thậm chí đánh đập và giết họ rất nhẫn tâm, hay, họ giết hại lẫn nhau, có khi chỉ vì giành nhau một chỗ ngủ. Nhiều nơi công cộng có sưởi ấm như trong nhà ga, bến xe, hầm xe điện ngầm (metro), trên miệng hầm metro nơi có hơi ấm thổi lên, cửa vào… thì cấm triệt để không cho họ ngủ, thậm chí các ghế băng dài bị thay thế bằng những chiếc ghế rời có tay vịn cao. Vài người vô gia cư xin được một con chó, người và vật cùng nhau lang thang xin ăn, đêm về ôm nhau, dựa nhau ngủ để có hơi ấm. Nếu họ không chết vì bạo lực xã hội thì thiên nhiên với những ngày quá nóng, mưa gió, tuyết rơi, băng giá quá lạnh đã giết chết họ. Mỗi mùa đông, bắt đầu từ tháng 12 cho đến hết tháng 3, cái lạnh và cái ẩm ướt làm cho nhiều người chết cóng trong một góc đường. Tuổi thọ trung bình của những người vô gia cư thường được phỏng chừng vào khoảng 45 tuổi (đàn ông), phụ nữ vô gia cư thì tuổi thọ thấp hơn, khoảng 43 tuổi.
Đầu năm 2012, tôi đọc một tin buồn trên mạng vào ngày 4/1. Tờ Welt-Online và các báo khác đưa tin tại thành phố Neuss (Đức), vào tháng 3/2011, một người trẻ 18 tuổi, với sự trợ giúp của một người 38 tuổi, đã đánh chết một người Việt 59 tuổi, vô gia cư, sống bằng việc lượm vỏ chai đem đổi lấy tiền lẻ, để cướp 8 euro tiền xu, sau đó hai kẻ giết người, cũng thuộc thành phần không cửa không nhà, cùng đi uống bia. Bản án được công bố vào ngày 12/1/2012.
Xã hội châu Âu giàu sang có một nghịch lý đầy mỉa mai: Có những hội bảo vệ chó, mèo, có những người tự xưng là người “yêu thương súc vật” sẵn sàng tố cáo, gọi cảnh sát, kiện tụng những người đối xử không tốt với một con chó, một con mèo; thậm chí có người bị phạt tù, cộng thêm tiền phạt vì bị tố về tội hành hạ gia súc, hay đem thả, vất bỏ chó mèo ra đường. Muốn đem bỏ một con chó còn nhỏ, khỏe mạnh cho Hội Bảo vệ súc vật phải trả tiền từ 100 đến 250 euro. Mùa đông, chó mèo được mặc áo ấm, ăn uống đầy đủ, ở trong nhà ấm cúng, nằm trên gối, nệm hay trên ghế xa lông. Giá gởi một con chó vào nhà trọ súc vật là 15 euro một ngày, cộng thêm tiền săn sóc của bác sĩ thú y. Một con chó to ăn một tháng hết 100 euro, không kể tiền thuốc men bác sĩ thú y khi nó bị đau ốm, hay phải đi chích ngừa bệnh tật. Một con chó còn được chú ý hơn, bảo vệ hơn là một con người!
Tại Đức hiện nay không có thống kê chính thức của cơ quan công quyền về con số người không cửa không nhà, chỉ có con số phỏng chừng của các cơ quan từ thiện. Theo BAGW(3) con số người vô gia cư trong năm 2011 lên đến 255.000, có khả năng sẽ tăng thêm 15% và sẽ đạt mức 280.000 người, trong đó có khoảng 64% là đàn ông, 25% phụ nữ (trong số này có 43% phụ nữ dưới 31 tuổi và 31% dưới 25 tuổi) và 11% trẻ em, cộng thêm khoảng 120.000 người sẽ bị đuổi nhà vì thiếu tiền nhà, hết hợp đồng hay chỗ ở bị chủ lấy lại.
Từ khi Thủ tướng Gerhard Schroder của đảng mang danh xã hội SPD (Sozialistische Partei Deutschland) thực hiện chính sách Hartz IV vào năm 2005 (4) thì sự nghèo khó tại Đức càng lan rộng nhanh thêm và sâu thêm. Tuy thế, chính sách Hartz IV vẫn được chính phủ đương nhiệm tiếp tục áp dụng. Bản tường trình thứ ba về sự nghèo đói tại Đức của chính phủ liên bang (Der 3. Armutsbericht der Bundesregierung, công bố trong mùa hè 2008) nêu một con số là 13% trên tổng số người có thu nhập trong xã hội trong năm 2006. Nhưng cùng năm, bản tường trình của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (Deutsche Institutfur Wirtschaftsforschung) nêu một con số cao hơn là 18%. Nếu cộng thêm các thành viên vợ, chồng, con cái, cha mẹ… của những gia đình mà chỉ có một người có thu nhập thì con số người nghèo cùng chịu chung cảnh khổ còn lớn hơn nữa. Cũng theo bản tường trình, trong năm 2008, được định nghĩa “giàu” là những ai có thu nhập hơn 3.418 euro (độc thân) và 7.178 euro (gia đình bốn người), được định nghĩa là “nghèo những ai chỉ kiếm được 781 euro/tháng. Bản tường trình thứ tư của chính phủ Đức vào cuối năm 2011 hiện nay chưa được phép công bố.
Tuy thế, Hiệp hội những tổ chức từ thiện Der Paratatische Gesamtverband, Berlin, đã công bố bản tường trình chi tiết về sự nghèo đói ở Đức vào tháng 12/2011 (Von Verhartungen und neuen Trends – Bericht zur regionalen Armutsentwicklung in Deutschland 2011) đưa ra những con số thống kê mới nhất của năm 2010 và 2011. Bản tường trình dựa trên cơ bản định nghĩa mức độ nghèo khó ở 60% thu nhập trung bình tại nước Đức. Trong năm 2010, mức độ nghèo khó được định nghĩa bởi sự thu nhập 826 euro (độc thân) và 1.735 euro (gia đình 4 người). Các điểm đúc kết quan trọng nhất là: sự công nhận rằng cái nghèo đói đã nặng nề thêm (Verhartete Armut), đã đồng thời tăng lên thành 14% trên toàn liên bang, nhưng nhất là, mọi phát triển của xã hội trong năm qua không làm giảm sự nghèo khó một chút nào cả, có nghĩa là, thành phần nghèo khó đã bị gạt hẳn ra khỏi các hoạt động tích cực của xã hội, không tìm được công ăn việc làm và cũng không được tham dự vào việc tái phân phối sự giàu có của xã hội. Tại Pháp thì mỗi năm có khoảng 400 người không nhà chết ngoài đường vì thiếu ăn, bệnh, lạnh, say rượu hay bị đánh chết. Theo tổ chức Les Morts de la Rue thông báo vào ngày 5/1/2010, đã có 362 người chết vào đầu mùa đông, nếu tính từ năm 2002 thì đã có 1.200 người chết trên đường phố, tuổi thọ trung bình của họ chỉ có 47,6.
Bản tường trình mới nhất Rapport 2011 sur l’état du mal-logement en France của tổ chức từ thiện La Fondation Abbé Pierre gióng tiếng chuông báo động cho một tình trạng chưa từng có tại Pháp: gần 10 triệu người tại Pháp cư trú trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Trong con số này có những trường hợp nặng nhất là 685.116 người SDF (133.000 người lang thang và ngủ ngoài đường, 18.116 người tạm trú trong các cơ sở xã hội, 38.000 tạm trú trong các khách sạn rẻ tiền, 85.000 người cư trú trong lều vải, trong mobile home(5) và 411.000 người ở trọ nhà người quen). Thêm vào đó là 2.778.000 người phải cư trú trong những điều kiện khổ cực, như trong lều, trong xe ngủ, trong khách sạn tồi tàn hay trong những nơi cư trú xuống cấp nặng nề, và 86.612 người dân du mục sống trong xe ngủ.
Bản tường trình cũng nêu lên các dữ liệu khác như trường hợp của 494.800 gia đình (gồm 1.252.000 người), đã không trả nổi tiền thuê nhà, cộng thêm 70.000 gia đình (gồm 565.000 người) thiếu tiền để trả tiền điện nước hay tiền nợ, và 90.962 người cư trú trong tình trạng “occupant” (chiếm hữu) dù đã bị Tòa án xử đuổi nhà.
Trước đây, những người vô gia cư có trợ cấp dưới 634 euro một tháng được săn sóc sức khỏe miễn phí, nhưng đầu năm 2011 chính phủ Fillon ra luật mới, bắt mỗi người vô gia cư phải đóng 30 euro một năm thì mới được săn sóc sức khỏe bởi Aide Médicale d’État (AME).
Ngày 2/11/2011, một phụ nữ vô gia cư đã sinh ra một đứa bé gái trong chiếc lều cắm trên đường rue de l’Observatoire thuộc quận 14 Paris, người cha cắt rốn, nhưng sau đó người mẹ bồng con chạy ra đường kêu cứu, khi xe cứu thương đến nơi thì đứa bé đã chết, một sự kiện làm cho dư luận bàng hoàng, bất mãn thêm trước một Paris xa hoa lộng lẫy(6).
Làn sóng Occupy Wall Street (OWS) xuất phát từ ngày 17/9/2011 tại vườn Zuccotti, New York, Mỹ của khoảng 1.000 người chống đối lại sức đàn áp của thế lực tài chính, lên án các thế lực tài chính đã tiêu hủy công ăn việc làm, tịch thu nhà cửa, hủy bỏ sự tái phân phối các trợ cấp xã hội, tiếp tục đánh bạc trên thị trường tài chính và thu lợi nhuận để phân phát cho giới chủ đầu tư, chủ ngân hàng và các chính trị gia, đã lan rộng trên lãnh thổ Hoa Kỳ sau đó và lan sang nhiều nước trên thế giới.
Năm 2012 sẽ có nhiều cuộc bầu cử quan trọng. Hãy chờ xem, sự phẫn nộ của thành phần những người cùng khổ sẽ đưa đến đâu.
Tháng 1/2012
 AMANDINE VŨ OANH (Đức)


(1)
Montreuil-sur-Mer hiện nay thuộc về vùng hành chánh Pas-de-Calais.
(2)
Trích Jean François Kahn và Pierre Brocheux trong “Les grandes rebellions”, Marianne Hors-serie Histoire, Paris 8-9.2008.
(3)
BAGW : chữ viết tắt của Bundesarbeitsgemeinschaft Wohnungslosenhilfe, Mitglied der Nationalen Armutskonferenz (nak), tạm dịch là Liên hội cứu trợ người vô gia cư, thành viên của Hội thảo quốc gia về  Nghèo khó.
(4)
Xem bài viết Chính sách cải tổ trợ cấp lao động Hartz IV và ai sẽ thắng cử vào tháng chín 2005 tại Cộng hòa Liên bang Đức của Mathilde Tuyet Tran, 2005, tại http://www.tuyettran.de/index.php?id=237
(5)
Xe dùng làm nhà ở, nhà lưu động.
(6)
Tin của báo Le Parisien, ngày 2/11/2011

No comments:

Post a Comment