.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, February 15, 2012

HOÀI NIỆM THẤT CẦM: ÂM THANH QUYẾN RŨ, KỲ ẢO CỦA CÂY ĐÀN 6 DÂY


Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhưng ở đâu đó, góc phố hay trong một căn phòng, tiếng guitare cổ điển vẫn réo rắt, trầm bổng cuốn hút bao tầng lớp thanh niên, trí thức. Một loại hình nghệ thuật tưởng chừng chỉ xuất hiện ở những khán phòng sang trọng đã được các nghệ sĩ Hà thành đưa đến gần gũi với công chúng hơn. Để rồi tiếng đàn ấy, ngón đàn ấy đã theo chân không ít người trai Hà Nội lên đường ra mặt trận, chiến đấu vì độc lập tự do cho Tổ Quốc.
.
.


Thất Cầm giờ chỉ còn Tứ: (từ trái sang) Phạm Văn Phúc, Nguyễn Tỵ, Vũ Bảo Lâm, Quang Tôn

Thực ra từ trước khi có nhóm Thất Cầm, ở Hà Nội cũng đã có những cao thủ guitare, cả đệm hát và cổ điển, như nhạc sĩ Hoàng Giác, Nguyễn Thiện Tơ, Tạ Tấn… Nhưng phải đến khi Thất Cầm xuất hiện, phong trào guitare cổ điển Hà Nội mới thực sự được khuấy động. Người ta thấy thật sự ấn tượng với 7 chàng thanh niên tràn trề nhựa sống, căng đầy nhiệt huyết cùng tiếng đàn mê hoặc say đắm. Đó là những Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Phạm Văn Phúc.
Những đêm ở Câu lạc bộ Đoàn Kết, ở quán nhạc sĩ 58 Trần Hưng Đạo và đặc biệt là 3 buổi diễn để đời ở rạp Công Nhân, Thất Cầm đã đem lại một cách nhìn khác hẳn của người dân Thủ đô trước một hiện thực còn đầy rẫy những khó khăn. Không chỉ thời bình, mà ngay trong thời chiến, không phải chỉ lúc no, mà kể cả khi cái ăn còn thiếu thốn, thì nghệ thuật đích thực lúc nào cũng là món ăn tinh thần không thể nào thiếu.
Đến với cây đàn guitare theo mỗi cách khác nhau, nhưng tất cả đều chung một điểm là say đắm âm thanh quyến rũ kỳ ảo của cây đàn 6 dây ấy. Hải Thoại và Đặng Quang Khôi nguyên là dân chơi violin. Đỗ Trường Giang đánh mandolin rất tuyệt. Vũ Bảo Lâm nguyên là một anh cán bộ thiết kế, quy hoạch và là một cao thủ bóng bàn, đã từng hạ cả danh thủ gốc Hoa lúc bấy giờ là Quách Tắc Xèng. Quang Tôn là cán bộ biên tập của Ban thư ký Báo Hà Nội Mới. Nguyễn Tỵ là con nhà võ chính gốc, đích tử của Trưởng môn phái Nam Hồng Sơn…
Dưới thời bom đạn khó khăn ấy, đến cái ăn còn khó, dễ đâu có được tài liệu, sách vở để mà tập luyện. Hễ nghe đâu có người mới đi nước ngoài về có tập sách nhạc mới, hoặc đĩa nhạc guitare cổ điển mới là họ lại tìm đến xin được tham khảo. Có những bản nhạc hay nhưng chỉ mượn được đĩa than, cả nhóm lại tụ bạ nhau lại cùng nghe để ghi chép ra giấy.
Cho đến giờ, những người trong nhóm vẫn còn nhắc nhau về khả năng "bắt băng" cực siêu của Đỗ Trường Giang. Đỗ Trường Giang và Nguyễn Tỵ là bạn học cùng Đệ Tam (tương đương với lớp 11 bây giờ) ở trường Hoàng Hữu Nam. Ông Giang giỏi chơi mandolin,  rất năng khiếu và có khả năng học loại nhạc cụ khác rất nhanh. Khi còn học Đại học Bách Khoa (ông là sinh viên khóa đầu, học được 2 năm rồi bỏ dở), đi chơi thấy người ta kéo accordion hay quá, cũng ra hiệu đàn Đức Thịnh trên phố Hàng Bông mua một cái về tập. Ngày đầu tiên chưa biết gì, còn cầm ngược bên xăng - bên bass. Thế mà chỉ một tuần sau, đã thấy ông lên đệm hát ở trường rồi.
Lại nói khi ấy, nhóm có kiếm được đĩa bản Caprichio của Antonio Sinopoli. Mỗi lần "bắt băng", cả nhóm thường tụ tập nhau lại, một người đứng bên máy hát, dùng tay nhấc kim ra khỏi đĩa sau mỗi câu nhạc để tất cả cùng nghe, cùng phân tích và chép lại. Hôm ấy, như thường lệ, cả nhóm lại mang đĩa lên nhờ quán cà phê Yến ở phố Hàng Chiếu (chẳng nhà ai có máy hát cả). Mọi người quay ra uống cà phê, một lúc sau quay vào đã thấy ông Giang ghi xong bản nhạc đó rồi. Đến bây giờ bản chép tay ấy của Đỗ Trường Giang ông Phạm Văn Phúc vẫn giữ, và so với bản in chính thức sau này có được, chỉ sai vài chỗ…
Nghệ sĩ guitare Hải Thoại cũng là một người tài danh. Sinh thời cố nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nói về Hải Thoại là một người "tài hoa với tiếng đàn trời cho". Ông Hải Thoại cũng là người chơi được nhiều loại nhạc cụ nhất. Ngoài guitare là chính, thì trước đó ông tập violin rất bài bản. Ông chơi được cả mandolin, đàn balalaika, đàn tranh, đàn nguyệt và đã có thời gian hát trong dàn đồng ca của Đài tiếng nói Việt Nam.
Cũng bởi có căn bản âm nhạc rất tuyệt như thế nên ngay từ thời điểm ấy, những tác phẩm chuyển soạn cho guitare của ông như "Bài ca hy vọng" hay "Lới lơ" đã sớm trở thành kinh điển đối với các lớp học trò guitare sau này. Về sau, khi chính thức vào giảng dạy tại Khoa guitare của Nhạc viện Hà Nội, ông cũng đào tạo ra nhiều lứa học trò xuất sắc. Trong đó phải kể đến "người học trò xuất sắc nhất của cả đời ông" chính là nghệ sĩ Quang Vinh, con trai ông.
Mới đây, nghệ sĩ Quang Vinh đã được ghi danh trong cuốn kỷ yếu của Nhà hát lớn Hà Nội với sự kiện là người đầu tiên biểu diễn guitare cổ điển không dùng micro và các thiết bị tăng âm trong nhà hát. Điều này thêm một lần nữa khẳng định cây đàn guitare hoàn toàn có vai trò một nhạc cụ thính phòng trong dàn nhạc.
Trong số 7 người, thì Đặng Quang Khôi có điều kiện tiếp xúc với sách vở, tài liệu nước ngoài nhất, đặc biệt là tài liệu âm nhạc của Liên Xô lúc bấy giờ. Cho đến nay, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm vẫn thi thoảng lôi ra khoe tấm hình của bạn gửi về tặng cho nhóm, trong đó chụp lại một buổi học đàn của Đặng Quang Khôi với nghệ sĩ công huân Liên Xô Ivanov Kramskoi, như một bằng chứng cho những nỗ lực "tầm sư học đạo" của các thành viên trong nhóm.
Cũng nhờ Đặng Quang Khôi mà thời điểm ấy, nhóm Thất Cầm mới biết được rằng kỹ thuật tremolo người ta chỉ đánh trên một đàn, chứ không phải một người vê bằng móng, một người tỉa bè đệm như vẫn tưởng trước đây...
Lớp dạy guitare cổ điển của lão nghệ sĩ Phạm Văn Phúc vẫn thường xuyên mở cửa, trên căn phòng nhỏ tầng 4 của một căn ngõ nhỏ không kém. Thương hiệu thuốc gia truyền Lý Sáng của nhà ông do em ông tiếp quản. Ông thì vẫn chỉ mê đàn. Trong số 7 anh em, tính ra chỉ có Phạm Văn Phúc và Hải Thoại là hai guitarist hoàn toàn. Nghĩa là chỉ sống bằng nghề đàn và dạy đàn.
Hải Thoại cũng từng có thời là sinh viên trường Dược, nhưng rồi cũng bỏ ngang. Riêng nghệ sĩ Phạm Văn Phúc thì còn đặc biệt hơn, bởi vì hoàn cảnh gia đình, một mình ông phải nuôi 5 đứa con. Thế nên có những thời điểm, người ta thấy guitarist Phạm Văn Phúc sẵn sàng nhận đi biểu diễn ở bất cứ đâu… Bây giờ, thi thoảng ngồi gợi lại chuyện cũ, lão nghệ sĩ chỉ cười, không nói.
Trong nhóm Thất Cầm, tiếng đàn của lão nghệ sĩ Phạm Văn Phúc được đánh giá là đa dạng, chơi được nhiều thể loại, nhấn nhá xử lý câu cú rất tuyệt. Lão nghệ sĩ tâm sự rằng ngoài kiến thức âm nhạc và kỹ thuật ra, người nghệ sĩ nên có vốn hiểu biết nhất định về văn hóa của nơi sinh ra khúc nhạc đó thì mới thể hiện tốt được. Ông bảo, có những buổi đi đến hội quán, thấy nhiều tay guitare trẻ, chơi nghiệp dư thôi mà biểu diễn những bài dài 10 đến 15 phút không chết nốt nào, kính nể luôn. Nhưng từ đầu buổi đến cuối buổi, đứng dậy ra về là hết, chẳng đọng lại được gì…
Có lần, có một tay đàn miền Nam ra, cũng như thế, đánh kinh lắm. Lúc sau, ra ngồi nói chuyện, ông Phúc mới hỏi cậu đánh mấy tổ khúc dân gian "nuột" đấy. Nhưng đã chơi thế này, thì có biết Kiều đánh đàn thế nào không? Cậu thanh niên kia còn đang ớ người ra thì ông Phúc lảy luôn: Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. Ấy là đánh một khúc đàn nó phải có trầm, có bổng, có to, có nhỏ, mà trầm phải ra trầm, bổng cũng phải ra bổng chứ không phải đơn giản chỉ dây to, dây nhỏ là xong. Người học nghệ muốn được gọi là tinh thông, phải đạt được thế.
Lão nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm đợt này đang bận làm một cuốn sách, nghe đâu là về lịch sử guitare cổ điển của Hà Nội. Ông Lâm là người được đánh giá là có phương pháp sư phạm tốt nhất, và cũng là người có nhiều học trò guitare thành đạt nhất. Ông bảo ông có khả năng ấy một phần nhờ thời gian đi làm chuyên gia âm nhạc ở Công-gô.
Là người làm thiết kế, có khả năng hội họa, hình khối, không ít lần ông đã phải vận dụng những kiến thức ấy vào để giải thích cặn kẽ cho học sinh thế nào là khúc thức trong âm nhạc. Có những học sinh rất mê đàn, nhưng đến với ông ngay buổi đầu ông đã nói ngay em này chỉ có thể học để xóa mù nhạc chứ không thể tiến xa được.
Trái lại, có những học sinh bị lớp khác thải ra, đưa sang ông, ông lại nhận ngay bởi cho rằng đó là những em có cá tính. Đi vào con đường nghệ thuật, cá tính sẽ giúp cho nghệ sĩ không bị chìm dưới bóng người khác. Điều quan trọng là phải biết khơi gợi cái cá tính trong con người ấy lên. Đôi khi trong âm nhạc, nốt lặng lại rất đắt! Cũng như cá tính của con người, không phải lúc nào cũng lộ ra nhưng xuất hiện đúng lúc thì không lẫn vào đâu được.
Bị căn bệnh quái ác làm hỏng đôi bàn tay, lão nghệ sĩ Quang Tôn đã từ lâu không chơi đàn được như thường nữa. Trái gió trở giời, các khớp ngón tay cứ nhức buốt. Ông Quang Tôn là người cực kỳ chăm tập đàn. Hồi còn công tác ở Báo Hà Nội Mới, ông toàn xin đi trông in báo đêm rồi vác đàn vào tập. Trong xưởng in máy chạy ầm ầm, thêm tiếng đàn nữa chẳng nhằm nhò gì, tập thoải mái. Về sau, có những đêm ở nhà, thèm tập quá ông lấy cái khăn mùi soa đút xuống dưới ngựa đàn, tiếng đàn vẫn phát ra nhưng chỉ pực pực, xung quanh không nghe thấy…
Ông Tôn là người rất kỹ với tiếng đàn, và cũng nổi tiếng với những bản nhạc của F. Sor và V. Lobos. Ông bảo, trong tiếng đàn phải bao gồm cả lý trí và tình cảm. Tình trong tiếng đàn thì rõ rồi. Nhưng còn lý trí, thì cũng giống như con người ta yêu mà yêu quá, thì dễ dẫn đến mù quáng. Phải có cái lý trí nó kìm lại, thì bên ngoài người ta mới cảm hết được cái tình của mình ở trong đấy.
Trong số Thất Cầm hiện tại, lão nghệ sĩ - võ sư Nguyễn Tỵ có lẽ là người được hưởng một cuộc sống dễ chịu nhất. Cả nghiệp võ lẫn nghiệp đàn của ông đều đạt ở mức có thể gọi là thượng thừa. Tuy thế, ông bảo võ và đàn có nhiều điểm chung. Ví dụ như một cú đấm hay ngón gẩy đàn, tuy khác nhau về hình thức nhưng lại chung nhau một kiểu ra lực. Nhìn cánh tay đấm không có lực, hoặc lực phát ra ngay từ đầu để rồi đến đích thì chới với biết ngay là người mới tập võ. Gảy đàn cũng vậy thôi.
Hay như về phương pháp cũng vậy. Tập đàn phải từ dễ đến khó, từ ngón chụm đến ngón choãi. Tập đấm mà cứ đấm bừa, căng lực trên tay là sai. Một cú đấm đầy uy lực phải là lực căng cơ dưới đường dải âm từ Cực Tuyền ra Thái Xung. Như thế để thấy, dù là âm nhạc, hội họa, hay võ thuật đều có sự liên đới, bởi nó đều xuất phát từ nhân tố chính: Con người.
Thất Cầm bây giờ đã là dĩ vãng. Hải Thoại và Đỗ Trường Giang đã thành người thiên cổ. Đặng Quang Khôi ra nước ngoài đã lâu, cũng mất dấu. Những người còn lại, đều đã ở cái tuổi cổ lai hy, bằng tài năng, sự từng trải và quan điểm nghệ thuật của mình, vẫn đang tiếp tục truyền cho các lớp thế hệ trẻ tình yêu với cây đàn guitare vĩnh cửu. Họ đã cùng nhau có một thời trai trẻ để đời, bởi vậy mọi sự so bì đến giờ này đều trở nên vô nghĩa.
Thất Cầm, không chỉ là nghệ danh, mà như một biểu tượng cho cả một lớp người tài hoa chọn nơi đất lành Hà Nội, với ý chí nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, sống và cháy hết mình để ghi danh với đời.
Việt Ba

No comments:

Post a Comment