.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, February 23, 2012

“MỚI THÔI… MÀ ĐÃ MỘT ĐỜI” VÀ CHUYỆN NHẠC SĨ PHÚ QUANG ĐÃ KHẤN GÌ TRƯỚC NGÔI MỘ CỦA LÊ DUNG?

Đang tiếp tục ở trên đỉnh cao của cuộc đời và sự nghiệp, nhạc sĩ lại thấy da diết xót xa với những tâm sự từ gần bốn mươi năm trước: “Anh bỗng thấy thân phận mình bé nhỏ, suốt nửa cuộc đời không viết nổi bản tình ca…”.
Nhạc sĩ Phú Quang
Xuân Nhâm Thìn 2012, cuộc gặp gỡ (diễn ra trong hai đêm liền, mùng 1 và 2/2) đã trở thành thông lệ từ nhiều năm nay của nhạc sĩ “Em ơi Hà Nội phố” với khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn mang một tiêu đề rất giản dị “Cho Em và cho Anh”. Bên cạnh những tác phẩm mà nhiều bài đã trở thành quen thuộc của tác giả chương trình, tại đây đã vang lên cả những giai điệu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tham gia chương trình có nhiều ca sĩ quen thuộc như NSƯT Quang Lý, Ngọc Anh, Tấn Minh, Mỹ Tâm, Tam ca Con gái…
Thế nhưng, một trong những tiết mục để lại nhiều nỗi niềm nhất lại là ca khúc “Chuyện bình thường số 1” do chính Phú Quang vừa tự đệm đàn piano vừa hát. Đang tiếp tục ở trên đỉnh cao của cuộc đời và sự nghiệp, nhạc sĩ lại thấy da diết xót xa với những tâm sự từ gần bốn mươi năm trước: “Anh bỗng thấy thân phận mình bé nhỏ, suốt nửa cuộc đời không viết nổi bản tình ca…”.
Nhạc sĩ Phú Quang đã có lần thổ lộ với người viết bài này rằng, người đời cứ đánh giá thế này thế nọ nhưng bây giờ tôi nhìn lại thì tôi thấy, nếu như mình có được thành công thì đó chẳng qua là do mình lao động cần cù. Đúng thật, người đích thực tài năng không bao giờ nệ vào những gì thiên phú. Dĩ nhiên, viết nhạc không phải là phát minh ra bóng đèn nhưng Edison vĩnh viễn đúng khi nói về tỉ lệ 1% trí thông minh và 99% mồ hôi…
Với Phú Quang, các tác phẩm không chỉ là âm nhạc mà còn là chính những trải nghiệm rất nhiều khi đắng đót, có lẽ chủ yếu là đắng đót, mà anh đã từng nếm trải trong đời. Anh là người từng phải bỏ mảnh đất Hà Nội thân thương từ tấm bé, hát khúc “hành phương Nam” với hy vọng sẽ thoát được khỏi những trì trệ, ngưng đọng để tìm ra dòng chảy mới cho chính cuộc sống và sáng tạo của mình. Nhưng trong những năm đầu ở Sài Gòn, đã không ít lần Phú Quang phải tự hỏi mình rằng, ta làm thế có là vội vã hay không? Thậm chí đã có không ít lần anh đã định “hồi hương”: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ,/ Tôi vội vã trở về,/ Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm, trên đường phố quen/ Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ…”. Thế nhưng, bằng bản lĩnh rất lớn của mình, anh đã vượt qua không ít trở ngại đối với một nhạc sĩ Bắc Hà vào nhập cuộc ở Sài Gòn để vẫn bảo toàn được cá tính rất riêng biệt của mình mà vẫn thành công. 
Anh tâm sự: “Sau những bỡ ngỡ ban đầu, dần dà tôi cũng thấy quen với Sài Gòn và hiểu ra một điều là: Sài Gòn có cái dễ thương khác mà Hà Nội không có. Và vấn đề là, con người đã sinh ra cuộc đời này thì phải chiến đấu thôi, muốn tồn tại thì phải chiến đấu thôi, không bằng cách này thì bằng cách khác. Và chả ở đâu có thể tìm được một chỗ, một cái gì mình bao giờ cũng hài lòng cả…”. Phú Quang cũng là người đã trải qua bao nhiêu giông tố của tình yêu nghệ sĩ, những phút đầy sung mãn kiêu hãnh, nhưng cũng không ít khi phải một mình độc ẩm trong đêm, cố mãi vẫn không ngăn được giọt nước mắt giận dữ của một trái tim nam nhi bị tổn thương, xúc phạm đến tột cùng.
Và cũng để rồi khi gặp những câu thơ thực ra là rất giản dị của Hồng Thanh Quang “Mẹ/ Người đàn bà đầu tiên/ Người đàn bà sau cuối/ Không bao giờ phản bội/ Ngay cả nếu ta bao lần ngu dại/ Vì ai/ Còn mãi với ta chăng mơ ước một ban mai/ Uống giọt nước mắt đêm/ Hạt sương vương trên cỏ/ Ta lại một lần/ Bé nhỏ/ Trong vòng tay mẹ trẻ trung…”, anh đã nối lời và viết nên được ca khúc rất tuyệt vời Mẹ mà chính tôi chứng kiến, trong đêm “Cho Em và cho Anh”, khi ca sĩ Ngọc Anh cất lời lên trong nước mắt, cả khán phòng cũng đều rơi nước mắt…
Những mất mát riêng tư trong quá khứ đã giúp Phú Quang nâng niu trân trọng hơn những gì anh đang sở hữu, có chăng chỉ đôi khi vân vi tự hỏi mình: “Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế?/ Phía cuối con đường anh kịp nhận ra em./ Em ào tới chợt xôn xao lá đổ/ Xóa cô đơn lạnh giá bên thềm…”.
Là nghệ sĩ, nhưng anh cũng là một con người rất có ý chí thép, rất tỉnh táo và sắc sảo trong mọi rối lẫn của trường đời. Ngay cả cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh cách đây gần chục năm cũng không thể bẻ gãy được tình yêu cuộc sống ở trong lòng tác giả Khúc mùa thu (cũng phổ thơ của Hồng Thanh Quang), để đến hôm nay mỗi lần anh tấu lên những giai điệu của ca khúc quen thuộc này trên đàn piano thì ca sĩ nào cũng có thể làm cho người nghe cùng thăng hoa tới nghẹt thở: “Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc,/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em./ Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc,/ Còn điều chi em mải miết đi tìm…”. Trong hai đêm “Cho Em và cho Anh”, Ngọc Anh đã thể hiện rất thành công ca khúc này và như thường lệ, đêm nào cũng phải hát lại tới ba lần trong tiếng vỗ tay không muốn dứt của khán giả…
Trong mắt đại bộ phận xã hội, nhạc sĩ Phú Quang hôm nay là một hình mẫu của sự thành đạt cả trong nghệ thuật lẫn trong đời thường. Tôi đã từng nghe từ không ít đồng nghiệp của anh câu ca ngợi rất trầm trồ nhưng thực ra không khỏi nhuốm màu “tị nạnh”: “Phú Quang là nhạc sĩ rất biết tự “bán” mình!”. Anh là người có thể làm từ A tới Z tất cả các công đoạn truyền bá những gì mà anh đã sáng tác: có thể tự phối âm phối khí, có thể tự tổ chức thu băng thu đĩa, có thể tự tổ chức chương trình độc diễn hoành tráng (mà chương trình nào cũng giá vé rất đắt mà vẫn đông nghịt người!)… Thậm chí anh có thể tự trả nhuận bút cho các đồng tác giả mà chẳng cần phải qua bất cứ một cơ quan trung gian nào… Anh tử tế nhưng không dễ dãi, thậm chí rất nguyên tắc… Và rất tự biết giá trị của cá nhân anh nên không bao giờ cho phép ai hạ giá mình…
Trong giai đoạn hiện nay, ngay đời tư của anh cũng có vẻ như rất ổn: một người vợ trẻ, đằm thắm, yêu anh nhất mực; một ngôi nhà tuy không lớn lắm so với tên tuổi của anh, nhưng rất đẹp và ấm cúng… Dường như sau nhiều thử thách và sóng gió của số phận, Phú Quang đã cập được bến bờ hạnh phúc… Thế nhưng, xuân Nhâm Thìn này, khi gặp anh, trò chuyện cùng anh, nghe những lời bộc bạch hào sảng mà không ít điều cũng đã trở thành quen thuộc với tôi, không hiểu sao tôi vẫn mơ hồ cảm thấy có điều gì đó còn chưa chịu trầm tích yên ổn trong trái tim nghệ sĩ luôn đầy cảm xúc và xốn trộn của anh…
Cứ như thể tôi đang được chứng kiến khoảng vắng lặng của trùng dương trước khi lại bắt đầu bùng lên một đợt sóng thăng hoa, hứa hẹn những điều có thể là bất ngờ trong ca khúc của Phú Quang. Khi người nhạc sĩ đã ở tuổi ngoại lục thập hát lại lời tâm sự cũ như trong Chuyện bình thường số một thì có lẽ là chính anh cũng hiểu mình cần phải lại bắt đầu một hành trình sáng tạo mới… Ai đó như nhà thơ Nga lừng danh Evgueni Evtushenko từng viết, đại ý, những đau khổ vật chất thì có thể xóa bỏ được, nhưng hãy tiếp tục bắt chúng tôi phải trải qua những khổ đau sáng tạo… Có thể trên phương diện đời thường, mọi sự đang yên ổn với Phú Quang nhưng trong âm nhạc, trái tim anh lại bắt đầu xối lên những tìm tòi chắc chắn không thể chỉ là êm dịu…
Đúng ngày rằm tháng Giêng, tôi đã được nhạc sĩ Phú Quang rủ đi cùng vợ anh và một số bạn bè thân thiết lên nghĩa trang Thanh Tước viếng mộ cố NSND Lê Dung, người mà anh đã luôn coi như một cô em gái, đã có rất nhiều gắn bó và giúp đỡ nhau trong nghề. Anh biết Lê Dung từ lúc người nữ ca sĩ này còn chân ướt chân ráo bước vào làng ca nhạc Hà thành. Anh đã là người hiểu và có những hỗ trợ quan trọng đối với Lê Dung trên con đường nghệ thuật bằng những tuyệt phẩm của anh. Và Lê Dung cũng là người đã hát rất đạt một số ca khúc của Phú Quang, như Khúc mùa thu, Chiều phủ Tây Hồ (thơ Thái Thăng Long), Nỗi nhớ mùa đông (phỏng thơ Thảo Phương)… 
Phú Quang đã mang lên Thanh Tước CD mới nhất mà anh sản xuất Mới thôi… Mà đã một đời, một xuất phẩm âm nhạc mà anh rất ưng ý, tập hợp một số những ca khúc thành công nhất của anh, qua sự thể hiện của những ca sĩ hát nhạc Phú Quang thành công nhất, được thu ở những thời điểm mà họ đã hát hay nhất những tác phẩm này.
Theo lời Phú Quang, anh làm album này “như một lời cảm ơn đến những người nghệ sĩ, ca sĩ đã từng đến với âm nhạc của tôi. Dù bây giờ có người đã về bên kia thế giới này, có những người đã “rửa tay gác kiếm”, có những người vẫn đang chơi đàn, đang hát cho cuộc đời nhưng đã từng hát đến đỉnh cao bài hát mà mình đã viết”. Trong CD Mới thôi… Mà đã một đời có hai ca khúc mà Lê Dung thể hiện, bài Khúc mùa thu và bài Nỗi nhớ mùa đông. Tôi không rõ Phú Quang đã khấn gì trước ngôi mộ của Lê Dung, nhưng tôi thấy đôi mắt anh ngân ngấn nước khi hóa vàng CD Mới thôi… Mà đã một đời. Nhìn những vòng khói mờ ảo bay lên đầy ý niệm, anh nói với mọi người: “Nếu thực sự có tâm linh thì hôm nay hẳn Lê Dung sẽ rất vui, vì lên với mộ của Dung toàn là những người yêu quý Dung hết mực…”.
Tình yêu theo đúng nghĩa của nó không chỉ là gặp gỡ; đôi khi để gìn giữ tình yêu đã có, ta cần phải chia tay. Lại nhớ một câu trong ca khúc của Phú Quang: “Và ta biết một điều thật giản dị,/ Càng xa em, ta càng thấy yêu em…”. Đúng là “cuộc đời vẫn thế”, “hội ngộ rồi chia ly”. Nhưng cũng như câu thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang đã viết: “Thế kỷ mới cần những con người mới/ Ta chỉ còn khi vẫn nhớ về nhau…”.
 Xử Nữ
(ANTG)

No comments:

Post a Comment